Ai ra xứ Huế
Nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa trong chính trị
10:00 | 26/10/2020

Chào Mừng Đại Hội Đảng Bộ Tỉnh Thừa Thiên Huế Lần Thứ XVI, Nhiệm Kỳ 2020 - 2025

NGUYỄN THÁI SƠN *

Nâng cao nhận  thức về xây dựng văn hóa trong chính trị
“Mây về giữa phố” - Ảnh của NSNA Lê Minh

1. Đường hướng xây dựng văn hóa trong chính trị

Xây dựng văn hóa trong chính trị là một trong những nhiệm vụ cốt lõi để xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, làm nền tảng tinh thần, làm động lực cho quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Đây chính là quá trình xây dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa vào trong chính trị, nâng cao tính dân tộc, tính khoa học, tính dân chủ, tính nhân văn của chính trị, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chính trị nói chung, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (năm 2014) đã nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa trong chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) đã tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị gắn với xây dựng văn hóa trong kinh tế để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa trong chính trị là quá trình xác lập và thực hành các giá trị văn hóa (chân, thiện, mỹ) trong bộ máy tổ chức và hoạt động chính trị, cả trong chấp chính (lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; quản lý điều hành của Nhà nước; kiểm tra, giám sát quyền lực của Nhân dân) lẫn tham chính (tham gia đời sống chính trị của cán bộ, công chức, công dân và mọi người dân) với vai trò, vị thế, thẩm quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ khác nhau, phối hợp với từng đối tượng của chủ thể. Văn hóa trong chính trị biểu hiện tập trung ở trình độ dân chủ hóa chính trị, đảm bảo quyền con người trong phát triển. Đồng thời, văn hóa trong chính trị biểu hiện ở con người - chủ thể của tổ chức chính trị và hoạt động chính trị, nhân tố quyết định văn hóa trong cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giữ vai trò nòng cốt. Văn hóa trong chính trị không chỉ liên quan đến kỷ luật chính trị, đạo đức chính trị mà còn quan hệ chặt chẽ với phong cách chính trị. Phong cách chính trị dân chủ, quần chúng, nêu gương là phong cách của cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được xây dựng hiện nay.

Xây dựng văn hóa trong chính trị sẽ làm cho giá trị văn hóa bao gồm cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái hữu ích thấm sâu vào trong các tư tưởng, đường lối chính trị, hoạt động của hệ thống chính trị, thể chế chính trị, nghệ thuật chính trị, thấm sâu vào hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm và sự tham gia chính trị của mọi tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của các lĩnh vực và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào thực hiện mục tiêu chính trị thực tiễn. Xây dựng văn hóa trong chính trị theo quan điểm của Đảng, trước hết ở các giá trị và chuẩn mực văn hóa làm cơ sở cho hoạt động chính trị. Các giá trị và chuẩn mực này phải thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn, kế thừa các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, tiếp thu các giá trị tiến bộ của thời đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đặc biệt là phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, khát vọng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Điều trọng yếu nữa là xây dựng con người. Xây dựng văn hóa trong chính trị ở Việt Nam hiện nay trước hết tập trung chăm lo xây dựng văn hóa trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Xây dựng môi trường văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng. Điều này cần thể chế hóa các giá trị văn hóa trong chính trị thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý và đạo lý minh bạch để thực hiện xây dựng văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu và tỏa sáng. Một khi các giá trị và chuẩn mực trong chính trị được cộng đồng chấp nhận và thực hiện tự giác, trở thành nền nếp sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong chính trị lành mạnh, làm cơ sở để rèn luyện và hoàn thiện nhân cách con người trong chính trị.

Những tố chất về văn hóa con người sẽ được phát huy cao nhất khi có sự nhìn nhận, đánh giá và khích lệ từ các lĩnh vực như báo chí, truyền thông, văn học, nghệ thuật. Đây chính là phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa đối với chính trị, lan tỏa các giá trị đẹp trong đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả của thực tiễn. Và điều này cho thấy sự cần thiết của việc tạo điều kiện và cơ hội cho Nhân dân tham gia vào đời sống chính trị. Chỉ khi người dân tham gia vào thực hành bầu cử, ứng cử, theo dõi, góp ý vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện, tham gia giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở các cấp, khi đó quyền lực mới thuộc về Nhân dân một cách thật sự.

 

“Khách sạn Morin” - Ảnh NSNA Phạm Bá Thịnh

2. Xây dựng văn hóa trong chính trị trong giai đoạn phát triển mới

Trong quá trình 35 năm đổi mới vừa qua, quá trình xây dựng văn hóa trong chính trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp được kế thừa và phát huy, nhất là việc sống và làm việc theo phong cách của Bác Hồ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, chúng ta cũng không tránh khỏi những hạn chế. Đó là công tác tư tưởng, lý luận và học thuật chưa theo kịp thực tiễn luôn biến động. Chúng ta chưa nắm bắt và dự báo một cách chính xác xu hướng vận động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Một trong những hạn chế lớn là tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên nhưng các cấp ủy đảng chưa kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi. Nguyên nhân chính là việc nhận thức về việc xây dựng văn hóa con người còn dừng lại ở cấp độ chung chung, trừu tượng, chưa được lý giải sâu sắc và toàn diện ở cả cấp độ lý luận cũng như tổ chức thực hiện.

Trong giai đoạn phát triển mới, cần chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ từ trung ương tới cơ sở có phẩm chất đạo đức. Con người vừa là chủ thể xây dựng môi trường văn hóa trong chính trị đồng thời con người cũng chính là sản phẩm của môi trường này. Việc xây dựng môi trường văn hóa phải được tiến hành từ xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi tổ chức cơ sở từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã, phường, thị trấn… song hành với việc nâng cao vai trò của văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng tham gia xây dựng văn hóa trong chính trị.

Để hài hòa và phù hợp với xu thế thời đại và thế giới, phương thức lãnh đạo của Đảng không chỉ dừng lại ở việc đề ra chủ trương, phương hướng mà còn là năng lực biến chủ trương đó thành hiện thực thông qua hoạt động thực tiễn. Đồng thời khắc phục xu hướng thờ ơ, vô trách nhiệm, nói nhiều, làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng văn hóa trong chính trị cho giai đoạn phát triển mới, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục xác định nội dung, phương hướng xây dựng văn hóa trong chính trị bao gồm: Tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức… Xây dựng văn hóa trong chính trị làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của Đảng, tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, giữ gìn đạo đức. Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật, xây dựng Đảng nghiêm minh với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách đạo đức cách mạng để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân… Phát huy ý thức tự giác của toàn dân và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, đảm bảo công bằng về cơ hội và hưởng thụ văn hóa.

3. Xây dựng văn hóa trong chính trị ở địa bàn Thừa Thiên Huế

Đặc điểm lịch sử, văn hóa của vùng đất Thừa Thiên Huế càng đòi hỏi cao về văn hóa trong chính trị để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương trong giai đoạn mới. Trên tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã xác định quyết tâm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã khẳng định việc “phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên” “nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân”.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng văn hóa trong chính trị theo quan điểm của Đảng, ở địa bàn Thừa Thiên Huế luôn chú trọng nâng cao vai trò của văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng văn hóa trong chính trị theo tinh thần dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo quan điểm của Đảng, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và phát triển toàn diện con người. Văn học, nghệ thuật tham gia vào bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam và con người xứ Huế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Với đặc thù lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô, văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phải thể hiện rõ hơn vai trò cổ vũ, động viên nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền cảm hứng sáng tạo cho nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.

Đây chính là quá trình xây dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa vào trong chính trị, nâng cao tính dân tộc, tính khoa học, tính dân chủ, tính nhân văn của chính trị, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chính trị nói chung, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong chính trị là một trong những nhiệm vụ cốt lõi để xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, làm nền tảng tinh thần, làm động lực cho quá trình đổi mới và phát triển đất nước.

N.T.S
(SHSDB38/09-2020)

 

-----------------------
* Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

 

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng