Ai ra xứ Huế
Mũi tàu xanh của Huế
14:09 | 24/01/2018

PHƯỚC VĨNH

Du lịch dịch vụ đang được xác định là mũi tàu xanh của con thuyền rẽ sóng ra biển lớn của Thừa Thiên Huế. Làm sao để mỗi công dân đang sống ở miền sông Hương núi Ngự, ngay từ nhỏ đã được khơi gợi ý thức về việc tạo nên sản phẩm du lịch và triển khai ý tưởng đó, với một ý thức văn hóa Huế đã ăn sâu trong tiềm thức… 

Mũi tàu xanh của Huế
Du lịch mùa mưa lụt - Ảnh Phạm Bá Thịnh

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy (Khóa XV) về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định: Tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới. Cụ thể, đến năm 2020, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh; thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 - 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh, thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng.

Những khởi động căn nền

Năm 2017, Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ được xác định là chương trình trọng điểm số 1 của tỉnh. So với năm 2016, số lượng khách đến với Huế năm 2017 ước đạt 3.700 nghìn lượt, tăng 16%, trong đó khách quốc tế đạt 1.450 nghìn lượt. Việc giữ chân cho khách lưu trú có một bước tăng trưởng mới, đạt 1.846,9 nghìn lượt, tăng 5,91%, trong đó khách quốc tế đạt 812,8 nghìn lượt, tăng 11,59%. Doanh thu du lịch ước đạt 3.520 tỷ đồng, tăng gần 10%, song chỉ đạt 95,1% so kế hoạch.

Những khởi động căn nền cho những xuất phát điểm mới được xác lập. Hàng loạt cơ sở hạ tầng cho du lịch dịch vụ được đầu tư, có thể nhắc đến các dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô Spa Resort, Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương, Khách sạn 5 sao Vinpearn Huế…; đặc biệt, dự án Laguna Lăng Cô đang chuẩn bị đầu tư thêm 2 tỷ USD. Nhiều dự án mới vừa được cấp phép như: Khu du lịch trải nghiệm Tam Giang Lagoon, Khu du lịch sinh thái Lee House (Quảng Điền), Du lịch sinh thái Green Valley Camp & Homestay ở Phú Lộc, Khu sinh thái Thác Trượt (Nam Đông).

Các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Bitexco, BRG, Myway, PSH, EcoPark… dồn dập đổ về Huế là một tín hiệu hết sức mới trong năm 2017. Họ đang tích cực nghiên cứu đầu tư một số dự án lớn như các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Lăng Cô - Lập An, Lộc Bình, Vinh Thanh - Vinh Xuân, Mỹ An, Thủy Biều, Cồn Dã Viên, Bạch Mã… Mới đây, ngày 4 tháng 12 năm 2017, UBND tỉnh vừa cấp Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hue Spirit Sanctuary tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Mục tiêu dự án này là xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Thừa Thiên Huế hướng đến dòng khách cao cấp. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp; dịch vụ du lịch đường sông, trung tâm yoga và thiền ở bên trong khu nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải trí, mua sắm… Đây là mô hình đầu tiên với đầy đủ các dịch vụ cao cấp tại Thừa Thiên Huế. Tổng vốn đầu tư của dự án là 205 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công xây dựng trong cuối năm 2018, hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2019…

Sản phẩm du lịch dịch vụ đang là mối quan tâm lớn của tỉnh trong nhiều năm qua. Hiện ngành du lịch đã tổ chức khảo sát các điểm du lịch đầm phá và xác lập một số tour du lịch đầm phá. Chương trình “Mở cửa tham quan Đại Nội về đêm” đã thu được kết quả bước đầu. Đặc biệt, tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu văn An - Võ Thị Sáu đưa vào phục vụ từ 29/9/2017 đã khiến một góc Huế sôi động về đêm, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến đi dạo với niềm vui thú.

“Sản phẩm du lịch của năm”

Năm 2018, tỉnh sẽ xây dựng và phát động chương trình “Sản phẩm du lịch của năm”, với mục tiêu mỗi năm, toàn tỉnh tập trung đầu tư để tạo nên một hạ tầng du lịch hoàn chỉnh; phát động mỗi doanh nghiệp triển khai một sản phẩm du lịch mới nhằm khai thác tiềm năng văn hóa, lịch sử, tâm linh, từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sức hút lâu bền cho du lịch Thừa Thiên Huế. Tỉnh xác định sản phẩm du lịch mới của Thừa Thiên Huế năm 2018 là tuyến phố đi bộ dọc sông Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu) gắn với không gian bảo tàng dọc đường Lê Lợi; nghiên cứu kéo dài hoạt động tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu lên tất cả các ngày trong tuần; mở rộng một số khu vực khác như trên cầu Trường Tiền, đường Đoàn Thị Điểm…

Năm 2018 sẽ là năm du lịch Huế tiếp tục đầu tư theo hướng xanh, sạch, đặc biệt chú ý yếu tố nhân văn. Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế đang được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng các nhà trưng bày Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị. Tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch chuẩn bị thành lập Bảo tàng Mỹ thuật trên tuyến đường này để đáp ứng nhu cầu du khách yêu nghệ thuật đến Huế. Các khu ẩm thực và hoạt động cộng đồng cũng sẽ được tổ chức trên đường Lê Lợi, khu phố đêm…

Festival Huế 2018 được chọn là điểm nhấn thu hút du khách trong năm tới, được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế đang chờ đón du khách gần xa khám phá và trải nghiệm.

Du lịch tâm linh đã bắt đầu được quan tâm, sẽ tiếp tục mời các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát, xây dựng một số tour du lịch tâm linh phụ vụ khách du lịch. Bên cạnh việc phát triển, hình thành và hoàn thiện một số sản phẩm du lịch đặc trưng và cấp thiết vốn là thế mạnh của Huế; một số sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch homestay, du lịch nhà vườn cũng sẽ được tiếp tục triển khai ở Huế và các địa phương như Lộc Bình, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng An…

Một kế hoạch khá thú vị đang được liên sở Giao thông vận tải và Sở Du lịch chuẩn bị, đó là xây dựng loại hình du lịch bằng xe đạp, xe điện cá nhân tự cân bằng trong thành phố Huế và vùng phụ cận.

Cần sáng hơn khi trời tắt nắng

Những nỗ lực hình thành các tuyến phố đi bộ đang làm cho Huế về đêm sôi động hơn, vui hơn, mang nét thị thành hơn. Tuy nhiên về đêm, không gian Huế vẫn còn khá tối. Huế cần được trang hoàng ánh sáng hơn nữa mỗi khi nắng tắt. Tức là Huế rất cần yếu tố SÁNG bên cạnh XANH, SẠCH.

Các con sông Huế, đặc biệt sông Ngự Hà, sông An Cựu… gần đây đã được nạo vét, làm sạch; đó là điều kiện rất tốt để triển khai ngay du lịch đường thủy.

Nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Huế không nhất thiết phải thu hút lượng khách quá lớn, nhiều khi chỉ cần chú ý đến dòng khách lịch lãm, biết trả tiền tương xứng với giá trị văn hóa, không gian yên tĩnh, xanh sạch, đầy nhân văn… mà họ chỉ có thể thụ hưởng khi đến với Huế. Dòng khách như thế trên thế giới có khá nhiều, chỉ cần Huế tổ chức được cơ sở hạ tầng, không gian văn hóa để thu hút. Vì vậy, như nghị quyết về du lịch xác định, cần tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị đẳng cấp cao ở Bạch Mã, Chân Mây - Lăng Cô, với trọng tâm là Cảng du lịch quốc tế Chân Mây, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế.

Cuối cùng, lâu dài phải xây dựng cho được ý thức văn hóa thị dân của thành phố du lịch mang tính chất Huế. Làm sao để mỗi công dân đang sống ở miền sông Hương núi Ngự, ngay từ nhỏ đã được khơi gợi ý thức về việc tạo nên sản phẩm du lịch và triển khai ý tưởng đó, với một ý thức văn hóa Huế đã ăn sâu trong tiềm thức…

P.V    
(SHSDB27/12-2017)


 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng