Những nẻo đường đất nước
Miền gái đẹp
10:26 | 01/03/2010
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG                                     Bút kýMỗi dân tộc đều có một quan niệm về sắc đẹp riêng, ví dụ tranh Tố Nữ là quan niệm về sắc đẹp của người Việt một thời nào. Tôi đi Tuyên Quang trong một tour du lịch mà tôi gọi là tour Lương Tâm, nghĩa là đến những nơi mà bất cứ ai là người Việt đều không thể không đến.
Miền gái đẹp
Cổng phía tây thành nhà Mạc - Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Tôi nhớ nhân vật Kiều Phong của Kim Dung, không phải vì võ công quán thế, hoặc vì cái “ lý lịch” gốc Tác Ta của y, mà bởi một câu nói thành thật mà tôi đã xếp vào hàng “ danh ngôn”

“ Tiểu tử vốn coi trọng sắc đẹp hơn tính mạng...”

Cùng về Tuyên Quang với tôi trong chuyến xe này có cả Trần Đỗ, một Việt kiều sống ở nước ngoài đã lâu, và có cùng một nỗi ngạc nhiên với tôi, rằng Tuyên Quang quả là miền gái đẹp.

Một chiều tôi cùng anh Đỗ lang thang qua thị xã Tuyên Quang. Đấy cũng thuộc về tour Lương Tâm của tôi, như tôi đã nói. Khu thành nhà Mạc đã hoang phế như không còn gì, chỉ cổng thành còn lại, làm chỗ đổ rác cho thị xã. Tôi nghĩ thầm, dù sao đây cũng là di tích lịch sử của một triều đại, sao lại bỏ hoang phế như thế này. Quê tôi có một nhánh của Nhà Mạc, con trai làm tướng đánh Trịnh, con gái làm vợ chúa Nguyễn, cả làng quê ở bờ Bắc sông Bến Hải đều tự hào về điều đó. Cái gì thuộc về lịch sử đều phải được thừa nhận và trân trọng, tôi thầm nghĩ. Sông Lô êm đềm chảy qua thị xã Tuyên Quang, một dòng trong xanh uốn lượn qua những bãi cát gồ ghề. Tôi nghe nói, sông Lô này khởi nguyên tại Trung Quốc, lúc đó nó chỉ là một dòng suối nhỏ có tên là “Dòng sông Thanh Thủy”. Các triều phong kiến ở Trung Quốc, đều coi sông Lô là biểu tượng của Việt Nam, do đó vào cuối đời nhà Trần, họ sai người sang vẽ hình sông Lô và núi Tản Viên mang về thờ trong đền Sông Núi ở phương Bắc, có ý xem Việt Nam là một quận huyện của họ. Chuyện cũ đã xa xôi, nhưng giờ này lại hiện lên tràn đầy ký ức tôi, trong từng bước chân thảnh thơi của anh em tôi trên triền cát sông Lô. Cát ở đây phẳng mà không bằng, gồ ghề từng lượn theo lưng sóng, tạo dáng “điêu khắc” cho cảnh quan. Ở cuối sông, ngang tầm với trung tâm thành phố, đò đậu xúm xít, nhả khói chiều lơ lửng và ý ới tiếng người. Làm như mùa thu của đất trời đã dừng lại ở dưới đó, nên mọi vật trở nên huyền ảo trong sương mù, còn nơi chúng tôi đi đây, đang là một chiều hè. Tôi lại nhớ một nhân vật của Kim Dung “có biệt tài” ngửi thấy mùi phụ nữ trong hơi gió. Tôi sinh sống ở một triền sông đẹp, ở đâu có sông nước đẹp thì ở đấy tất có nhiều mỹ nhân. Không cần phải tin vào thuyết phong thủy cho lắm. Tôi cũng nghĩ rằng ở nơi đó có “thế phong thủy” ở đó thiên nhiên tất phải đẹp, ở đó mặt người trông cũng rảnh rang, đó là sự liên lạc giữa Đất và Người, dân gian quê tôi nói “Người ta là hoa đất”. Vậy thì “Địa linh nhân kiệt”...

Tuyên Quang đây là cửa ngõ Việt Bắc thời chống Pháp, có huyện Sơn Dương còn gọi là Châu Tự Do. Tự nhiên anh Đỗ buột miệng:

- Chè Thái, gái Tuyên.

Chè Thái, vâng, là loại danh trà mà chỉ những bậc đại lão mới đủ tư cách để thẩm định, tôi là dân nghiện rượu, chỉ nghe qua thế thôi, còn Gái Tuyên, hẳn nhiên là ca ngợi vẻ đẹp đứt đi rồi. Anh Trần Đỗ sống ở Pháp lâu năm, Paris thì chán gì vẻ đẹp, anh còn biết đến câu tục ngữ nghịch ngợm này, tôi sao lại không hiểu lẽ đời của nó.

Ai chứ như cụ Huỳnh Thúc Kháng ở tù Côn Đảo những 13 năm, ra Huế làm báo Tiếng Dân, nổi danh là ông già “mặt sắt đen sì”, mà cũng có lúc choáng voáng vì sắc đẹp của một người gái quê. Trong một bài từ phán in trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có hồi ức về sắc đẹp này đã làm ngẩn ngơ thời trai trẻ của ông, rằng: “Đêm ấy bọn hát đương diễn tuồng (...) bỗng bên xóm đàn bà thấy có cái tia sáng ánh ra như một luồng điện đi qua, khiến cho đám đông đương náo nhiệt ấy bỗng có vẻ yên lặng khác thường...

Và một năm sau, khi về quê giỗ thầy, ông mới được nhìn thấy người đẹp lần thứ hai. Ông giả vờ nguội lạnh, nhưng giọng ông kể ở đây thì tràn đầy cảm xúc “giữa đám tang, bạn và học trò, cả tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài cùng khách rất đông, mà khi cô bưng tô bánh bước vào đặt trên bàn, đám đông nghe như có luồng điện làm cho rung động. Đó là khi cô đã có chồng một năm rồi, mà cái đẹp thiên nhiên còn có vẻ xiêu đình đổ quán”... Buổi chiều yên tĩnh, chúng tôi ngồi nói chuyện trên bãi sông Lô. Tuyên Quang đây là cửa ngõ của ATK. Vượt qua cửa ngõ là gặp ngay những đồi chè, ở đó sự yên tĩnh bốc lên, như là một thực thể có thể nhìn thấy được.

Tôi tranh luận với anh Đỗ và rốt cuộc đồng ý với nhau rằng, văn học của các cụ xưa là một nền văn học chủ yếu che đậy những nhược điểm của bản thân người viết, đặc biệt là sự “ mê gái” mà họ cho là nhược điểm. Tôi cho rằng sắc đẹp tố nữ tiềm chứa siêu sinh học của một dân tộc, và vì thế không việc gì phải che đậy. Như trường hợp cụ Huỳnh đây là một trường hợp đặc biệt, và là một thú nhận của thế hệ trước.

Ở đâu đó trên một ngọn đồi, một giọng ca cất lên, hát bài “lý mười thương” “một thương tóc bỏ đuôi gà” tôi chợt nhớ có lần tôi đã đọc một bản “Lý mười thương” lời rất cổ của dân ca Huế trong tạp chí BAVH “BULLETIN DES AMIS DU VIEUX HUE”, nghĩa là một bài Lý mười thương đã được dịch ra tiếng Pháp. Hơn nữa, vì lâu ngày tôi đã quên, chỉ nhớ lại những “cái thương” ấn tượng nhất. Theo tôi, Lý mười thương là một cách tổng kết của anh trai làng hào hoa nào đó, ngồi buồn đành đếm từng nét đẹp trên cơ thể người yêu. Ví như trong bài Lý mười thương Pháp này có nói: Năm thương, em có đôi môi giống như quả ớt... đúng là dân Huế nhà tôi rồi, ở đâu thấy có trái ớt đỏ và mọng, là muốn nhào đến cắn ngay một miếng ngon lành! rồi nữa:

Tám thương, em có đôi quả vú to như trái bưởi Khánh Hòa, “theo tôi là Biên Hòa, và nữa, chỗ này mới thật “dễ thương”: Mười thương cái đẹp nào cũng có cái hư thân riêng của nó...

Anh Đỗ không biết học ở đâu, chắc là với người ngồi cạnh trong buổi giao lưu hôm qua, với bộ đội Tuyên Quang, đã nhắc lại với tôi một loạt tên tuổi mỹ nhân có quê hương ở Tuyên Quang.

... Nào Thu Hiền ở đài vô tuyến Việt Nam, nào Thu Hà diễn viên, nào Hoàng Cúc của Nhà hát kịch Hà Nội, lại còn hai á hậu thuộc hai kỳ thi hoa hậu của báo Tiền Phong mà một trong hai đã trở thành nhân viên tiếp thị cho một hãng ô tô nước ngoài ở Hà Nội. Anh Đỗ kết thúc câu chuyện, bảo tôi:

- Tuyên Quang đây đang bị chảy máu...

- Chất xám.

Tôi ngắt lời anh Đỗ, và nói tiếp:

- Tỉnh nhỏ nào ở gần thủ đô mà lại không bị hút như vậy.

Tôi không hiểu vì sao ở nước ta, những vùng đồi núi trung du lại cứ sản sinh ra nhiều người gái đẹp. Tuyên Quang đây, thì cũng như Châu Phong ở Hà Tĩnh, Chiêm Hóa ở Quảng Bình. Ở miền trung du này, tôi đã gặp nhiều người đẹp, đi giữa rừng, đi ngoài phố, nơi những di tích, trong đêm giao lưu, và chỉ mới hôm qua đây thôi, tôi đã gặp lại Thu Huyền, người đẹp nổi tiếng trong giới bạn bè ở Hà Nội. Nàng đi lang thang như một áng sắc nước hương trời, trên bãi cát này để tìm lại cái gì không biết, có lẽ là đi tìm lại một tuổi thơ hoang đường còn gửi gắm trên bãi sông này...

Tôi thầm nhắc lại “chè Thái, gái Tuyên” của anh Đỗ lúc nãy, và nói:

- Tuyên Quang đây cũng giống như nước Vênêduyêla của Nam Mỹ. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là sản sinh ra những người đẹp làm rạng rỡ thế giới...

Hà Nội, tháng 10/ 1999
H.P.N.T
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng