Ai ra xứ Huế
Những trái tim Huế - Tri ân nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
15:31 | 12/04/2022


PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI

Những trái tim Huế - Tri ân nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị - Ảnh: wiki

1. Hai mươi năm nhớ nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (18/8/1920 - 29/01/2002), sinh ra tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quê nội của bà ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1959, bà đến với nghệ thuật điêu khắc. Vào năm 46 tuổi, bà có cuộc triển lãm đầu tiên và được đón nhận bởi công chúng Pháp, trở thành nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Với nhiều cuộc triển lãm quy mô ở các nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ... Tên tuổi của bà đã nổi danh khắp châu Âu. Đặc biệt 36 tượng đài của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Vào năm 1991, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị được ghi danh trong Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ XX. Năm 1992, bà được phong Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Sự độc đáo của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị là đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun hình học thành muôn vàn hình tượng - Một thế giới Điềm Phùng Thị đậm phong vị và triết lý phương Đông.

Khi còn sống ở Pháp, bà đã có một ước nguyện cuối cùng là trở về quê hương để cống hiến... Và cuối cùng “giấc mơ Huế” của bà đã thành hiện thực, Huế đã dang tay nồng nhiệt chào đón sự trở về của bà. Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã từng nói: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc và đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa… Tôi trao lại tôi cho các bạn!”. Sứ mệnh còn lại được trao cho những người đang sống. Như đoán trước ngày ra đi, bà đã công bố tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho thành phố Huế. Đến nay năm 2022, cũng đã tròn 20 năm kể từ ngày bà ra đi, về với cõi vĩnh hằng (29/01/2002 - 29/01/2022).

Những 20 năm qua, hàng trăm bài viết, những tình cảm của sự tiếc nuối vô hạn của bạn bè, giới văn nghệ sĩ ở Huế và khắp cả nước. Cùng với hàng ngàn cung bậc cảm xúc của những người cảm mến, thán phục, trân quý bà. Cảm xúc càng dâng cao khi thưởng lãm, nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật của bà ở trung tâm, bảo tàng, không gian trưng bày… và những trải nghiệm, hồi tưởng qua hình ảnh, ấn phẩm, tạp chí hay qua các trang báo điện tử khác khi kể về bà, viết về bà cùng những tác phẩm để lại cho cuộc sống.

Các mô-đun của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và ngôi mộ bà bên cạnh mộ người chồng Nguyễn Phước Bửu Điềm


Tháng 2 năm 1994, ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp ở số 01 Phan Bội Châu, thành phố Huế chính thức khánh thành, làm nơi trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị trong niềm cảm kích của giới văn nghệ sĩ, niềm tự hào của người dân thành phố. Năm 2018, những tác phẩm của bà được chuyển sang “ngôi nhà mới” tại 17 Lê Lợi, cũng là một trong những biệt thự nằm trong dãy nhà kiểu Pháp vô cùng đẹp và sang trọng bên bờ sông Hương thơ mộng. Điều này cho thấy chính quyền thành phố Huế hết sức trân trọng bà cũng như gần 400 tác phẩm điêu khắc đã được trưng bày và phát huy giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm điêu khắc của bà vẫn còn mãi trong lòng người yêu nghệ thuật, còn mãi trong lòng Huế. Những hoài mong, ấp ủ chưa thành của bà là tìm “truyền nhân”, với mong muốn nghệ thuật của mình được bảo tồn. Những dự định mở lớp đào tạo lớp trẻ, nhóm trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật vẽ tranh, tạc tượng theo lối phối hợp các mô-đun đành khép lại(1)… Những “ký tự” hay “nốt nhạc” có thể được học và kế cận… Đến nay, những môđun ấy, nghệ thuật Điềm Phùng Thị đang dần nở hoa bởi “những trái tim Huế”, những giá trị nghệ thuật của bà đang được bảo tồn và phát huy trên mảnh đất giàu tình yêu văn hóa nghệ thuật này.

2. Sự tri ân của Huế đến với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị

Sứ mệnh của những tác phẩm nghệ thuật, của những mô-đun kỳ diệu của bà được trao cho những người đang sống. Chính quyền thành phố, người dân Thừa Thiên Huế hân hoan đón chào và tiếp nhận như một phần của chính họ trong đó. Bởi lẽ, Huế là thành phố của tình yêu, văn hóa và nghệ thuật.

2.1. Đài tưởng niệm ở thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương trà

Nằm trên quốc lộ 1A cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về hướng Bắc, thị trấn Tứ Hạ của huyện Hương Trà (nay là phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) có một tượng đài tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ của huyện. Công trình đài tưởng nhớ được tạp chí Hội Kiến trúc Việt Nam đánh giá là một công trình mang tính nghệ thuật cao, là tượng đài có kích thước lớn nhất và là tác phẩm duy nhất gắn với ý nghĩa của một công trình văn hóa - xã hội ở Việt Nam(2).

Vào năm 2000, sau khi thị trấn Tứ Hạ của huyện Hương Trà có kế hoạch triển khai xây dựng quy hoạch không gian tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của huyện. Đảng bộ và chính quyền huyện Hương Trà đã trải qua nhiều cuộc thảo luận, hội họp, nhờ các ý kiến tư vấn của nhiều đơn vị, các nhà chuyên môn giữa nhiều băn khoăn, lo ngại, những quy trình khá chặt chẽ và mất nhiều thời gian; cuối cùng, đầu năm 2002, tượng đài tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở thị trấn của huyện đã được khánh thành theo bản vẽ thiết kế tượng đài của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Kích thước tổng thể khối tượng đài cao 9m, khối đế cao 2m, mặt bằng chân đế rộng 9m x 9m đã được dựng lên ở thị trấn Tứ Hạ, trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có nhiều đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mặt đứng chính và mặt đứng bên - Tượng đài tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà

Ý nghĩa hình khối nghệ thuật của tác phẩm tượng đài Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ thị trấn Tứ Hạ như là hình ảnh của người mẹ đứng trông chờ con, người vợ đứng ngóng chồng phương xa, đôi tay cầu nguyện, hướng nhìn xa xăm. Hình khối bên dưới như những đứa trẻ, đứa cháu,… đứng chờ cha, đợi ông mong ngày thắng trận trở về. Vào thời điểm đó, để một tác phẩm nghệ thuật có tính trừu tượng, hình khối mới lạ, hiện đại “xuất hiện” giữa công chúng và không bị rập khuôn như bao tượng đài khác đã được xây dựng trước đó là một suy nghĩ khá táo bạo, cần phải nghĩ bằng trái tim, hiểu về giá trị nghệ thuật điêu khắc của Điềm Phùng Thị.

Để một công trình đại diện cho biểu tượng của một địa phương, hàm chứa nhiều ý nghĩa mong muốn thể hiện được tình cảm của nhân dân và ghi công lớn lao của các anh hùng đã ngã xuống cho quê hương, chúng ta cần phải kể đến những sự kết nối, sự quyết tâm của những người đã sống và làm việc ở Huế vào thời ấy, cùng chính quyền và Nhân dân huyện Hương Trà. Như thầm cảm ơn tài năng, sự cống hiến, những đóng góp nghệ thuật và tình cảm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị dành cho Huế. Giáo dư Mady Mesnier đã từng viết: “Mảnh đất Huế, đất vua, quý phái, tuyệt vời, nay đã được đưa vào di sản của nhân loại, Điềm Phùng Thị, công dân thế giới, có thể rời xa rồi trở về nhưng không hề chia cắt với mảnh đất này(3).

2.2. Ý tưởng thiết kế lan can cho cầu Kho Rèn, thành phố Huế

Đầu thế kỷ XX, cầu Kho Rèn được dân gian ở Huế gọi là cầu sắt Dương Phẩm, bởi lẽ vị trí của cầu nằm trên phần đất của làng Dương Phẩm xưa bên bờ sông An Cựu. Cầu Kho Rèn bằng sắt đã được xây dựng lại bằng ximăng, bê-tông và duy tu, bảo dưỡng nhiều lần vào các năm 1932, 1938, 1939,… Ngoài ra, từ thập niên 1920 cầu Kho Rèn còn có tên là cầu Nhà Máy Điện, dân gian Huế gọi là cầu Nhà Đèn. Cái tên cầu Kho Rèn được sử dụng cho đến ngày hôm nay, chính là do trong quá trình xây dựng, thi công nhà máy điện (Nhà máy đèn Huế, ra đời năm 1920, nay là Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế), nhiều nhóm thợ cơ khí từ làng rèn Hiền Lương vào tham gia đã dựng một lò rèn cạnh cầu để làm việc, làm kho chứa thiết bị, vật tư dùng cho việc xây cất nhà máy điện nơi đây(4)… Cho nên, từ đó người dân Huế hay gọi là cầu Lò Rèn hay cầu Kho Rèn, dùng riết thành quen và cầu Kho Rèn trở thành tên chính thức trong văn bản hành chính sau thời Pháp thuộc.

Cầu Kho Rèn là một trong 6 cây cầu bắc qua sông An Cựu, sông được tính từ vị trí Cửa Khâu giáp bờ Nam của sông Hương. Đi theo hướng đường bộ, được tính từ Ga Huế dọc theo đường Phan Chu Trinh ở bờ bên tay phải và đường Phan Đình Phùng ở bên tay trái, đến giao nhau với đường Hùng Vương. Theo thứ tự lần lượt, tên của 6 cây cầu đó là: cầu Ga, cầu Nam Giao, cầu bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Kho Rèn và cầu An Cựu. Tất cả những cây câu này đều đã được xây dựng lại trên vị trí cũ và được sửa chữa, chủ yếu vào giai đoạn những năm 2009 - 2012.

Mô-đun Điềm Phùng Thị thực hiện trên lan can cầu Kho Rèn
Cầu Kho Rèn với hình dáng lan can mới (Ảnh chụp vào tháng 01 năm 2022)

Đến nay, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Huế có chủ trương, ý định cải tạo, làm mới các hình ảnh, họa tiết lan can của 6 cây cầu bắc qua sông An Cựu. Ngỏ ý cùng với Khoa Kiến trúc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế để gợi mở ra các ý tưởng, phương án thiết kế cho sự thay đổi hình thức các họa tiết lan can các cây cầu qua sông An Cựu. Ngày 13 tháng 11 năm 2021, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế đã chủ trì buổi họp cùng các lãnh đạo phòng, ban và nghe báo cáo 06 ý tưởng, phương án thiết kế lan can từ các kiến trúc sư, giảng viên Khoa Kiến trúc đưa ra. Mỗi phương án thiết kế là một ý tưởng hay mang nhiều nét đặc sắc và riêng biệt. Từ những họa tiết, hoa văn cổ điển cho đến đường nét hiện đại kết hợp kế thừa di sản, văn hóa và nghệ thuật Huế được đưa vào những lan can để phù hợp với hiện trạng, không gian tổng thể của 2 bờ sông An Cựu. Ý tưởng “Những trái tim Huế” được lấy từ những mô-đun Điềm Phùng Thị, phương án thiết kế của KTS. Phạm Đăng Nhật Thái và cộng sự KTS. Đặng Vĩnh Phú, kỹ sư Trần Thành Nhân đã được lựa chọn để thí điểm thực hiện cho cầu Kho Rèn, thành phố Huế.

Mô-đun có dạng hình trái tim của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị được sơn màu đỏ là điểm nhấn đặc biệt cho lan can, bởi trong ý tưởng thiết kế được đưa ra như là lời cảm ơn của những người đang sống, “những trái tim Huế” gởi đến nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, sự tri ân trìu mến nhân tưởng nhớ 20 năm mất của bà. Điềm Phùng Thị đã để lại cho nhân loại 7 môđun nghệ thuật vô giá, như 7 nốt nhạc, 7 mẫu tự hay 7 ký hiệu kỳ diệu… đã biến hóa, tạo nên hàng trăm tác phẩm nghệ thuật mà biết bao con chữ, bài viết khen ngợi, thán phục sự cống hiến nghệ thuật của bà cũng không dễ lột tả hết.

2.3. Con đường mang tên Điềm Phùng Thị

Huế là nơi hội tụ gặp gỡ, kết giao sâu sắc, tri âm tri kỷ trong văn chương, văn nghệ, âm nhạc và mỹ thuật, điêu khắc, hội họa... của biết bao văn nhân, nghệ sĩ. Họ chính là những người đã được sinh ra, lớn lên, sống và cống hiến, tạo nên biết bao giá trị văn hóa nghệ thuật cho Huế, cho đất nước và nhân loại. Trong đó, Điềm Phùng Thị là một nhà điêu khắc tiêu biểu của điêu khắc Việt Nam và Pháp thời hiện đại. Trải qua biết bao thăng trầm, khát khao muốn làm được điều gì đó, được lên tiếng bằng nghệ thuật, bà đã tạo nên ngôn ngữ điêu khắc riêng của chính mình và để lại cho đời. Sau nhiều cuộc triển lãm ở khắp các nước Châu Âu và tại thủ đô Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, những năm cuối đời bà đã trở về Huế, nơi bà được sinh ra. Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 29 tháng 01 năm 2002 tại thành phố Huế.

Sau 14 năm, kể từ ngày nghệ sĩ Điềm Phùng Thị tạm biệt Huế, Nhân dân thành phố Huế và chính quyền thành phố đã đề xuất Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đặt tên đường Điềm Phùng Thị ngay tại thành phố Huế. Theo đó, Nghị quyết số 16/2016/NQHĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc điều chỉnh và đặt tên đường tại các phường của thành phố Huế đợt VIII, điều chỉnh chiều dài 02 đường và đặt tên mới 21 đường. Trong đó, phường Vỹ Dạ có 02 đường được đặt tên đó là đường Diễn Phái và đường Điềm Phùng Thị(5).

Như một sự ghi nhớ, tri ân với những đóng góp to lớn của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị cho nền nghệ thuật Huế và Việt Nam, “những trái tim Huế”, những tình cảm từ chính quyền và người dân dành tặng lại cho bà bởi tên đường ngay tại trung tâm thành phố. Từ điểm cầu Vỹ Dạ, đường Điềm Phùng Thị vuông góc điểm đầu đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối giao nhau với đường Kim Liên, phường Vỹ Dạ. Trên trục đường Điềm Phùng Thị, hiện có các công trình quan trọng: Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Bệnh viện Mắt Huế,...

2.4. Những mô-đun của Điềm Phùng Thị có tính giáo dục mỹ thuật cho trẻ

Năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật Huế thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác. Sáng ngày 26/4/2018, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Điềm Phùng Thị” nhân Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, nhằm giới thiệu và phát huy các giá trị tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc thiên tài đến với công chúng trong và ngoài nước(6). Cũng trong năm này, ngày 22 tháng 9, Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Tổ chức liên hoan các tác phẩm mỹ thuật dành cho các em thiếu nhi với chủ đề “Vui tết Trung thu cùng nghệ thuật Điềm Phùng Thị”. Tham gia liên hoan Trung thu, các em thiếu nhi được thỏa sức sáng tạo với 7 mô-đun nghệ thuật của bà với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, như: tô màu, lắp ghép mô-đun, vẽ tranh, nặn tượng, cắt xé dán giấy. Từ các modul của Điềm Phùng Thị, những tác phẩm của thiếu nhi chủ yếu thể hiện các chủ đề: vui Tết Trung thu, tình cảm gia đình, vẻ đẹp Huế,… Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã dành nhiều tình cảm cho các em nhỏ. Điều này được thể hiện qua một loạt tác phẩm điêu khắc, như: Em bé, Trò chơi trẻ con, Những em bé hạnh phúc, Em bé ngọc, Áo Tết của em… Lúc sinh thời, bà đã mở các lớp dạy mỹ thuật cho trẻ em và trẻ em khuyết tật(7).

Một số lắp ghép trang trí hình vuông, hình tròn từ bộ mô hình lắp ghép của KTS. Phạm Đăng Nhật Thái

Bên cạnh xây dựng kế hoạch bảo tồn, việc phát huy giá trị của nghệ thuật Điềm Phùng Thị trong đời sống cũng là một điều tất yếu. Những mô-đun của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị cần là nền tảng để các thế hệ học sinh, sinh viên mỹ thuật, kiến trúc… có thể học tập, sáng tác và bồi dưỡng tài năng theo phong cách Điềm Phùng Thị để ươm mầm các thế hệ nghệ sĩ kế thừa, phát triển tinh hoa nghệ thuật này. Trong thư xin phép sử dụng 7 mô-đun của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị để phát triển sáng tạo thành mô hình giáo dục mỹ thuật cho trẻ của chúng tôi, đã nhận được sự tán thành, ủng hộ: “Bảo tàng Mỹ thuật Huế rất hoan nghênh ý tưởng của ông Phạm Đăng Nhật Thái trong việc góp phần cho công tác giáo dục mỹ thuật đến thế hệ trẻ và góp phần phát huy giá trị nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Hoạt động này phù hợp với định hướng mở rộng hợp tác về văn hóa nghệ thuật của đơn vị(8). Cùng với đó, trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI, năm 2021, đề tài “Giáo dục Mỹ thuật cho trẻ 3 đến 11 tuổi qua ứng dụng sáng tạo từ những mô-đun Điềm Phùng Thị” của tác giả Phạm Đăng Nhật Thái, đã được Hội đồng Ban giám khảo ghi nhận và trao giải Khuyến khích(9) bởi đề tài có tính ứng dụng vào thực tiễn, có yếu tố xã hội nhân văn cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục mỹ thuật, phát triển tư duy nghệ thuật cho trẻ.

Sản phẩm của đề tài là bộ mô hình lắp ghép, trò chơi trẻ em phù hợp với phương pháp giáo dục, dạy học hiện đại, tối ưu cho việc phát triển tư duy sáng tạo của trẻ với ưu điểm “học mà chơi, chơi mà học”. Ứng dụng từ 7 mô-đun của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị kết hợp với gam màu của 7 sắc cầu vồng: đỏ - cam - vành - lục - lam - chàm - tím, tạo nên sự kết tụ của yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật và cảm thụ màu sắc riêng của trẻ. Quy định 7 màu sắc tương ứng với 7 mô-đun của Điềm Phùng Thị đã được ứng dụng tiếp biến, sáng tạo và được cắt gọt, cân chỉnh tỷ lệ cho ra 28 mảnh lắp ghép thông minh (7 mô-đun x 4). Ưu điểm vượt trội của bộ mô hình này là ngoài việc có thể lắp phép, tạo hình, tư duy riêng của mỗi trẻ nhỏ trên diện mặt phẳng 2D và còn có thể lắp ghép, tạo hình trong không gian 3D. Ngoài ra, trẻ còn có thể tạo nên các trang trí hình vuông, hình tròn, hình đường diềm... mà trong môn học mỹ thuật của các cấp điều phải trải qua, đặc biệt là các học sinh tiểu học.

Một số lắp ghép hình người, bé và mẹ, gia đình, nhóm trẻ trên không gian 3D lắp ghép của KTS. Phạm Đăng Nhật Thái

Sâu thẳm trong tim chúng tôi là mong muốn sản phẩm mô hình giáo dục mỹ thuật này được nhân rộng và trao tặng đến các trẻ mồ côi, khuyết tật, các Trung tâm bảo trợ trẻ em của tỉnh Thừa Thiên Huế, các trường mẫu giáo, trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa trên đất nước Việt Nam này. Mong muốn các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước quan tâm để có thể sản xuất dành tặng cho các trẻ kém may mắn trong cuộc sống, bởi tính ứng dụng và hình ảnh của yếu tố con người, hình ảnh mẫu tử, tình người được tạo thành từ 28 mảnh ghép là rất cao. Đó cũng là mong muốn mà nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị hướng đến các em nhỏ, thiếu nhi lúc bà còn sống. Đó chính là hiệu quả xã hội thiết thực nhất mà những trái tim tác giả mong muốn.

2.5. Một số đề xuất nhằm phát huy giá trị nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Theo ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (1993 - 2018): “Điều quan trọng nhất là phải tìm cách thu hút ngày càng đông đảo công chúng đến với trung tâm thông qua việc kết nối với các công ty lữ hành khắp cả nước, qua hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nhất là nhân những sự kiện quan trọng như Festival Huế, các triển lãm, các buổi nói chuyện chuyên đề. Mặt khác, cần có kế hoạch đưa một số phiên bản chọn lựa từ các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đến với đông đảo công chúng ở những vị trí trang trọng như quảng trường, vườn tượng… không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn trong phạm vi cả nước”(10). Để những giá trị nghệ thuật Điềm Phùng Thị được phát triển hơn nữa, ngoài công tác bảo tồn của các nhà chuyên môn, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế quản lý, chúng tôi mạo muội đưa ra một số đề xuất như sau:

1. Các mô-đun nghệ thuật của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị:

- Cần được giới thiệu, quảng bá nhiều hơn nữa, chú trọng ứng dụng mỹ thuật, sáng tạo tiếp biến ra những sản phẩm lưu niệm, quà tặng, phục vụ du lịch, ngoại giao…

- Triển khai nhiều hoạt động giáo dục mỹ thuật như vẽ tranh, nặn tượng, cắt xé giấy dán hay lắp ghép mô-đun, trang trí hình vuông, hình tròn, đường diềm… như mô hình giáo dục cho trẻ đã được giới thiệu trên.

2. Đối với các tác phẩm nghệ thuật đang trưng bày ở Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị:

- Chọn một số tác phẩm để mô phỏng đưa ra nhiều phiên bản hoặc triển khai sáng tác, tiếp biến trên nền tảng từ các mô-đun để tạo dáng: bàn, ghế đá công viên, ghế chờ xe buýt, bồn hoa, trụ nước uống, bảng thông tin… cho công viên, không gian công cộng.

- Tác phẩm “em bé ôm hoa” có thể triển khai nhiều hơn ở một số không gian cảnh quan, đường dạo công viên, tạo thành tuyến hoa, bồn cây bên lề đường, trường học…

3. Trục đường Điềm Phùng Thị ở phường Vỹ Dạ, thành phố Huế:

- Đề xuất các ghế đá, bồn hoa trên vỉa hè, quảng trường “11 cô gái sông Hương” để phục vụ nghỉ ngơi, dạo mát cho người dân. Để mọi người biết thêm về những giá trị nghệ thuật tạo hình, sắp xếp linh hoạt từ những mô-đun của bà.

- Cần có một vài biểu tượng, tượng đá trong không gian của Trường Cao đẳng Du lịch Huế, bởi lẽ trường đang tọa lạc tại số 01 đường Điềm Phùng Thị và nằm ngay trên trục chính của đường. Nhằm mục đích cho sinh viên du lịch biết và tự hào hơn về nghệ thuật của bà trong việc thuyết trình, định hướng du lịch và hướng nghiệp lữ hành trong tương lai…

- Ngay góc giao nhau giữa đường Phạm Văn Đồng, Điềm Phùng Thị và đường Lưu Hữu Phước có một không gian quảng trường. Tác phẩm tượng đá “Bia chiến công - 11 cô gái sông Hương” được đặt ở giữa không gian và có hướng nhìn vào đường Điềm Phùng Thị chưa được chú ý từ người dân sống chung quanh đó. Thiết nghĩ, cần bố trí nơi đây một phiên bản từ tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, sẽ là thú vị và tăng tính đồng nhất với con đường Điềm Phùng Thị hơn. Đặc điểm những tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị thường có chủ đề về người phụ nữ, sự bất khuất, tĩnh lặng… thì những người con gái sông Hương ấy sẽ được công chúng chú ý và nhớ đến hơn. 

Bộ mô hình “Giáo dục Mỹ thuật cho trẻ qua ứng dụng sáng tạo từ những mô-đun Điềm Phùng Thị” của KTS. Phạm Đăng Nhật Thái

3. Kết luận

Những đóng góp to lớn của nghệ sĩ, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị cho nền nghệ thuật Huế, cho nước nhà và thế giới là rất lớn. Tưởng nhớ 20 năm ngày mất của bà, chính quyền và người dân Huế luôn dành nhiều tình cảm cho bà với sự tri ân trìu mến. Từ những gợi ý đề xuất sử dụng thiết kế tượng đài của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị của những người yêu Huế vào thời ấy, mà nay phường Tứ Hạ tự hào có một tượng đài, được đánh giá là một công trình mang tính nghệ thuật cao ở Việt Nam. Phương án thiết kế lan can cho cầu Kho Rèn, mà chúng tôi, những KTS thế hệ hôm nay đưa vào trong thiết kế và đã được lựa chọn để triển khai trong thực tế. Hay các hoạt động giáo dục mỹ thuật dành cho trẻ được tổ chức, được sáng tạo và đã được ghi nhận. Xin một lời tri ân, tưởng nhớ nhân 20 năm ngày mất của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. 

P.Đ.N.T
(TCSH44SDB/03-2022)

__________________________

1. https://baothuathienhue.vn/nho-diem-phung-thi-a83474.html

2. https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/tac-pham-cua-diemphung-thi-o-mot-dai-liet-si-huyen-n20080727031259124.htm

3. Mady Ménier (1997) - Giáo sư ưu tú Đại học Paris I. Sorbonne, Điềm Phùng Thị, “Nhà Nho” tài năng, http:// hophungvietnam.com/die-m-phu-ng-thi-nha-nho-ta-inang.html (truy cập ngày 28/11/2021)

4. Nguyễn Quang Trung Tiến (2018), Chuyện những chiếc cầu trên sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 6 (149), tr. 108.

5. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-16-2016-NQ-HDND-dat-lai-ten-duong-phuongthanh-pho-Hue-dot-8-335967.aspx

6. https://svhtt.thuathienhue.gov.vn/?gd=6&cn=1&id=189&tc=4966

7. https://baothuathienhue.vn/vui-tet-trung-thu-cung-nghethuat-diem-phung-thi-a62088.html

8. Trích từ đơn số 157/BTMTH ngày 26/10/2021 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - Bảo tàng Mỹ thuật Huế, V/v trả lời thư xin phép sử dụng 7 mô-đun Điềm Phùng Thị để phát triển sáng tạo thành Mô hình giáo dục mỹ thuật cho trẻ, của ông Phạm Đăng Nhật Thái - Giảng viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

9. Quyết định số 2505/QĐ-UBND công bố danh sách các đề tài đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI, năm 2021.

10. https://baothuathienhue.vn/trung-tam-nghe-thuat-diem-phung-thi-mo-cua-don-khach-tro-lai-a55791.html

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)