Ai ra xứ Huế
Nữ khai canh làng Xuân Thiên, đi tìm một chân dung khác ngoài chính sử
09:50 | 02/06/2023


ĐỖ MINH ĐIỀN

Nữ khai canh làng Xuân Thiên, đi tìm một chân dung khác ngoài chính sử
Vị trí làng Xuân Thiên Thượng - Hạ trên bản đồ Google map

1. Dẫn đề

Trong đời sống tín ngưỡng dân gian vùng Huế, nhân thần Khai canh, Khai khẩn là một trong những thần hiệu được thờ tự rất phổ biến, gắn liền với hình ảnh của các vị tiên tổ thuộc nhiều tộc họ khác nhau, được xác định có công “khai cương thác thổ, canh điền tạc tỉnh, thiết lập xã hiệu” (開疆拓土,耕田鑿 井,設立社號). Trong tiến trình tụ cư, lập làng, đây là những nhân vật đóng góp vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành làng xã, do vậy được người dân đồng thuận thờ tự và về sau triều đình ân ban sắc phong.

Từ kết quả khảo sát sắc phong thần Khai canh, Khai khẩn trên địa bàn vùng Huế, có thể xác định hệ thống các đối tượng được tôn vinh làm Khai canh, Khai khẩn bao gồm nhiều thành phần khác nhau, từ dân thường, tù nhân, binh lính, tướng lĩnh, cho đến tầng lớp quan lại. Đây chính là những thế hệ lưu dân người Việt từ nhiều vùng quê khác nhau lần lượt lựa chọn dải đất Thuận Hóa sinh cơ lập nghiệp. Trong số 985 vị được đề cập qua các sắc phong mà chúng tôi may mắn tiếp cận, thì có hơn 98,3% nhân vật có thể khẳng định là “nam giới”, trong khi đó, vai trò và hình ảnh của “nữ giới” lại khá mờ nhạt. Với hai đạo sắc phong cho bà Nguyễn Thị Điều ở Xuân Thiên đề cập trong bài, có thể nói là trường hợp vô cùng hiếm hoi.

Đường Thiên phường (塘阡坊) trong văn bản đất đai năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731)

2. Xuân Thiên, ngôi làng cổ bên đầm Hà Trung

Xuân Thiên ngày nay (bao gồm Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ) thuộc địa phận xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá khứ, dải cồn cát chạy dài ven biển và một bên là đầm Hà Trung, Thủy Tú, là vùng đất đứng chân của các lớp thế hệ di dân người Việt, về sau đây chính là không gian sinh tụ rất nhiều ngôi làng cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa, như Mỹ Lợi, An Bằng, Diêm Trường, Hà Úc, Hà Thanh, Xuân Thiên, Kế Võ, Tân Sa, Mai Vịnh (Vĩnh), Phương Diên, Thanh Dương, Diên Lộc…

Theo thông tin từ bản Xuân Thiên ấp nhị thôn thuận đồng tái tu tiền đại (春阡邑二村順同再修前代), làng Xuân Thiên đồng tôn vinh và phối tự tất cả 9 vị/họ Khai canh, Khai khẩn, theo thứ tự như sau: Bổn thổ Khai canh Hoàng đại lang, Bổn thổ Khai canh Nguyễn đại lang, Bổn thổ Khai canh Phạm đại lang, Bổn thổ Khai canh Võ đại lang, Bổn thổ Khai canh Trần đại lang, Bổn thổ Khai canh Lê đại lang, Bổn thổ Khai canh Văn đại lang, Bổn thổ Khai canh Nguyễn quý bà, Bổn thổ Khai khẩn Phạm đại lang.

Vào thập niên đầu của thế kỷ XX, Xuân Thiên hiện diện trên bản đồ hành chính phủ Thừa Thiên với tư cách là một ấp, thuộc huyện Phú Vang. Đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, trong Danh sách xã thôn Trung Kỳ thì Xuân Thiên đã được công nhận là hàng “xã”, một trong 18 xã thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Tuy vậy, trước đó hơn 65 năm, sách Đồng Khánh địa dư chí được biên soạn dưới thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889), xác nhận sự hiện diện của một ấp có tên là Đường Thiên (塘圲), đây là 1 trong số 17 xã, thôn, ấp, giáp thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang1. Đến đời vua Đồng Khánh (1885 -1889), rồi Thành Thái (1889 - 1907) qua đối chiếu một số tư liệu về đất đai đang lưu trữ tại làng Xuân Thiên và một số làng kế cận như Hà Thanh, Kế Võ chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện một đơn vị mới có tên là “Xuân Thiên”. Tương tự, tất cả văn bản được lập vào giai đoạn này cũng xác nhận sự biến mấtcủa Đường Thiên. Phải chăng, Đường Thiên là danh xưng ban đầu trước khi nó được cải danh thành Xuân Thiên hay cả hai tên gọi này trực tiếp xác nhận đã từng có hai đơn vị hành chính khác nhau tồn tại độc lập?

Ngược dòng thời gian, tham chiếu tất cả những văn bản đất đai của làng có niên đại từ nửa cuối thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XVIII đều cho thấy Đường Thiên là một phường thuộc huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong2. Đến cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết Đường Thiên (塘阡) là một phường, trong số 12 xã, 1 thôn, 9 phường thuộc tổng Kế Thực, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Sang đến đầu thời nhà Nguyễn, căn cứ từ các bản Địa bạ, thì Đường Thiên “khách hộ phường”, thuộc tổng Kế Thống (18 làng, gồm 7 xã, 1 thôn, 10 phường), huyện Hương Trà. Theo đó, Đường Thiên có tứ cận: “đông giáp phường Hà Thanh, Kế Đăng; tây giáp phường Hà Thanh, Kế Đăng; nam giáp Hà Thanh và bắc giáp Kế Đăng, với tổng diện tích 998 mẫu 6 sào 12 thước 5 tấc 9 phân 5 ly”3.

Đường Thiên khách hộ phường (塘阡客戶坊) trong bản địa bạ Hà Thanh; năm Gia Long thứ 13 (1814)


Tiếp tục khảo sát hệ thống sắc phong đang được lưu giữ tại làng Xuân Thiên, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình thay đổi cấp và danh xưng hành chính của làng Xuân Thiên. Theo đó, trong bản sắc phong vào ngày 25 tháng 8 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ân ban cho thần hiệu “Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung” (己未科進士飛運將軍松江文忠), xác nhận sự tồn tại địa danh: Đường Thiên Khách hộ phường (塘阡客戶坊). Vào thời điểm đó, Đường Thiên thuộc huyện Hương Trà.

Sang đến đời vua Thiệu Trị, rồi Tự Đức, tất cả những đạo sắc phong ở Xuân Thiên đều cho biết Đường Thiên là 1 ấp thuộc huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Tuy nhiên, đến đạo sắc ban vào ngày mồng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) cho thấy vào thời điểm này địa danh Đường Thiên chính thức xóa bỏ trên bản đồ hành chính, thay vào đó Xuân Thiên là 1 ấp thuộc huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Tương tự, tất cả những văn bản có niên đại từ thời vua Đồng Khánh trở đi đều thống nhất chép là Xuân Thiên.

Như vậy, từ những dẫn liệu nêu trên, kết hợp với việc đối chiếu địa giới hành chính hiện nay, chúng ta có thể khẳng định Đường Thiên chính là danh xưng ban đầu của Xuân Thiên sau này, rất có khả năng việc cải đổi này diễn ra dưới thời vua Đồng Khánh4. Sự thay đổi này, theo chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ định lệ kiêng húy được ban bố vào năm 1885, sau khi triều đình chuẩn định tờ tâu của bộ Lễ cấm dùng (đọc tránh âm, làm văn đổi dùng chữ khác) đối với các chữ: Biện, Xuy, Đường5.

Đường Thiên khách hộ phường trong đạo sắc phong năm Minh Mạng thứ 7 (25/8/1826)
Danh xưng Xuân Thiên ấp trong đạo sắc phong Đồng Khánh thứ 2 (01/7/1887)


Dưới thời Nguyễn, Xuân Thiên là địa phương có số lượng người tham gia, phục vụ trong hàng ngũ quân đội khá lớn, đặc biệt trong các doanh, vệ thuộc lực lượng thủy binh. Trong một bản kê khai Dân đinh vào năm Tự Đức thứ 23 (1870), Xuân Thiên có tất cả 129 viên nhân, trong đó hạng chức sắc, quan viên có một số vị được ghi rõ chức vụ như: Trần Thứ (陳庶), Cai đội sung Hiệp quản vệ Tả Thủy, tỉnh Quảng Nam (該隊充協管廣南省左水衛); Phạm Văn Tài (范 文才), Suất đội tỉnh Bình Định (平定省率隊); Phạm Phụng (范鳳), Chánh Đội trưởng; Võ Văn Lận (武文吝), Chánh Đội trưởng, nguyên Thủy sư Trung doanh Tứ vệ Nhất đội (正隊長,原水師中營肆衛壹隊); Thư lại Phạm Văn Chất (書吏 范文質)…, có 5 vị được Cấp bằng Đội trưởng (thuộc Thủy sư Nhị vệ Ngũ đội) và hạng Binh đinh có 32 người, hầu hết nằm trong biên chế của Thủy sư Kinh kỳ, vệ Phòng Hải (防海衛), vệ Long Thuyền (龍船衛) và Kiến Thụy công phủ (建瑞公府).

3. Nữ Khai canh làng Xuân Thiên: đi tìm một chân dung khác ngoài chính sử

3.1. Dấu ấn của “nữ giới” nhìn từ hệ thống sắc phong Khai canh làng Xuân Thiên

Xuân Thiên hiện đang lưu trữ trên 1.500 trang tư liệu Hán Nôm, bao gồm các văn bản liên quan đến công tác quản lý đất đai, dân đinh, có niên đại trải dài từ thời Cảnh Trị (1663 - 1671), Chính Hòa (1679 - 1705), Vĩnh Thịnh (1705 - 1720), Bảo Thái (1720 - 1729), Vĩnh Khánh (1729 - 1732), Long Đức (1732 -1735), Quang Trung (1788 - 1792)…, cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này. Đặc biệt, làng và các tộc họ cũng đang bảo quản rất tốt hệ thống sắc phong thần, trong đó phải kể đến các đạo sắc ban cấp cho những nhân vật có công “kiến canh lập địa”. Trước khi đi vào tìm hiểu lai lịch và hành trạng của nữ Khai canh Nguyễn Thị Điều, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu hai văn bản vô cùng quý hiếm, do chính quyền nhà Nguyễn ban cấp, nhằm tôn vinh công trạng của bà đối với làng Xuân Thiên.

* Sắc phong Khai canh Nguyễn Thị Điều năm 1917:

Nguyên văn:

敕承天府, 富榮縣, 春阡邑奉事本土開耕阮氏條貴娘之神 , 稔著靈應。 肆今丕承耿命, 緬念神庥。著封為翊保中興靈扶之神, 準其奉事。庶幾神 其相 佑, 保我黎民。 欽哉。

啟定貳年叁月拾捌日

[印: 敕命之寶]

Sắc phong Khai canh Nguyễn Thị Điều làng Xuân Thiên, 1917


Dịch nghĩa:

Sắc ban cho ấp Xuân Thiên, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, phụng thờ [thần] Bổn thổ Khai canh Nguyễn Thị Điều quý nương chi thần, linh ứng rõ rệt. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nghĩ đến công đức của thần, [nên] phong tặng Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, chuẩn cho [ấp Xuân Thiên] phụng thờ. Ngõ hầu thần hãy cùng phò trợ, bảo vệ dân ta. Khâm tai!

Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (Ngày 8 tháng 5 năm 1917).

[Ấn: Sắc mệnh chi bảo]

* Sắc phong Khai canh Nguyễn Thị Điều năm 1924:

Nguyên văn:

敕承天府, 富榮縣, 春阡邑從前奉事, 原贈翊保中興靈扶開耕阮氏條貴娘 尊神。 護國庇民, 稔著靈應。 節蒙頒給敕封, 準許奉事。肆今正値,朕四旬 大 慶節, 經頒寶詔覃恩, 禮隆登秩。 著加贈貞婉尊神, 特準奉事,用誌國慶而 申祀典。 欽哉。

啟定玖年柒月貳拾五日

[印: 敕命之寶]

Sắc phong Khai canh Nguyễn Thị Điều làng Xuân Thiên, 1924 (Nguồn: Phạm Xuân Phượng)


Dịch nghĩa:

Sắc ban cho ấp Xuân Thiên, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, phụng thờ thần Khai canh Nguyễn Thị Điều quý nương tôn thần, vốn được tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần. Giúp nước che dân, linh ứng rõ rệt. Theo lễ đã ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Nay gặp dịp Tứ tuần Đại khánh của Trẫm, đã ban bố chiếu ân rộng rãi, lễ lớn gia tặng cấp bậc, nên tặng thêm [mỹ tự]: Trinh uyển tôn thần, đặc biệt chuẩn cho thờ phụng để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 25 tháng 07 năm Khải Định thứ 9 (Ngày 25 tháng 08 năm 1924).

[Ấn: Sắc mệnh chi bảo]

3.2. Lai lịch và công tích của nữ Khai canh Nguyễn Thị Điều

Nữ Khai canh Nguyễn Thị Điều theo tư liệu từ gia tộc là một nhân vật bằng xương bằng thịt. Bà thuộc đời thứ nhất (đệ nhất thế) của họ Nguyễn tại Xuân Thiên Hạ, được xem là vị thủy tổ của họ Nguyễn Bà6, khởi đầu cho một dòng tộc trâm anh, vinh hiển nhất nhì ở vùng đất Phú Vang. Về thông tin của bà, gia phả chép khá vắn tắt. Chẳng hạn, bản gia phả được tu soạn vào tháng 12 năm Tân Mão (1951), có đoạn: Hiển thủy tổ tỷ Nguyễn thị quý bà, húy Điều (顯始祖 妣阮氏貴妑,諱條). Cũng theo tư liệu này, hai ông bà sinh hạ được một người con, đó là ông Nguyễn Văn Bền (阮文 ). Rất tiếc do nhiều lý do khác nhau, vấn đề năm sinh, năm mất của bà vẫn chưa thể sưu tra tường tận.

Hiện nay, phần mộ của bà tọa lạc tại khu vực xứ Cồn Mồ, làng Xuân Thiên Hạ, hàng năm được con cháu chăm lo hương khói thường xuyên. Văn bia ở mộ bà khắc dòng chữ: “Hoàng triều sắc phong Bổn thổ Khai canh Dực bảo Trung hưng Linh phù, gia tặng Trinh uyển tôn thần Nguyễn quý nương chi mộ” (皇朝 敕封本土開耕翊保中興靈 扶加贈貞婉尊神阮貴娘 之墓). Phần lạc khoản ghi: “Bảo Đại Giáp Thân trọng thu tạo [8/1944]. Đồng bổn tộc phụng chí” (保大甲申 仲秋造,仝本族奉誌). Ngoài ra, để ghi nhớ công lao của vị nữ Khai canh, Thần vị của bà hiện vẫn được người dân Xuân Thiên Hạ trang trọng thiết trí tại gian thờ riêng trong đình làng.

Trang chép về bà Nguyễn Thị Điều trong gia phả họ Nguyễn
Phần mộ bà Nguyễn Thị Điều ở làng Xuân Thiên Hạ


Theo hồi cố của người dân Xuân Thiên, khởi từ cố hương đất Bắc, bà Nguyễn Thị Điều cùng với chồng dẫn theo ba người con đi vào Nam lập nghiệp. Ban đầu, hai ông bà định cư tại làng Phước Linh (Phú Mỹ, Phú Vang). Được một thời gian, người con đầu ở lại Phước Linh, sau đó cả gia quyến xuôi về Xuân Thiên. Kế đó, ông tiếp tục dẫn theo một người con trai về canh khẩn ở Bàn Môn, còn bà và người con trai thì vẫn sinh sống tại Xuân Thiên. Cứ theo lời truyền khẩu, vào thời điểm hai ông bà đến Xuân Thiên thì trong ấp đã có bảy họ Khai canh, theo thứ tự: Hoàng, Nguyễn, Phạm, Võ, Trần, Lê và họ Văn. Do vậy, họ Nguyễn chỉ được dự phong hàng Khai khẩn. Chính vì nhập cư muộn, nên phần lớn diện tích đất màu mỡ phục vụ canh tác nông nghiệp đều được bảy họ nói trên lần lượt bao chiếm, canh phá; còn họ Nguyễn thì được giao quản lý và lãnh trưng khai hoang phần đất nhỏ hẹp, về sau lập nên xứ đất, tục gọi là Mộc Bài (rú cấm, rừng cấm).

Xứ Mộc Bài liền vùng liền thửa với phần đất Nam Phổ, Phổ Trì, nằm giáp giới giữa hai làng Hà Thanh (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) và Xuân Thiên, đây là dải đất do hai gia đình làm nghề chài cá khẩn hoang. Sau khi hai gia đình bỏ xứ mà đi, thì toàn bộ diện tích đất đó được sát nhập vào địa phận Xuân Thiên, song làng Hà Thanh không chịu và phát đơn kiện. Trước tình hình kiện tụng của hai làng, quan trên phải đích thân về đình Xuân Thiên để phân xử. Theo thỏa thuận, ranh giới làng Xuân Thiên phía bờ sông lấy hòn đá mốc (thạch giới) có sẵn để làm giới hạn, phần trên đất ra đến biển lấy theo mép rừng rú. Trong lúc hội ý, bà đã đề nghị đại diện của làng làm cách nào đó để có thể trì hoãn việc tìm kiếm hòn mốc qua đến ngày hôm sau. Trong thời gian đó, bà đã âm thầm dùng trâu kéo cột mốc đi một quãng khá xa. Tuy nhiên khi đến khu vực Gò Chài thì dây bị đứt. Căn cứ theo phán quyết được ấn định từ ban đầu, mấy chục mẫu đất đó thuộc về làng Xuân Thiên. Sau sự kiện này, trên cơ sở đề xuất của “thất tộc”, họ Nguyễn chính thức được nâng lên hàng “Khai canh”. Còn xứ đất ở Mộc Bài cả bảy họ đồng thuận giao cho bà và con cháu toàn quyền canh tác.

Dẫn lại câu chuyện ở trên, chúng tôi hoàn toàn không có mục đích đưa ra những chứng lý, nhằm khẳng định vấn đề sở hữu và chủ quyền đất đai của làng Xuân Thiên trong quá khứ. Bỏ qua những chi tiết khá ly kì và mơ hồ liên quan đến bà qua khẩu truyền của dân gian, có thể thấy phần nào bức tranh đời sống kinh tế, xã hội của làng xã vùng Huế. Trong quá trình tụ cư lập làng, vấn đề “tạo điền, lập thổ” là nhu cầu vô cùng bức bách của các thế hệ lưu dân người Việt. Đặc biệt, đối với những dòng tộc nhập cư muộn về sau, một khi quỹ đất ngày càng thu hẹp, thì việc chấp nhận khai hoang dải cồn cát ven biển hay tiếp tục tận dụng những khoảng đất bồi ven sông dường như là một xu hướng tất yếu.

4. Kết từ

Trong bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho gia, đã tạo nên sự bất bình đẳng, thân phận và vị trí của người phụ nữ bị đóng khung bởi những quan điểm khá khắt khe, bó buộc họ quẩn quanh trong khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. Những người được coi là nội tướng, bên cạnh việc khép mình ở chốn khuê phòng, không được tham gia trong bộ máy quyền lực, thì họ gần như đứng ngoài tất cả mọi hoạt động trong phạm vi các làng xã. Vượt lên tất cả những định kiến của xã hội đương thời, nữ Khai canh ở Xuân Thiên tuy không phải là vị nữ giới duy nhất được tôn vinh, nhưng đó là những trường hợp khá hạn hữu, biểu hiện sự ghi nhận và vinh danh của nội bộ làng xã đối với tất cả cá nhân có vai trò to lớn trong việc khai hoang, mở mang ruộng đất. Đồng thời, qua đó, góp phần giúp chúng ta nhận diện đầy đủ hơn về chân dung các đối tượng được tôn vinh Khai canh, Khai khẩn ở các làng xã trên đất Huế.

Làng xã ở vùng Huế nói chung được hình thành trên cơ sở khẩn hoang của một hay nhiều nhóm di dân, gắn liền với bước chân khai phá của các tộc họ. Lớp người này, có thể vì thời gian đã làm nhạt nhòa gốc gác cũng như tên gọi, song trong ý chí của mỗi làng xã, việc truyền lưu sự tích, và thờ phụng những nhân vật có công với làng là sự thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, nhắc nhớ con cháu luôn khắc ghi ơn đức lớp thế hệ tiên khởi đã đổ biết bao mồ hôi công sức để có được hình hài “mảnh đất” như ngày hôm nay.

Đ.M.Đ
(TCSH410/04-2023)

------------------------
1 Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, chủ biên (2003), Đồng Khánh địa dư chí. Nxb Thế giới. tr: 1420.
2 Lê Quý Đôn (2015), Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch, bổ chính. Nxb Đà Nẵng. tr: 59.
3 Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Thừa Thiên. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. tr: 176.
4 Tuy nhiên, trong công trình “Địa danh làng xã Việt Nam qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn, phần Bắc Trung Bộ”, các dịch giả lại xác nhận danh xưng “phường Đường Thiếp” (塘帖坊), 1 trong 23 đơn vị hành chính thuộc tổng Kế Thống. Thế nhưng, trong phần ghi chép về tứ cận của phường Hà Thanh (河清坊) và phường Kế Đăng (繼登坊), tuyệt nhiên không có tên “Đường Thiếp”, mặc dầu, địa bạ phường Đường Thiếp lại xác nhận việc giáp giới với hai phường nói trên. Thú vị hơn, trong cả hai địa bạ của Hà Thanh, Kế Đăng, chỉ thấy nhắc đến tên của “Đường Thiên”, phường có chung đường “biên giới”.

Xem thêm: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2020), Địa danh làng xã Việt Nam qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn, tập 2, Bắc Trung Bộ. Nxb. Hà Nội. tr: 521.
5 Ngô Đức Thọ (1997), Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại. Nxb. Văn hóa, tr: 162 - 163.
6 Họ “Nguyễn Bà” là tên gọi được người dân Xuân Thiên sử dụng nhằm phân biệt với các chi nhánh họ Nguyễn khác trong làng.

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng