Những nẻo đường đất nước
Đặc điểm địa văn hóa Đức Thọ với hát ví sông La
15:15 | 16/06/2014

Hát ví Sông La (tên gọi một làn điệu ví của Xứ Nghệ; cũng có thể hiểu là điệu ví ở sông La) tham luận này đề cập giới hạn những điệu ví ra đời, tồn tạị, phát triển ở vùng sông La, miền Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc điểm địa văn hóa Đức Thọ với hát ví sông La

Trên cơ sở đó, xem xét những đặc điểm địa – văn hóa liên quan, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình tồn tại, phát triển của hát ví Sông La, trong đó lấy vùng đất hai bên bờ sông La làm trung tâm, không có sự phân tách rạch ròi về giới hạn địa lý, cọng đồng dân cư và tiến trình lịch sử giữa vùng đất này với các vùng miền khác thuộc huyện Đức Thọ .

1/. Đặc điểm địa lý:  Vùng đất dọc hai bờ Sông La tính từ xã Ngã ba Tam Soa (Linh Cảm) đến Đò Hào (nơi gặp Sông Lam) gồm 13 xã (trên 28 xã của Huyên Đức Thọ): Tùng Ảnh, Thị trấn Đức Thọ, Đức Yên, Bùi Xá, Đức Nhân, Yên Hồ, Đức La, Đức Quang, Đức Vĩnh, Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu . Vùng đất này nằm phiá Bắc Huyện Đức Thọ, ở 18, 35 vĩ độ Bắc, 105, 38- 105,45 độ kinh đông.

Xét về các mối quan hệ, sự tác động và sự tương quan về lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội, Đức Thọ nằm vào khu vực trung tâm của Xứ Nghệ. Xét về truyền thống văn hóa, về các sự kiện lịch sử trong tiến trình lịch sử Đức Thọ, có thể khảng định vùng đất ven Sông La là trung tâm của huyện Đức Thọ.

Vùng đất này có một không gian, một cảnh quan địa lý riêng biệt, là châu thổ Sông La, Sông Lam. Ngoài Sông La là trung tâm hội tụ Sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu còn có Sông Minh, Sông Trúc và rất nhiều ngòi, hói chằng chịt nuôi dưỡng sự màu mỡ cho mảnh đất này. Đây cũng là nơi có những cánh đồng, nương bãi trù phú, những dãy núi nổi tiếng như Thiên Nhẫn, Trà Sơn, Tùng Lĩnh, thuận lợi cho sự hình thành và ổn định cho phát triển nông nghiệp (với các giống cây trồng đa dạng); chăn nuôi (với các loài gia súc, gia cầm phong phú) ; thương nghiệp (các phường buôn đường bộ, đường sông); thủ công nghiệp (các làng nghề  truyền thống), văn nghệ dân gian, lễ hội, mỹ thuật truyền thống, ẩm thực... (với bản sắc văn hoá và môi trường nhân văn riêng).

 Cảnh quan địa lý, điều kiện tự nhiên có tính ưu việt này đã tạo nên quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa dân tộc và khu vực sớm, cùng với các thành tố văn hóa địa phương, đã tạo nên tiền đề để vùng đất này sớm tụ cư và phát triển, sáng tạo nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa , xã hội.

2/. Đặc điểm lịch sử : Trong suốt trường kỳ lịch sử miền đất này đã mười lầnthay đổi tên gọi của mình. Mãi đến thời Minh Mệnh thứ 3 (1822) vùng đất này có tên Đức thọ. Sông La và vùng đất dọc hai bờ Sông La nằm trong huyện Đức Thọ từ ấy đến nay.

Là trung tâm của Xứ Nghệ với Sông Lam, Sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, núi Thiên Nhẫn, Trà Sơn, Hồng Lĩnh, Đức Thọ có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Trong quá trình chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc, bảo vệ và mở mang bờ cõi, vùng đất này không chỉ là phên dậu mà còn là đất “ tiến”,  bàn đạp tiến công của của nhà nước Đại Việt.            

Thời thuộc Tấn (265-420), đến thời thuộc Lương, thuộc Tùy (T.KV-TKVI), vùng đất này là nơi đóng quận lỵ của quận Cửu Đức. Năm 1409, Trần Quý Khoáng đặt dinh ở bờ nam Sông La, xây lũy dọc bờ sông La để chống giặc Minh.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã chọn vùng đất ven Sông La để đứng chân, phản công và giành thắng lợi, giải phóng đất nước, lập nên triều Lê. Núi Tùng Lĩnh, phía Nam Sông La là tiền đồn, núi Thiên Nhẫn, phía bắc Sông La là đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi.

Bước sang thời hậu kỳ trung đại mảnh đất Đức Thọ nói chung và vùng đất ven Sông La nói riêng, đã chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, quân sự quan trọng. Trong cuộc chiến phân tranh Đàng trong, Đàng ngoài, đất này là vùng đệm chiến lược của tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh       

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này là địa bàn, giai đoạn đầu là trung tâm của phong trào Cần Vương nổi tiếng. Sau thất bại của phong trào Cần Vương nơi đây là địa bàn quan trọng của các hoạt động yêu nước và cách mạng, từ phong trào Duy Tân - Đông Du, chống sưu thuế (1908), Hội Phục Việt, Tân Việt cách mạng Đảng, Xô viết Nghệ Tĩnh đến cách mạng giành chính quyền 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sông La trở thành huyết mạch giao thông, cùng với đường bộ 8A, phà Linh Cảm- ngã ba sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và Sông La, diểm chốt trên núi Tùng Lĩnh, núi Thiên Nhẫn...  góp phần quan trọng cho thắng lợi chung của dân tộc.

Những đặc điểm lịch sử nói trên đã tạo nên tính cách, phẩm giá con người ven sông La- chủ thể sáng tạo nên những câu ví đầy bản sắc văn hóa chứa đựng cốt cách con người Đức Thọ.

3/ Đặc điểm văn hóa: 

3.1. Dân cư: Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nhiều tài liệu lịch sử khác về “xưởng chế tác đá  Rú dầu” ở Đức Thọ, có thể khảng định, cách đây 4000-5000 năm có người nguyên thủy cư trú ở miền đất này. 

 Xét cảnh quan địa lý, điều kiện tự nhiên và căn cứ vào chứng cứ lịch sử, có thể thấy rằng, cộng đồng cư dân ven sông La bắt đầu từ trên các đồi núi tiến xuống để khai phá miền đất màu mỡ ven sông, kênh rạch và ao hồ. Họ đánh bắt cá, trồng lúa, trồng rau trên các bãi sông, rồi trồng lúa trên các chân ruộng thấp. Có thể đấy là lớp người thời đại Hùng Vương, thời Văn Lang- Âu Lạc. Một yếu tố quan trong khác để hình thành và ổn định cộng đồng cư dân dọc hai bờ sông La là quá trình thiên di để cộng cư và tụ cư từ sau Công nguyên; đặc biệt là sau khi thoát khỏi thời Bắc thuộc. Nhiều xã, nhiều dòng họ lớn ven Sông La có nguồn gốc dân thiên di. Đáng quan tâm là vùng đất phía cuối sông La là nơi dân nhiều nơi tụ cư về; đặc biệt là người Hoa đã từng làm nên phố Phù Thạch một thời sầm uất.

Đặc điểm này đã tạo nên sự giao thoa văn hóa miền Đức Thọ với các vùng, miền khác; đặc biệt là văn hóa Bắc Bộ, ảnh hưởng tới sự hình thành tính cách con người. Ngoài tính cách yêu nước, thông minh, cần cù, chịu khó, hiếu học, tình nghĩa, can  trường, gan góc, khô khan... vốn có của người Xứ Nghệ, cư dân ven Sông La giàu có thêm bởi tính cách của dân Xứ Bắc kỳ mềm dẻo, phóng khoáng, hào hoa... Điều ấy làm nên sự phong phú của lời, của làn điệu hát ví  Sông La từ hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu.

Do sự thiên di, tụ cư mà cộng đồng cư dân hai bên bờ Sông La sáng tạo nên nhiều nghề thủ công làm tiền đề cho sự phát triển thương nghiệp. Ngoài rất nhiều chợ, có các phường hội: Phường buôn thuyền, Phường thủ công, phường võng, phường vàng... gắn với các làn điệu Ví đò đưa Sông La, ví đò đưa xuôi dòng, ví đò đưa nước ngược.

Miền Đức Thọ là đất học hành khoa bảng. Hoàng giáp Bùi Dương Lịch ( 1757-1827) có câu thơ: Châu Mặc thành sơn văn học đa; nghĩa là, Son Mực thành non chữ nghĩa nhiều. Đầu đời Lê, hầu hết các xã đều có các trường (lớp) sơ học. Từ đời Trần- Lê nhiều văn thần, võ tướng là nhà khoa bảng ở Thăng Long, Kinh Bắc, Hải Dương, Thanh Hoa vào đây làm quan, và một số ở lại định cư. Đức Thọ thời nào cũng có một đội ngũ đông đảo trí thức bình dân đến các nhà khoa bảng nổi danh. Và hàng trăm giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân thời hiện đại, quê ở dưới chân Tùng Lĩnh, Thiên Nhẫn bên bờ Bắc và bờ nam Sông La. Họ đã có đóng góp to lớn về nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, văn chương học thuật  không chỉ riêng cho Đức Thọ mà cho cả dân tộc. Và dĩ nhiên, sự phát triển, nét độc đáo ngữ ngôn của hát ví Sông La có sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nho sỹ nói trên.

3.2. Văn hóa vật thể và phi vật thể: Suốt chiều dài lịch sử, người dân Đức Thọ đã sáng tạo, gìn giữ, chuyển tiếp những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù bị thiên tai, địch họa tàn phá, nhưng hiện vẫn còn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc phân bổ đều trên trên  đất Đức Thọ nói chung và vùng đất ven sông La nói riêng.

- Văn hóa vật thể: Đức Thọ có tới gần 40 di tích, thuộc các loại hình: Lịch sử- văn hóa, Kiến trúc Nghệ thuật, Danh thắng, Tôn giáo. Trong số đó có 21 di tích nằm trong vùng đất ven Sông La, có mối liên hệ trực tiếp, hoặc gián tiếp với dân ca nói chung và hát ví Sông La nói riêng.  

- Văn hóa phi vật thể:

+ Làng nghề truyền thống: Chúng ta dễ dàng nhận ra hầu hết làng nghề truyền thống của Đức Thọ tập trung ở vùng đất ven Sông La: Nghề đóng thuyền, làm hến Trường Xuân, nghề dệt lụa Yên Hạ, nghề gốm Cẩm Trang, nghề kéo che ép mật Chợ Trổ, nghề làm nón  Trường Xuân, làm bún Yên Trung...

+ Lễ hội: Đức Thọ có 14 lễ hội dân gian. Số nhiều đã mất. Chưa thể xác định được những lễ hội bị mất từng tồn tại ở giai đoạn nào. Dẫu sao cũng biết được rằng, vùng đất này đã từng có những lễ hội với Lễ nghi- Biểu diễn nghệ thuật - Trò chơi và các cuộc thi tài. Và cũng có thể tin được rằng, hát ví Sông La đã từng tham gia vào nhiều lễ hội dân gian Đức Thọ.

+ Văn nghệ dân gian: Văn nghệ  dân gian Đức Thọ phong phú về loại hình, thể loại, đa diện và sâu sắc về nội dung và có bản sắc riêng do điều kiện địa lý, cảnh quan, kinh tế xã hội có tính đặc thù. Từ những tư liệu trong Báo cáo Tổng điều tra văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh của Sở VHTT Hà Tĩnh năm 2006 và các tác phẩm Dân ca Nghệ Tĩnh của Lê Hàm, Vi Phong, Địa chí dân gian Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đổng Chi, cho phép ta khảng định Đức Thọ là cái nôi văn hóa dân gian Hà Tĩnh.

Truyện kể: có truyện thần thoại, truyện truyền thuyết và truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn. Truyện dân gian trên vùng đất này đa dạng về đề tài, chủ đề sâu sắc đấy tính triết lý nhân sinh. Các loại hình dân ca đã trở thành một thành tố văn hóa đậm đà bản sắc làm giàu có đời sống văn hóa tinh thần không chỉ cho riêng đất Đức Thọ mà cho cả Hà Tĩnh: Hò, Ví, Giặm, Vè, Hát Đồng dao, Hát Nhà trò, Hát ru, Tuồng... Mỗi loại hình như vậy có nhiều làn điệu. Do đất bằng, sông dài, bến rộng, lắm chợ, lắm thuyền xuôi ngược, núi non hùng vĩ mà thơ mộng, dân ca vùng đất này có nhịp điệu khoan thai, lời đẹp, ý sâu, giàu tính trữ tình song cũng giàu tính chiến đấu.

+ Ngoài ra, truyền thống văn hóa thành văn, văn hóa bác học với những thành tựu nổi bật và những nhân vật đại diện tiêu biểu như: Đoàn Xuân Lôi, Phan Nhật Tĩnh, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Phạm Văn Ngôn, Đậu Quang Lĩnh, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Nhị...Phẩm chất, tính cách của họ, tác phẩm văn chương nghệ thuật của họ đã tác động tích cực tới sự phát huy truyền thống văn hóa quê hương và trực tiếp ảnh hưởng tới hát ví Sông La trên các phương diện âm nhạc, ca từ, không gian diễn xướng.

  Những đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa xã hội Đức Thọ vừa có tính đại đồng vừa có tính tiểu dị. Tính đại đồng tạo nên sự hòa nhập của Đức Thọ với các vùng miền khác. Tính tiểu dị tạo nên những nét riêng nổi trội của Đức Thọ. Những đặc điểm ấy làm nên các thành tố văn hóa Đức Thọ và các thành tố ấy trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới sự hình thành và phát triển của hát ví Sông La.

Tính ưu việt Địa- Văn hóa của Đức Thọ, của các xã ven hai bờ sông La, sông Lam, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã tạo nên một loại hình dân ca độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, đã, đang và sẽ là một yếu tố tạo nên sự đa dạng văn hóa, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Hát ví Sông La do con người sáng tạo ra, con người từng gắn bó và phát triển nó để  phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Vì vậy nguyên tắc tôn trọng vai trò cọng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị hát ví Sông La phải đặt lên hàng đầu.

Theo Phạm Đức Ban - TC Văn Hóa Nghệ An

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng