Những nẻo đường đất nước
Tôi lại về thăm lại Triều Dương
09:20 | 07/10/2009
HOÀNG CÁTVới riêng tôi, thì những cái địa danh bình thường, thuộc nông thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên Huế như: Triều Dương, Cao Xá, Quảng Thái, Phong Chương, Phù Lai, An Lỗ, Đồng Lâm, Phong Sơn, xóm Khoai, xóm Mắc vv… từ lâu đã trở thành một phần máu thịt của tâm hồn mình, của ký ức mình; chưa bao giờ - và sẽ không bao giờ - tôi nguôi quên cho được.
Tôi lại về thăm lại Triều Dương
Nhà thơ Hoàng Cát - Ảnh: evan.vnexpress.net

Bốn mươi hai năm trước, mà nói cho thật chính xác là cuối xuân, đầu hè năm 1967của thế kỷ 20, tôi - với tư cách là một người lính kỹ thuật vũ khí của quân đội Giải phóng - đã được Tỉnh đội Thừa Thiên - Huế điều động biệt phái về công tác lẻ tại các vùng đất nói trên; cho dù tôi chưa bao giờ là đoàn viên hay đảng viên cả! Nhiệm vụ của tôi là cùng với anh chị em du kích địa phương lùng tìm, rồi hướng dẫn cho họ tháo dỡ các quả đạn pháo ca-nông và những quả bom của Mỹ bắn ra hoặc ném xuống các cánh đồng, các xóm làng - mà chưa nổ - để lấy thuốc súng, đem về làm ra những quả mìn cờ - lây - mo tự tạo, những trái lựu đạn thủ công, hay những quả mìn “đạp lôi”, hết sức công dụng và lợi hại, để cho  du kích địa phương chống lại các cuộc càn quét của địch.

Đó là một công việc cực kỳ khó khăn, luôn luôn căng thẳng và vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của những người trong cuộc như chúng tôi. Do vậy, công việc ấy được giữ bí mật nghiêm ngặt và tuyệt đối tối đa; chỉ duy nhất những người thật sự có trách nhiệm mới được biết mà thôi. Và, cũng vì vậy mà những người đã trực tiếp giúp đỡ , đã tận tâm nuôi giấu tôi trong những ngày tháng đó - họ chính là những ÂN NHÂN của tôi, ân nhân suốt đời, ân nhân mãi mãi… Trong số ấy, có những người chị - như chị Thẻo, chị Cháu Nghiêu ở thôn Triều Dương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do vậy, ngay từ khi đất nước mới kết thúc chiến tranh và thống nhất năm 1975, thì niềm ao ước cồn cào của tôi là được trở lại mảnh đất Triều Dương, Bến Nẩy, Cao Xá, Quảng Thái, Phong Chương…để bày tỏ với bà con cô bác nơi đây lòng tri ân vô hạn của mình, đối với những người đã một thời che chở cho tôi giữa những ngày tháng gian nan và hiểm nguy có một không hai ấy trong cuộc đời công tác đơn độc của tôi…

Và, mùa hè năm 2009 này, đây là lần thứ ba, tôi lại trở về thăm lại mảnh đất Triều Dương thân thương của lòng tôi ấy.

Lần đầu tiên, tôi một mình, với cái chân giả nặng nề đã “một bước đi lên, nửa bước giật lùi” trên các cồn cát mênh mông nắng lửa của Thừa Thiên Huế là vào mùa hè năm 2001, để được trở lại thăm mảnh đất một thời ngập tràn lửa đạn chiến tranh, xiết đỗi tàn khốc, nhưng cũng vô cùng kiên gan và oanh liệt đó. Bấy giờ, Triều Dương coi như bị xã hội bỏ quên hoàn toàn: không có lấy - dù là chỉ một con đường đất sơ sài nhất - để có thể dễ dàng đi bộ vào đó cho được. Tôi đau buồn và giận cho cái cung cách ứng xử ấy của một số người lãnh đạo của chúng ta quá! Bèn viết ngay một bài phóng sự rất ngắn và rất “nóng”, gửi đăng tức thì trên trang Một các báo “Đại đoàn kết”, “Thừa Thiên Huế”, tạp chí “Sông Hương” lúc bấy giờ. Đại ý, tôi phê phán sự quan liêu của những người lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương đã “bỏ quên” một cái làng anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước trước đây chưa lâu, để cho đời sống nhân dân Triều Dương nghèo khổ, phải sống cô lập, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài… Tôi không thể nói hết nỗi thất vọng, niềm đau xót của lòng mình trước một thực trạng dửng dưng từ trên xuống dưới đối với thôn Triều Dương ngày đó!

Lần thứ hai, tôi lại trở về thăm mảnh đất thân thương này, là mùa hè năm 2007.

Cũng giống như lần đầu, lần này tôi vẫn phải nhiều lần vừa đi vừa hỏi đường về Triều Dương, vì cái xóm nhỏ gan góc và “ương ngạnh” nổi tiếng trong thời chiến tranh ấy quá cô độc và heo hút giữa sa mạc Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, lần này đã có khác hơn lần đầu một cách rõ rệt - là con đường mòn xuyên qua trảng cát mênh mông kia đã được bồi đất, rải đá khá tươm tất; ô tô loại vừa có thể đi lại thoải mái và vào hẳn tận trong thôn Triều Dương!... Tôi ngầm hiểu rằng, bằng ngòi bút chân chính của mình, tôi đã góp một phần rất nhỏ nhưng xứng đáng, cho lối nẻo đi về Triều Dương từ nay vĩnh viễn có một con đường thênh thang tử tế. Từ nay, những người đàn bà bụng mang dạ chửa đến ngày sinh nở, hay những người ốm đau bất chợt trong cái xóm nhỏ Triều Dương ấy, khỏi phải lo lội bộ hàng cây số trên trảng cát sục lầy quái ác kia nữa, mới tới được đường cái quan mà đi bệnh viện!... Dù chưa thật sự bằng người, nhưng Triều Dương của lòng tôi cũng đã dần thay da đổi thịt. Tự nhiên, hai hàng nước mắt tôi lặng lẽ dâng trào - không cách gì tôi có thể ghìm nén nỗi mừng cho được…

Và lần này, lần thứ ba, mùa hè 2009, tôi lại hăm hở và quyết tâm dẫn cả người vợ, là dân Hà Nội liễu yếu đào tơ chính cống, và cũng đã ngoài 60 tuổi của mình, về cùng tôi thăm lại Triều Dương.

Tôi vốn lơ ngơ và rất kém cỏi trong sự nhớ đường. Cho nên, không thể nói hết sự vất vả và mệt nhọc giữa một buổi gần trưa, trời nắng như đổ lửa, mà chúng tôi cứ lạc đi lạc lại mãi giữa cái sa mạc trắng xoá như vôi ấy. Tuy nhiên, khác với hai lần trước, lần này chúng tôi lúc nào cũng được ngồi chễm chệ trên xe máy, và cũng chỉ lạc trên các con đường rải đá mà thôi, chứ không phải lạc trên bãi cát lội bộ cực nhục như trước đây nữa. Do vậy, vợ chồng già chúng tôi vẫn có thể vui đùa, trò chuyện thoải mái với nhau và với những người bất chợt gặp gỡ bên đường.

Trước khi tìm được đúng con đường vào thôn Triều Dương, chúng tôi phải dừng lại nghỉ, mua một chai nước Lavi ướp lạnh, loại lít rưỡi, tại một cái quán nghèo và cô lẻ, ở một ngã ba đường. Vợ tôi đoán, ít nhất họ phải lấy mười lăm hay hai mươi ngàn! Ai ngờ, tất cả chỉ có sáu ngàn bạc… Ôi, những người dân của mảnh đất nghèo khó này - thời nào, và nơi đâu họ cũng luôn luôn là những con người quá ư lương thiện, quá ư thật thà!!!

Cuối cùng, với chiếc xe máy cực tốt, mượn được của một người quen ở Huế, chúng tôi cũng vào đến tận nhà những gia đình ở Triều Dương đã nuôi giấu tôi năm xưa. Hoá ra, con đường vào Triều Dương bây giờ đã là một con đường thênh thang, thảm nhựa đàng hoàng, như bất cứ một con đường giao thông chính thức nào khác, trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta…

Giờ đây, thôn Triều Dương bé nhỏ của tôi, tất cả đã nhà nhà xây gạch, lợp ngói, sân xi măng sạch sẽ, khang trang. Cái xóm nhỏ “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ấy, bây giờ cây trái, vườn tược mướt xanh; gà vịt từng đàn; trâu bò nhà nào cũng có. Có nhà nuôi được cả một đàn trâu nho nhỏ - như gia đình cháu Văn Thành, con trai bà Thẻo. Mà, bà Thẻo chính là người chị kính thương đã nuôi giấu tôi trong những năm tháng không thể nào quên được ấy… Ngôi nhà của “chị tôi”, do tự tay cháu Văn Thành làm lụng và xây cất lên đó - nó rất đẹp, cao ráo, rộng rãi, thoáng mát đến không ngờ! Nền nhà được lát gạch men cao cấp, sạch như lau như ly, chả khác gì những nền nhà sang trọng ở các thành phố lớn! Quạt cây, quạt bàn, quạt trần thi nhau quay vù vù - tiêu tan hết nóng trưa hè.

Thế là, một phần nhờ có con đường giao thông huyết mạch nối liền Triều Dương với xã hội cộng đồng rộng lớn - mà giờ đây xóm nhỏ ấy đã văn minh, thanh thoát lên rất nhiều. Nhiều gia đình đã có khu nhà tắm và toa-lét tự hoại, đã có đầu máy xem đĩa DVD; thanh niên trong làng, ai cũng có điện thoại di động. Và như một lẽ dĩ nhiên, xe máy, ti vi, điện thoại cố định thì nhà nào cũng có…

Và, y như thể Trời Đất bày đặt ra một cái cảnh để cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn, thấm thía hơn về tư chất và tính cách đàng hoàng, tử tế của những người dân bình thường nơi đây. Xe máy tôi vừa ra đến cổng làng lúc quay về Huế, thì bỗng dưng xẹp hết lốp sau! Sau một lúc có phần hốt hoảng, vì giữa nơi sa mạc hẻo lánh này, thì tìm đâu ra thợ sửa xe bây giờ - tôi gọi di động cho cháu Văn Thành. Lập tức cháu chạy ra với chúng tôi. Rồi cháu lại vội vã chạy về và cầm ra một cái bơm tay. Cháu bảo tôi:

- Cứ bơm tạm, chạy thử coi thế nào đã chú ạ! Cháu sẽ dẫn cô chú sang làng bên cạnh, cách đây hơn một cây số sẽ có thợ sửa xe…

Bên con đường mới rải nhựa vào làng Triều Dương, trong lùm cây bạch đàn lưa thưa nơi sa mạc đầy nắng lúc đó, có một cái quán tạm bợ, vừa sửa xe máy, vừa bán hàng giải khát và một vài mặt hàng lặt vặt khác. Tôi mừng đến run người, nhưng đồng thời cũng lo đến nóng cả ruột. Bởi vì, theo thói thường, giữa nơi đồng không mông quạnh này, lại trong hoàn cảnh giữa trưa nắng nôi ngặt nghèo như thế, người thợ kia có thể “chém” khách sửa xe xa lạ như chúng tôi bao nhiêu là tuỳ ý họ!!! Mà đồng tiền trong túi tôi thì nó “khiêm tốn” đến vô cùng… Nhưng ha ha!!!... chỉ hết có năm ngàn “bọ” thôi!!!... Tôi không tin, cứ phải hỏi đi hỏi lại coi thử năm ngàn hay năm chục ngàn (!)... Cảm kích trước tính cách bình dị mà hết sức cao đẹp đó của người thanh niên gầy nhòm sửa xe ấy, tôi lặng lẽ đưa vào tận túi anh cả tờ mười ngàn nhàu nhĩ của mình - với lời cảm ơn chân thành và trìu mến nhất của lòng tôi…

Lên lại xe máy rồi, vi vu trên con đường trơn tru để trở lại Huế rồi, người vợ già của tôi vẫn như chưa tin hẳn vào những điều vừa diễn ra ấy. “Nàng” cứ tấm tắc mãi:

- Sao mà người ở đây lại hiền lành và tử tế đến thế kia nhỉ!!!

Tôi chỉ có thể nói với bà xã của mình:

- Chính nhờ có những con người, những tính cách, những mảnh đất như thế này mà anh còn sống được đến hôm nay, và trở thành một nhà thơ đấy, em ạ!

Hà Nội, 17-7-2009
H.C
(247/09-09)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cho nghìn sau (10/06/2009)