Những nẻo đường đất nước
Ấn tượng Vũng Tàu
15:50 | 12/08/2009
…Chưa bao giờ các văn nghệ sĩ Huế lại tranh thủ “đi” như ở Trại viết này. Không chỉ “săn” cảnh đẹp, người đẹp, các anh còn chú trọng hơn những nét đẹp trong lao động sản xuất của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu…
Ấn tượng Vũng Tàu
Vũng Tàu - Ảnh: chudu24.com


T
háng Tư vừa qua, Hội LHVHNT TT-Huế đã tổ chức Trại sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu trong 15 ngày. Đây là ngôi nhà kiến trúc vào loại đẹp nhất trên đường Thùy Vân, Bãi Sau Vũng Tàu. Nhìn xa, ngôi nhà khi thì như con tàu vượt biển, khi thì dâng lên như từng lớp sóng. 13 văn nghệ sĩ Huế (gồm 5 họa sĩ, 2 nhiếp ảnh, 2 nhạc sĩ, 4 nhà thơ) đến Vũng Tàu, ai cũng bị ngợp trước vẻ đẹp hiện đại và thơ mộng của biển Vũng Tàu, của con đường Thùy Vân từ Núi Nhỏ, bãi Dứa lượn xuống Bãi Sau như vòng tay biển. Đầu con đường có tấm bảng bằng đá cẩm thạch, khắc chữ vàng giới thiệu: Đây là con đường được trao giải thưởng là Con đường đẹp nhất Việt Nam! Ai cũng suýt xoa ước giá Huế mình có con đường đẹp và được chăm sóc cây cảnh tinh tế kỹ lưỡng như thế này!

Thế nên các nhà thơ, nhiếp ảnh, họa sĩ ngay từ phút đầu đã bị “hớp hồn”, suốt ngày “đi nghiên cứu” Vũng Tàu để tìm tứ sáng tác. Hết tiền đi xe ôm thì cuốc bộ. Nhà thơ Nguyễn Loan, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tư cùng nhau leo lên Núi Nhỏ, Núi Lớn, đến với cảnh đẹp Chùa trên núi với trăm loài hoa đẹp đến phồng dộp cả chân. Không ngờ khi gặp người đẹp mê hồn đang nghiêng xuống hoa, đáng chụp quá, Hữu Tư rút máy ra, thì hỡi ôi, máy quên treo dưới dốc núi. Thì ra theo hình bóng người đẹp, nghệ sĩ bỏ quên máy ảnh ở nơi nghỉ chân, may mà không ai phát hiện ra bộ máy ảnh kỹ thuật số vài chục triệu đồng ấy! Ngơ ngẩn thế mà Hữu Tư cũng có được vài tấm ảnh đẹp như “Biển gọi”, “Chờ đợi”... Còn Nguyễn Loan thì vô ngày trước, ngày sau đã “Lãng đãng với mây trời / Lượm hạt nắng / Còn ngủ vùi trong cỏ”... Thơ còn phất phơ tả cảnh, nhưng đã cảm rồi đấy! Nhà thơ Thiền Nghi mỗi buổi sáng chiều, trầm ngâm bên cốc cà phê trước quán biển Thùy Vân, thế mà phát hiện ra lắm điều thâm hậu. Anh ít nói mà nghĩ sâu. Ở Vũng Tàu 15 ngày, Thiền Nghi đã viết được chùm thơ rất khá về Vũng Tàu:

Khẽ chạm cốc bình minh
Biển hóa rượu
Nụ cười hóa sóng
Và người yêu hóa cát khảo thân nằm...

                                    (TÌNH BIỂN)

Các họa sĩ Trần Văn Mảng, Thân Văn Huy, Hồng Trọng Mỹ bỏ cả tắm biển, khai mạc xong là căng toan ngay góc ít gió để vẽ suốt đêm ngày, mặc mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Chỉ một tuần mỗi anh đã có năm bảy bức tranh. Hồng Trọng Mỹ ấn tượng với “Biển và bờ”, “Biển và em”, “Phố biển”.v.v..Thân Văn Mảng vẽ như điên. Kết thúc trại anh có tới 10 bức tranh sơn dầu công phu như “Quán bên đường”, “Qua đèo 1”, “Qua đèo 2” “Biển xanh”... Say vẽ đến mức ngày cuối cùng ở trại, Nhà sáng tác tổ chức cho đi tham quan khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, Thân Văn Mãng quên cả tham quan, chỉ loay hoay ký họa người đẹp gác cổng. Khi tặng tranh rồi, lên xe mới nhớ ra chưa biết người đẹp tên gì! Trần Văn Huy gầy gò thế mà làm việc liên tục, vẽ cả trưa cả tối, làm cả trại ai cũng “ghen”. Chỉ 10 ngày ở Trại sáng tác anh đã có 10 bức sơn dầu, tặng lại Nhà sáng tác 4 bức: “Lung linh”, “Trăng biển”, “Phong cảnh 1”, “Phong cảnh 2”. Họa sĩ trẻ Lê Ngọc Tường vô Trại sáng tác với rất nhiều đam mê, phác thảo. Anh đã hoàn thành ngay những ngày đầu bức tranh “Tĩnh vật” rất đẹp, rất hàn lâm, tặng lại Nhà sáng tác. Nhưng rồi anh bị cái đẹp hớp hồn, đành phải nghỉ sáng tác giữa chừng!

Nhạc sĩ Lê Anh đến Vũng Tàu lần đầu, dù ít bạn, tôi thấy ngày nào anh vẫn gọi xe thồ đi đâu đó. Hình như có gì đó ở Vũng Tàu kêu gọi anh, không đi không đành. Ở Nhà sáng tác Vũng Tàu nhạc sĩ đã sửa chữa và sáng tác được 3 tác phẩm, trong đó có ca khúc “Với Vũng Tàu” phổ thơ Nguyễn Loan. Bài hát đã được các ca sĩ Nhà Văn hóa Trung tâm Vũng Tàu trình diễn rất ấn tượng. Còn nhạc sĩ Minh Phương (một người rất thông thạo Vũng Tàu vì có con trai Minh Tú ở Liên doanh Dầu khí Vũng Tàu), không đăng ký sáng tác nhạc mà lại viết kịch bản sân khấu. Anh đã hoàn thành bản thảo lần đầu kịch bản “Bão tố Trường Sơn”, kịch nói dài 6 cảnh, bắt đầu từ con đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh trước và sau chiến tranh. Trong thời gian ở trại viết, anh còn viết được 2 ca khúc “Màu xanh Vũng Tàu” và “Lời người lính già” viết về tâm sự chiến trường của anh Đỗ Mão, giám đốc Nhà sáng tácVũng Tàu, một cựu chiến binh của Sư Đoàn 6, miền Đông Nam Bộ.

Chưa bao giờ các văn nghệ sĩ Huế lại tranh thủ “đi” như ở Trại viết này. Không chỉ “săn” cảnh đẹp, người đẹp, các anh còn chú trọng hơn những nét đẹp trong lao động sản xuất của người dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Mẫn, được nhà nhiếp ảnh Vũng Tàu Trường An tháp tùng, thức dậy thật sớm, xuống biển bám theo những người kéo lưới. Anh ra tận Long Hải, một cảng cá tận Bà Rịa, rồi huyện Đất Đỏ quê chị Võ Thị Sáu, cách Vũng Tàu bảy tám chục cây số để săn chụp những tấm ảnh ấn tượng như “Vũ điệu dân chài”. “Được mùa cá”, “Chuyển hàng”... Huỳnh Mẫn chụp tới 10 cuộn phim để kiếm không tới vài tấm ảnh nghệ thuật ưng ý!

