Ai ra xứ Huế
Hình ảnh tranh dân gian làng Sình và hoa văn cung đình trong thiết kế tạo mẫu mới cho hàng lưu niệm ở Huế
10:55 | 11/01/2022


PHẠM MINH HẢI

Hình ảnh tranh dân gian làng Sình và hoa văn cung đình trong thiết kế tạo mẫu mới cho hàng lưu niệm ở Huế

Huế, nơi từng là thủ phủ xứ Đàng Trong và kinh đô triều Nguyễn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng, mang tính truyền thống độc đáo, quý giá. Tuy nhiên những giá trị đó vẫn còn ít được khai thác trong thiết kế sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, tạo hình sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu du lịch ở Huế. Hiện nay các mặt hàng lưu niệm Huế đã có một số sản phẩm phục vụ du lịch, nhưng điều dễ nhận ra là mặt hàng không nhiều, thiếu mẫu mã mang tính đột phá, hầu hết các mẫu mã quá quen thuộc với du khách, thiếu tính mới, dấu văn hóa - tâm linh xứ Huế còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, không ít sản phẩm hàng lưu niệm chỉ là “mẫu số chung”, có thể bắt gặp các mặt hàng đó được bày bán đại trà ở các cửa hàng lưu niệm trên khắp Việt Nam. Trong khi đó, mỹ thuật cung đình thời Nguyễn và tranh dân gian làng Sình ở Huế có rất nhiều hoa văn trang trí đa dạng, hình ảnh, đề tài độc đáo và mang đậm nét văn hóa Huế nhưng chưa được khai thác ứng dụng trong thiết kế và trang trí hàng lưu niệm. Với những trăn trở về những sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng cho Huế, một nhóm họa sĩ, nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã có những thử nghiệm thiết kế, sản xuất thử một số mặt hàng lưu niệm, trong đó mẫu thiết kế bộ thẻ đánh dấu trang sách (Bookmark), trang trí áo pull, túi xách vải và một số phụ kiện thời trang. Những sản phẩm này đã góp phần gợi ý và phần nào định hướng cho việc phát triển thiết kế hàng lưu niệm ở Huế hiện nay trên tinh thần bảo tồn và phát huy một cách bền vững các giá trị văn hóa mà Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII đã nêu: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.”1

1. Sự cần thiết cải tiến, thiết kế mẫu mã và ứng dụng công nghệ sản xuất hàng lưu niệm Huế

Một trong những nét đặc sắc của mỹ thuật ở Huế là nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình với rất nhiều hoa văn mang nét đặc sắc nổi trội, nghệ thuật tranh dân gian làng Sình với những yếu tố bí ẩn vẫn còn lưu lại đến nay. Những hình ảnh hoa văn, đề tài trang trí được bắt gặp ở nhiều nơi từ đền đài, cung điện, lăng tẩm cho đến hình ảnh thờ cúng tâm linh mang sắc màu dân gian xứ Huế. Mỗi chủ đề, kiểu thức thể hiện trong trang trí cung đình Nguyễn hay tạo hình dân gian Huế đều gần như mang một lúc nhiều chức năng với ngôn ngữ biểu tượng, ẩn dụ sâu sắc mà có lúc cũng từ hoa văn, hình ảnh, đề tài ấy, nhiều khi mờ đi ý nghĩa xưa cũ và sáng lên những sắc thái tươi mới trong cảm thức của những nghệ sĩ đương đại thông qua những sản phẩm ứng dụng. Nổi bật trong đó là tư tưởng và ước vọng về cuộc sống yên bình, no đủ của con người. Trong mỗi bức tranh làng Sình xưa và hoa văn trang trí cung đình thời Nguyễn có bao ý nghĩa nhân sinh, vũ trụ, phẩm hạnh, cầu chúc tinh tế, giàu tính triết thẩm mỹ phương Đông.

Trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn hoa văn thiết kế bộ thẻ đánh dấu trang sách sử dụng hoa văn nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn, các họa sĩ đã chọn bộ tứ linh, tứ thời để đưa vào thiết kế. Đề tài tứ linh chiếm vị trí chủ đạo trong trang trí kiến trúc cung đình tại Huế, với rất nhiều kiểu thức trang trí khác nhau, các đề tài bao gồm: Lưỡng long chầu nguyệt, Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long chầu nhật, Long hồi, Long ẩn vân, Hoa lá hóa rồng, Long lân khế hội, Phụng hàm thơ, Rùa đội bát quái... và nhiều hình thức biểu đạt và kết hợp khác. Tứ thời được xem là biểu tượng của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông tương ứng với ba tháng trong năm... Quan niệm người phương Đông cho rằng tứ thời cũng là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc... như tứ phương, tứ trụ, tứ đức... Bộ trang trí tứ thời có những kiểu thức quen thuộc chứa đựng những giá trị tinh thần quý phái, trang nhã và đầy triết lý, tâm linh theo truyền thống triết lý Nho giáo. Với mục đích đi tìm nét đặc sắc, dấu ấn Huế để tạo sản phẩm quà tặng lưu niệm, nhóm thiết kế đã hóa giải một xu hướng thiết kế nhằm mở ra hướng đi, tạo cơ hội phát triển sản phẩm thủ công truyền thống cũng như hàng lưu niệm đặc trưng của Huế. Nhóm thiết kế cũng nhận thấy tuy đã có sản phẩm tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm hàng thủ công nổi bật, nhiều sản phẩm được trao giải nhưng hầu hết sản phẩm dù được làm khá công phu nhưng kích cỡ cồng kềnh không phù hợp và đảm bảo tiêu chí tiện dụng của hàng lưu niệm, quà tặng... Không gian nghề thủ công truyền thống Huế được chú trọng đầu tư khá nhiều qua các Festival Nghề truyền thống ở Huế, nhưng có lẽ cần phải thường xuyên và có chiến lược phát triển dài hạn để hình thành và phát triển nghề thủ công truyền thống kết hợp sản xuất quà lưu niệm một cách bền vững, tạo ra hiệu quả về cả kinh tế cũng như việc quảng bá hình ảnh Huế ra thị trường du lịch trong và ngoài nước.

Vận dụng, chọn lọc các giá trị hoa văn, biểu tượng trang trí để thiết kế các sản phẩm hàng lưu niệm Huế với tính đặc trưng, tạo nên một hình ảnh thị giác mang màu sắc thẩm mỹ Huế, có giá trị về mặt tinh thần, tâm linh, với phong cách, dấu ấn riêng của sản phẩm hàng lưu niệm Huế. Thiết kế bộ thẻ đánh dấu trang sách mang ý nghĩa trân trọng về văn hóa đọc, một thói quen và phẩm chất văn hóa nổi bật, đáng trân trọng của người Huế, đó cũng là sản phẩm quà tặng lưu niệm kèm theo tấm lòng hiếu khách của chính quyền và người dân thành phố Huế dành tặng cho những vị khách quý. Các sản phẩm mẫu mã thiết kế mới luôn là một phần của thị trường hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm không chỉ ở thành phố Huế mà cũng là yêu cầu khách quan của mọi trung tâm du lịch ở nước ta. Tuy nhiên để có một sản phẩm hàng lưu niệm có giá trị thẩm mỹ bền vững thì rất cần có một nghiên cứu công phu và mang tính chiến lược, tính thực tế.

2. Ứng dụng hoa văn trang trí thời Nguyễn thiết kế mẫu sản phẩm bộ thẻ đánh dấu trang sách

Thiết kế mẫu mã sản phẩm bộ thẻ đánh dấu trang sách dựa trên các tiêu chí, các họa tiết trang trí triều Nguyễn đã được nhóm nghiên cứu chọn lọc và tổ chức tập huấn cho các nghệ nhân.  

Sự phối hợp giữa nhà thiết kế và nghệ nhân có thể cùng triển khai thực nghiệm sản xuất các sản phẩm hàng lưu niệm theo thiết kế với tiêu chí sáng tạo, bền, giá thành hợp lý mang đậm đặc trưng của Huế, có chất lượng nghệ thuật, đáp ứng thẩm mỹ và được làm thủ công. Chọn lọc ý tưởng và hoàn thiện thiết kế mẫu mã các bộ sản phẩm dựa trên nhu cầu, ý nghĩa thẩm mỹ và những nét văn hóa đặc trưng của du lịch Huế, bên cạnh đó tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, từ đó giải quyết được các vấn đề: bảo tồn nghề truyền thống, việc làm cho lực lượng lao động địa phương, đầu ra cho sản phẩm. Khảo sát lấy ý kiến của các đơn vị kinh doanh hàng lưu niệm và thị hiếu của khách du lịch khi đưa ra sản phẩm mẫu bộ đánh dấu trang sách. Nhóm thiết kế đã nhận được khá nhiều ý kiến góp ý về tính đặc trưng của văn hóa Huế trên sản phẩm bộ đánh dấu trang sách, trên cơ sở đó các họa sĩ thiết kế đã chỉnh sửa mẫu mã các bộ sản bộ thẻ đánh dấu trang sách phù hợp tính lưu niệm và ứng dụng hơn. Nhiều câu hỏi của du khách cũng chỉ ra những tồn tại trong quảng bá du lịch ở Huế như tại sao không có ghi chú giải nghĩa cho các sản phẩm? Tên gọi mỗi sản phẩm sao không là tiếng Việt phổ thông mà dùng tiếng Hán hoặc tiếng Huế mang tính phương ngữ? Sao không làm bằng vàng để bán cho đối tượng khách có nhu cầu cao hơn... Bộ thẻ đánh dấu trang sách sử dụng hình tượng trang trí tứ linh (Long + Lân + Quy + Phụng) từ hoa văn cung đình triều Nguyễn đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng ý tưởng thiết kế mang tính Huế rất cao. Sản phẩm bộ thẻ đánh dấu trang sách được thực hiện bao gồm sản phẩm và bao bì đựng với các chất liệu sơn mài, phù điêu bằng đồng, chạm khắc gỗ được đặt trong hộp cứng bọc vải thêu, với trang trí chủ đạo là hình tượng tứ linh (Long + Lân + Quy + Phụng).

Bộ thẻ đánh dấu trang sách với hình tượng tứ linh bằng gỗ khảm xà cừ


Rồng là biểu tượng của nhà vua và sức mạnh của vương triều. Lân là sự kết hợp của tất cả những phẩm chất tốt đẹp và những đức tính tử tế và nhân từ. Trong bộ tứ linh, rùa là linh thú duy nhất hội đủ các yếu tố hiện thực, vì rùa là một con vật có thật và được linh thần hóa bởi những ý nghĩa tâm linh, tượng trưng của chúng. Theo quan niệm phương Đông, từ đặc tính tự nhiên của đời sống thật, rùa vừa sống dưới nước vừa trên cạn, nên là biểu tượng của sự hài hòa âm dương. Rùa là động vật có tuổi thọ có khi vài trăm năm nên rùa là biểu tượng của sự trường thọ. Theo điển tích phương Đông, chim Phụng (phượng) là sứ giả mang tin may mắn, là hình ảnh tượng trưng cho sắc đẹp và đức hạnh của người phụ nữ. Chim phụng được tôn làm “bách điểu chi vương” (vua của các loài chim). Tự thân hình tượng phượng đã là một hình ảnh nhẹ nhàng, tao nhã và cao quý với ý nghĩa biểu thị hình ảnh quý phái của chủ nhân, là hình ảnh tượng trưng cho sắc đẹp và đức hạnh của người phụ nữ. Vì vậy, sử dụng hình tượng chim phượng trong thiết kế bộ thẻ đánh dấu trang sách làm quà lưu niệm sẽ tạo một nét đặc sắc mang đậm chất Huế, tạo ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước.

Mẫu thiết kế bộ thẻ đánh dấu trang sách hình lông chim và mẫu hộp


Yêu cầu nội dung thể hiện và tiêu chí thiết kế trong sản phẩm bộ thẻ đánh dấu trang sách có yêu cầu cao về sự đáp ứng chỉ tiêu, chất lượng kỹ thuật. Sử dụng họa tiết hoa văn trang trí tứ linh được thiết kế gọn nhẹ bằng các chất liệu đồng, gỗ, khắc trên giấy nghệ thuật, gỗ, da bò, vải... Sản phẩm đi kèm hộp cứng, có sử dụng nền họa tiết hoa văn trang trí, đính kèm brochure trích vắn nội dung và ý nghĩa của sản phẩm quà tặng. Hộp đựng thẻ được thiết kế dạng hộp giấy rút lõi hình chữ nhật bằng chất liệu giấy carton. Lõi hộp được phủ lớp vải nhung màu đỏ là nơi đựng sản phẩm. Vỏ hộp màu tối, lõi hộp vải nhung màu đỏ làm tăng tính sang trọng của sản phẩm đồng thời tôn vẻ đẹp của sản phẩm hơn nữa. Bộ thẻ đánh dấu được thiết thành 1 bộ hoàn chỉnh bao gồm 4 thẻ riêng biệt, mỗi thẻ được trang trí một linh thú riêng biệt.

3. Ứng dụng hình tượng trong tranh làng Sình thiết kế túi xách và áo, mẫu phụ kiện thời trang

Làng Sình, tên chính là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng cổ nổi tiếng với chùa Sùng Hóa từng được ghi danh trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An từ hơn 400 năm trước: “Chùa Sùng Hóa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh. Trước mặt có Sông Hương uốn khúc, sau lưng là tràm rộng mênh mông... bia Hoàng Phước cao vòi vọi ở mặt Bắc. Tượng Phật uy nghiêm, điện trên lộng lẫy. …Đây là một cảnh chùa nổi tiếng của đất Hóa Châu2. Nơi đây trước thế kỷ XVI được xem là vùng biên viễn xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hoang vu, biết bao hiểm họa tiềm ẩn, là nơi lưu đày của các tù nhân, tù binh, nơi lập nghiệp của những kẻ trốn lính, tha phương và cũng là nơi ở của người Chămpa còn sót lại sau bao cuộc di dời và lưu tán. Chính vì nơi đây là vùng đất hội tụ của nhiều tầng lớp người khác nhau nên cũng tạo ra nhiều biểu hiện văn hóa khác nhau qua thời gian và được dung hợp để tạo ra những giá trị văn hóa riêng cho một vùng đất. Một trong giá trị đó là sự ra đời của nghề làm tranh in thờ cúng mà xưa kia phát triển nhộn nhịp như một tác giả khác cho biết tranh được: “... xếp chất ngất các kiện tranh, rồi chở đi các nơi, có thuyền đi đến Huế hoặc vào tận Nam Bộ”.3

Mẫu thiết kế áo pull với hình ảnh Bát Âm trong tranh làng Sình (Huế)


Việc nghiên cứu ứng dụng nghệ thuật tranh dân gian làng Sình vào thiết kế sản phẩm phụ kiện thời trang ở Huế là một sáng kiến của một nhóm thiết kế trẻ trong và ngoài trường Đại học Nghệ thuật Huế. Đứng trước sự thay đổi của xã hội về nhiều mặt, sự đề xuất thử nghiệm thiết kế trang trí từ các đề tài, hình tượng ở tranh làng Sình đã góp phần bảo tồn, gìn giữ được nét văn hóa vùng đất Cố đô nói riêng và khẳng định những giá trị độc đáo của truyền thống mỹ thuật dân tộc. Nhóm thiết kế được khơi dậy tinh thần “Người Huế có ý thức và có biệt tài làm đẹp mọi thứ của đời sống thường ngày, nâng cái bình thường bình dị thành nghệ thuật.”4 Để mạnh dạn phát triển ý tưởng, nghiên cứu cách thức vận dụng các hình, nét nổi bật và các đề tài sinh động, giàu ý nghĩa của tranh dân gian làng Sình vào thiết kế phụ kiện thời trang túi xách nữ, là sự chắt lọc những họa tiết để đưa vào trang trí trên các phụ kiện theo bố cục, kích thước, hình dạng, màu sắc, đường nét tạo hình có tính toán, cân nhắc kỹ.

Túi giấy đựng quà tặng thân thiện với môi trường


Vì vậy cấu trúc bố cục có sinh động về nhịp điệu trang trí, gợi cấu trúc khối của áo hay phụ kiện như túi xách có sự chuyển động và hiệu quả thẩm mỹ cao. Mặt khác, sự sắp xếp những họa tiết tranh Sình vào thiết kế đã cho thấy hiệu quả của sự tối giản về bố cục ở túi xách hay trên áo. Từ đó việc thiết kế phụ kiện thời trang túi xách đã hạn chế được những mặt còn hạn chế trong thẩm mỹ thiết kế.

Một số hình ảnh trong tranh làng Sình được du khách yêu thích


Qua đó cho thấy các phụ kiện túi xách và áo đã phản ánh rõ nét tư tưởng, dấu ấn bản sắc văn hóa Huế và góp phần khẳng định những giá trị độc đáo của văn hóa Huế trong dòng chảy của văn hóa dân tộc. Một số sản phẩm túi xách, áo và phụ kiện thời trang với hình ảnh tranh dân gian xứ Huế không những có tác động thẩm mỹ tích cực mà còn mang giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa Huế nói riêng và vẻ đẹp của văn hóa dân tộc nói chung. Đó là một cách riêng bắt nhịp với sự phát triển ngành thiết kế thời trang Việt Nam trên con đường hội nhập trong ý tưởng tôn vinh và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm thiết kế dẫu còn có một vài định kiến, nhưng trong tương quan với sản phẩm khác ở Bắc khi đưa tranh Đông Hồ, Hàng Trống vào phụ kiện thời trang và áo thường thấy có mối quan hệ tác động tâm lý qua lại cho tất cả các thiết kế có cùng đặc tính tương đồng khác, và mọi sự so sánh vì vậy chỉ còn mang tính tương đối. Tạo được những mẫu mã hàng lưu niệm sử dụng từ những hình tượng tranh dân gian làng Sinh bằng sự kết hợp giữa đội ngũ những nhà thiết kế - nghệ nhân - thợ thủ công - cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng sản phẩm tốt, tính thẩm mỹ cao, mang đậm giá trị về ý nghĩa, hình thức và công năng sử dụng là cái có thể nhìn thấy mạnh dần lên hiện nay trong không gian du lịch ở Huế.

Hình ảnh thiết kế, trang trí túi xách vải phong cách tối giản


 

Áo thun trang trí tranh làng Sình cách điệu chủ đề “Vật làng Sình” 

Kết luận

Việc xây dựng thương hiệu đặc sản xứ Huế và phát triển hàng quà tặng, hàng lưu niệm Huế là nhu cầu cấp thiết không chỉ để quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu, giá trị văn hóa Huế mà còn thúc đẩy các hoạt động thương mại và du lịch của Tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Tại Trại sáng tác quốc tế về thủ công mỹ nghệ Mekong năm 2019 ở Thailand, nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình (Huế) đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm bộ thẻ đánh dấu trang sách bằng sơn mài của các họa sĩ Huế rất được các nghệ sĩ quốc tế khối các nước Tiểu vùng Mekong quan tâm, tìm hiểu. Hàng lưu niệm, hàng quà tặng là loại hàng mang tính chất đặc thù, liên quan đến văn hóa, vì vậy ngoài giá cả phải phù hợp với thị trường, các nhà thiết kế và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chú ý đến mẫu mã, kiểu dáng. Việc lựa chọn các bảo vật Việt Nam thời kỳ nhà Nguyễn, các cảnh vật di tích Huế và các danh lam thắng cảnh nổi trội, hình tượng đặc sắc của tranh dân gian làng Sình để thiết kế, sản xuất nhằm đưa ra thị trường đa dạng các loại sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng trong phục vụ ngành du lịch Huế là góp phần quảng bá văn hóa đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên cần tổ chức thường xuyên những cuộc vận động các quầy lưu niệm tại các điểm du lịch văn hóa - tâm linh ở Huế ưu tiên bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người dân xứ Huế sản xuất.

Mẫu thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm của nhóm bước đầu đang đi đúng hướng nhưng cơ hội để quảng bá sản phẩm và tạo môi trường tương tác du lịch đã bị dừng lại bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên khoảng lặng đó cũng có ý nghĩa phần nào trong nhìn nhận thực tế và tiên liệu khả năng phát triển thiết kế sản phẩm mẫu mã mới. Mặc dù chỉ là những bước đi ban đầu, nhưng rõ ràng thực tiễn đòi hỏi cần được trải nghiệm nhiều hơn trong thương mại hóa sản phẩm và chỉnh sửa, nâng cấp, hoàn thiện để chúng trở thành những sản phẩm hàng lưu niệm thực sự phù hợp với tâm lý du khách xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung.

P.M.H
(TCSH43SDB/12-2021)

---------------------------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr 147.
2. Dương Văn An (2009), Ô Châu Cận Lục, Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, tr 94.
3. Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hóa. Hà Nội, tr120.
4. Ngô Đức Thịnh (1998), “Vùng văn hóa xứ Huế”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 171, trang 33.  




 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)