Người Huế
Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Lào
10:38 | 09/09/2012

Lê Quang Long - vị cố vấn quân sự đầu tiên của Hoàng thân Xuphanuvông


PHẠM HỮU THU
 

Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Lào
Giáo sư Lê Quang Long - Ảnh TL

Như đã biết, sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tầm nhìn xa trông rộng, ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông, lúc đó đang ở thành phố Vinh ra Hà Nội gặp Người để bàn về cuộc kháng chiến sắp tới ở Lào. Cuộc gặp gỡ lịch sử của hai nhà lãnh đạo đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào cùng chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của mỗi nước.

Trước khi sang Lào, đoàn của Hoàng thân Xuphanuvông vào Cố đô Huế gặp Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh. Tháp tùng Hoàng thân có ông Trần Đức Vịnh, một cán bộ chính trị cao cấp được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phái sang Lào vận động kiều bào ta cùng bạn chống kẻ thù chung khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương và hai vệ sĩ mang bí danh là Thạc và Dỉnh.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông - Ảnh: internet


(Sau khi Lào tuyên bố độc lập - 12/10/1945, Trần Đức Vịnh trở thành phái viên và ngày 16/10/1945 chính ông đã thay mặt Chính phủ VNDCCH ký với Thủ tướng lâm thời Lào Khăm Mạo Phanha hiệp ước “Tương trợ Lào - Việt” đặt nền móng hình thành Liên quân Lào -Việt do Hoàng thân Xuphanuvông làm Tổng chỉ huy kể từ ngày 1/11/1945).

Đón Hoàng thân Xuphanuvông tại Mường Phìn (Lào) vào đầu tháng 10/1945 là Lê Quang Long và Nguyễn Sanh Kha. Cả hai đều là cựu sinh viên sĩ quan Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế được giác ngộ cách mạng, ít nhiều hiểu biết về quân sự nên được Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh lựa chọn cử sang Lào đánh giặc, vì giúp bạn là giúp mình.

Lê Quang Long sinh năm 1925 tại Huế trong một gia đình danh gia vọng tộc. Mẹ ông là Công Nữ Lương Diên, công chúa thứ 9, cháu nội vua Dục Đức, con vua Thành Thái, chị ruột vua Duy Tân và chị họ vua Bảo Đại. Bà là một nữ trí thức giỏi cả Nho học và Tây học, không chỉ thuộc Tứ thư, Ngũ kinh tiếng Hán mà còn hát đúng giọng và đúng lời bài quốc ca La Marseillaise của Rouget de Isle và từng được chính phủ Pháp tặng Huân chương vàng Kim Bội Tinh… Còn cha ông là phò mã Lê Quang Thiết, không là người hoàng tộc nhưng thuộc một dòng họ lẫy lừng thời đó khi đã từng làm Tham tán Tòa Khâm sứ Huế, Bố chánh Quy Nhơn, Tuần Vũ Phan Rang, Chánh sứ đại diện triều đình Huế trong văn phòng Bộ Chính trị của Toàn quyền Đông Dương Phó Đô đốc (nhưng bao giờ cũng được gọi nịnh là Đô đốc) Jean Decoux. Ông nội của Lê Quang Long là một phú nông - thân sĩ, còn bà nội là con gái của Hồ Đức Trung, một trong “tứ trụ triều đình” Huế, cha của Thượng thư Bộ Hộ Hồ Đắc Khải và Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điền, Tổng đốc Thanh Hóa Hồ Đắc Ứng và GS. Hồ Đắc Di .

Năm 1945, khi đang là sinh viên Trường đại học Y Hà Nội, tháng 3 năm đó Nhật đảo chính Pháp nên trường đóng cửa, ông đành trở về quê. Tháng 6/1945 được tin ở Huế, Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim mở Trường Thanh niên Tiền tuyến, ông cùng nhiều sinh viên khác từ Hà Nội vào xin theo học. Trường Thanh niên Tiền tuyến đặt trụ sở tại một trại lính cũ nằm trước cửa Quảng Đức (118 đường Lê Duẩn - Huế ngày nay). Ngày 2/7/1945, tại Ngọ Môn, khóa đầu tiên, đồng thời là khóa học duy nhất của Trường Thanh niên Tiền tuyến làm lễ khai giảng.

Mặc dù tuổi đã gần 90, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng mỗi lần nhắc lại cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, ông Lê Quang Long vẫn còn tha thiết khi kể về hiện tình đất nước trước năm 1945:

- Những năm ấy, tình hình thế giới cũng như trong nước chuyển biến như vũ bão. Phe trục “Đức - Ý - Nhật” sau khi hung hăng đánh chiếm phần lớn châu Âu và châu Á đã bị phe Đồng minh gồm Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc đánh trả quyết liệt nên thua liểng xiểng. Tàn quân Nhật từ Trung Quốc tràn qua Lạng Sơn vào Việt Nam chia quyền với Pháp rồi lật đổ Pháp. Chúng cho Bảo Đại làm vua tiếp nhưng lập ra chính phủ tay sai Trần Trọng Kim để thực hiện mưu đồ tạo một giang sơn “Đại Đông Á” chư hầu của Nhật. Rất may là trong chính phủ độc lập giả hiệu đó có những nhà yêu nước chân chính Phan Anh, Tạ Quang Bửu,… biết nhìn xa thấy rộng nên hiểu rằng muốn có độc lập thật sự không thể do bọn đế quốc - thực dân (dù là cùng màu da vàng) bố thí, mà chỉ có thể do nhân dân giành giật bằng bạo lực cách mạng, nên đã kín đáo lập ra một trường quân sự cao cấp đặt tên là “Trường Thanh niên Tiền tuyến”, gồm 43 học viên đều là trí thức yêu nước, bên ngoài “xanh vỏ” của chính phủ thân Nhật, do nguyên trung úy Pháp Phan Tử Lăng là tổng chỉ huy Bảo An Binh của triều đình Huế huấn luyện, nhưng bên trong là “đỏ lòng”. Trên thực tế, trường do một số học viên đàn anh và đã là Việt Minh như Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Thế Lương, Phan Hàm, Võ Quang Hồ… điều khiển và do các nhà cách mạng lão thành của Trung Bộ như Trần Hữu Dực, Tôn Quang Phiệt, Tố Hữu,… lãnh đạo.

Lê Quang Long kể tiếp:

- Qua một tháng huấn luyện quân sự lạ lùng, chúng tôi tập bắn súng, lái xe hơi, cỡi ngựa chiến; vào Mang Cá lùng vũ khí quân Pháp để lại khi bị Nhật đảo chính; tập hợp một trung đội thợ thuyền nhà máy đèn Huế đêm đêm lần mò vào chân núi Ngự Bình và sân sau An Lăng - nơi thờ cố tôi là vua Dục Đức tập dượt quân sự tránh sự dòm ngó và đàn áp của quân Nhật. Tôi từng được bận quân phục mới may của trường, đeo ba lô đi ghệt và đội mũ ca lô gắn sao vàng canh giữ cung cấm của cậu Bảo Đại và mợ Nam Phương lúc ấy bị giam lỏng. Tôi được vinh dự cùng Trung đội mình góp phần tổ chức và bảo vệ cho cuộc mit tinh thị uy ở sân vận động Stade Mangin (sân vận động Huế) ngày 23/8/1945 và tại đây, ông Tố Hữu, đại diện Ủy ban khởi nghĩa công nhận Thanh niên Tiền tuyến là lực lượng vũ trang cách mạng. Sau đó, ngày 29/8/1945, tôi đã cùng đồng đội chủ động, mau lẹ và táo bạo hành quân ra Phong Điền, cách Huế chừng 30 cây số hướng tây bắc bắt gọn phái bộ quan tư Castella, giả danh Đồng Minh nhảy dù xuống Hiền Sỹ để bắt liên lạc với đám tay sai cũ hòng tái lập chủ quyền thực dân - phong kiến ngày xưa (nhờ thu được vũ khí của 6 binh sĩ này mà trước khi được phái sang Lào, tôi và anh Kha được trang bị mỗi người một khẩu súng ngắn hiệu Xmit 45 của Mỹ).

Đặc biệt, học viên Thanh niên Tiền tuyến chúng tôi không “gia nhập” giải phóng quân Thuận Hóa, đơn giản vì chúng tôi chính là những người đã thừa lệnh Việt Minh còn chưa ra công khai, cấp tốc sáng lập và chỉ huy 25 phân đội đầu tiên của lực lượng quân sự Huế và Trung Bộ, để sau ngày 23/9/1945 lần lượt gửi 12 phân đội vào chiến đấu ở Mặt trận Sài Gòn và Nha Trang và sau đó phái 3 phân đội vượt đường 9 sang Lào chặn đánh quân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương. Lực lượng ở Mặt trận đường 9 đặt dưới sự chỉ huy của anh Đặng Văn Việt, con của Tổng đốc Nghệ An...

Năm 2009, nhân làm phim tài liệu “Lịch sử gọi tên Anh” nhằm phác thảo chân dung một thế hệ trước Cách mạng tháng 8/1945, chúng tôi được ông Đặng Văn Việt đưa về khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội ở Mai Dịch để gặp ông Lê Quang Long (được phong GS năm 1980) với mục đích là tìm hiểu những ngày đầu tiên ông vinh dự được cử làm cố vấn quân sự bên cạnh Hoàng thân Xuphanuvông trên đất Lào.

Trong lúc hàn huyên, tình cờ GS Lê Quang Long thuật cho chúng tôi nghe câu chuyện liên quan đến sự kiện treo cờ Việt Minh lên Kỳ đài Huế chiều 21/8/1945 của hai học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế là Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương, tức tướng Cao Pha sau này.

Thật ra chi tiết này đã từng được mô tả trong phim Ngọn nến hoàng cung và khi những trang sử hào hùng của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế được đăng tải công khai (từ năm 1994) thì người xem và bạn đọc cũng chỉ mới biết đến sự kiện: cờ Việt Minh đã tung bay ở Kỳ đài Huế trước khi ta cướp chính quyền; nhưng sự tác động của hành động này, nếu không được GS.Lê Quang Long kể ra thì ít người biết.

Giáo sư kể:

- Hôm đó, mẹ tôi vào điện Kiến Trung, vô tình chứng kiến việc ông Cai Kỉnh, chỉ huy của đại đội lính khố vàng (bố trí chừng 100 binh sĩ nằm rạp trên cổng lầu Ngọ Môn chĩa súng ra Kỳ đài) gọi điện vô xin ý kiến của cậu Bảo Đại về việc có bắn hay không bắn những người dám hạ cờ của hoàng gia. Có lẽ do quá sợ uy danh của Việt Minh nên cậu Bảo Đại ra lệnh dứt khoát: “- Chớ, chớ! Việt Minh đấy, Việt Minh đấy. Không được bắn. Bây bắn là tau chết trước!”

Tiếp đó, nhân Bảo Đại bối rối về cách xử lý chuyện Việt Minh dám cho treo cờ, “vị hoàng đế cuối cùng” của triều Nguyễn bèn quay sang tham khảo ý kiến mẹ của GS.Lê Quang Long:

- “Tình hình thế này, mần răng chị?”

Mẹ GS Lê Quang Long từ tốn trả lời:

- Cậu học và đỗ tú tài bên Pháp chắc là thông hiểu lịch sử của họ. Khi cách mạng Pháp - 1789 nổ ra, kết cục thế nào thì cậu đã rõ. Cậu nhìn xung quanh mình đi, bây giờ cậu còn ai? Thằng Long, cháu cậu, thằng Việt, con của Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng, thằng Hoàng, con thượng thư Tôn Thất Quảng, thằng Sum, con của Án sát Võ Chuẩn, thằng Bình, em của Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn... Chúng nó là những đứa có học nhưng đã đều đi theo Việt Minh, theo ông Nguyễn Ái Quốc. Cậu không thể bẻ nạng chống trời!”

Và nhân việc mẹ tôi nhắc đến Cách mạng Pháp, mợ Nam Phương ngồi bên sợ quá la toáng lên:

- Em không muốn chết như con mẹ Marie Antoinette đâu! (M.Antoinette là hoàng hậu dưới thời vua Louis XVI).

Cậu Bảo Đại chống chế :

- Thì anh có muốn thế đâu!

*

Trở lại câu chuyện trước khi trở thành GS.Lê Quang Long từng là cố vấn đầu tiên của Việt Nam bên cạnh Hoàng thân Xuphanuvông.

GS Lê Quang Long kể:

- Vào cái đêm đáng ghi nhớ đó của tháng 10/1945, theo lệnh, xe chúng tôi lầm lũi phóng nhanh ra Quảng Trị, rồi rẽ trái theo hướng căn cứ địa Sơn Phòng-Cam Lộ (nơi rút quân của vua Hàm Nghi, cao tằng dòng họ tôi, sau vụ Thất thủ Kinh đô). Xe qua Khe Sanh - Lao Bảo rồi vượt biên giới sang Lào. Đến sáng rõ, thì xe chúng tôi gặp một xe nữa cũng vừa tới. Chúng tôi tạt vào bìa rừng để gặp gỡ và hội ý với nhau.

Đến lúc ấy, mới rõ phái đoàn ta gồm anh Trần Đức Vịnh, trưởng đoàn (về sau là Trung Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam), anh Kha và tôi; còn Hoàng thân Xuphanuvông thì đi với 2 vệ sĩ người Việt cao to và trắng trẻo như Tây, đều là người Hà Nội “có học và giỏi võ” được giới thiệu đại khái là “anh Thạc” và “anh Dỉnh” chẳng rõ tên thật hay bí danh (theo nguyên tắc hoạt động cách mạng chưa công khai dạo đó). Ngoài ra, tất nhiên còn có hai anh tài xế, chắc cũng là “người mình” hay “đồng chí”, nhưng lấy cớ là “bận giữ xe” nên không tham gia cuộc bàn luận mở đầu này.

Lúc đó Lê Quang Long tròn 20 tuổi, cái tuổi mà như ông tự nhận là đầy ảo tưởng và ước mơ lãng mạn: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút ng- hiên theo việc đao cung… nên trong thâm tâm ông háo hức được cờ dong trống mở, oai vệ dẫn đầu phân đội “Nam tiến!” như đồng đội của mình, nghĩa là lên ga Huế để bà con tưng bừng và bịn rịn tiễn đưa giữa cờ hoa và nước mắt (nhất là của nữ sinh trường Đồng Khánh!) theo kiểu lãng mạn như trong tuồng chèo: Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu!, nên đã hơi “cụt hứng” với kiểu ra đi quá thầm lặng, gần như “lén lút” và nay, khi đặt chân lên đất bạn lại biết thêm nhiệm vụ mới nên Lê Quang Long càng cảm thấy ngỡ ngàng và ít nhiều bối rối vì chỉ mới “học võ vẽ có một tháng về đánh giặc, mà tham vọng cao nhất cũng chỉ là được liều mạng chết da ngựa bọc thây - ngoài biên ải mần răng mà dám gánh và gánh sao nổi quyền cao chức trọng là “đặc phái viên Cố vấn của liên quân Lào - Việt”?

- Kế hoạch ban đầu của Hoàng thân Xuphanuvông là tiến vào Saravan- Pắc-Xế và tâm điểm là Savannakhet để chúng tôi tập hợp lính khố đỏ Việt Nam do tướng Pháp Turquiem đưa sang định để đánh Xiêm (Thái Lan) nhưng sự thật là sau khi Nhật đảo chính Pháp, số binh sĩ này đã hốt hoảng vượt sông Mekong trốn sang bên đó, số còn lại thì đào ngũ, sống lưu vong trên đất Lào.

Học tập kinh nghiệm của Việt Nam, ngay từ những ngày đầu trở về Tổ quốc, Hoàng thân Xuphanuvông đã tiến hành vận động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Tuy nhiên, kế hoạch đó không thành, vì tướng Turquiem đã đưa quân Pháp quay trở lại, thu phục lính khố đỏ và tổ chức đánh chiếm vùng Hạ Lào. Trước tình thế đó, Hoàng thân Xuphanuvông thống nhất với chúng tôi đổi hướng và tiến thẳng lên Thà Khẹt.

Để vượt qua tuyến đường rừng độc đạo được mật báo là đã bị bọn xâm lược chốt giữ nhiều nơi, 2 xe tải của đoàn chúng tôi dừng lại hội ý. Phương án của đoàn là khi gặp chốt canh của địch phải cho xe lao qua, chừng vài cây số mới dừng lại chờ nhau, sau đó tiếp tục xuyên rừng.

Trên đường tiến về Thà Khẹt, chúng tôi bố trí Hoàng thân Xuphanuvông ngồi giữa anh Dỉnh và anh Thạc, với súng cầm tay và cho xe chở Hoàng thân chạy trước để tận dụng yếu tố bất ngờ; còn anh Vịnh thì tôi và anh Kha cũng súng ngắn sẵn sàng che chắn hai bên chạy sau, lợi dụng địch đối phó với xe trước thì bất ngờ xe sau ào tới.

Hành động táo bạo, liều lĩnh đó đã mang lại hiệu quả. Sau khi vượt qua 3 chốt địch, đoàn chúng tôi về tới Thà Khẹt. Điểm lại mới biết, trong khi vượt chốt anh Thạc - người trực tiếp bảo vệ Hoàng thân đã bị thương, anh bị bắn đứt ngón chân cái nên đoàn chúng tôi phải đưa vào bệnh viện thành phố để băng bó.

Không rõ bọn Pháp có biết là xe chúng chặn hụt là ai, chỉ biết là mấy hôm sau, đang đêm chúng tổ chức tấn công Thà Khẹt và bất ngờ bị chúng tôi phản công mạnh mẽ.

Khi được biết lời hiệu triệu được in phát là của con vua Lào trở về Tổ quốc cứu nước và của phái bộ Việt Minh do cụ Nguyễn Ái Quốc gửi qua, một số thanh niên Lào và Việt, nhất là số lính khố đỏ cũ của Turquiem đã hăng hái xin được ra trấn giữ ở “những nơi hiểm yếu” (chủ yếu ở hai cửa dẫn vào Thà Khẹt). Lúc ấy cả Hoàng thân và chúng tôi đã không kịp nắm và chỉ huy đoàn quân phức tạp đó để bảo vệ thành phố lớn nhằm chống lại tên tướng Pháp từng trải chiến trận và đám lính khố đỏ chính quy của nó. Suốt 3 đêm dài, đội quân kháng chiến gối sương nằm gió ở hai cửa ô và rải rác khắp các bìa rừng bao vây thành phố. Không thể phòng thủ mãi, chúng tôi quyết định rút các chốt và chuyển sang chủ động tìm diệt kẻ thù ở ngay các sào huyệt trong rừng mà nhân dân đã báo cho biết.

Một hôm, tôi được vinh dự lần đầu tiên thử lửa khi cùng Hoàng thân Xuphanuvông dẫn quân tấn công vào một sào huyệt của địch. Trong ánh bình minh, chúng tôi dùng ống nhòm quan sát bọn quan Pháp và lâu la đang di chuyển trong sân một ngôi nhà lớn. Hoàng thân lặng lẽ và bình tĩnh rê nòng cacbin của mình và bóp cò. Đó là phát súng mở màn trận đánh. Một tên giặc không rõ là quan hay lính đổ gục xuống. Sau đó, ta và địch giao chiến, hai bên “bất phân thắng bại”. Bất ngờ một thanh niên Lào núp bên cạnh Hoàng thân bỗng kêu lên một tiếng. Vết thương không hiểm, nhưng viên đạn đã xuyên qua da má, làm máu trào qua mắt và miệng. Tôi vội đỡ anh ấy và đưa đi băng bó.

Sau trận đánh đó, Hoàng thân chuẩn bị một chiếc tàu thủy cùng một nhóm tâm phúc ngược dòng Mekong lên Viên Chăn. Để đảm bảo an toàn cho Hoàng thân, chúng tôi lấy củi chất thành công sự bên mạn phải, đối diện với bờ trái của sông và cho tàu chạy men theo bờ phía đất Thái để phòng bị Pháp tấn công.

Trên đường di chuyển, Hoàng thân Xuphanuvông đã cho tàu dừng lại bốn nơi để ông trực tiếp nói chuyện về hiện tình đất nước và dặn dò đừng mắc mưu giặc Pháp và sau đó là vận động nhân dân Lào đồng lòng theo kháng chiến cứu quốc.

Đến ngày thứ năm, tàu cập bến. Viên Chăn, nơi có tới gần 3 vạn kiều bào ta sinh sống, nơi giặc Pháp tập trung cố gắng đánh chiếm khi chúng quay trở lại. Hoàng thân đã cử anh Dỉnh sang trực tiếp giúp công an Viên Chăn giữ gìn trật tự an ninh cho dân chúng và đích thân tổ chức hàng loạt cuộc tấn công vào các toán quân của Turquiem đang lảng vảng ở ngoại vi thành phố. Anh Kha và tôi lúc nào cũng tích cực xin được sát cánh chiến đấu bên cạnh Hoàng thân và ngay trong một cuộc chạm trán nảy lửa ở Y - Lay, cách Viên Chăn khoảng 5 km, tôi đã bị một viên đạn súng trường Pháp xuyên qua cẳng chân trái và mắc lại ở sát xương ống, về sau phải mổ để lấy ra, và một viên đạn nữa chui qua da bụng để lại một vết sẹo tròn nhỏ và cho đến nay vẫn còn nằm đâu đó giữa đám bùng nhùng ruột non của tôi. Tôi quả có thấy tê buốt và nhức nhối vô cùng nhưng điều làm tôi xúc động nhất là ngay sau trận đánh, chính Hoàng thân Xuphanuvông đã đích thân dìu tôi lên xe riêng của mình rồi một tay ông cầm vô-lăng, một tay quàng qua người tôi, để dòng máu Việt của tôi chảy chan hòa trên làn da Lào thấm đẩm mồ hôi và bụi chiến trường của Hoàng thân. Đến bệnh viện Viên Chăn, Hoàng thân đã sốt sắng giữ tôi ở lại, với lời căn dặn bệnh viện phải gắng chữa chạy cho tôi sớm bình phục. Ít lâu sau đó, Hoàng thân lại vội vã bôn ba lên Luang Pra băng - thủ đô chính trị của Lào để hội kiến với vua cha và anh là Thủ tướng Phet Xa Rạt bàn mưu cứu nước.

Tôi nằm lại bệnh viện Viên Chăn vài tuần và sau đó đi lại bằng nạng gỗ.

Tự xét mình e còn lâu mới khỏi là một gánh nặng cho Cách mạng Lào đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nên tôi xin với Đoàn thể cho trở về Việt Nam cùng với anh Kha. Chúng tôi được kín đáo đưa xuống bến đò Thà Đừa cách Viên Chăn 12 km về phía Nam, rồi vượt sông Mekong theo đường Nọng Khay bên Thái Lan về Lạc Khòn đối diện với Thà Khẹt. Chúng tôi được đoàn thể thương lượng với chỉ huy Tàu Phù (mắc chứng phù thủng) của Tưởng Giới Thạch (lúc bấy giờ đã là đại diện của Đồng Minh ở Bắc Đông Dương) để được cải trang thành lính Tàu, rồi trà trộn vào những chuyến xe tải chở quân Tàu đi về biên giới Lào (đã bị Pháp kiểm soát) và Việt (đã tuyên bố độc lập và đang chuẩn bị đánh nhau với Pháp) kín đáo trở về Tổ quốc.

Từ đó, tôi đã không còn vinh dự và niềm vui gặp lại hoàng thân Xuphanuvong, người mà tôi được cử (trên danh nghĩa) làm cố vấn quân sự, người trong thực tế đã tỏ rõ hơn hẳn tôi về cả chính trị, quân sự và tài năng cứu nước cũng như dựng nước.

Qua thời gian ngắn ngủi, cùng nằm gai nếm mật để xây dựng Cách mạng Lào lúc đó còn là trứng nước, Hoàng thân đã dần dà yêu thương, quý trọng tôi như một bạn chiến đấu chân tình và dũng cảm vì giữa chúng tôi có sự trùng hợp: ông là Hoàng thân, con vua Lào và em ruột Hoàng thân Phet Xa Rạt, đang là quan đầu triều của Lào; còn tôi là cháu ngoại của Thành Thái, cháu ruột của Duy Tân (mà Hoàng thân từng nghe Nguyễn Ái Quốc khen là hai nhà vua yêu nước) đồng thời là cháu họ được vị nể của vua Bảo Đại đương quyền. Cả hai chúng tôi đều theo cách mạng và mong giành lại giang sơn từ tay của chính gia tộc đang trị vì của mình. Hoàng thân là kỹ sư cầu đường còn tôi là sinh viên y khoa - đều thuộc lớp người được xem là trí thức lớn, hiếm hoi của Đại học Đông Dương thời ấy. Hoàng thân lấy vợ Việt Nam và nói được tiếng Việt, nhưng dĩ nhiên vẫn cần một người giúp việc cũng giỏi tiếng Pháp như mình phòng mọi tình huống giao tiếp đối nội cũng như đối ngoại…

Về nước, tôi đến trình diện Việt Minh Trung bộ đóng ở Tòa Khâm sứ cũ và được ông Thanh Vân - ủy viên Quân sự Trung bộ cấp giấy giới thiệu với lời mở đầu rất trang trọng: “Đồng chí Lê Quang Long là Đặc Phái Viên quân sự Liên quân Lào - Việt, theo bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông và đã bị thương trong khi xung đột với quân Pháp gần Viên Chan...”.

Và ở cuối trang giấy giới thiệu còn có lời của Giáo sư Hồ Đắc Di, lúc đó là Trưởng khoa Y - Dược của Viện đại học Hà Nội: “Sinh viên APEM cũ, cho vào học tiếp ở năm thứ... hai...”.

Cuộc đời của Lê Quang Long từ đó rẽ sang hướng khác: ông tiếp tục đeo đuổi lĩnh vực khoa học để được phụng sự Tổ quốc.

*

Thông tin thêm: Trong câu chuyện, khi được hỏi có phải Lê Thiệu Huy là cố vấn quân sự đầu tiên của Hoàng thân Xuphanuvông, GS.Lê Quang Long từ tốn cho biết:

- Sau khi chúng tôi về nước, Hoàng thân Xuphanuvông mới gặp các anh Lê Thiệu Huy và Hoàng Xuân Bình (bạn học với tôi ở Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế). Hai anh, sau Cách mạng tháng 8/1945 được phái ra Hà Nội công tác và được cử sang Lào không phải để giúp Hoàng thân Xuphanuvông mà để đem vàng sang Thái Lan mua hoặc đổi lấy vũ khí mà quân đội non trẻ của ta rất cần (xem thêm Vài mẫu chuyện về anh Hoàng Xuân Bình do Nguyễn Phước Hoàng viết đăng ở trang 207 sách Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945một hiện tượng lịch sư” do NXB Công an Nhân dân ấn hành năm 2008).

Trong lúc bị kẹt đường về Việt Nam, họ gặp Hoàng thân và đã tự nguyện cộng tác. Rất tiếc đúng lúc đó, ngày 21/3/1946 Pháp đánh vào Thà Khẹt. Hai anh đã bảo vệ Hoàng thân dùng thuyền vượt sông Mekong tạm lánh sang Lạc Khòn bên Thái Lan. Giặc Pháp bắn đuổi rát quá, hai anh đã dũng cảm lấy thân mình che chắn cho Hoàng thân và anh Lê Thiệu Huy đã trúng đạn, hy sinh ngay trên thuyền. Còn anh Hoàng Xuân Bình thì mạo hiểm vượt thác Khôn, xuôi xuống tận Nam bộ… Anh em Thanh niên Tiền tuyến chúng tôi dạo đó phân tán trên các chiến trường trong Nam và ngoài Bắc, lác đác nghe tin dữ đó đã rất thương người bạn học lỗi lạc đã hy sinh để bảo vệ vị lãnh tụ của Cách mạng Lào. Sau này, Hoàng thân trở thành Chủ tịch nước Lào độc lập, trong một chuyến công du sang Hà Nội, đã ghé thăm và chia buồn với cụ Lê Thước cha anh Lê Thiệu Huy; còn ta thì năm 2011 đã đặc cách truy tặng anh Lê Thiệu Huy danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam”. Tôi chỉ biết có vậy.

Huế, tháng 8/2012
P.H.T  
(SH283/09-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng