Ai ra xứ Huế
Bàn chuyện làm giàu cho Huế
09:53 | 23/10/2008
VÕ ĐẮC KHÔICó một thời người Huế loay hoay đi vỡ núi, phá rừng trồng khoai sắn. Có một thời người Huế tìm cách mở cảng nước sâu để vươn ra biển lớn, hay đón những con tàu viễn xứ xa xôi. Cả nước, các tỉnh thành láng giềng như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng cũng đều ra sức làm như thế, sao ta có thể ngồi yên?

Các nhà lãnh đạo và cả người dân ở Huế bồn chồn lo lắng, ra Bắc vào , ngược xuôi tìm vốn, tìm cơ hội đầu tư để phát triển kinh tế quê nhà. Huế là mảnh đất cuối cùng của triều đại vua Nguyễn. Thậm chí, kinh thành, lăng tẩm, ca hát cung đình cũng đưa vào phục vụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, qua một thời gian nhìn lại, ngày nay xứ Huế vẫn chưa giàu lên được. Làm gì để Huế khá lên? Liệu Huế có thể giàu mà không dựa vào khu công nghiệp, cảng nước sâu, sân bay quốc tế như các nơi khác?  Nói ngắn, Huế có thể làm giàu từ đâu?
Làm giàu từ vốn văn hóa của mình.
Trước Tết Đinh Hợi, tôi có dịp thăm Huế. Nhà văn Trần Thuỳ Mai giới thiệu tôi Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đang bận rộn khai trương. Gặp hoạ sĩ Lê Bá Đảng, tôi nói ngay, “Chúc mừng Bác có một trung tâm để trưng bày tác phẩm, nhưng cũng mừng cho Huế có nơi cho khách du lịch tham quan và thưởng ngoạn nghệ thuật.” Nghe tôi nói thế, nhà văn Trần Thuỳ Mai hào hứng gợi ý, “Anh đã đi  thăm nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị chưa?”. Tôi bộc trực hỏi ngay, “Thế còn nhà trưng bày tác phẩm Trịnh Công Sơn, có chưa?”. 

Huế sẽ có nhà trưng bày tác phẩm Trịnh Công Sơn, các viên chức văn hoá ở Huế xác nhận như vậy. Và như thế, Huế lại càng thêm giàu có về vốn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế. Có điều xin lưu ý, rút kinh nghiệm thành công của Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng, theo tôi các trung tâm trưng bày nghệ thuật tương lai, Nhà nước nên kết hợp với các thành viên còn lại của gia đình các nghệ nhân để duy trì và phát triển bền vững về lâu dài. Nhân đây, xin đề cập về việc quản lý kinh thành Huế. Nên chăng, có sự kết hợp giữa Nhà nước và gia tộc vương triều Nguyễn trong nỗ lực trùng tu kinh thành và kể cả lăng tẩm các vua nhà Nguyễn? Chẳng hạn, Tử Cấm Thành trong đại nội, đã bị san phẳng thời chiến tranh, và nghe nói, hiện có dự án xây lại từ viện trợ của chính phủ Nhật Bản. Liệu có thể mời con cháu hoàng tộc triều Nguyễn tham gia giám sát và có thể quản lý nó sau khi hoàn thiện công trình? 

Phải nói, vốn làm du lịch văn hoá ở Huế rất phong phú, nhưng hình như hiện nay Huế vẫn còn thiếu cơ chế để khai thác nguồn nhân lực nhằm quản lý chúng một cách hiệu quả. Một vài thành công ở Huế, có thể hé mở các loại hình và cơ chế hoạt động khả dĩ có thể khơi dậy niềm đam mê của con người trong việc khai thác vốn văn hoá để làm giàu cho Huế. 
Quán cà phê Sông Như của hoạ sĩ  Đặng Mậu Tựu nằm bên bờ sông Như Ý, cạnh Đập Đá. Sâu trong hẻm, núp dưới tàn lá, nhưng quán vẫn có khách viếng đều đặn mỗi ngày. Quán do gia đình hoạ sĩ tự kinh doanh. Khách đến uống cà phê vừa thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật do chính tác giả sáng tác.  Khách còn được tham quan phòng sáng tác của hoạ sĩ. Trong một không gian như thế và tấm lòng mến khách của vợ chồng chủ quán, một khách du lịch người Mỹ đã tự mình lấy thông tin của quán để đưa vào sách hướng dẫn du lịch cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam.  

Dựa vào môi trường sống để phát triển.
Trong ba ngày lưu lại Huế, vợ chồng người khách Mỹ liên tục lặp đi lặp lại, “Thật ấn tượng”. Hoặc, “Thành phố của bạn thật xinh đẹp”. Những căn biệt thự,  những toà nhà kiến trúc kiểu Pháp hoà quyện với thiên nhiên Huế tạo nên một bức tranh thật hữu tình. Đường phố nhiều cây xanh. Công viên hai bờ sông Hương sạch và vắng lặng. Môi trường như thế quả là khuôn mẫu mơ ước của các thành phố thế kỷ 21. Trong khung cảnh đó, cần làm cho Huế trở thành một không gian sống phù hợp cho giới tri thức, các thành viên chủ yếu của nền kinh tế dịch vụ. Nghĩa là, nếu khéo léo kết hợp môi trường thiên nhiên và ước muốn của con người, Huế có thể bỏ qua giai đoạn phát triển sản xuất công nghiệp để tiến thẳng vào nền kinh tế dịch vụ. Nếu chấp nhận luận cứ này, Huế sẽ phải làm gì để phát triển?
Trước hết phải nhìn lại hệ thống các trường đại học ở Huế. Các ngành y; nghệ thuật; khoa học xã hội và nhân văn; sư phạm là những thế mạnh truyền thống của trường Huế. Ngay cả trong khoa học tự nhiên, ngành toán lý thuyết có thời đã tạo ra tiếng vang cho Huế với các giải Olympic quốc tế. Đây cũng là các ngành Huế có lợi thế cạnh tranh trong nước và ngay cả với toàn cầu. Ngành tin học tuy còn khá mới ở Huế, nhưng cũng là ngành có tiềm năng phát triển rất tốt. Các chuyên viên tin học ngồi miệt mài trên máy tính rất thích thư giãn trong một không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh. Đó là lý do tại sao khu Tam giác nghiên cứu ở Duham, Bắc Carolia, Mỹ thu hút các công ty tin học lớn như IBM, Nortel, đến đặt cơ sở làm việc. 
Để cho các ngành kể trên của Đại học Huế hấp dẫn, cần một hạ tầng thông tin tốt và một môi trường quốc tế để các chuyên gia có thể yên tâm làm việc. Hạ tầng thông tin với đường truyền internet băng thông rộng là yếu tố tiên quyết để các chuyên gia có thể chuyển tin hay sản phẩm phần mềm tin học nhanh chóng và không bị gián đoạn.  Môi trường quốc tế trong đó trường học dạy bằng tiếng Anh, Pháp là then chốt để cho con cái của các chuyên gia quốc tế có nơi học tập. Một trong những lý do Intel vào Việt , chọn thành phố Hồ Chí Minh, vì con em của chuyên gia có thể học ở trường quốc tế Nam Sài Gòn. Bên cạnh đó, các hộp đêm, vũ trường, nơi giải trí cho giới trẻ cũng là những phương tiện không thể thiếu của giới trẻ thời nay.

Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị một dàn hợp xướng trong bài ca phát triển.
Hầm Hải Vân đã thông, nếu cải tạo quốc lộ I tốt, Đà Nẵng - Huế chỉ đi ô tô một tiếng đồng hồ. Nếu Huế làm du lịch văn hoá giỏi, khách du lịch sẽ đến Đà Nẵng nhưng nghỉ ngơi thưởng ngoạn văn hoá ở Huế. Nếu Huế làm dịch vụ dở, khách sẽ ra Huế chơi mà quay về Đà Nẵng để nghỉ. Tương tự như thế, Quảng Trị với Đường 9, Khe Sanh, Cầu Hiền Lương, sẽ là những điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình đến Huế. Hành lang Đông Tây đã thông xe, Đà Nẵng - Huế - Đông Hà sẽ là những điểm dừng của khách. Nếu cả ba nơi biết dựa vào nhau để làm dịch vụ, sức thu hút du lịch sẽ nhân lên rất nhiều lần.

Hẳn bạn sẽ nói, nếu đòi hỏi như thế, con đường phát triển của Huế có lẽ còn xa lắm. Vâng, đường đi có thể dài. Tuy nhiên, trong một chuyến hành trình, nếu  không biết mình sẽ đi đến đâu, chúng ta sẽ không bao giờ đi tới đích. Hơn nữa, nếu chúng ta đi sai đường, câu chuyện kết thúc còn đau buồn hơn. Người Huế đi xứ người phần lớn đều thành đạt. Đấy là do khả năng tư chất và môi trường sống hun đúc từ nhiều thế hệ. Thế nhưng, nhiều bạn miền Trung và đặc biệt ở Huế than thở với tôi. Đi xa xứ thì khá, ở lại thì nghèo. Chứng tỏ rằng Huế nói riêng và miền Trung còn thiếu môi trường để cho chính người dân làm giàu. Hơn bao giờ hết, phải sử dụng vốn liếng, môi trường sống của chính mình, và dựa vào nhau để cùng phát triển.
                                                              V.Đ.K

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng