Ai ra xứ Huế
Làng Mỹ Á
15:44 | 04/01/2022


MAI VĂN ĐƯỢC

Làng Mỹ Á
Đình làng Mỹ Á

1. Mỹ Á là một ngôi làng cổ của xứ Huế, nằm trên dải cát “tiểu trường sa”1 và hướng ra Biển Đông. Năm 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, các nhóm cư dân Nam tiến vào khai phá những vùng đất mới còn trống hay cùng chung sống với những lớp cư dân trước đó. Ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế trong thời điểm này có nhiều làng được thành lập, như An Dương, Hoa Diên (Phương Diên), Hoa Lộc (Diên Lộc), Mai Vịnh (Mai Vĩnh), Tiên Sa (Tân Sa), Thuần Mỹ (Khánh Mỹ), Kế Đăng (Kế Võ), Đường Thiên (Xuân Thiên), Hà Thanh, An Đôi (An Bằng), Mỹ Toàn (Mỹ Lợi), Trị Lũy (Phụ An)… Trong xu thế đó, làng Mỹ Á cũng ra đời. Sự hình thành làng xã ven biển Thừa Thiên Huế nói chung, làng Mỹ Á nói riêng nằm trong quy luật khẩn hoang lập làng ở vùng Thuận - Quảng: “Thời Lê sơ là khai khẩn khắp các địa bàn căn bản trên vùng đồng bằng và tiến hành khai lập xã hiệu. Thời chúa Nguyễn là khai khẩn bổ sung trên những đất đai còn lại, gồm vùng gò đồi “lâm lộc” ở phía tây và dải cát “thổ ương” ven biển, cùng với những bàu đầm ở phía đông, lập nên những thôn, ấp hiệu mới”2.

Người có công lớn nhất trong việc khai phá lập làng là ông Huỳnh Văn Gộc, quê gốc ở Thanh Hóa. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, thủy tổ họ Huỳnh là Huỳnh Văn Gộc nguyên là lính của chúa Nguyễn Hoàng, được cử đi trấn thủ cửa Tư Hiền; sau đó ngài về khai phá vùng đất Mỹ Á. Trong quá trình làm nhiệm vụ, ông còn dùng sức mình điều khiển trâu để khơi thông cửa biển Tư Hiền. Tuy ông có công đầu tiên khai phá lập làng Mỹ Á nhưng chỉ nhận sắc khai khẩn. Chính điều này đã tạo ra một điểm hết sức đặc biệt trong văn hóa làng xã ở Mỹ Á, đó là “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh”, khác với các làng khác - “tiền hiền khai canh, hậu hiền khai khẩn”. Triều vua Khải Định ban sắc phong cho ông với mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần”.

Sau họ Huỳnh là ba họ Lê, Nguyễn, Phạm. Ba họ này cùng với họ Huỳnh khai phá vùng đồng bằng ven biển, vùng lâm lộc ở trảng cát để lập nên làng Mỹ Á. Ghi nhận công lao đó, triều Nguyễn đã có sắc phong khai canh cho họ Lê, Nguyễn, Phạm. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh bom đạn loạn lạc, các sắc phong này đã bị mất. Tư liệu hiện tồn ở làng Mỹ Á chỉ còn phản ánh mỹ tự được phong là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Đoan Túc tôn thần”. Trong số ba họ khai canh thì chỉ còn lại họ Nguyễn truyền nối trải đến nay 16 đời, trở thành một họ lớn trong làng. Theo Nguyễn tộc phổ hệ, dòng họ này quê gốc Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa3.

Tiếp đến là các họ Trương, Hồ, Trần, Cao vào khai phá đất đai, được triều Nguyễn ban sắc phong với mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần”. Họ Trương quê gốc ở Thanh Hóa, dần di cư vào làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An, rồi vào Thuận Hóa. Họ Hồ quê gốc vùng Thanh - Nghệ vào khai phá đến nay được 14 đời. Họ Trần gốc làng Rào, tổng Bất Náo, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Họ Cao có nguồn gốc từ làng Thanh Lam (Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Tiếp sau là các dòng họ Đoàn, Mai, Lê, Lưu, Bùi, Phan... cũng đến Mỹ Á sinh sống. Hiện nay, làng Mỹ Á có tất cả 47 họ lớn nhỏ, các dòng họ chung sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt luôn hăng hái trong công việc chung của xóm của làng.

Nhờ công lao khai phá của các vị tiền hiền, hậu hiền, làng Mỹ Á có 11 xứ đất, gồm: Ma Á, Thượng Á, Hạ Á, Ông Lễ, Ông Đích, Bến Vội, Bến Nẫy, Bến Trung, Bến Sơn, Ông Chú, Hạ Ông Chú và chia thành 11 phường/xóm: Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Lộc, Mỹ Thái, Mỹ Thành, Mỹ Xương, Mỹ Tường, Mỹ Khánh, Mỹ Phước, Mỹ Long, Mỹ Thiện.

2. Cư dân làng Mỹ Á lấy nghề nông và nghề biển làm nguồn sống chính. Nghề nông ở làng Mỹ Á xưa chủ yếu là trồng lúa. Mỗi năm, người dân trồng 2 vụ lúa: vụ mùa (vụ đông xuân) bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch, trồng giống lúa trắng, chiêm…; vụ trái (vụ hè thu) từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, trồng giống lúa hẻo rằn, chiên, nước mặn... Ngoài lúa thì nơi đây nổi tiếng với “môn - khoai”. Môn thích hợp với vùng đất cát ẩm, trồng vào tháng Giêng, thu hoạch tháng 7 âm lịch. Môn làng Mỹ Á có nhiều loại, như môn sáp vàng, môn chấm, môn khất… Cây môn được người dân tận dụng một cách triệt để: củ dùng nấu chè, luộc hay xắt lát phơi khô; thân dùng làm dưa môn; lá phơi héo để gói mắm, ruốc. Khoai Mỹ Á là các loại khoai bay, khoai vồ (chứa nhiều tinh bột), khoai dở (củ có màu đỏ), khoai giận… Trên vùng cát trắng, khoai trồng vào tháng 8 đến tháng 11 âm lịch thì thu hoạch; ở cánh đồng bên bờ biển trồng vào tháng Giêng và tháng 4 âm lịch là có thể “bới” khoai. Khoai trồng ở đất cát trắng thì rất bở, nhiều tinh bột; còn khoai trồng ở gần bờ biển lại có vị ngọt ngọt, mặn mặn rất thú vị. Chính vì môn, khoai được trồng nhiều, lại nổi tiếng thơm ngon nên đã đi vào ca dao nơi đây:

Trăng rằm đã tỏ lại tròn,
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi.


Hay:

Môn khoai Mỹ Á,
Mía mã Nam Trường,
Nương vườn Mỹ Lợi…


Làng Mỹ Á còn nổi tiếng với cây dừa. Trước đây, dừa được trồng rất nhiều. Dừa Mỹ Á được cho là có nước ngọt thanh vì nhờ nguồn nước và có vị mặn của hơi nước biển. Dừa là đặc sản, được người dân đem đi bán nhiều nơi, lên tận thành phố Huế. Các vị cao niên trong làng còn kể rằng, dừa Mỹ Á rất sai quả, có buồng đến 60 trái và đã từng đem đi triển lãm ở thành phố Huế vào những năm 1960.

Trong cơ cấu kinh tế của làng Mỹ Á thì ngư nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, chỉ đứng sau nông nghiệp. Từ khi thành lập làng thì người dân đã biết vươn khơi đánh bắt hải sản. Trước đây, ngư dân Mỹ Á trang bị các loại thuyền có sườn gỗ, đan nan tre, trét dầu rái, chèo tay; dùng lưới để thả cá; cần câu, ống câu để câu cá. Nghề câu khá phát triển ở làng Mỹ Á. Thông thường, các ngư dân dùng thuyền buồm để đi câu, mồi câu là cá nục, tôm, cá trích, cá cơm... để câu nhiều loại cá khác nhau, như cá thu, cá cờ… Nghề câu còn dùng mồi giả là các sợi kim tuyến hay dây nilon tết khéo léo thành hình cá con để dụ các loài cá nục, bạc má, ngân, mối… Mực cũng được đánh bắt bằng cách câu nhưng vào ban đêm. Bên cạnh nghề câu thì nghề lưới khá đa dạng, có nhiều loại lưới với nhiều loại kích cỡ khác nhau. Ngư dân thường làm nghề lưới hai, lưới ba, lưới chuồn, lưới nổi, lưới trích và lưới mực. Đối với nghề lưới, đòi hỏi người ngư dân phải có kinh nghiệm và xác định các con nước trong năm. Mỗi loài cá có một tập tính và thích nghi một môi trường hay dạng “địa hình” khác nhau như vùng thấp, vùng cao, những lạch sâu, lạch cạn, cũng có chỗ là cát biển, cũng có nơi là bùn, đá, rạng san hô…, ngư dân căn cứ vào việc xác định đúng con lạch, dạng “địa hình” mà đánh cá. Cùng với đó còn có nghề đánh ruốc, bủa rùng, đánh mành... Ruốc đánh bắt được người dân nơi đây tiến hành chế biến thành mắm ruốc.

3. Là làng nửa nông nửa ngư nên trong văn hóa của làng Mỹ Á cũng phản ánh lên điều đó. Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như nhiều làng khác, Mỹ Á có tín ngưỡng thờ đa thần, gồm nhiên thần và nhân thần, thờ những vị thần phù hộ cho nghề nông và cả thần phù hộ cho nghề biển. Theo văn tế lưu tại đình làng, Mỹ Á thờ các vị thần sau: Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương vương; Chàng Cả Hiển Ứng, Chàng Hai Gia Ứng, Chàng Ba Phúc Ứng, Chàng Tư Trừng Thanh, Chàng Năm Uyên Tuyền ngũ vị Long vương; Tổ hoàng liệt vị thánh đức tôn vương; Linh thông bổn thuộc cương vân cương khương cương túc thành hoàng chi thần; Kỷ Mùi khoa tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung tôn thần; Đông Nam Sát Hải Lang Lại nhị đại tướng quân; Lãnh quân Tô Hồ đại tướng; Hoàng Sát Hải Hồ Đại Liệu; Tứ đầu gia cầm; Tam vị đàn nương; Phi mã xích lân đại tướng quân chi thần; Quan thánh đế quân; Tể lộ giác hải chi thần; Chưởng quảng bạo chi thần; Tứ Dương Linh Trạc Diệu Ứng Quảng Tế Linh Thông Địch Võ Bao Cương Thành Quốc công chi thần; Khai hoàng bổn thổ quan Đội trưởng Trương quý công chi thần; Thái Giám Bạch Mã chi thần; Thành quốc quý dận hải quốc công chi thần; Ông Cả bà Mang chi thần; Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi chi thần; Cao Các Quảng Độ đại vương; Bà Dương tiên nương chi thần; Bà Hồng tiên nương chi thần; Ngũ hành tiên nương chi thần; Tam giáo cửu lưu thánh hiền tiên sư; Ngũ phương thổ công chi thần; Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân; Công tử nhị vị chi thần; Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân liệt vị chi thần; Nghị Trực Kiệt Tiết lãnh Trà quận phu nhân chi thần; Ma Á bổn thổ giới hạn chi thần; Nội Hữu Chưởng doanh Võ Trung hầu tặng Tán Trị Công Thần Trấn Phủ Võ quận công Nguyễn công húy Phúc Thế gia tặng Thiếu Truyền Trung Lượng Phủ quân đại thần; Triều tôn mệnh phụ Tống Sơn quận chúa Võ quận phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Phượng thụy Từ Nhã pháp danh Pháp Hoa chi thần; Y phu Trấn Phủ Võ Trung hầu nguyên phối Nguyễn Thị Hoa thụy Từ Thuận Trinh Thục phu nhân pháp danh Giới Vận chi thần; Cựu doanh trấn thủ Chưởng doanh tặng Dực Vận Công Thần Đặc Tiến Khai Phủ Trụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Tả Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự Trấn phủ Kính quận công Nguyễn công húy Phúc Thông thụy viết Trung Lượng phủ quân chi thần; Thần Nông thánh đế; Hậu Tắc tôn vương; Tiền hiền khai khẩn, Lê khai canh, Nguyễn khai canh, Phạm khai canh mông phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Đoan Túc tôn thần; Long Hồ dinh Xá Sai ty Hồ quý công chi thần; Chánh quản Cơ Huỳnh Tài hầu chi thần; Phó quản Cơ Lê Đức Thành chi thần; Tiền quân tiền tiệp Cơ Lê Đức Thành chi thần; Chánh quản cơ Nguyễn Văn Mông quý công chi thần; Suất đội quyền sung hiệp quản Huỳnh Dực quý công chi vị; Khai khoa Tú tài Nguyễn Văn Đạt quý công chi vị; Công đức Nguyễn Hy trưởng khoa sài ý liệt vị quý công; Hậu khẩn Huỳnh, Trương, Hồ, Trần, Cao trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần; Lê, Nguyễn, Phạm, Huỳnh, Trương, Hồ, Trần, Đoàn, Mai, Cao, Lưu, Bùi, Phan, Đặng thủy tổ liệt vị; Đội trưởng Lê Văn Bá quý công chi vị; Thừa biện Nguyễn Văn Tự quý công chi vị; Phong tá hưu trí Huỳnh Ngọc Phan quý công chi vị.

