Những nẻo đường đất nước
Quốc mẫu Âu Cơ được nhà nước ta đề nghị đưa vào danh sách “Các nữ thần trên thế giới”
16:47 | 16/05/2008
Nhân giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 Âm lịch
Quốc mẫu Âu Cơ được nhà nước ta đề nghị đưa vào danh sách “Các nữ thần trên thế giới”
Quốc mẫu Âu Cơ


Sử sách của nước ta còn ghi lại rất rõ ràng: Thời đại Hùng Vương, nước ta là nước Văn Lang và được phân thành 15 bộ, tương đương với phạm vi cư trú của 15 bộ lạc hợp thành dân cư nước Việt cổ. Trong 15 bộ, thì bộ Văn lang là bộ gốc, là trung tâm của nước Văn Lang nằm trên hợp lưu của ba con sông: sông Thao, sông Đà và sông Lô. Lãnh thổ bộ này trải rộng ra hai bên sông Thao, sông Hồng từ dãy núi Ba Vì sang dãy núi Tam Đảo, phạm vi tương đương với tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc cộng với tỉnh Sơn Tây (cũ), một phần tỉnh Yên Bái và miền nam tỉnh Tuyên Quang. Như vậy, cách đây đúng 4880 năm, vùng đất Tổ Hùng Vương nằm gọn vào khoảng giữa bộ Văn Lang. Tục truyền, ở nơi đây, bà Âu Cơ đã sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con. (Bà Âu Cơ là con gái của Đế Lai, lấy Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương và bà Thần Long).
Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên sống trên cạn là chính, Thủy hoả khắc, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh trăm con, chung hợp thật khó vì giòng giống bất đồng khó ở lâu với nhau được”. Nói rồi chia cho Âu Cơ 50 người con, còn 50 người con theo Lạc Long Quân xuôi về phía .
Âu Cơ và 50 người con lên ở đất Phong Châu, họ tôn người con trưởng lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang (nay thuộc Bạch Hạc, Phú Thọ). Đến nay, các nhà nghiên cứu về sử học ở nước ta còn cho biết: Trong huyền sử nói rằng, khi chia tay với Lạc Long Quân, bà Âu Cơ dẫn các con trụ lại ở vùng Hiền Lương (thuộc Hạ Hoà - Phú Thọ ngày nay) là một nơi có nhiều cảnh đẹp... “Mẹ dừng chân đốn gỗ chò để làm nhà. Mẹ gọi nước Ghềnh Hạc dội về. Mẹ gọi gió Chàm Lâm thổi ngược. Mẹ uốn sông Cái chảy đằng trước, xếp núi non trùng điệp đằng sau. Mẹ bảo con cháu khơi Ngòi Lớn bên phải, khơi Ngòi Vằn bên trái. Mẹ bảo dân đào Ao Muội và Móng Hội để thả cá. Mẹ dạy dân đắp gò trồng cây như Gò Cám, Gò Thị, Gò Sung, Gò Sở... chim chóc rủ nhau đến hót, hươu nai rủ nhau chạy nhảy. Mẹ tìm ra hạt lúa. Mùa xuân Mẹ dạy dân cày bừa. Mùa hạ Mẹ dạy dân gặt hái. Đồi nương có lúa nếp xen lẫn nương mía, nương dâu. Mẹ dạy dân nhào bột nếp với nước mía để làm bánh đằng. Dân làng bắt chước chế thành nhiều thứ bánh khác nhau như bánh rán, bánh mật, bánh nếp. Mẹ dạy dân dệt vải làm quần áo che thân. Hiền Lương trở nên một vùng giàu có yên vui...”.
Mẹ Âu Cơ lập nghiệp tại đây và cũng mất tại đây. Dân chúng sau này lập đền tôn thờ Mẹ và suy tôn Mẹ là Quốc Mẫu Việt . Đền Quốc Mẫu Âu Cơ được dân làng thành lập từ năm nào không rõ, nhưng theo những người dân ở đó cho biết, thì lần trùng tu cách đây khoảng trên dưới 200 năm, vào thời Gia Long nhà Nguyễn (1802 - 1819). Đền có 5 gian kiến trúc theo kiểu chữ Nhất, sau đền có một cây đa già trên 100 tuổi, tán lá xum xuê tôn cho ngôi đền một vẻ đẹp vừa thanh thoát vừa tôn nghiêm. Trong đền có một bức tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao gần một thước ngồi vào một ngai, hai tay đặt lên đầu gối, chân đi hài cong (vân sào), đầu đội mũ lấp lánh những hạt kim cương. Cánh đây vừa đúng mười năm: vào năm Tân Mùi (1991), ngôi đền này đã được Bộ Văn hoá Thông tin nước ta công nhận là “Di tích Lịch sử - Văn hoá”.
Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã cho cả dân tộc ta niềm tự hào là con Rồng, cháu Tiên. Theo giáo sư Đinh Gia Khánh, thì Hồng Bàng là một loài chim lớn, tên Âu Cơ cũng là tên một loài chim. Chữ Lạc trong Âu Lạc và trong Lạc Việt mà chúng ta thường nói về Quốc Tổ, về đất nước lúc cội nguồn, có nghĩa là một loài chim có đuôi dài như chim phượng hoàng, chim trĩ, chim công. Vì thế, để biểu tượng cho sự hoà hợp, người ta thường dùng hai hình tượng là Rồng - Phượng (Phụng) trước để nói lên nguồn gốc của dân tộc, sau là về mỹ thuật và ý nghĩa như trên đã nói.
Từ hàng nghìn năm nay, hình tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ, là hình ảnh thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, nhiều ngôi đền đã được lập nên để thờ phụng người Cha, người Mẹ của giống nòi. Nhưng nếu nói nơi có quy mô bề thế, thì phải kể tới ngôi đình Bình Đà (ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây). Ngôi đình làng Bình Đà có từ nhiều thế kỷ trước và luôn được dân làng chăm chút tu sửa hàng năm, ở đình có tấm bia ghi từ năm Kỷ Mùi (1919) viết rằng: “Đình làng ta thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã có từ lâu đời...”, và hai tấm bia có hoạ tiết hình Rồng rất đẹp thời nhà Lý... Ngoài ra, đền thờ Lạc Long Quân còn lưu giữ được bức chạm nổi sơn son thiếp vàng có niên kỷ đầu thế kỷ thứ 11. Bức chạm được phối trí nội dung rất trang trọng: Giữa tầng 2 và 3 là hình tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào, tay cầm hốt, chân đi hia, được xem là một cổ vật quý giá của quốc gia.
Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 Âm lịch, trước 4 ngày giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) tại đền Hùng, Phú Thọ. Trong ngày lễ tưởng niệm này, dân làng bầy đủ lễ vật trước hương án như 100 bánh oản, 100 quả chuối, 100 bánh dẻo, 100 chiếc ghế chéo để mời 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ về dự hội.
Được biết, riêng Quốc Mẫu Âu Cơ đã được Nhà nước ta đề nghị đưa vào danh sách “các Nữ thần trên thế giới” do Cơ quan Văn hoá - Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp quốc (UNESCO) chủ trì xét duyệt.


NGUYỄN DUY CÁCH
(nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng