Ai ra xứ Huế
Về “Phế trạch hành” của Miên Thẩm
09:01 | 09/05/2024

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Bài “Phế trạch hành” của Miên Thẩm thuộc tập Mãi Điền trong bộ Thương Sơn thi tập, được viết vào những năm cuối đời đầy phiền muộn của thi ông.

Về “Phế trạch hành” của Miên Thẩm
Mẩu thơ từ bộ “Thương Sơn thi tập” khắc trên ván gỗ và bút tích của Tùng Thiện công - Ảnh: members.tripod.com

Nhờ một số “tín hiệu” như phế trạch ở “bờ nam”, “sát sông”, chủ nhân thuộc “thế gia vọng tộc”, có “nhiều người lui tới”, có huân tích, “chứa nhiều kinh Phật”,… có thể đoán định Miên Thẩm đã viết về sự hoang phế của phủ đệ Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền bên bờ nam sông An Cựu. Quần thể kiến trúc này một phần thành chùa khi Bà Sư Nguyễn Phúc Ngọc Cầu kế thừa, tiếp tục được tôn tạo khi vài vị tôn thất của hệ 7 phòng 12 thuộc nhánh trưởng có võ nghệ cao cường, từng nắm giữ cấm binh trong phòng thành Huế. Một số vị tham gia cuộc nổi dậy Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý năm 1866. Cuộc nổi dậy bất thành. Các chùa như Long Quang, Thiên Phúc thì bị triệt hạ, một số chùa khác có liên quan thì sư trụ trì lớp bị bắt, lớp bỏ trốn nên các chùa bị hoang phế một thời gian như Thiền Lâm, Kim Tiên… Phủ đệ Dận Quốc công tan đàn xẻ nghé, những lầu gác đài tạ, chùa Phật ở bờ sông An Cựu thành vô chủ, sớm hoang phế. Tùng thiện công Miên Thẩm sau cuộc loạn đã về ở “Phương Thốn thảo đường” thuộc Dương Xuân (Bắc), có dịp về phủ Tùng Thiện ở bờ bắc sông An Cựu, chèo thuyền theo hướng dòng chảy, cập bến ở bờ nam ngang qua phủ đệ Dận Quốc công, lên bến thấy cảnh hoang phế, đã cảm tác bài hành “廢宅行” (Phế trạch hành) (Ngôi nhà bỏ hoang).

Dưới góc độ văn học sử, trước khi tiếp cận bài hành, chúng tôi xin tóm lược hành trạng của Dận Quốc công và các đời hậu duệ sinh sống ở quần thể dinh thự rải từ chân núi Thiên Thai (Đông Sơn) đến bờ sông An Cựu. Công tử Nguyễn Phúc Điền là con trai thứ 12 của chúa Nguyễn Phúc Chu, sinh năm 1700, mẹ là Chánh nội sử Nguyễn Thị Lan. Khi Nguyễn Phúc Điền vào tuổi 15, mẹ mất năm 1714; việc tang ma phần lớn do chùa Thiền Lâm lo liệu. Sau mùa kiết hạ năm 1712 và đại giới đàn tổ chức trọng thể ở chùa Thiền Lâm, trụ trì Quốc sư Hưng Liên - Quả Hoằng đã bị chúa Phúc Chu thất sủng, do quan hệ với doanh nhân người Thanh phạm pháp. Trụ trì chùa Ấn Tôn là Minh Hoằng - Tử Dung được chúa Phúc Chu cử ngài đóng vai trò chủ chốt tại mùa kiết hạ năm 1712 tại Thiền Lâm. Sau đó một đại đệ tử của ngài là Thanh Thận - Chiêu Quả, pháp huynh đệ với Thiệt Tế - Liễu Quán, Thiệt Vinh - Bửu Hạnh, Thanh Dũng,… được nhà chúa giao trụ trì chùa Thiền Lâm. Chùa từ tông Tào Động đã chuyển qua tông Lâm Tế. Sau khi trưởng thành, chức lên đến Chưởng cơ phụ trách Hữu Thủy Cai đội, Nguyễn Phúc Điền lập phủ ở làng An Cựu, trên những gò phía bắc, đông bắc, tây bắc của núi Thiên Thai ngoại. Riêng dinh thự ở bờ sông An Cựu (dấu tích là chùa Phước Thành, tiền thân là chùa Bà Sư). Kế đến chúa Phúc Chu băng, Nguyễn Phúc Trú kế thống thì chưởng cơ Nguyễn Phúc Điền là một hoàng thân có nhiều đặc ân, được cấp nhiều ruộng ngụ lộc ở làng An Cựu, Dạ Lê, Thần Phù, nhiều rẫy nương ở vùng Lâm Lộc, cài răng lược với đất rẫy của làng Dương Xuân. Đặc biệt ngài Nguyễn Phúc Điền rất ưu ái chùa Thiền Lâm, vì chùa có công quả lớn trong việc tang lễ bà Kính phi Nguyễn Thị Lan, thân mẫu củaNguyễn Phúc Điền. Nguyễn Phúc Điền đối với chùa như một vị hộ pháp, cúng dường nhiều ruộng rẫy để chùa làm tự thổ, tự viên… Nguyễn Phúc Điền mất năm 1738. Con cháu kế thế lại có một số vị là Cai cơ, Chưởng cơ kế nghiệp phủ đệ Nguyễn Phúc Điền, tạo điều kiện cho sư phụ Phật Thanh - Huyền Khê lập chùa thứ hai là Long Quang tự, trên đất phủ khi đang trụ trì chùa Thiên Phúc (chùa Khoai) ở đồi Dương Xuân. Các vị này vừa là Phật tử vừa là võ sinh với pháp danh có chữ Tổ (theo bài kệ Mộc Trần - Đạo Mân: … Minh, Thành, Phật, Tổ, Tiên, Minh…). Công nữ Ngọc Cầu cũng là Phật tử với pháp danh là Tổ Bửu. Khoảng năm 1752, công nữ Ngọc Cầu sớm trở thành quý phi của Võ vương, dẫu vương và phi cả hai đều là cháu nội của Phúc Chu! Võ vương đã truy phong nhạc gia (lại là thúc phụ) thành Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền, sắc tứ chùa Quảng Đức ở La Vân hạ, do hai thị nữ của Kính phi Nguyễn Thị Lan xuống tóc làm ni, chùa ở hậu viên dinh thự của Tham chính Nguyễn Hữu Hạp, ông ngoại của Dận Quốc công. Đặc biệt Võ vương đã sắc tứ trùng kiến Thiền Lâm tự, sắc phong trụ trì Thanh Thận -Chiêu Quả, và tất nhiên xiển dương công quả của Dận Quốc công đang được chùa thờ như một vị hộ pháp. Như thế, đến bà Ngọc Cầu và các vị Tôn Thất hệ 7 phòng 12 nhánh trưởng quản lý phủ đệ Dận Quốc công, bên bờ nam sông An Cựu, thì phủ này là một quần thể kiến trúc tráng lệ. Biến cố năm 1774 - 1775, khi quân Lê - Trịnh chiếm Phú Xuân, những chủ nhân quần thể trên phải ly tán, riêng bà Ngọc Cầu vào Cu Đê, sớm được tha khi Hoàng tôn Dương thành phò mã của Tây Sơn trại trưởng Nguyễn Nhạc, bà trở về Phú Xuân, phục hồi một phần quần thể, biến đền thờ Dận Quốc công thành chùa, xuống tóc làm ni và chùa gọi là chùa Bà Sư. Gia Long phục quốc, con cháu Dận Quốc công còn sống sót, phần lớn là võ sinh Long Quang tự sớm được tập ấm và được trọng dụng thành những vị chỉ huy quân đội trong phòng thành Huế. Riêng bà Ngọc Cầu mất năm 1804, được vua Gia Long sắc phong “Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư “(慧淨聖母元 師), hiệu là Thiệu Long Giáo chủ (紹隆教主), mộ táng trong khuôn viên chùa Phước Thành. Năm Gia Long thứ 4 (1805), vua cấp 15 mẫu ruộng, sai Tôn Thất Sài coi việc thờ cúng cho bà. Quần thể phủ đệ Dận Quốc công được tôn tạo và mở rộng, riêng Long Quang tự được vua Gia Long cử một đại đệ tử đắc pháp của Phật Thanh - Huyền Khê (Thiệt Thành - Liễu Đạt, tức sư Liên Hoa/Ba) là Tế Bổn - Viên Thường trụ trì và tiếp tục rèn luyện võ sinh Phật học và võ học. Đoàn Trưng, Đoàn Trực từng biết chùa Long Quang dưới chân núi Thiên Thai, ngoài Phật sự còn là lò võ do Phật Thanh - Huyền Khê khai sơn, kế thế trụ trì là Tế Bổn, tiếp theo là đệ tử của Tế Bổn: Nguyễn Văn Quí. Chùa do hậu duệ Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền tạo điều kiện thành lập trên đất phủ. Phủ và chùa có rất nhiều ruộng ở xã An Cựu, Dạ Lê, Thần Phù… mà tá điền lên đến hàng ngàn người; vừa canh tác vừa luyện võ ở chùa Long Quang - phủ Dận Quốc công. Khi triều Tây Sơn ở Phú Xuân, ruộng đất của chùa và phủ bị tịch thu để cấp cho quan lại Tây Sơn. Khi vua Gia Long đại định, có lấy lại ruộng vườn và hoàn lại một phần cho phủ và chùa. Kiện tụng kéo dài thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn chưa giải quyết thấu đáo, gây bất mãn cho phủ và chùa. Lớp trí thức như Đoàn Trưng lại bất bình với phe chủ hòa trong triều đình Tự Đức đã làm mất sáu tỉnh Nam Kỳ nên thành lập Đông Sơn thi tửu hội hoạt động ở chùa Long Quang, trong đất phủ Dận Quốc công, là nơi kết nối các người đồng quan điểm, trong đó có các vị tôn thất phủ Dận quốc công; một số đang ở trong cấm binh bảo vệ Kinh thành. Nguyên nhân gần là khi xây dựng Vạn Niên cơ (Khiêm Lăng) cần huy động nhân lực, trong đó các tá điền phải sưu dịch, ảnh hưởng việc canh tác; đúng mùa vụ lại không về kịp, các quan quản đốc công trường lại lạm dụng sức lực, thời gian của họ, nên Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quí quyết định khởi sự… Cuộc nổi dậy bất thành. Các chùa như Long Quang, Thiên Phúc thì bị triệt hạ, một số chùa khác có liên quan thì sư trụ trì lớp bị bắt, lớp bỏ trốn nên các chùa bị hoang phế một thời gian như Thiền Lâm, Kim Tiên… Phủ Dận Quốc công, do dòng trưởng đa phần là quan võ quản lý, lại có con cháu tham gia cuộc nổi dậy 1866 nên tan đàn xẻ nghé, những lầu gác đài tạ, chùa Phật ở bờ sông An Cựu thành vô chủ, sớm hoang phế. Tất nhiên những nhánh con cháu hệ 7 phòng 12 theo nghiệp văn, không phải dòng trưởng, có vị là đại quan với chức Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, không ở đất phủ, không tham gia nổi dậy thì không bị tội và vẫn tiếp tục được trọng dụng vào thời vua Khải Định.

Tùng Thiện công Miên Thẩm đã cảm tác bài hành “廢宅行” (Phế trạch hành) (Ngôi nhà bỏ hoang) với khổ đầu giới thiệu vị thế của phủ đệ, từng là một công trình kiến trúc bề thế, đẹp, nhưng giờ đã hoang phế:

廢宅行

Phế trạch hành

邇棹河南岸 Nhĩ trạo hà nam ngạn
(Bờ nam thuyền chèo tới)
廢宅临河蓀 Phế trạch lâm hà tôn
(Nhà hoang sát bờ sông)
町町菀佳媾 Đinh đinh uyển giai cấu
(Một vùng xây cất đẹp)
金壁楢楢新 Kim bích ái do lân
(Tường vàng phủ lùm cây)
格墙見殘柳 Cách tường kiến tàn liễu
(Cách tường gốc liễu rụi)
帩柵难為春 Tiêu sách nan vi xuân
(Rèm cuốn, xuân chẳng màng)

Tính đến năm 1760 thì dinh thự Dận Quốc công đã vào khoảng 120 năm, hậu duệ ngài Quốc công sinh sống trên đó cũng 5 đời. Vì vừa là dòng vua chúa mà cũng là thích lý của hoàng tộc Nguyễn, lại thêm phòng 12 hệ 7 có nhánh cung cấp nhiều quan võ thời chúa cũng như thời vua nên ở dinh thự là một quần thể kiến trúc đẹp. Lầu các bên sông, sau hậu viên lại có hồ rộng nửa thiên tạo nửa nhân tạo, trên mặt hồ lại có đình tạ để hóng mát, câu cá và luyện khí công. Những bức bình phong trước nhà của thành viên trong phủ được trang trí hoa văn đẹp khó tả. Miên Thẩm từng thấy từng nghe vẻ đẹp nơi này nhưng gặp một lão già hàng xóm để hỏi và biết lão mô tả chưa đủ nhưng cũng mượn lời lão hạ bút:

佐問誰家宅 Tá vấn thùy gia trạch
(Hỏi nhờ nhà ai đó)
邻叟不肻臻 Lân tẩu bất khẳng trần
(Lão láng giềng chẳng tỏ)
叙言居宅傍 Tự ngôn cư trạch bàng
(Tự nói nhà gần bên)
在 积 美 無 論 Tại tích mỹ vô luân
(Nơi này đẹp khó sánh)
廣榭俚淸波 Quảng tạ lý thanh ba
(Tạ rộng nương hồ xanh)
斐幈妙層雲 Phi bình diệu tằng vân
(Bình phong dáng mây vờn)

Ngoài kiến trúc đẹp còn có chùa Bà Sư (Phúc Thành tự), có tháp mộ của Bà Sư, chùa Long Quang với hoạt động theo cung cách Thiếu Lâm tự nên võ sinh và người nhà lui tới hằng ngày. Các đạo hữu của chùa Bà Sư ở quanh vùng vẫn thường xuyên lễ Phật lễ thánh ở chùa. Lại thêm quần thể dinh thự là nơi sinh sống của những vị phong lưu, nên yến tiệc có đàn ca hát xướng thường xuyên tổ chức. Lại thêm tằng tổ, hiến tổ,… lại là những bậc có công huân, có sắc phong của nhà vua nên những khi giỗ kỵ thường đọc chúc văn và trích đọc sắc phong một cách trang trọng. Tất nhiên khi tiến hành những hoạt động trên thì những người tham dự cũng khăn áo chỉnh tề và đẹp. Người ở gần phủ thấy cảnh và người, trang phục, âm nhạc như ở chốn tiên cảnh. Thế nên Miên Thẩm đã thuật lại lời kể của lão già láng giềng:

室中所游也 Thất trung sở du giả
(Trong nhà khách thường viếng)
歌咲日衯衯 Ca tiếu nhật phân phân
(Hát cười vang hằng ngày)
俻服不 尋常 Bị phục bất tầm thường
(Áo quần rất sang trọng)
疑是蓬萊人 Nghi thị Bồng lai nhân
(Như là người cõi tiên)
惑推子玉生 Hoặc suy Tử Ngọc sinh
(Ngỡ như Tử Ngọc hiện)
亦誦丹書文 Diệc tụng đan thư văn
(Sang sảng xướng sắc phong)

Người của phủ phòng là những công hầu quyền thế, ân sủng vua chúa ban rất đậm nên các vị rất giàu sang phú quý. Có việc phải đi công tác hoặc tiến triều, kẻ hầu người hạ theo xe ngựa khá đông, toàn những người dáng điệu đẹp đẽ, tạo thành đoàn rước chủ nhân với nghi trượng của bậc công hầu:

從馭像絡驛 Tòng ngự tương lạc dịch
(Người theo hầu như nước)
鵉隺偕成羣 Loan hạc giai thành quần
(Diễm lệ họp thành đoàn)

Trong tâm cảm “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường/ Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, Miên Thẩm đã chứng kiến cuộc phế hưng của phủ đệ Dận Quốc công. Chưa được 10 năm (vị thập niên) mà sao quá điêu tàn, sân trước “có lan mặt đất, rêu phong dấu giày”. Cửa đóng then cài như cái nơm cá, bọn chuột bọ tha hồ chui rúc dưới đám cỏ gai. Những hậu viên có nơi chôn những nghĩa binh chết trận khi một bộ phận chạy về “sào huyệt” là đây! Dân sở tại cho biết trước sân một ngôi nhà cổ có nhiều mả vôi, khi họ khai quật để di dời thì phát hiện hai bộ xương còn nguyên trong tư thế quỳ, tay bị xiềng bởi vòng xích sắt. Còn “mả loạn” và “mộ cô hồn” rất nhiều, xen lẫn cỏ dại đất khô còn nhiều gươm mẻ, kiếm gãy đã rỉ sét; có khi bọn trẻ trong xóm phát hiện được chúng lấy làm đồ chơi binh khí đánh trận giả. Ngay Miên Thẩm trong bài “Ngự Bình sơn đăng cao” từng cảm khái với hai câu kết “烈士算年多感慨/ 誰兮硗缺剑光嗯” (Liệt sĩ toán niên đa cảm khái/ Thùy a khao khuyết kiếm quang ân) (Bao năm nghĩa sĩ còn căm hận/ Đất khô ánh kiếm hừ chôn ai?). Bụi rậm ở mộ hoang là nơi chồn cáo ở và tất nhiên ma trơi thường hiện. Lão già hàng xóm cho biết khi trăng lặn thì ma (trơi) chập chờn (khí phốt phin cháy bốc lên tỏa ánh sáng), còn chồn cáo tha hồ chạy nhảy:

苒苒未十年 Nhiễm nhiễm vị thập niên
(Thấm thoắt mới vài năm)
此地無車塵 Thử địa vô xa trần
(Nơi này mất dấu xe)
重門插魚籥 Trùng môn sáp ngư dược
(Cửa đóng như oi cá)
中庭场荊樼 Trung đình tráng kinh trân
(Giữa sân gai mọc đầy)
艸荒倉鼠轧 Thảo hoang thương thử loát
(Cỏ vùi thường chuột rúc)
月出麽狐逩 Nguyệt xuất yêu hồ bôn
(Trăng tàn ma chồn chơi)

Chỉ cần đưa thông tin “chìa khóa” rằng nơi đây từng nghe tụng kinh Phật, tàng trữ kinh Phật nghĩa là Phước Thành tự, Long Quang tự là biết phế trạch của phủ Dận Quốc công rồi! Càng rõ ràng hơn là nay cũng không còn chùa Long Quang tự và pháp bửu tự khí kinh Phật cũng bị thất tán:

聞道神宇経 Văn đạo thần vũ kinh
(Rằng nghe kinh sách Phật)
藏此今不存 Tàng thử kim bất tồn
(Từng giữ nay chẳng còn)

Một người ưu thời mẫn thế, đọc và hiểu kinh Phật, bách gia chư tử như Miên Thẩm thì việc hưng phế ngài quá hiểu, hà tất phải hỏi ai hoặc hỏi lòng. Nhưng trong những năm cuối đời, phủ Tùng Thiện có lúc cũng bị cấm, chưa kể thi ông đã về ở “Phương Thốn thảo đường” ở Dương Xuân Bắc, Lễ Khê, La Khê, Thác Lại. Khi trở lại phủ Tùng Thiện thi ông đã buồn cho quang cảnh tiêu điều của phủ, lòng đã u uất, giờ đang thấy, đang nghe sự hoang tàn của phủ đệ hệ 7 phòng Dận Quốc công thì thi ông đau đớn như ruột bị cắt. Cố nén để ngăn dòng lệ nhưng rồi lệ cứ trào tuôn:

盛衰似有诂 Thịnh suy tự hữu cổ
(Thịnh suy xưa từng có)
何必向君言 Hà tất hướng quân ngôn
(Cần chi hỏi ta, người)
聴此肠採卽 Thính thử trường thái tức
(Sự tình nghe đứt ruột)
切呼号伏呑 Thế há hào phục thôn
(Nén lòng, lệ trào tuôn)

* 廢宅行

Phế trạch hành

 

邇棹河南岸 Nhĩ trạo hà nam ngạn
(Bờ nam thuyền chèo tới)
廢宅临河蓀 Phế trạch lâm hà tôn
(Nhà hoang sát bờ sông)
町町菀佳媾 Đinh đinh uyển giai cấu
(Một vùng xây cất đẹp)
金壁楢楢新 Kim bích ái do lân
(Tường vàng phủ lùm cây)
格墙見殘柳 Cách tường kiến tàn liễu
(Cách tường gốc liễu rụi)
帩柵难為春 Tiêu sách nan vi xuân
(Rèm cuốn, xuân chẳng màng)
佐問誰家宅 Tá vấn thùy gia trạch
(Hỏi nhờ nhà ai đó)
邻叟不肻臻 Lân tẩu bất khẳng trần
(Lão láng giềng chẳng tỏ)
叙言居宅傍 Tự ngôn cư trạch bàng
(Tự nói nhà gần bên)
在积美無論 Tại tích mỹ vô luân
(Nơi này đẹp khó sánh)
廣榭俚淸波 Quảng tạ lý thanh ba
(Tạ rộng nương hồ xanh)
斐幈妙層雲 Phi bình diệu tằng vân
(Bình phong dáng mây vờn)
室中所游也 Thất trung sở du giả
(Trong nhà khách thường viếng)
歌咲日衯衯 Ca tiếu nhật phân phân
(Hát cười vang hằng ngày)
俻服不尋常 Bị phục bất tầm thường
(Áo quần rất sang trọng)
疑是蓬萊人 Nghi thị Bồng lai nhân
(Như  người cõi tiên)
惑推子玉生 Hoặc suy Tử Ngọc sinh
(Ngỡ như Tử Ngọc hiện)
亦誦丹書文 Diệc tụng đan thư văn
(Sang sảng xướng sắc phong)
從馭像絡驛 Tòng ngự tương lạc dịch
(Người theo hầu như nước)
鵉隺偕成羣 Loan hạc giai thành quần
(Diễm lệ họp thành đoàn)
苒苒未十年 Nhiễm nhiễm vị thập niên
(Thấm thoát mới vài năm)
此地無車塵 Thử địa vô xa trần
(Nơi này mất dấu xe)
重門插魚籥 Trùng môn sáp ngư dược
(Cửa đóng như oi )
中庭场荊樼 Trung đình tráng kinh trân
(Giữa sân gai mọc đầy)
艸荒倉鼠轧 Thảo hoang thương thử loát
(Cỏ vùi thường chuột rúc)
月出麽狐逩 Nguyệt xuất yêu hồ bôn
(Trăng tàn ma chồn chơi)
聞道神宇経 Văn đạo thần vũ kinh
(Rằng nghe kinh sách Phật)
藏此今不存 Tàng thử kim bất tồn
(Từng giữ nay chẳng còn)
盛衰似有诂 Thịnh suy tự hữu cổ
(Thịnh suy xưa từng )
何必向君言 Hà tất hướng quân ngôn
(Cần chi hỏi ta, người)
聴此肠採卽 Thính thử trường thái tức
(Sự tình nghe đứt ruột)
切呼号伏呑 Thế há hào phục thôn
(Nén lòng, lệ trào tuôn)

Thay lời kết

Kết bài hành đẫm nước mắt; những giọt nước mắt khóc người mà cũng khóc chính bản thân thi ông. Sau cuộc loạn 1866, nhánh trưởng phủ phòng Dận Quốc công chịu cảnh tan đàn xẻ nghé, người bị tử trận, người bị bắt sau đó bị hành hình, người bỏ trốn phải mai danh ẩn tích… Còn phủ Tùng Thiện công cũng bi đát không kém. Con gái Thể Cúc (vợ cũ của Đoàn Trưng) buộc cải sang họ Tống và phải cải đạo vào tu viện công giáo; cháu ngoại Đoàn Văn Ngáo chưa vị thành niên được người thân giúp trốn vào chùa; bản thân Tùng Thiện công bị phạt bổng 8 năm. Riêng phủ Tùng Thiện bị lính canh chừng cấm người lui tới, gia đình Tùng Thiện về ở “Phương Thốn thảo đường” thuộc Dương Xuân Bắc (Bắc sông đào Hộ Thành hà) sống nhờ hoa lợi của “12 mẫu ruộng thờ”. Cảm khái “Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” đã khơi dậy nỗi u uất trong những ngày công “trầm tư mặc tưởng” hoặc “thiền” theo lời khuyên của thiền sư Tánh Hoạt - Huệ Cảnh (khai sơn Tường Vân), “Biến khởi phi tâm tưởng/ Ưu liên xuất thế gian”) (Lòng chẳng màng vần xoay thế sự/ Do quá ưu phiền phải lánh đời), đã bùng phát mất kiểm soát để “lệ tuôn trào”! Trong tâm trí của thi ông có sự giày vò ngu trung và trí trung đối với vua cháu Tự Đức; vua có trí tuệ, có tâm hồn nhưng thể lực kém, lại mắc chứng vô sinh, bởi vậy càng ngày càng bị đám cận thần thủ cựu, chủ hòa với Tây Dương dẫn đến phải nhường từng phần lãnh thổ Đại Nam! Có thể Tùng Thiện công không bằng lòng cách làm của Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý nhưng với công, họ là những người ái quốc, những “liệt sĩ” tận trung với nước. Với Tùng Thiện công, đám tướng tá có công đánh bại cuộc nổi dậy 1866, được luận công khen thưởng chỉ là bọn “giá áo túi cơm” hoặc đám quan văn ở Bộ Hình tự đắc luận tội những người nổi dậy 1866 và dâng tấu sớ bắt bẻ mình chỉ là đám “thừa gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”. May vua Tự Đức vốn trọng tài đức của chú Hoàng Mười nên “nhẹ tay” khi kết tội Tùng Thiện công. Rồi có những kẻ thân bằng quyến thuộc trở mặt, sớm xa lánh ngài Hoàng Mười tước công vì sợ liên lụy, nhân tình thế thái làm ngài mắc tâm bệnh, ngụp lặn trong vũng lầy sầu muộn không thoát được, phải đợi khi sắp lìa đời thõng tay mới “vạn nẻo thông”. Trong tâm trí của Tùng Thiện công luôn giằng xé dữ dội, đó là sự sầu muộn về người thân, nỗi u uất thời thế và Miên Thẩm cố “phi tâm tưởng” bằng cách “xuất thế gian” đến với thiền nhưng không thành, chỉ ngộ đạo trong phút lâm chung. Miên Thẩm đã tự bạch trong bài thơ tuyệt mệnh viết trong không khí trước giây phút lìa đời ngày 30/3 năm Canh Ngọ (30/4/1870): “半年學道太糊塗” (Bán niên học đạo thái hồ đồ) (Nửa đời học đạo mải lòng vòng)/ “脫屣如今乃識途” (Thoát tỉ như kim nãi thức đồ) (Chừ sắp lìa đời vạn nẻo thông)/ “薦爽亭波天姥月” (Tiến Sảng đình ba, Thiên Mụ nguyệt) (Sóng đình Tiến Sảng, trăng Thiên Mụ) “水香林影有人無” (Thủy hương lâm ảnh hữu nhân vô) (Hương nước, bóng rừng, ta… vốn không).

T.V.Đ
(TCSH52SDB/03-2024)

-------------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Văn Phú, Ngô Linh Ngọc (1991), Thơ Tùng Thiện vương, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
2. Nguyễn Phước Bảo Quyến (2008), Tùng Thiện vương Đời và Thơ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
3. Trần Viết Điền (2021), “Về Tổ sư môn phái “Võ ta Ngọc Trản””, Tạp chí Sông Hương số 391, tháng 09/2021.

 

 

Các bài đã đăng
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)