Ai ra xứ Huế
Búi tó củ kiệu và vành khăn vấn ngày xưa của các cụ ở Huế
09:59 | 08/06/2009
BÙI MINH ĐỨCNói đến trang phục của các Cụ chúng ta ngày xưa là phải nhắc đến cái búi tó và cái khăn vấn bất di bất dịch trên đầu các Cụ. Các Cụ thường để tóc dài và vấn tóc thành một lọn nhỏ sau ót trông như cái củ kiệu nên đã được dân chúng đương thời gọi là “búi tó củ kiệu”. Ngoài cái áo lương dài, cái dù đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các Cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Trang phục đó là hình ảnh đặc trưng của người đàn ông xứ ta mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu có nhiều biến cải sâu đậm
Búi tó củ kiệu và vành khăn vấn ngày xưa của các cụ ở Huế

Giai đoạn biến cải quan trọng nầy bắt đầu xảy ra trên dải đất của Nam Triều vào năm 1908, đúng 23 năm sau ngày Thất thủ Kinh Đô (1885-1908). Năm 1908, Đông Kinh Nghĩa Thục với phong trào Duy Tân đã phát động lời kêu gọi đàn ông Việt Nam nên “cắt búi tó” và “cắt tóc ngắn”, nhất là trong giới thanh niên học sinh tại miền Trung. Khởi đầu phong trào này có lúc đã được dân chúng gọi là “Giặc Tông đơ” hoặc “Phong trào Húi hè!” hoặc “Giặc Đồng Bào”. Cũng vì phong trào này kết hợp với phong trào xin giảm thuế giảm xâu, với khẩu hiệu “chống đi phu, chống sưu thuế” khắp nơi nên còn được gọi là “Phong trào Xin Xâu”. Phong trào “Cắt Búi Tó, Cắt Tóc Ngắn” nầy lan dần từ Quảng ra Huế và được dân chúng Huế hưởng ứng nhiệt liệt khắp nơi. Thanh niên học sinh từng đoàn, từng nhóm, đứng trên mọi nẻo đường với chiếc kéo, chiếc tông đơ trên tay, ca vang tiếng “Húi hè!” với lời hát: “Húi hè, húi hè! Bỏ cái ngu nầy, bỏ cái dại nầy. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, Húi hè!”. Cắt cái búi tó có ý nghĩa là đoạn tuyệt với cái quá khứ hủ lậu của dân ta từ trước để bước qua một thời kỳ khác, thời kỳ đổi mới của dân tộc, của đất nước. Vùng lên cắt bỏ cái búi tó đó, dân ta hồi đó muốn nói lên cái ý chí cương quyết cải cách đổi mới đời sống của mình.

Tuy nhiên theo truyền thống, người Huế thường quan niệm “thờ cha thờ mẹ và thờ ông bà ở trên đầu”. Họ cho rằng cơ thể mình do cha mẹ sinh ra, do khí huyết của cha mẹ mà có, không thể nào mà hủy hoại đi được. Hủy hoại là bất hiếu! Họ thường lấy tích tướng Hạ Hầu Đôn trong Tam Quốc Chí trong một trận chiến bị địch bắn trúng vào mắt, nhổ mũi tên ra thì con ngươi ra theo với mũi tên nên vừa phi ngựa đuổi theo giặc, ông vừa nuốt con ngươi của mình và vừa la lớn “Khí huyết của cha mẹ không thể nào hoang phí!”. Họ quan niệm tóc là của khí huyết cha mẹ ban cho khi sanh ra nên chẳng thể nào hủy hoại, cũng như chẳng thể hủy hoại bất cứ phần nào trên cơ thể con người của họ, cho dù là các móng tay móng chân của họ. Với móng tay, họ chịu đựng để móng tay dài chứ không chịu cắt ngắn móng tay đi. Với thời gian, móng tay của họ càng ngày càng dài, và khi càng dài thì chiếc móng tay càng trở nên quăn queo uốn khúc hình xoắn ốc, có khi dài cả tấc. Có người chỉ để móng tay dài trên ngón út theo tập tục mà thôi nhưng lại phải cắt ngắn móng trên các ngón tay khác cho tiện công việc hàng ngày. Do đó, khi cầm đồ vật gì ví dụ như khi nâng cái chén trà lên để uống chẳng hạn, họ phải chìa ngón tay út ra ngoài cho đỡ vướng và vì vậy cách thức bàn tay của họ lúc cầm đồ vật cũng có một tánh cách đặc biệt khác lạ mà người xứ khác thường gọi là “kiểu cách theo lối Huế”. Có người khi không thể để móng tay quá dài vì còn phải làm các công việc thường ngày trong nhà hay ở ngoài đồng áng thì họ phải cắt móng tay ngắn lại nhưng họ cũng không dám vất bỏ phần móng tay đã cắt, vì thế họ đã cất kỹ các phần móng tay đã cắt này trong một cái hũ, tháng này qua tháng khác, có người đôi khi cả đời dồn được đến cả một hũ lớn móng tay. Khi họ qua đời, hũ móng tay này được gia đình chôn theo cùng với họ. Cũng vậy, khi người “Thái giám lặt” qua đời, phần thân thể bị thiến của họ trước nay cất kỹ trong cái hũ nhỏ cũng phải được chôn theo. Ngày xưa, khi người nào có ý định tự tử, họ cũng thường cắt móng tay và cắt một lọn tóc để lại cho những kẻ thân yêu để làm kỷ niệm, để sau này “thấy vật như thấy người”. Khi yêu ai, người ta còn cắt cả lọn tóc để tặng cho người mình yêu để người ta thấy tóc là nhớ đến mình, nghĩ đến mình và nhớ được cái hơi hướm của mình. Nói thế để biết rằng dân Huế luôn luôn quan niệm tóc là một phần của cơ thể, một phần của khí huyết cha mẹ ông bà ban cho nên nếu có hiếu với cha mẹ ông bà thì phải giữ gìn búi tóc trên đầu để “giữ đạo làm con cho tròn chữ hiếu”. Vì thế từ xa xưa, đàn ông dân ta đã có tục lệ để tóc dài chứ không bao giờ chịu cắt ngắn cho gọn bớt. Vì quá dài nên họ phải quấn lại như đàn bà thành một lọn nhỏ như cái bối tóc sau gáy. Cái lọn tóc nhỏ sau gáy của họ được gọi là “Búi Tó” và vì cái búi tó trông hình thù giống như củ kiệu khi làm dưa có thân kiệu quấn quanh nên được người Huế gọi là “Búi Tó Củ Kiệu”. Người Bắc gọi là “Búi tó củ hành” nhưng người Huế thì “coi dáng mà bắt hình dong” nên quen miệng gọi là “Búi tó củ kiệu”. Người Pháp gọi chung “Cái Búi Tó” là “Le Chignon”. Cái búi tó củ kiệu nầy không bao giờ lớn quá nắm tay ngay cả lúc đang ở tuổi tráng niên. Càng về sau càng già, tóc càng rụng bớt nên cái búi tó càng nhỏ, chỉ còn là một “cục tóc bối” sau ót mà thôi. Đàn bà dân ta cũng thường không cắt tóc và chỉ bối lại phía sau ót nhưng vì họ có nhiều tóc hơn nên lọn bối tóc của họ lớn hơn búi tó của đàn ông rất nhiều. Khi chải tóc có tóc rụng là họ thu lấy ngay, dồn lại cất sẵn để sau nầy khi tóc trở nên sưa sết, họ có thể lại dùng lô tóc rụng đó để làm độn “tóc lọn” để bối thêm cho cao lên, cho lớn lên.

Nhà văn Nguyễn Vỹ trong quyển hồi ký của ông, có kể chuyện một chàng trai thời ấy, vì bỏ Hán học đi theo Tây học nên phải cúp tóc và cả cha cùng mẹ khi nghe tin con mình sẽ phải cắt cụt tóc theo phép trường học đòi hỏi, đã khóc òa lên như “cha mẹ chết” vì cho rằng như thế con mình sẽ phạm tội bất hiếu với ông bà. Xin dẫn nguyên câu văn của tác giả để thấy được tinh thần của thời ấy “Ông cha đập bàn đập ghế, la hét om sòm: “Con có cha như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An Nam ta, con phải để tóc, ấy là để thờ Cha Mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mẹ. Tao theo sách Thánh Hiền dạy lễ giáo từ xưa tới nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, Ông Nội Bà Nội mầy đã quá vãng rồi, mà tao còn búi tóc để giữ đạo làm con cho trọn chữ hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhảy xuống giếng tao tự tử. Chiều nay vô trường thưa với Quan Đốc Học như thế”. Phản ứng của hầu hết các bậc cha mẹ của các học trò trường nhà nước hồi ấy đều như vậy. Khi biết không thể nào chống lại lệnh trên, hai ông bà mới cho thằng con cắt tóc ngắn nhưng phải lên hương đèn cúng ông bà và “trình thưa” với các Ngài về chuyện “vạn bất đắc dĩ, vạn bất đắc dã” này. “Trên bàn thờ ông bà, có bày một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo, và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Khấn xong ông lạy ba lạy, đến lượt mình, trong chiếc áo dài, khăn đen với cái búi tóc trên đầu, anh cũng lạy ba lạy. Anh gỡ cái khăn trên đầu ra, cung kính đặt nó trên một chiếc khay bên cạnh mâm cháo gà, vái thêm vái nữa rồi mới ngồi xuống ghế. Búi tóc được xổ ra. Một lọn tóc đen mướt chảy lòng thòng xuống đến nửa lưng. Mỗi mớ tóc xác xơ rơi xuống đất là một chút dĩ vãng đang rơi khỏi đầu óc của chàng trai nước Việt đương buổi giao thời” (Tuấn, Chàng trai nước Việt, Chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, Nguyễn Vỹ). Cuối cùng lại thì tóc của người học trò đó cũng đã được “húi cua” tức cắt ngắn sát, kiểu “carré” vuông của các học sinh đương thời. Lúc trở lại trường, người học trò này vẫn còn bịt khăn đen đi học. Đến trường cũng đã được “quan Đốc” cho một cái mũ trắng để đội đi ngoài đường với lời dặn “Ngồi trong lớp học hay trong nhà không được đội mũ. Đi ngoài đường khi gặp quan Đốc hay thầy giáo phải dở mũ ra để chào”. Quan niệm tôn thờ ông bà cha mẹ qua cái búi tóc đã là một chướng ngại vật lớn cho cao trào văn minh hóa của các nhà lãnh đạo quần chúng nước ta thời bấy giờ. Cũng cần biết vào năm 1907, vua Thành Thái bị buộc phải thoái vị và nhường ngôi lại cho con là vua Duy Tân. Phong trào húi tóc này trùng hợp với phong trào “xin xâu”, dân chúng tụ họp và kéo nhau “lên Tòa Khâm Sứ” để xin xâu và giảm thuế nên đã có hơn 30 người bị đám quân binh Pháp sát hại. Về sau, người Pháp đã bắt giam những người đã cắt tóc ngắn, cho rằng họ xúi giục hoặc tham gia vào phong trào xin giảm sưu thuế này. Theo Nguyễn Văn Ký (“La Socíeté Vietnamienne Face À La Modernité”, L’Harmattan, Paris, 1995) thì phong trào này lan ra Bắc và người chú của giáo sư Dân tộc học Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là ông Nguyễn Hàng Chi (1885-1908) một thủ lĩnh của phong trào này ở ngoài ấy cũng bị bắt và bị người Pháp sát hại năm 1908. Ông Nguyễn Hàng Chi cũng đã cắt ngắn tóc mình từ hai năm về trước và ông cũng đã sáng tác cả một bản ca trù cho ả đào hát để khuyến khích việc cắt tóc ngắn trong dân chúng, ngụ ý rằng người mình mà cắt tóc ngắn và để răng trắng thì có khác biệt gì với dân Âu Châu hay các nước khác đâu. Dẫu sao, phong trào “cắt búi tó” nầy cũng đã được xem như là một thành phần của phong trào Duy Tân vào thời ấy. Đứng đầu phong trào nầy là Cụ Phan Châu Trinh với mục đích đưa ra là “đoạn tuyệt với cái lạc hậu”. Kết quả về sau là đến ngày tựu trường vào năm 1911-1912, tất cả các giáo viên tiểu học đều đã được cắt tóc ngắn và đến năm 1916 thì tất cả các học sinh các trường mới đồng đều cúp “carré” theo đúng lệnh của người Pháp đương thời. Dân Huế gọi đầu cắt tóc ngắn là “đầu húi cua”. Tuy thế, trong dân chúng, người dân thường cũng có người còn giữ cái búi tó của mình theo quan niệm “báo hiếu” xưa kia của họ. Báo Khoa Học Tạp Chí ngày 15 tháng 12 năm 1931 cho biết còn nhiều người vẫn còn mang búi tó. Cho đến những năm 1934, vì vẫn còn có người mang búi tó nên tờ báo Phong Hóa đã phát động chương trình “cắt bỏ búi tó, đổi mới đời sống” và truyền bá vệ sinh của họ (Nhị Linh, “Một bản chương trình”, Phong Hóa, 02.02.1934). Ngay cả học giả nổi tiếng Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố của Trường Đông Phương Bác Cổ (École Francaise d’Extrême Orient) cũng vẫn còn giữ cái búi tó của ông cho mãi đến năm 1939, khi ông đã trở nên đầu đề của một loạt bài chế diễu ông trên báo Phong Hóa đó. Cũng cần biết vào thời ấy, ông là một trong những tác giả nổi tiếng của Trường Viễn Đông Bác Cổ, tác giả của bài viết xuất sắc “Tiếng Lóng Hanoi” (L’argot annamite de Hanoi”, IDEO, Hanoi).

Hồi mới cắt tóc ngắn, số thợ hớt tóc không có nhiều nên nhiều người ở thôn quê phải lên tỉnh, người Huế gọi là “lên dinh”, mới có thợ “cúp tóc” lành nghề với chiếc “tông đơ” (tondeuse) của Pháp đem qua. Nghề cúp tóc tức hớt tóc ở Huế bắt đầu được phát triển mạnh từ đó. Về sau càng ngày càng nhiều thợ hớt tóc nên có cả các bác “thợ cúp dạo”, xách va ly nhỏ đựng đồ nghề đi bộ lặn lội vào tận các xóm làng để cúp tóc cho dân quê. Khá giả hơn, họ dùng “chiếc xe đạp” chở theo bộ đồ nghề hớt tóc cột vào cái ”pót ba ga” (porte-baggage) phía sau để đi hành nghề sâu hơn nữa vào các xóm làng. Họ hành nghề bằng cách tìm chỗ có nhiều người qua lại, nơi gần “chợ búa, đò giang” tức gần chợ và gần bến đò đông người qua lại và thường là dưới tàn lá của một cây bàng lớn, dưới bóng mát của một cây cổ thụ cao. Họ đóng đinh treo cái gương, lấy hai chiếc ghế xếp móc ở sau xe rồi căng ra là có chỗ cho khách ngồi “cúp tóc”, có chỗ cho bác ta ngồi nghỉ buổi trưa và cũng có chỗ cho bác ta và một người khách qua đường cùng ngồi nói chuyện hay cùng đánh với nhau một ván bài cờ tướng giải trí.

Tuy đã cắt tóc nhưng vẫn còn có rất nhiều người quấn khăn vấn trên đầu. Họ cho rằng khăn vấn trên đầu là trang phục truyền thống lâu đời của dân ta, cũng như chiếc áo đen và chiếc quần trắng mặc trong các lễ lạc, trong những khi hoặc cúng bái của dân ta, chẳng thể nào thay đổi được. Truyền thống xa xưa này có lẽ đã được bắt đầu từ thế kỷ thứ 15, một truyền thống lâu dài khó lòng mà thay đổi. Lúc ban đầu, dân ta dùng khăn đầu rìu là thứ khăn cũng bằng vải, thắt ở phía trước với hai đầu khăn vểnh lên như hai cái đầu rìu trước trán. Khăn đầu rìu thường để chận mồ hôi vã ra lăn xuống mặt khi phải làm các việc lao động nặng nhọc. Các sắc dân khác trên thế giới ngày nay vẫn còn có xứ dùng thứ “khăn đầu rìu” này nhưng lại thắt sau ót như ở Nam Mỹ, ở Trung Đông hay cũng thắt ở phía trước như dân Nhật Bản mỗi khi làm việc chẳng hạn. Hồi chiến tranh Việt Nam, trên truyền hình thế giới ta thường thấy họ chiếu cảnh các sinh viên Nhật phản chiến đầu mang khăn đầu rìu màu trắng có chữ xanh, đi thành hàng dài cùng khóa cánh tay với nhau, vừa đi vừa lượn qua lượn lại trên đường trông như hình con rắn con rồng (snaking), vừa đi vừa đưa nắm tay lên cao vừa hô to “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”. Đến gần hàng cảnh sát giàn chào, họ đi chậm lại, dậm chân tại chỗ và khi lựu đạn cay nổ, họ lấy khăn đầu rìu xuống che mặt. Ngoài “khăn đầu rìu” ra, ông cha chúng ta hồi xưa cũng có quấn khăn quanh đầu trước trán, múi ra phía sau mà họ gọi là “khăn giải cột”. Tượng đồng ở Đông Sơn, Thanh Hóa cũng mang khăn giải cột quanh đầu nầy (bandeau) và dân quê Nhật ngày nay vẫn còn mang thứ khăn đầu rìu và cả khăn giải cột cũng như dân các nước Ả Rập hay Nam Mỹ. Các Cụ xưa thường cột khăn đầu rìu kèm theo với cái búi tó của họ trong khi làm việc lao động. Tuy nhiên, các Cụ thay thế khăn đầu rìu bằng khăn vấn trong các cuộc tế lễ, trong những trường hợp trang trọng như có khách quý đến nhà hay mỗi khi họ đi ra ngoài. Muốn vấn khăn, người ta dùng một đoạn khăn nhiễu dài, khổ khá rộng để cuốn quanh đầu. Đoạn cuối của chiếc khăn được nhét chặt vào phía trong của vành khăn. Chiếc khăn vấn quấn có công dụng che cả tóc và che cả đầu. Có hai loại khăn vấn tùy theo dáng ở phía trước trán. Nếu các vành khăn ở trước trán thẳng hàng với nhau thì gọi là “khăn chữ nhất” và nếu các vành tụ với nhau vào giữa trán và vênh lên trên thì gọi là “khăn chữ nhân”. Tùy theo màu áo mặc, khăn vấn vào thời ấy có thể có nhiều màu khác nhau cho màu sắc hòa hợp, áo màu đen quấn khăn đen, áo xanh quấn khăn màu xanh với ý nghĩa sang trọng hơn, thường là của hạng quyền quý, hoặc áo màu đỏ thì đội khăn màu đỏ là màu của người già lão, tuổi thọ cao. Màu chàm là màu thường ngày. Màu hồng, màu lục là màu dùng trong các lễ lạc. Màu đen để dùng khi cần trang trọng, uy nghi, nghiêm túc. Khi ra đường mà không đội khăn, các Cụ tự cảm thấy như trần truồng, do đó có câu “Đi mô mà không khăn, không khố ngó khó coi ri!”. Và cũng vì vậy mà tục lệ nhuộm răng, đóng khố, chít khăn của dân ta hồi xưa đã bị người Tàu nói xỏ là “Sơn răng, Chằng đít, Chít đầu” để tả dân Việt ta! Người Mường, gần giống với dân ta nhất về tập tục, cũng đã có chữ “Khăn Tỏng” để chỉ khăn đóng, “Khăn Wẩn” là khăn quấn trên đầu, “Khăn ảo” là khăn áo, và “Khăn cỏi” là khăn gói. Người Pháp gọi chiếc khăn vấn của dân ta là “Le turban”. Đàn ông quấn chiếc khăn vấn của mình và tự tay mình quấn lấy cũng không mấy khó khăn và cũng không mất công nhiều cho bằng đàn bà quấn chiếc khăn vấn của họ vào thời ấy. Đàn ông vấn khăn không cần cho thật đẹp như đàn bà. Khi có khách đến nhà, họ vấn vội vấn vàng chiếc khăn trên đầu, rồi bận quần trắng, mặc áo dài đen, xỏ chân vào giày hạ rồi mới mở cửa lớn ra tiếp khách. Phép tắc lễ nghĩa đòi hỏi như vậy, cho dù là họ đã bắt khách của họ phải đứng ngoài sân, đợi gia chủ mặc áo quần xong mới mở cửa mời vào nhà. Vì thế, lễ phép thời đó đòi hỏi khi bước vào cổng nhà ai phải “đánh hắng” và lên tiếng để cho người trong nhà biết là có khách tới thăm. Khi bước vào khỏi cửa tam quan hay cửa trước vườn nhà của gia chủ, khách cũng phải đứng sau bình phong để vấn sửa lại chiếc khăn quấn trên đầu của mình. Chiếc bình phong trước nhà của các gia chủ còn có công dụng che chắn cho khách trong lúc khách đang sửa soạn lại bề ngoài. Bước qua khỏi bình phong trước nhà, khách đứng trước sân chờ đợi gia chủ mở cửa tiếp đón. Khách có thể viếng cảnh trong vườn trước với hồ nước nuôi cá long nhãn đỏ mình hay ngắm nhìn hòn non bộ đặt giữa hồ với các cây cảnh được kiến tạo theo các đề tài như “ngư tiều canh mục” hoặc theo những tích tuồng xưa. Khách vãn cảnh trong khi chờ đợi được gia chủ tiếp kiến, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh để biết thêm về tâm tư của chủ nhà, biết thêm về phong cách của chủ nhân ngôi nhà mà mình sắp được tiếp kiến. Hai bên đều tôn trọng lễ nghĩa xã giao hồi xưa, theo đúng đạo làm người quân tử tuân thủ theo triết lý Khổng Mạnh.

Đàn bà ở Huế không bao tóc hoặc trùm khăn mỏ quạ hay mặc áo tứ thân thắt lưng bó que hay váy dài quá gối như đàn bà ngoài Bắc. Hồi xưa, đàn bà Huế thường để tóc trần hay chít khăn vành, nhỏ thì chít 4, 5 vòng, mệnh phụ thì cả 10 vòng. Họ mặc quần hai ống, áo dài kín ngực, kín cổ, áo dài tay, vạt dài quá gối và “khép tà” tức mép vạt trước vạt sau phủ lên nhau. Chúng ta hãy nghe Trịnh Bách, một chuyên viên phục chế phục sức Cung Đình Huế hồi xưa (“Trang điểm Cung đình”, Tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển, 1 (44), 2004), mô tả rõ ràng “khăn vành ở Huế” như sau: “Trong Nội hồi xưa, phấn nụ và khăn vành đi với nhau. Họ dùng “vải nhiễu cát” tức thứ “Crêpe de Chine” ngày nay để bao tóc. Vải nhiễu cát do người Nhật dệt hồi xưa chỉ mỏng bằng nửa loại Crêpe de Chine ngoại nhập, được dùng trong Cung cuối đời nhà Nguyễn. Cách chít khăn vành trong Cung ở Huế khác với cách vấn khăn của Đàng Ngoài. Khăn vấn Huế được chít với mép khăn hướng lên trên ở phía trong vành khăn. Vành khăn thứ hai được chít bao ra ngoài phía trước vành khăn một, chứ không luồn bên dưới vành như ở Bắc. Các mệnh phụ trong Cung Huế thường vấn khăn vành dây ra ngoài khăn chít trong các dịp lễ. Khăn vành dây rộng 30 cm bằng Crêpe de Chine ngoại quốc có độ dài trung bình là 13 cm. Khăn nhiễu cát Việt Nam có độ dài gần gấp đôi. Từ độ rộng 30cm, khăn vành dây được xếp thành bề rộng 6 cm với cạnh hở hướng lên trên, rồi quấn thành hình chữ “Nhân”, tức là chữ “V” lộn ngược lại, che tóc vai và lần khăn chít bên trong. Khi khăn đã bao giáp vòng, gấp khăn lại còn một nữa chiều rộng, bắt đầu từ đằng sau gáy, vẫn để cạnh hở hướng về phía trên rồi vấn tiếp. Khăn vành được bao chặt ra ngoài phần khăn chít và tạo thành một cái dĩa lớn. Vì nhiễu cát có độ co dãn và nhám cao nên khăn vành ít khi bị tuột. Phần cuối của khăn được vén khéo vào trong vành khăn phía sau nhưng nhiều khi các bà dùng kim găm dấu khéo cho tiện. Chỉ vào các dịp trọng đại nhất người ta mới thấy một vành khăn dây màu vàng trong cung. Còn ngoài ra, từ Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu cho đến Trưởng Công Chúa thường cũng chỉ vấn khăn vành màu lam đậm. Khăn vành dây bao giờ cũng được xem là niềm kiêu hãnh cũng như nỗi khổ của các bà Phi, Hậu, mệnh phụ ngày xưa”.

Chiếc khăn vấn của đàn bà Huế hồi xưa khi vấn phải cần rất nhiều công như vậy nên thường phải nhờ những người quen vấn khăn này vấn cho mới thật là đẹp, mới tăng thêm phần trang trọng và mới khỏi sút. Ở Huế, ai cũng biết đến Bà Chúa Nhất, một Mạnh Thường Quân của ngành hát bội Huế nhưng lại là người rất có tài vấn khăn vành cho các bà trong Nội hồi xưa. Sau khi vấn chiếc khăn vành xong, khuôn mặt người mang khăn trở nên sang trọng hơn và phong cách trông cũng trang nghiêm hơn trước nhiều. Vì quá công phu và phải mất nhiều thì giờ mỗi khi vấn khăn nên sau khi đã được vấn khăn, các bà trong Nội chỉ ngồi mà ngủ chứ không dám nằm vì sợ hư chiếc khăn vấn và cũng sợ khăn sút hay lệch lạc trên đầu, không nghiêm chỉnh trong buổi lễ trang trọng vào tối nay hay vào ngày mai.

Vào những năm 1920, có một người tên là Hai Chính vì thấy nhiều cái bất tiện của “khăn vấn” nên đã bày ra chiếc “khăn đóng” hay còn gọi là “khăn xếp” mà người Pháp gọi là “turban-chapeau”. Chiếc khăn đóng nầy cao độ 10cm, rất tiện lợi, không cần vấn đi vấn lại mỗi lần mang vào như hồi xưa, chỉ cần chụp khăn đội lên đầu là được. Vì đã được quấn và vấn kỹ cũng như đã được ghim chặt, dán chặt nên chiếc khăn đóng nầy đã vừa gọn lại vừa đẹp. Lại còn có thứ khăn đóng có chiếc bọc nhỏ ở phía sau để nhét búi tó vào. Ngoài ra, vì dùng các vật liệu nhẹ nên khăn đóng không còn là chiếc khăn bịt chặt đầu, làm nghẽn máu lưu thông trên đầu như với khăn vấn ngày xưa. Nhiều người ngày xưa vì muốn quấn khăn cho chặt để khỏi sút ra nên đã có không ít người đôi lúc cũng bị chóng mặt nhất là mỗi khi ngồi xuống đứng lên sau khi đã vấn khăn. Cũng vì có trường hợp đội khăn đóng không chặt này mà trong dân gian Huế đã có câu thành ngữ “Nhà cao quá ngó bắt sút khăn”, ví dụ “Thằng con tui nhờ Trời xây được cái nhà ngó bắt sút khăn!”. Sở dĩ có như vậy là vì nhà lầu xây quá cao nên khi ngẩng mặt lên nhìn tận trên nóc phải ngoảnh cổ ra sau, khăn đóng tụt ra và rơi xuống. Vì vậy mà người ta hay nói câu “Nhà cao quá ngó bắt sút khăn” hay “Nhà cao quá ngó bắt tuột khăn”! Ngụ ý khen nhà người ta có nhà lầu rất cao! Ngày nay, khăn đóng này được làm toàn bằng vải màu đen cho hợp với màu đen của chiếc áo dài lễ lượt. “Áo dài khăn đóng” màu đen đã trở nên “bộ quốc phục” ngày nay.

Có Cụ ngày xưa đi ăn kỵ ở làng bên trở về nhà lúc đêm khuya, chân nam đá chân bắc, bước thấp bước cao, chuếnh choáng hơi men vì đã uống rượu quá nhiều tại bàn tiệc. Đang đi thì thấy một đống đen lù lù nằm ngay trên đường, tưởng là khăn đóng mình sút ra nên đã cúi xuống lấy lên và đội lại trên đầu. Về nhà ngày mai lại mới biết đó là một đống phân trâu đã khô! Khi chưa cần đội khăn đóng vào, các Cụ thường móc khăn vào cánh tay để đi đường cho tiện. Ngoài ra, khi “đi ăn kỵ” ở nhà ai, các Cụ thường có lệ “khăn đóng vắt tay cho nhẹ đầu, đôi guốc gỗ cột dây mang trên vai cho đỡ mòn, mặc áo dài đen quần trắng lưng vận để đựng đồ vào lưng, quần ống cao ống thấp, tay cầm dù đen trương rộng để che nắng trên đầu”. Đến gần nơi có nhà kỵ, các Cụ mới dừng lại bên hói tìm chỗ chao chân cho sạch, xỏ đôi guốc vào rồi mới bước tiếp tới nhà người ta. Đó là hình ảnh của các Cụ Huế ở thôn quê ngày xưa mỗi khi ra đường.

Bên phía đàn bà Huế, chiếc khăn vấn ngày xưa về sau cũng đã được thay thế bằng chiếc “khăn vành” nhiều màu, cao khoảng 15cm, cao hơn khăn đóng của đàn ông. Các khăn vành này ngày nay thường được dùng mỗi khi có đám cưới, hay gặp khi tế lễ như trong lên đồng chẳng hạn. Tuy nhiên vì không có căn bản hạn chế số vòng trên khăn vành ngày nay nên người ta đã tự ý pha chế tạo ra những chiếc mà họ gọi là chiếc “khăn vành mệnh phụ” với nhiều lằn xếp chồng chất lên nhau khá cao, đội trên đầu trông đã không nghiêm túc mà lại còn kịch cỡm. Bên dưới chiếc khăn vành, họ chải tóc theo kiểu mới ngày nay và họ để từng chùm tóc lòa xòa trước trán và cả trên mang tai. Và cũng vì không còn có vua, không còn đế chế quân chủ nên có người đã không ngại ngùng gì mà không đội khăn vành màu vàng “hoàng gia” của vua chúa hồi xưa, một màu vàng một thời chỉ để dành cho vua chúa mà thôi, ai vi phạm sẽ bị xem là có ý đồ thoán nghịch và thường là bị “tru di tam tộc”, bị quan quân lôi ra chém toàn thể các người trong “ba họ” là họ cha, họ mẹ và họ vợ (hay họ chồng).

Sau khi đã cắt bỏ búi tó và tóc cũng đã cắt cụt, người đàn ông Huế cũng vẫn còn lưu luyến với chiếc khăn vấn xưa cũ. Sau nầy, họ cũng rất chung thủy với chiếc khăn đóng của họ. Vì thế, tuy búi tóc đã bị cắt đi nhưng chiếc khăn đóng vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay. Trong các sách dạy ở các lớp tiểu học mãi cho đến năm 1945, người Pháp vẫn còn viết trong các bài “Tập đọc”, giảng dạy bằng tiếng Pháp những câu như “Thầy giáo tôi không đội mũ nhưng ông ta đội khăn đóng màu đen. Bạn Khang của tôi đội khăn đóng trắng” (Mon maitre ne porte pas de chapeau. Il porte un turban noir. Mon camarade Khang porte un turban blanc). Các bậc trí thức hồi trước vào thời đó như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc vẫn đều mặc “bộ đồ ta” với chiếc áo đen, chiếc quần trắng và chiếc khăn đóng đội trên đầu. Ngày nay, đàn ông ở Huế vẫn còn mang khăn đóng, áo dài đen để đi dự lễ hay khi cúng quảy. Bộ đồ đó được gọi là “bộ đồ cúng” hay còn được gọi là “bộ đồ cổ truyền” hay là “bộ quốc phục”.

Đám học trò từ trường tiểu học cho đến trung học vào khoảng 1945 đều đã được cắt tóc ngắn, cúp theo lối “carré” ngắn và vuông, hay theo lối cúp trọc “cho mát”, hay theo lối “dưỡng rẽ” hay “để rẽ” hay “cúp rẽ” với lằn ngôi rẽ thẳng băng từ trước ra sau. Cho mãi đến 1950, họ vẫn còn mặc áo đen hay áo trắng dài bằng vải quyến, quần trắng cũng bằng vải quyến và trên đầu đội chiếc mũ cối màu trắng. Chiếc mũ cối nầy làm bằng điền điển nên rất nhẹ nhưng lâu lâu phải dùng bàn chải đánh răng đem ra đánh mũ lại bằng phấn trắng để trông cho sáng sủa, sạch sẽ. Sau một thời gian đội mũ đi dưới mưa, chiếc mũ gặp mưa sẽ sinh mốc đen hay khi vành mũ có dấu tay cầm hàng ngày hoặc khi mũ đã ngả màu, chủ nhân chiếc mũ sẽ phải đem mũ ra đánh phấn lại. Đánh phấn xong, phải đem mũ ra phơi ngoài nắng cho mau khô. Phấn trắng đánh mũ cho sạch đó đôi khi còn được nhuộm nhẹ với màu xanh dương cho tươi sáng thêm. Chiếc mũ cối trắng đó ở Huế gọi là “mũ cối”. Vành mũ khá rộng và cũng khá dày, dày độ 1.5 cm, do ông bà Quốc Thuận từ Hà Nội vào Huế chế ra từ những năm 1945, bắt chước theo chiếc mũ đi săn của ông vua Bảo Đại vẫn dùng thường ngày. Ông bà Quốc Thuận này cũng là người đầu tiên mở tiệm phở Bắc ở Huế trong một “kiosque” gần trên Bến Thương Bạc. Phở tuy ngon nhưng tiệm này chỉ mở cửa được một thời gian ngắn thì đóng cửa, có thể vì ông bà Quốc Thuận đã di cư vào Saigon làm ăn hay tại vì lệ ăn bún bò Huế mỗi buổi sáng của dân Huế đã bóp chết tiệm phở này, cho đến nay cũng không có ai nhắc lại cho rõ cả! Các học sinh trường Khải Định vào hồi đó hay có lệ rủ nhau đi tắm Bến Thương Bạc mỗi sáng sớm, bơi qua bơi về vài vòng sông Hương là đã đói nhiều, nên mỗi cuối tháng khi có tiền học bổng trong túi, họ thường hay “làm oai” vào tiệm “kéo ghế”, ngồi ăn một tô phở rồi mới trở về nhà cắp sách đi học.

Về sau, chiếc mũ cối của ông bà Quốc Thuận đã thoát thai để trở thành chiếc mũ của Vệ Quốc Quân “màu xanh cứt ngựa”, còn gọi là “mũ nồi” với viền mũ mỏng hơn. Thứ mũ nồi làm bằng điền điển nầy ngày nay vẫn còn được dùng khá nhiều ở ngoài Bắc, tại các vùng gần biên giới phía Bắc. Khoảng từ 1955, học sinh Huế không còn dùng mũ cối nữa, và họ đã bày ra một mốt mới, “mốt đi đầu trần” với mái tóc để rẽ ở giữa hay ở bên và tóc thường được để dài hơn xưa, thỉnh thoảng hất đầu để đưa đám tóc lòa xòa lên lại phía trên, trông ra vẻ một triết gia, một con người “phi lô zốp” (philosophe).

Ngày nay không thấy ai còn mang búi tó đó mặc dầu vào những năm 1960 cũng còn có đôi cụ già ở thôn quê trong các xóm làng xa xôi vẫn mang cái “búi tó củ kiệu” lòng thòng phía sau ót. Càng về sau, hầu hết các người già với chiếc búi tó trên đầu đều đã theo thời gian mà mất dần và biến hẳn. Ngày nay, chiếc khăn đóng đã hoàn toàn thay thế chiếc khăn vấn ngày xưa. Chiếc khăn đóng đen vẫn còn đang được thấy nhiều người dùng tại Việt Nam và có thể càng ngày chiếc khăn đóng càng có cơ phát triển thêm với đà cố gắng gìn giữ “bộ quốc phục”, hầu mong gìn giữ được nền văn hóa dân tộc của dân ta trong bối cảnh “toàn cầu hóa” (Globalization) hiện nay.

Một hiện tượng khác mà ngày nay ta thường nhận thấy là theo thị hiếu thời trang, được gọi là cái “mode”, nhiều em bé Việt đã được cha mẹ cho để tóc dài sau ót, tạo nên một cái đuôi lòng thòng phía sau đầu. Họ cho là dễ thương và biết đâu rồi đây cũng sẽ có phong trào để tóc dài, cột búi tó lại như ngày xưa? Lịch sử chỉ là một chuỗi lặp lại các sự kiện đã qua trong quá khứ. Tuy nhiên, dân ở xứ Nam Mỹ như ở Chili, Colombie, Peru, và ngay cả Argentine, Brésil, nhiều người đàn ông vẫn để tóc dài phía sau đầu, và quấn lại thành cái “lọn tóc” sau ót mà nguời Pháp gọi là “chignon” và người Anh Mỹ gọi là “pigtails”, trông chẳng khác gì cái “búi tó” của các bậc tiền nhân chúng ta ngày trước. Cái “tệ” của dân ta, cái “lạc hậu” của dân ta của những năm tháng trước 1908, lại là cái văn minh của nước người ngày nay. Cuộc đời vẫn có nhiều chuyện “tréo cẳng ngỗng” như vậy. Và dân Nam Mỹ, dân Nhật Bản ngày nay vẫn còn nhiều người giữ chiếc khăn đầu rìu của tiền nhân chúng ta trên đầu của họ.
Lịch sử vẫn thường tái diễn ra như thế.

B.M.Đ
(243/05-09)

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Chiều Tam Giang (04/05/2009)
Phố cổ Bao Vinh (13/04/2009)