Hằng năm, làng Mỹ Á có hai lễ tế lớn là Thu tế tại đình làng và Đông chí tại nhà thờ Thập nhị tôn phái. Bên cạnh đó, đầu năm làng cũng tổ chức lễ Khai hạ vào sáng mồng Hai Tết để cầu cho một năm mùa màng bội thu. Trong dịp này, làng làm lễ tống ôn dịch với ước vọng tiêu trừ dịch bệnh. Họ thành tâm cầu khấn các vị thần: Đương Cảnh Thành Hoàng đại vương; Thái tuế chí đức tôn thần; Kim niên hành khiển hành binh chi thần; Đương Cảnh Thổ địa chánh thần; Ngũ phương chưởng ôn dịch lệ thần quan; Ngũ đạo hành binh chi thần; Hành hàn hành nhiệt hành ẩu hành thổ hành tả hành tiết hành bệnh hành tai hành ách thần quan. Sau lễ Khai hạ, người dân mới được xuống ruộng (hạ điền) để làm công việc đồng áng. Hạ điền ở đình làng để.

Lễ hội lớn nhất của làng Mỹ Á là lễ hội đua thuyền. Đây chính là lễ xuống mùa của ngư dân. Trước đây, lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch, là thời điểm biển đã êm, không còn sóng to gió lớn. Trong phần lễ, ngư dân dâng cúng các phẩm vật và tổ chức hò đưa linh để cầu một năm đánh bắt được nhiều tôm cá, thuận buồm xuôi gió. Đua thuyền gồm có 3 đội là 3 vạn: vạn xăm, vạn dạ và vạn rùng. Hiện nay, lễ hội đua thuyền được tổ chức 5 năm hoặc 3 năm một lần vào tháng 6 âm lịch và có 4 đội đua.

Cũng như nhiều làng xã khác ở xứ Đàng Trong, làng Mỹ Á ra đời và phát triển cùng với công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của Đại Việt. Trải qua quá trình khai phá lập làng, từ những họ khai canh, khai khẩn ban đầu đến nay làng đã có 47 dòng họ cùng nhau chung sống và lấy hai nghề nông - ngư làm sinh kế chính.

M.V.Đ
(TCSH43SDB/12-2021)


---------------------------------
1. “Tiểu trường sa” là dải cát ven biển từ cửa Thuận An kéo dài đến cửa Tư Hiền.
2. Huỳnh Công Bá (2010), “Một số kết quả nghiên cứu về loại  hình khẩn hoang vùng Thuận - Quảng”, trong Thuận Hóa - Phú Xuân Thừa Thiên Huế 700 năm hình thành và phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 257.
3. 阮族譜系 (Nguyễn tộc phổ hệ), lưu tại Nhà thờ họ Nguyễn, làng Mỹ Á, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.



 

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng