Ai ra xứ Huế
Suy nghĩ về thời gian và không gian lịch sử văn hóa Huế
09:29 | 04/10/2023


LÊ ĐÌNH PHÚC

Suy nghĩ về thời gian và không gian lịch sử văn hóa Huế
Ảnh: tư liệu

Lâu nay, trong khá nhiều bài viết và một số công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Huế nói riêng, vùng Thừa Thiên nói chung chúng ta thấy các tác giả thường lấy mốc khởi đầu vào năm 1306 - khi Chế Mân (vua Chăm Pa) dâng hai châu Ô, Rí làm sính lễ để cưới Huyền Trân công chúa của Đại Việt đời Trần. Có lẽ vì nhiều lí do khác nhau, cả về nhận thức lẫn sự thiếu thốn về mặt tư liệu cho nên việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế mới bắt đầu từ đó, nghĩa là được xây dựng từ khi nó thuộc vào lãnh thổ Đại Việt và có người Việt hiện đại di cư vào cư trú.

Chúng tôi cho rằng quan niệm như vậy là hết sức phiến diện, sai lầm. Hàng loạt vấn đề thuộc về lịch sử - văn hóa của vùng đất này đã không được đề cập. Hoặc có thể đề cập thì hết sức sơ sài, miễn cưỡng. Có người cho trước năm 1306 đây là một vùng đất Chăm Pa, không thuộc phạm vi nghiên cứu của lịch sử - văn hóa Thừa Thiên - Huế. Như thế vô tình họ đã rút ngắn thời gian lịch sử - văn hóa Huế lại hàng nghìn năm, hàng vạn năm. Và, chưa gắn được một cách chặt chẽ, mật thiết giữa lịch sử - văn hóa Huế vốn là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử - văn hóa Việt Nam có cội nguồn sâu xa từ thời tiền sử, sơ sử và phát triển liên tục cho mãi tới ngày nay. Nói lịch sử - văn hóa Việt Nam là nói tới lịch sử - văn hóa của tất cả các cộng đồng tộc người đã từng chung sống trên lãnh thổ này từ thời tiền sử đến nay. Lịch sử là bản thân quá trình phát triển của hiện thực khách quan trong tự nhiên và xã hội, do vậy khi nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế (cũng như bất cứ ở một vùng nào khác, cần phải mở rộng thời gian và xem xét toàn bộ quá trình phát triển tổng hợp của mọi mặt hoạt động và đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của tất cả các cộng đồng tộc người đã từng cư trú trên mảnh đất này từ thời nguyên thủy đến nay. Quá trình ấy phải có sự kế thừa, phát triển nội tại, gầy dựng nên những bản lĩnh, bản sắc riêng, vừa có sự hòa hợp, hỗn dung văn hóa với bên ngoài để góp phần tạo nên những đặc trưng/chung của dân tộc trong lịch sử - văn hóa Huế. Về phương diện văn hóa, Huế sẽ không còn là "Huế" khi nó không mang trong mình những bản sắc riêng hết sức độc đáo thể hiện trong lối sống, trong văn hóa nghệ thuật, trong phong tục tập quán, trong thế ứng xử tự nhiên và xã hội của cộng đồng cư dân ở đây. Chính cái bản lĩnh, bản sắc riêng ấy của Huế đã được sàng lọc, gầy dựng từ nhiều điều kiện khác nhau và lâu bền trong lịch sử. Muốn tìm cội nguồn sâu xa của những bản sắc ấy rõ ràng chúng ta phải đi ngược về với lịch sử, phải vận dụng các quan điểm sinh thái học và sử học mác xít để phân tích, xem xét các điều kiện lịch sử cụ thể theo quan hệ năng động hai chiều. Bởi vì con người là sản phẩm của tự nhiên, đứng đối diện với tự nhiên mà làm nên lịch sử - văn hóa, vừa là một sản phẩm của lịch sử - văn hóa do chính mình tạo ra. Huế là khu vực ở vừa vị trí trung độ của đất nước, lại sát biển, cạnh rừng nên các yếu tố văn hóa - lịch sử có sự hỗn dung, pha trộn nhiều chiều, từ đó mà lắng đọng, kết tinh. Cái nhìn về biển đầy cởi mở, năng động phóng khoáng và phần kinh tế rừng, gò đồi... đều in dấu khá đậm trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của cư dân Huế. Hội đua thuyền, hò mái nhì trên sông nước cùng tồn tại lâu bền với làn điệu lý "Con vượn, vượn trèo..." trong đời sống văn hóa tinh thần; hay hình thức "Một chốn đôi quê" trong đời sống kinh tế... là những minh chứng ghi nhận điều đó. Chính điều kiện tự nhiên và lịch sử Huế là hai nhân tố cơ bản tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Huế. Khi nói đến điều kiện tự nhiên và lịch sử Huế rõ ràng là phải mở rộng cả không gian lẫn thời gian chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi cương vực hành chính hiện đại và từ 1306 khi Huế sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt đến nay. Vùng tiểu khí hậu nói riêng và điều kiện sinh thái tự nhiên của Huế nói chung tương đối rộng, nó là vùng gò đồi, cồn bãi đồng bằng trước núi gắn liền với sông ngòi, đầm phá ven biển ít ra cũng từ Phong Điền (phía Bắc) vào tới Phú Lộc (phía Nam). Do sống trong một điều kiện sinh thái đó mà cư dân Thừa Thiên - Huế có chung một thế ứng xử tương đồng, khó mà phân biệt được đâu là cốt cách, dấu ấn, bản sắc riêng văn hóa Huế, đâu là Thừa Thiên(1). Nếu có khác thì cũng biểu hiện ở bộ phận văn hóa cung đình - văn hóa đế vương của nhà Nguyễn trước đây. Bộ phận này xuất hiện muộn và có ảnh hưởng trực tiếp đến một phần thị dân sống trong nội thành, nhưng không đủ mạnh, không hoàn toàn đại diện cho lịch sử - văn hóa Huế. Hay nói đúng hơn, từ khi ra đời, nó chỉ là một trong hai dòng của văn hóa Huế.

Về mặt thời gian, lịch sử - văn hóa Huế có từ bao giờ? Đó là một câu hỏi lớn đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tập trung nhiều công sức để nghiên cứu, khảo tìm trong một thời gian dài nữa mới có thể trả lời được. Bởi vì như F.Ăng-ghen đã nói có con người là có lịch sử. Mà dấu vết cư trú của con người nguyên thủy ở đây còn quá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định thời điểm một cách cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, tài liệu khảo cổ học cũng đã hé mở cho chúng ta những nhận thức bước đầu. Đó là: "Ở vùng Huế gò đồi đã phát hiện những dấu vết bước đầu của văn hóa cuội sơn vì cuối thời đại đá cũ",(2) (cách ngày nay khoảng một vạn năm). Đến thời đại đá mới mà đặc trưng tiêu biểu nhất của nó là những chiếc rìu, hòn đá mài và đồ gốm thì đã tìm thấy được nhiều nơi như Phú Ổ, Bàu Dưng (Hướng Chữ), Phò Trạch (Phong Thu)... Trước đây, Hen-ri Pi-rây cũng đã tìm thấy 2 rìu đá mài ở thôn Hà Môn - Huế hiện đang còn tàng trữ tại viện bảo tàng lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Rộng ra, ở triền Đông Trường Sơn thuộc vùng đệm kế cận của Huế, thời gian qua chúng tôi cũng đã phát hiện được khá nhiều rìu, bôn đá của người nguyên thủy tại các xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Hạ, Hồng Bắc, Bắc Sơn... (A Lưới). Điều thú vị là nghiên cứu chất liệu, hình dáng, kích thước, kỹ thuật chế tác của những chiếc rìu, côn này cho thấy có nhiều nét gần gũi, tương đồng với những rìu, côn ở Phù Ơ, Bàu Dưng, Hà Môn, Phò Trạch... Chính đây là những dấu hiệu nói lên một truyền thống kỹ thuật chung đã được hình thành từ thời nguyên thủy.

Sau đợt biến tiến Pleistôcene và Holocene, đồng bằng ven biển được bồi tụ, cùng với đà phát triển chung, nhất là về phương diện kỹ thuật chế tác công cụ, người nguyên thủy đã từng bước tràn xuống chinh phục, khai phá, mở rộng địa bàn sản xuất và cư trú của mình trên những doi đất phù sa ven sông, biển. Bằng sự phát triển nội tại kết hợp với việc tiếp thu, hội nhập các yếu tố văn hóa từ bên ngoài dội vào, cư dân ở đây đã tiến dần vào xã hội văn minh. Các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được chúng tôi phát hiện ở Cồn Ràn (Hương Chữ), Tứ Hạ (thị trấn Hương Trà) đã khẳng định sự có mặt của cư dân Chăm cổ sinh sống ở vùng đất này trong thời sơ sử.

Sau khi nước ta bị Bắc thuộc theo Tiền Hán Thư (9.28 từ 10b) thì vào năm 111 trước công nguyên Huế thuộc đất quận Nhật Nam. Bấy giờ các cộng đồng người ở đây đã có ý thức rất rõ về chủ quyền của mình. Bởi vậy nên năm 40 họ đã đoàn kết nhất tề đứng dậy cùng nhân dân Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ chống lại ách xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã dành được độc lập chủ quyền trong một thời gian ngắn (40-43). Và, sau khi khởi nghĩa bị dập tắt, nhân dân Nhật Nam vẫn thường xuyên nổi dậy đấu tranh, không chịu khuất phục ách đô hộ của nhà Hán. Kết quả là, vào năm 192 các tộc người ở đây đã cùng với nhân dân Chàm (một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam) đã đánh đuổi được bọn phong kiến phương Bắc, lập nên nước Chăm Pa độc lập, tự chủ kéo dài từ Đèo Ngang đến Thuận Hải.

Điểm qua vài nét như vậy cũng đủ để chúng ta thấy điển hình phát triển của lịch sử - văn hóa Huế là vô cùng phong phú, đa dạng. Từ cái gốc, cội nguồn được gầy dựng trong thời tiền sử phát triển qua Sa Huỳnh - Chăm cổ lên Chăm Pa rồi quy tụ về với quốc gia Đại Việt. Con đường đã được gợi mở, nhưng đi vào nội dung lịch sử - văn hóa cụ thể của mỗi thời kỳ diễn tiến ra sao thì đến nay chúng ta vẫn còn chưa giải quyết được vì quá thiếu thốn về mặt tư liệu. Hy vọng thời gian tới nếu có kế hoạch đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu thích đáng chúng ta sẽ từng bước làm sáng rõ được diễn trình phát triển của lịch sử - văn hóa Huế.

L.Đ.P
(TCSH54/03&4-1993)

 

----------------------
(1) Ở đây tôi muốn nói với bản sắc chung của cộng đồng cư dân Huế chứ không phải nói đến một bộ phận nhỏ sống ở nội thành, ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa cung đình Triều Nguyễn.
(2) Xem GS Trần Quốc Vượng: "Những thành tựu nghiên cứu văn hóa rực rỡ ở miền Trung", Báo “Thể thao và văn hóa” số 33 ngày 19.8.1989 trang 14.

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Tiếng Huế chay (05/07/2023)