Ai ra xứ Huế
Về bản sách phong Lạc Hóa quận công Miên Vũ
14:38 | 10/10/2023


VÕ VINH QUANG

Về bản sách phong Lạc Hóa quận công Miên Vũ
Ảnh bìa ngoài Đồng sách - ban phong cho Lạc Hóa quận công - Ảnh do ông Bảo Tiến - Phòng Lạc Hóa quận công cung cấp

1. Lời mở

Lạc Hóa quận công Miên Vũ là hoàng tử thứ mười lăm của Thánh tổ Nhân hoàng đế (vua Minh Mạng). Đức Từ (mẹ ruột) của hoàng tử Miên Vũ là Cung nhân Nguyễn Thị Nhơn (Nguyễn Phúc tộc Thế phả chép là Nguyễn Thị Vĩnh), pháp danh Tánh Lương, thụy hiệu Diệu Hạnh. Bà qua đời chỉ vài ngày sau khi sinh ra hoàng tử. Năm Canh Tý niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), hoàng tử Miên Vũ được vua cha quý ban sách phong bằng bạc, phong tước Lạc Hóa quận công, cho kiến lập phủ đệ tại vùng chợ Dinh Thượng (Hương Trà, Thừa Thiên lúc bấy giờ). Đến năm Kỷ Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), Lạc Hóa quận công qua đời, hưởng thọ 28 tuổi, thụy là Hòa Thận, an táng tại sơn phần Thủy Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc phường Thủy Xuân).

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập, quyển 6 - Truyện các hoàng tử - mục II (Các con của Thánh Tổ, tập Trung), tiểu mục Lạc Hóa quận công Miên Vũ của Sử thần tại Quốc sử quán nhà Nguyễn cho biết:

“Lạc Hóa quận công Miên Vũ: Con thứ 15 của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, mẹ là Cung nhân họ Nguyễn Văn, con nhà lương gia ở huyện Hương Trà phủ Thừa Thiên, ông sinh vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Lúc mới làm hoàng tử có học hạnh, năm [Minh Mạng thứ] 21 (1840) được phong làm Lạc Hóa Quận công. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông chết, lúc 28 tuổi, tên thụy Hòa Thận, dựng đền ở ấp Doanh Thị, huyện Hương Trà. Có 10 con trai, 3 con gái. Con thứ 5 là Hồng Chước được tập phong làm Kỳ Ngoại hầu”1 .

Thông tin từ gia phả Phòng Lạc Hóa có một chút khác biệt so với Đại Nam liệt truyện, đó là hoàng tử Miên Vũ lập sáu phủ thiếp, sinh được 12 công tử (Đại Nam liệt truyện chép “10 con trai”) và 3 công nữ. Trong đó, Kỳ Ngoại hầu Hường Chước trưởng thành, lập gia thất và nối tiếp ý nguyện của cha. Công tử Hường Chước có 2 phu nhân, sinh 9 con trai và 7 người con gái. Nổi bật nhất trong hàng con trai của Kỳ Ngoại hầu Hường Chước chính là Hiệp tá Đại học sĩ - Công tôn Ưng Dinh2.

Những năm qua, trong quá trình giao lưu, trao đổi với ông Bảo Tiến - hậu duệ Lạc Hóa quận công, chúng tôi đã được tiếp cận nhiều tư liệu và thông tin liên quan đến Phủ Lạc Hóa, cũng như Lạc Hóa quận công Miên Vũ. Vào cuối năm 2022, được sự cậy nhờ của ông Bảo Tiến, chúng tôi đã tiếp cận tư liệu gốc về sách đồng Lạc Hóa quận công và tiến hành dịch thuật. Nhân đó, biết rằng trước đây cũng đã có một số bản dịch liên quan đến sách đồng trên, tuy nhiên vì nhận thấy bản sách phong bằng đồng khá giá trị về nội dung, cũng như về văn chương nghệ thuật, khả dĩ đóng góp được phần nào cho lịch sử văn hóa, văn học của xứ Huế. Bởi vậy, tại bài viết này, chúng tôi xin cung cấp toàn văn và phần dịch thuật, cũng như có đôi lời bàn về nội dung, ý nghĩa của bản đồng sách trên.

2. Sách phong Lạc Hóa quận công Miên Vũ

Nguyên văn:

維明命貳拾壹年歲次庚子正月壬辰朔越參日甲午
承天興運皇帝若曰朕惟:
周有庶邦之建, 藩屏是資
漢有同姓之封, 泰磐增壯
朕廑念建親之義, 思弘裕後之規.
咨爾: 皇十五子綿宇
少禀純良, 夙稱敦敏.
禮詩庭誨, 德日勵乎進修
規矩義方, 誼恪敦夫友愛.
服茲嚴訓, 嘉乃有成.
惟制爵辨賢, 帝王之公道.
斯在而廣恩存勸, 國家之典則有常.
是用特封爾為樂化郡公. 錫之册印
爾其: 履道謙謙, 秉心翼翼.
為臣為子,永懷忠孝之彝
而身而家,長荷寵光之錫. 欽哉
嗣德拾壹年陸月拾玖日改給

Phiên âm:

Duy  Minh  Mạng  nhị  thập  nhất  niên,  tuế  thứ  Canh  Tý  chánh  nguyệt, Nhâm Thìn sóc việt tam nhật Giáp Ngọ.
T
hừa thiên hưng vận hoàng đế nhược viết, trẫm duy:
Chu hữu thứ bang3 chi kiến, phiên bình4 thị tư;
Hán hữu đồng tính5 chi phong, thái bàn tăng tráng.
Trẫm: Cận niệm kiến thân chi nghĩa; Tư hoằng dụ hậu chi quy.
Tư nhĩ: Hoàng thập ngũ tử Miên Vũ.
Thiếu bẩm thuần lương, túc xưng đôn mẫn.
Lễ thi đình hối, đức nhật lệ hồ tiến tu;
Quy củ nghĩa phương, nghị khác đôn phù hữu ái.
Phục tư nghiêm huấn, gia nãi hữu thành.
Duy chế tước biện hiền, đế vương chi công đạo.
Tư tại nhi quảng ân tồn khuyến, quốc gia chi điển tắc hữu thường.
Thị dụng đặc phong nhĩ vi Lạc Hóa quận công. Tích chi sách ấn.
Nhĩ kì:
 đạo khiêm khiêm, bỉnh tâm dực dực.
Vi thần vi tử, vĩnh hoài trung hiếu chi di;
Nhi thân nhi gia, trường hạ sủng quang chi tích.
Khâm tai!
Tự Đức thập nhất niên lục nguyệt thập cửu nhật cải cấp.
 

Bản đồng sách ban phong cho Lạc Hóa quận công Miên Vũ - Ảnh do ông Bảo Tiến - Phòng Lạc Hóa quận công cung cấp


Dịch nghĩa (thể tứ lục):

Vào năm Canh Tý, tháng Giêng, vượt ngày Nhâm Thìn [Mồng 1] ba ngày là ngày Giáp Ngọ [Mồng 3] niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840).
Thay trời dấy vận, Hoàng đế truyền rằng. Trẫm nghĩ:
Nhà Chu tạo nước chư hầu, cậy nhờ phên giậu;
Triều Hán phong người cùng họ, vững chãi thái bàn6
Trẫm: Lo nghĩ tôn thân đạo nghĩa; Tính suy con cháu phép khuôn.
Ôi ngươi: Hoàng tử thứ mười lăm là Miên Vũ.
Thuở  thuần lương; Tuổi thơ mẫn tiệp.
Lễ - Thi7 dạy dỗ, đức hạnh luôn gắng gỏi vun bồi;
Quy củ  ràng, kính quý mãi sâu dày thân ái.
Quen điều nghiêm huấn8, tốt đẹp vẹn toàn.
Ngẫm định tước xét tài, đế vương dùng công đạo9.
Lấy đó mà rộng ơn khuyến khích; Quốc gia dùng điển tắc10 thường hằng.
Nay đặc biệt phong cho ngươi là Lạc Hóa quận công. Quý ban sách ấn.
Ấy rằng:
Chân đạo khiêm nhường, chính tâm cẩn trọng.
Là thần, là tử11, mãi ấp ôm trung hiếu phép khuôn;
Bèn thân, bèn gia12, luôn khắc ghi thưởng cho ân sủng. Khâm tai!
Tự Đức năm thứ 11 (1858), ngày 19 tháng 06, đổi cấp (Ban cấp lại sách phong).

3. Một số nhận định (thay lời kết luận)

Bản sách phong trên chất liệu đồng (đồng sách) là một trong những hiện vật gốc quý giá, thuộc sở hữu của các Phủ - Phòng trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Việc lưu giữ, bảo tồn hiện vật đồng sách này, cùng các loại Kim sách (sách phong bằng chất liệu vàng ròng), Ngân sách (sách phong bằng chất liệu bạc), Thể sách (sách phong trên vải lụa)... hiện tồn giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quát, đầy đủ về hệ thống sách phong đặc trưng và đầy đủ ở triều Nguyễn. Điều đó cũng chứng tỏ rằng trong suốt hơn 140 năm tồn tại, Nguyễn triều thực sự là một triều đại hoàn chỉnh về chế độ y - quan, văn hiến.

Trong số các Phủ - Phòng thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn hiện nay, mặc dù chưa có thống kê chính xác, song không phải Phủ - Phòng nào cũng còn lưu giữ được các bản sách phong (phổ biến là đồng sách). Cũng bởi vậy, những thông tin liên quan đến bản đồng sách, dùng để ban phong cho Lạc Hóa quận công Miên Vũ trên chính là nguồn tư liệu giá trị, khả dĩ cung cấp thêm nguồn tư liệu sách phong cho độc giả quan tâm tìm hiểu. Đó cũng là văn bản quý, góp phần giúp người đọc có cái nhìn rõ rệt về một số đặc trưng của sách phong, so với sắc phong thần, sắc phong nhân vật (chế cáo)... Chẳng hạn, khởi đầu các sách phong thường ghi:

“Duy + niên hiệu vua + năm thứ bao nhiêu + tuế thứ + năm theo Can Chi + tháng + ngày [can-chi] + sóc việt (vượt qua ngày sóc - tức ngày mồng 1 âm lịch là bao nhiêu ngày) + số ngày tính từ ngày sóc-mồng 1 + Can Chi của ngày. Tiếp đó mới là cụm từ “Thừa Thiên hưng vận hoàng đế NHƯỢC viết, trẫm duy...”.

Ví như bản đồng sách trên, mở đầu ghi là: “Duy Minh Mạng nhị thập nhất niên, tuế thứ Canh Tý, chính nguyệt, Nhâm Thìn sóc việt tam nhật - Giáp Ngọ. Thừa Thiên hưng vận hoàng đế nhược viết, Trẫm duy...” 維明命貳拾壹年歲次庚子正月壬辰朔越參日甲午. 承天興運皇帝若曰朕惟.

Cách ghi đó cho chúng ta biết rằng: ngày ban cấp sách phong là ngày Giáp Ngọ - tức ngày Mồng 3, vượt qua ngày Sóc (ngày Mồng 1) - tức ngày Nhâm Thìn là 3 ngày, và vào tháng Giêng, năm Canh Tý - niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840).

Hiểu rõ được cách ghi đó, chúng ta đã nắm vững được đặc trưng khởi đầu của các bản sách phong triều Nguyễn. Bởi, đấy là cách ghi chỉ thấy trong hệ thống sách phong, mà không xuất hiện ở các thể loại ban phong khác (như Chế phong, sắc chỉ, sắc phong...). Cũng bởi vậy, sau nhiều năm tìm hiểu, chúng tôi từng rất lúng túng và hiểu sai khi dịch thuật về năm tháng khởi đầu ở loại hình sách phong này. Mới đây, nhờ sự hỗ trợ và trao đổi của một số anh em chuyên môn, chúng tôi đã tìm hiểu ngày tháng âm lịch, đối chiếu suy xét, từ đó mới hiểu được cách hành văn của thể tài sách phong trên.

Cũng giống như các loại văn bản hành chính, do hoàng đế triều Nguyễn ban phong, tưởng thưởng cho quan lại, quần thần có công trạng, hệ thống sách phong này (trong đó có đồng sách ban phong cho Lạc Hóa quận công) sử dụng thể văn tứ lục và tứ lục biến thể, với đặc tính văn chương biền ngẫu, chuẩn đối, tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng và đầy nhạc tính. Đồng thời, thông qua đó, các văn thần biên soạn sách phong đã thể hiện rõ tài năng văn chương nghệ thuật của mình, với cách lựa chọn sử dụng điển tích điển cố cực kỳ tinh gọn và hàm súc. Mỗi bản sách phong là một áng văn chương đặc sắc riêng có, không hề trùng lặp với ý tứ của các bản sách phong còn lại (tức không có tính khuôn mẫu như một số loại hình chế phong, sắc phong thần...). Đấy là nguồn tư liệu quý cho văn học nghệ thuật thời Nguyễn, cũng như cho giới nghiên cứu về văn chương nghệ thuật cổ trung đại Việt Nam khai thác và phát huy hơn nữa về giá trị văn chương của hệ thống sách phong.

Cũng vì đặc trưng văn chương biền ngẫu theo thể tứ lục, cho nên khi dịch thuật, chúng tôi cố gắng đảm bảo phần nào tính đối ngẫu có trong nguyên tác. Mặc dù không thể hiện hết tất cả các ý tứ từ bản Hán văn, song với mong muốn gửi gắm một bản dịch phù hợp, toát lên được “cái hay” của thể văn biền ngẫu ở sách phong, do đó chúng tôi cũng chuyển ngữ, dịch thuật theo tính đối của thể tài ấy. Chẳng hạn, câu biền ngẫu chuẩn đối mở đầu viết:

“Chu hữu thứ bang chi kiến, phiên bình thị tư; 周有庶邦之建, 藩屏是資
Hán hữu đồng tính chi phong, thái bàn tăng tráng. 漢有同姓之封, 泰磐增壯

Chúng tôi tạm dịch là:

Nhà Chu tạo nước chư hầu, cậy nhờ phên giậu;
Triều Hán phong người cùng họ, vững chãi thái bàn.

Hoặc như câu gần cuối:

Vi thần vi tử, vĩnh hoài trung hiếu chi di; 為臣為子,永懷忠孝之彝
Nhi thân nhi gia, trường hạ sủng quang chi tích. 而身而家,長荷寵光之錫.

Chúng tôi tạm dịch:

Là thần, là tử, mãi ấp ôm trung hiếu phép khuôn;
Bèn thân, bèn gia, luôn khắc ghi thưởng cho ân sủng.

Việc dịch thuật những thể loại này thực sự rất khó khăn, bởi nếu muốn chuyển tải hết ý tứ trong văn ngôn của sách phong, thì phải dịch suông ý, kèm với một hệ thống chú thích chú giải. Tuy nhiên, nếu dịch suông thì sách phong sẽ thiếu tính hấp dẫn, thu hút người đọc. Vì thế, dẫu biết dịch theo đúng thể tứ lục sẽ mất ý, thiếu tứ, nhưng chúng tôi ở mức độ nào đó phải chấp nhận mất mát một chút, một phần hàm ý sâu xa, nhằm để gửi gắm và chuyển tải được nội hàm của bản sách phong một cách phù hợp, tốt nhất.

Một điều xin được bàn thêm về vấn đề văn bản của bản sách phong ban cho Lạc Hóa quận công này, đó là câu chuyện “cải cấp” (đổi cấp sách phong) sang đồng sách (sách phong bằng đồng). Trước nay, không ít nhà nghiên cứu lấy nguyên do rằng việc đổi cấp sách phong trên là do triều đình nhà Nguyễn dưới triều vua Tự Đức, sau khi thua Pháp, đã phải thu lại tất thảy các loại vàng bạc đá quý (trong đó có Kim sách, Ngân sách...) để bồi thường chiến tranh cho quân Pháp. Tuy vậy, nếu thực sự có điều đó, thì việc bồi thường chiến phí phải xảy ra sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862)13. Trong khi đó, việc đổi cấp sách phong này xảy ra vào tháng 6 (âm lịch) năm Tự Đức thứ 11, tức Dương lịch là năm 1858. Vậy nên, theo chúng tôi, vấn đề đổi cấp sách phong qua thể đồng sách khó có liên quan đến việc bồi thường chiến phí, và cũng không thể vì sau đó 4 năm (1862) có hòa ước Nhâm Tuất, để bảo rằng vua Tự Đức đã tính trước việc lo liệu bồi thường.

Về lý do đổi cấp qua đồng sách (sách phong bằng đồng) như sách phong Lạc Hóa quận công (cùng sách phong cho Diên Phước công chúa Tĩnh Hảo - con gái đầu vua Thiệu Trị; cũng được đổi cấp ngày 19 tháng 06 năm Tự Đức 11) ghi: “Tự Đức thập nhất niên lục nguyệt thập cửu nhật, cải cấp” 嗣德拾壹年陸月拾玖日改給 (ngày 19 tháng 06 năm Tự Đức thứ 11 (1858), đổi cấp), sau khi tra cứu thông tin từ Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ, quyển XVIII: Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng đế), chúng tôi đã tìm được một thông tin có liên quan, chép rằng:

“Mậu Ngọ, Tự Đức năm thứ 11 [1858], Tháng 6…: Phủ Tôn Nhân tâu xin: Những thân vương, quân vương, hoàng thân, công chúa đã quá cố, những sách phong bằng vàng, bằng bạc nguyên trước được cấp và sau này truy tặng đổi làm sách bằng lụa màu để thờ.

Vua  bảo  rằng:  Làm  sách  phong  bằng  lụa,  e  là  vật  không  để  lâu  được, chẳng khỏi lại phải đổi cấp. Sai bộ Lễ bàn nghĩ Phước tâu. Sau bộ Lễ tâu rằng: Những vương công, quý chúa được phong tặng sách ấn (hoặc dùng vàng mạ hay dùng thuần bạc) là muốn cho giữ được Phước ấm lâu đời. Song sau khi chết đi, con cháu chẳng khéo giữ gìn như Thiệu Hóa đình hầu Tôn Thất Thiện Khuê, đến nỗi bộ Lại nghị tội, mà đổi cấp sách bằng lụa màu, sau vài ba năm mọt nát phai nhạt, phải đổi cấp luôn thêm phiền. Xin dùng thử đồng lá màu vàng của bản xứ chế làm sách văn, để được lâu dài về sau. Vua y cho làm”14.

Như vậy, qua thông tin từ Đại Nam thực lục, chúng ta thấy rằng các sách phong bằng vàng bạc vốn được cấp, thì Phủ Tôn Nhân tâu xin đổi cấp thành Thể sách (sách bằng lụa màu) để thờ. Song, vua không đồng ý, vì sách phong bằng lụa không để lâu được. Nhà vua bèn sai Bộ Lễ luận bàn và Bộ Lễ đề xuất dùng đồng lá màu vàng của bản xứ chế làm sách văn, để được lâu dài về sau. Đề xuất ấy được hoàng đế Tự Đức chuẩn y cho thực hiện. Thế nên, từ đây (tháng 6 năm Tự Đức thứ 11 - tức năm 1858), việc đổi cấp thành đồng sách có lẽ được triều đình thực hiện đồng bộ, diễn ra khắp các Phủ Phòng, theo tinh thần được ghi chép tại Đại Nam thực lục, chứ không phải vì liên quan đến việc bồi thường chiến phí. Đấy chính là điều mà chúng tôi xin cung cấp và có phần lưu ý, đề xuất để quý độc giả, các nhà nghiên cứu tránh hiểu nhầm, và phần nào đó là “quy trách nhiệm” cho hoàng đế Tự Đức.

Nói tóm lại, bản đồng sách ban phong cho Lạc Hóa quận công là một trong những tư liệu quý, có giá trị không chỉ về văn chương nghệ thuật thời Nguyễn, mà còn chứa đựng nhiều thông tin thú vị liên quan đến đặc trưng thể loại của hệ thống văn bản hành chính ban phong ở triều các vua Nguyễn. Bên cạnh đó, việc “đổi cấp” sách phong vào ngày 19 tháng 06 năm Tự Đức thứ 11 (1858) được ghi chép trên đồng sách cũng là điểm nhấn đáng lưu ý, góp phần nhận diện lại, hiệu chỉnh lại những nhận thức và quan niệm trước đây về “sai lầm” của vua Tự Đức. Thực tế thì việc đổi cấp sách phong thời điểm nói trên chẳng liên quan gì đến việc bồi thường chiến phí về sau, mà đó chỉ là thông lệ được hoàng đế Tự Đức cho phép Tôn Nhân phủ và Bộ Lễ nghị bàn, thống nhất. Bản sách phong ban cấp cho Lạc Hóa quận công Miên Vũ này của Phủ Lạc Hóa, là một hiện vật được triều đình đổi cấp để truyền đời thờ tự, và sách phong ấy đã thực hiện rõ chức năng của mình từ hơn 150 năm nay. Đó là điều đáng tự hào và trân quý. Chúng tôi hy vọng rằng qua bài viết trên đây, thông tin tư liệu về sách phong Lạc Hóa quận công nói riêng, hệ thống sách phong triều Nguyễn nói chung càng được quan tâm và lan tỏa nhiều hơn nữa, góp phần hữu ích cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về di sản triều Nguyễn thời gian tới.

V.V.Q
(TCSH415/09-2023)

---------------------------------
1 Quốc sử quán Triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, tr.119.
2 Để biên soạn các thông tin này, chúng tôi tham khảo bài viết “Thân Thế ngài Lạc Hóa quận công” trên trang của Phòng Lạc Hóa, link: https://www.phonglachoa.com/khoi-toc
3 Thứ bang 庶邦: vùng đất thuộc quyền thống trị, cai quản của mình, tức ở đây, có thể hiểu là các nước chư hầu (侯眾國 chư hầu chúng quốc) của Nhà Chu.
4 Phiên bình 藩屏: Phên giậu (vua các nước Chư hầu, hoặc các trọng thần [bề tôi trọng yếu - có chức vụ và vai trò vị thế cực kỳ quan trọng trong nước], hay người đứng đầu ở các vùng đất được phân phong - tức còn gọi là Phân phiên 分藩), dùng để che chở cho quốc gia. Sách Kinh Thi 詩經, Đại Nhã 大雅, chương Bản 板 có câu: “价人維藩,大師維垣,大邦維屏,大宗維翰” (Giới nhân duy phiên, đại sư duy viên, đại bang duy bình, đại tông duy hàn) nghĩa là: Người tài là phên giậu [của đất nước], Quân dân đông đúc là tường thành [che chở], nước lớn là bức bình phong [che chắn cho quốc gia], tông tộc lớn là trụ cột của đất nước. Sách Tả truyện 左傳, mục Hỷ công nhị thập tứ niên 僖公二十四年 có câu: “Tích Chu Công điếu Nhị thúc chi bất hàm, cố Phong kiến thân thích dĩ phiên bình Chu” 昔 周公 弔二叔之不咸,故封建親戚以蕃屏 周 (xưa, Chu Công [Cơ Đán] thương xót hai triều đại [Hạ - Ân] đã suy chẳng còn gì, cho nên việc phân phong tước, kiến tạo đất đai cho các vị thân thích ấy là dùng để làm phên giậu che chắn cho nhà Chu).
5 Đồng tính 同姓: cùng chung họ tộc [con cháu trong dòng tộc, như: tử tính 子姓 là con cháu trong họ].
6 Thái bàn 泰磐: vững vàng như tảng đá lớn, chúng ta hay gọi là “an như bàn thạch” 安如磐石 (yên vững như tảng đá) cũng theo ý đó.
7 Tức Kinh Lễ, Kinh Thi (Hai bộ sách kinh điển trong số Ngũ kinh - Tứ thư) - phiếm chỉ học hành đạo lý chữ nghĩa đầy đủ.
8 Nghiêm huấn 嚴訓: lời dạy dỗ (huấn dụ) nghiêm minh.
9 Công đạo 公道: đạo lý/chân lý công bằng, phân minh.
10 Điển tắc 典 則 : điển chương phép tắc, tức các quy định quy chuẩn phép tắc rõ ràng của đất nước (như triều Nguyễn thì có sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép rõ ràng các phép tắc điển chương).
11 Là thần, là tử: dịch từ “vi thần, vi tử” 為 臣 為 子 : phận là bề tôi, là con cái. Do chúng tôi dịch theo thể tứ lục, nên nếu dịch “là tôi, là con” thì nhịp văn và âm điệu không chuẩn. Vì thế nên chúng tôi ghi “là thần, là tử” để âm điệu phù hợp hơn.
12 Cũng giống câu “là thần, là tử” trên, chúng tôi giữ nguyên chữ trong nguyên tác “thân - gia” để nhịp điệu câu tứ lục được phù hợp, và dịch thành “Bèn thân, bèn gia” (ấy là chính mình/thân mình - ấy là gia đình).
13 Ngày 01 tháng 09 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mới bắt đầu nổ súng tấn công vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Như thế, việc Pháp tấn công sau ngày vua Tự Đức cho đổi cấp Đồng sách tầm 2 - 3 tháng.
14 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7 (Viện Sử học dịch), Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr.561.

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Tiếng Huế chay (05/07/2023)