Những nẻo đường đất nước
Đôi nét Thanh Tân
09:22 | 11/09/2009
NGUYỄN THẾTừ Huế, muốn đến khu nước khoáng nóng Thanh Tân, ta cứ theo Quốc lộ I ra phía Bắc, đi khoảng 20 km, tới cầu An Lỗ; qua cầu, rẽ trái theo tỉnh lộ 11, đi khoảng 12 km là đến. Còn nếu đi từ hướng Quảng Trị vào, đến km 26, rẽ phải vào cổng làng Đông Lâm thẳng theo con đường trải nhựa khoảng 7 km, gặp tỉnh lộ 11, rồi rẽ trái 1km.
Đôi nét Thanh Tân
Cảnh thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp ở Thanh Tân - Ảnh: tretoday.net

Nguồn nước khoáng nóng này đã có từ lâu đời, nằm bên cạnh Khe Nam, thuộc địa phận thôn Công Thành, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Năm 1927, khi Bác sĩ Salet, người Pháp phát hiện giá trị của nguồn nước này, đã gọi đây là nước khoáng nóng Thanh Tân. Từ đó cái tên Thanh Tân trở thành một tên gọi chính thức trong hồ sơ nghiên cứu khoa học về nước khoáng nóng của quốc tế. Hiện nay, suối khoáng nóng Thanh Tân đã trở thành một thương hiệu nước khoáng nóng nổi tiếng không những ở trong nước mà còn được thế giới biết đến. Nhất là từ khi ở nơi đây xây dựng thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Thanh Tân nguyên là tên gọi của một làng theo đạo Thiên chúa thuộc xã Phong Sơn (giáp với thôn Công Thành). Không biết chính xác xứ đạo này thành lập từ khi nào. Nhưng sách Đồng Khánh địa dư chí triều Nguyễn đã từng ghi nhận: phường Thanh Tân thuộc tổng Phò Ninh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Người dân ở vùng này kể rằng: Ngày xưa, nơi xứ đạo Thanh Tân toạ lạc đầu tiên là ở Ồ Ồ, nay là xã Phong Xuân (giáp ranh với Phong Sơn). Về sau do lẫm thóc của nhà chung (tên gọi đối với nhà thờ Thiên chúa giáo) có một con rắn hổ mang rất lớn vào làm ổ. Sợ bị nhiễm nọc độc rắn nên các cha cố đã cho di dời về địa điểm nhà thờ Thanh Tân ngày nay. Xứ đạo Thanh Tân cũng từng là nơi gắn liền với tuổi thơ của chàng thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Sinh quán của Hàn Mặc Tử ở Lệ Mỹ, Đồng Hới, từ nhỏ đã vào sống với người thân ở Thanh Tân cho đến năm 14 tuổi. Khi người cha qua đời (1926), Hàn Mặc Tử lại theo gia đình vào Qui Nhơn. Thời kỳ đầu sáng tác, nhà thơ lấy bút hiệu là Lệ Thanh (tên ghép hai chữ đầu của quê hương Lệ Mỹ và Thanh Tân).

Qua khảo cứu tư liệu lịch sử vùng đất từ phía Bắc xã Phong Sơn đến xã Phong Mỹ, được biết rằng, các làng thôn quanh khu vực nước khoáng nóng Thanh Tân đã hình thành cách đây hơn 400 năm. Song khi nghiên cứu sâu hơn, ta mới hiểu được vùng đất này còn có một bề dày lịch sử hơn thế. Đây là nơi có dấu vết văn minh của loài người cách đây hàng ngàn năm. Những người làm công tác nghiên cứu lịch sử đã từng phát hiện các hiện vật cổ như: Rìu đá (ở Phong Sơn); chày nghiền (ở Phong Xuân), hai hiện vật này đều được Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam xác định là thuộc thời kỳ đá mới cách đây khoảng 4000 năm. Đặc biệt là chiếc trống đồng được tìm thấy tại bản Khe Trăng xã Phong Mỹ năm 1994 là một trống đồng thuộc nền Văn hóa Đông Sơn được phát hiện đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Trống có niên đại từ thế kỷ II đến I trước Công nguyên, cách đây khoảng hơn 2.200 năm. Trống đồng này hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế.

Các triều đại phong kiến Việt Nam như nhà Trần, Hậu Lê cho đến triều Nguyễn, đều xem vùng này là vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây được mệnh danh là tuyến thượng đạo (hay sạn đạo), tức con đường hình thành ven chân núi nối liền Thừa Thiên và Quảng Trị. Theo phép dùng binh ngày xưa, chủ tướng cùng các đội binh tượng thường chọn con đường thượng đạo để tiến quân. Vì các nguồn sông suối ở trên con đường thượng đạo thường khô cạn, nên voi ngựa và quân lính luôn vượt qua dễ dàng hơn. Lịch sử thời Lê trung hưng đã từng ghi nhận cuộc tiến binh của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc khi vâng mệnh vua Lê vào đánh chúa Nguyễn năm Giáp Ngọ (1774). Đội quân này đã chia thành hai cánh: Một cánh theo đường Thiên Lý (nằm giữa làng Phước Tích - Mỹ Xuyên tiến vào; một cánh theo đường thượng đạo, đến làng Cổ Bi, vượt sông Bồ, rồi tiến về Phú Ốc, tạo thành thế gọng kềm đánh bại quân Nguyễn ở Bái Đáp (nay là làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, Quảng Điền). Các cuộc giao tranh liên tiếp của các tập đoàn quân phong kiến thời đó phần lớn diễn ra ở Cồn Phân trận (khu vực Hiệp Khánh - Tứ Hạ huyện Hương Trà). Và đôi bên đều dàn quân trên tuyến thượng đạo của cả hai mặt Nam Bắc thượng nguồn sông Bồ. Những địa danh: Hồ Gươm, Khe Mài (Phong Xuân) Bến Cùng (sông Bồ)... cùng với các binh khí cổ như gươm, đao... mà người dân dò tìm phế liệu thường xuyên bắt gặp, chứng tỏ ngày xưa, nơi đây đã từng là vùng chiến địa ác liệt. Tôi chắc rằng, cuộc tiến binh thần tốc của Quang Trung từ Phú Xuân ra đánh quân Thanh ở Bắc Hà cũng đã sử dụng tuyến đường này.

Trong chiến tranh chống Pháp, vùng Phong Sơn, Ồ Ồ, Hòa Mỹ là địa bàn chiến lược quan trọng. Nơi đây quân Pháp đã tổ chức một hệ thống đồn bốt kéo dài ven núi từ Phong Sơn đến Phong Mỹ. Trong đó có các đồn: Sơn Quả, Thanh Tân, Ồ Ồ, Đất Đỏ... Năm 1947, quân và dân nơi đây đã làm nên một chiến công vang dội, đó là chiến thắng Đồn Đất đỏ ở Hoà Mỹ vào tháng 3 năm 1947. Mở đầu cho công cuộc xây dựng chiến khu Hoà Mỹ, tiếp tục kháng Pháp, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hà Văn Lâu.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Nơi đây từng là khu chiến sự ác liệt, nằm trong vùng “vành đai trắng”, “vành đai diệt Mỹ” Sơn - An - Nguyên (bao gồm các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn và Phong An). Dãy núi, và thung lũng phía sau lưng khu nước khoáng nóng Thanh Tân là căn cứ địa Cách mạng Thai - Trò - Trái. Đây là nơi đóng quân của các cơ quan chỉ huy Quân khu ủy Trị Thiên- Huế, các cơ quan lãnh đạo tỉnh cùng các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà. Tháng 4 - 1966, quân Mỹ mở chiến dịch dùng xe ủi, xe tăng càn quét, khai quang quanh vùng nước khoáng nóng Thanh Tân. Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Lai đã chỉ huy du kích xã Phong Sơn bắn hỏng 5 xe tăng M113, diệt 20 lính Mỹ. Từ căn cứ địa cách mạng Thai - Trò - Trái nối liền vùng Ồ Ồ, Hoà Mỹ, Phong Sơn, lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy đã chỉ huy quân và dân đánh thắng nhiều trận càn, đáng kể nhất là cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) và sau đó là chiến thắng Đồng Lâm.

Sau mấy mươi năm chiến tranh, đến ngày giải phóng, vùng Phong Sơn chỉ còn trơ đồi hoang, kẽm gai và dấu vết cày xới của đạn bom. Người dân lại sánh vai nhau đi vào cuộc chiến đấu mới, phát cây, vỡ đất tìm lại những mảnh vườn xưa. Năm 1976, hàng ngàn thanh niên của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền mở công trường khai hoang vùng đất Phong Sơn, Ồ Ồ, Hoà Mỹ.

Ước mơ của bao nhiêu năm trước nay đã trở thành hiện thực. Công trình thuỷ lợi Hồ Quao được xây dựng. Dòng nước mát Hồ Quao đã tưới khắp ruộng đồng Ồ Ồ, Hoà Mỹ, Phong Sơn.         

Và khu nước suối khoáng nóng Thanh Tân bốn mùa hoa nở cũng đã được nhiều người biết đến.

 N.T

(246/08-09)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cho nghìn sau (10/06/2009)
Đèo Hải Vân (03/09/2008)