Đi xa nhất phải là bộ ba nhà thơ Nhất Lâm, Ngô Minh và họa sĩ trẻ Đặng Mậu Triết. Ngoài những chuyến đi Khu tắm nước nóng Bình Châu, Bà Rịa, Cảng Dầu khí... do trại tổ chức, ba anh còn bỏ tiền túi ra mua vé đi Côn Đảo, địa ngục trần gian bọn thực dân cũ và mới dựng nên trên Đất Việt từ những năm 1862! Đây là chuyến đi quan trọng nhất, ấn tượng nhất! Tiếc là Nhà sáng tác không tổ chức cho tất cả anh em đi để hiểu thêm Đất nước. Côn Đảo cách Vũng Tàu 197 km đường biển, đi 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau thì tới. Chuyến đi ra sóng lớn, nằm nôn nao cả người. May mà không ai say sóng! Ra Côn Đảo, đi thăm Chuồng Cọp, nhà lao, nghĩa trang Hàng Dương, Cầu Tàu 914, Cầu Ma Thiên Lãnh... không ai còn tâm trí nào nghĩ đến những băn khoăn riêng tư. Mà tất cả suy tư chỉ còn tập trung vào hai chữ Tự Do Độc Lập của Đất Nước và Con Người. Nhà thơ Ngô Minh chuyến đi Vũng Tàu- Côn Đảo ngoài sửa chữa tập thơ “Huyền thoại Cửa Tùng” sắp xuất bản, còn sáng tác được 7 bài thơ ấn tượng:

Một lần thôi và chẳng thể bao giờ
Ta cạn chén cùng vạn Hồn tử tù khí uất

Nhà văn Nhất Lâm đi Trại viết để sửa chữa tập truyện ngắn “Chuyến đò âm phủ”, nhưng anh cũng đã viết được 5 bài thơ về Vũng Tàu - Côn Đảo. Ra Côn Đảo, hai ba giờ sáng anh đã thức dậy, đi bộ một mình qua các nhà tù xưa, để quan sát sự đổi mới của Côn Đảo, để cảm nhận, chiêm nghiệm hết sự đau đớn của người tù và sự tàn khốc của chế độ tù của bọn thực dân khốn nạn. Họa sĩ Đặng Mậu Triết là người sung sức, đi khắp nơi. Anh đi xe máy ra tận Long Hải, ra tận Vũng Tàu. Anh đã vẽ được 4 bức tranh về Vũng Tàu như “Bãi trước Vũng Tàu”, “Gió trên đồi Ngọc Tước”...Nhưng đến khi ra đến Côn Đảo, anh mới bị thực tế cách mạng chinh phục. Suốt ngày Đặng Mậu Triết đi ký họa. Từ Cầu Tàu 914, đến nghĩa trang Hàng Dương, Chuồng cọp.v.v.. Rời Côn Đảo anh đã có tới gần 20 ký họa. Anh bảo sẽ dựng nên một xy-ry tranh về Côn Đảo thật ấn tượng để tham gia triển lãm tranh quân đội. Ra Vũng Tàu, ta phải đối diện với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đối diện với cái tốt, buộc mình phải sám hối, cật vấn lương tâm để sống tốt hơn: “Anh tốt không? / Tôi tốt không? Xin ra Côn Đảo soi gương hồn tù!” (Đêm Côn Lôn- Ngô Minh)

Trại viết đã được tổng kết đánh giá là thành công tốt đẹp. Nhưng anh em trại viên tâm sự rằng, giá mà ngay từ những ngày đầu, Hội VHNTTT-Huế phối hợp Nhà sáng tác Vũng Tàu tổ chức cho anh em đi tham quan để nắm bắt thực tế Bà Rịa -Vũng Tàu- Côn Đảo, chắn chắn thu hoạch của Trại viết còn chất lượng hơn.

P.V
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cho nghìn sau (10/06/2009)
Đèo Hải Vân (03/09/2008)