Người Huế
Chi bộ trí thức
14:50 | 08/10/2012

LÊ VĂN LÂN

Chi bộ Trí thức là một cụm từ vừa thân quen vừa lạ lẫm. Thân quen là đối với những người hoạt động trong phong trào đô thị Huế. Và lạ lẫm là trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là ở thời điểm 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những năm 1948 - 1950 ở Huế có một Chi bộ như thế: Chi bộ Trí thức.

Chi bộ trí thức
Tranh bút sắt của Bửu Chỉ

Lịch sử Đảng bộ thành phố (1930 - 2000) đã ghi rõ: “Một Chi bộ do Thị ủy trực tiếp chỉ đạo đã được thành lập gồm ông bà bác sĩ Thân Trọng Phước, bác sĩ Lê Khắc Quyến, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, công thương gia Nguyễn Ngọc Bang”.

Chân dung Chi bộ Trí thức

Ở thời điểm này, phần lớn những người trong Chi bộ Trí thức đều đã mất. Những người trực tiếp lãnh đạo Chi bộ như ông Tư Minh, ông Ngô Lén, ông Hồng Xích Tâm, ông Vũ Xuân Chiêm, ông Hoàng Lanh... đều không còn, những người còn sống thì cũng đã qua tuổi 90, nhớ nhớ quên quên. Chúng tôi tìm gặp ông Trần Hân, nguyên Bí thư Thị ủy Huế những năm 1954 - 1955, qua trao đổi ông cho biết: Khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thị ủy nghe nói trước đó có Chi bộ Trí thức nhưng không rõ lắm, có gì gặp ông Phan Nam. Chúng tôi tìm gặp ông Ngô Yên Thi, nguyên Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, người chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Ông khẳng định: Những năm 1948 - 1950 Huế có Chi bộ Trí thức nhưng lúc đó mình còn nhỏ không rõ lắm. Người biết rõ Chi bộ này là ông Phan Nam. Qua giới thiệu của ông Trần Hân và ông Ngô Yên Thi, chúng tôi tìm gặp ông Phan Nam - nguyên Chủ tịch UBND Thành phố.

Ông Phan Nam, là cán bộ lão thành cách mạng tham gia cướp chính quyền ở huyện Phú Lộc trong Cách mạng Tháng 8, cùng đồng bào Phú Lộc biểu tình cướp chính quyền Huế. Là tự vệ cảm tử xã Vinh Giang (Phú Lộc) tăng cường tham gia trung đoàn Trần Cao Vân 101. Năm 1947 là Bí thư Chi bộ xã Vinh Giang, Bí thư Chi bộ nhiều xã vùng địch hậu ở Phú Lộc, tham gia Huyện ủy Phú Lộc. Chuẩn bị cho tổng phản công 1950; ông Phan Nam, ông Võ Đại Triều là 2 trong 6 người được Thường vụ Tỉnh ủy điều động tăng cường vào bám trụ ở Huế. Và cơ sở ông Phan Nam tiếp cận chính là Chi bộ Trí thức với nhiệm vụ quan hệ và phát huy Chi bộ này trong tổng phản công. Ông Phan Nam tâm sự: Ban đầu tiếp xúc với các vị trong Chi bộ Trí thức ông rất ngại vì lúc đó ông còn rất trẻ, các vị lại vào hàng cha chú, học nhiều hiểu rộng, hiểu chủ nghĩa Cộng sản từ trường học, sách báo phương Tây. Vào Đảng từ sự kính trọng những nhà trí thức lớn chung quanh Bác Hồ và xem những nhà lãnh đạo ở Huế lúc bấy giờ như ông Tư Minh, ông Ngô Lén... là “thần tượng”. Vì vậy, các vị rất tin tưởng những anh em Tỉnh ủy cử về tiếp xúc.

Theo ông Phan Nam, người Thị ủy phân công chỉ đạo trực tiếp Chi bộ là ông Tôn Thất Long, con trai cụ Thượng thư Tôn Tất Đàn. Bí thư Chi bộ là kỹ sư Hà Xuân Hiển, các đảng viên trong chi bộ gồm các vị: Ông Hà Xuân Vịnh (em ruột ông Hà Xuân Hiển), hai vợ chồng bác sĩ Thân Trọng Phước, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bác sĩ Lê Khắc Quyến, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, họa sĩ Phạm Đăng Trí, công thương gia Nguyễn Ngọc Bang, cùng một số vị mà giờ không nhớ hết. Danh sách có thể kéo dài thêm nữa.

Ông Trần Hân, nguyên Trưởng ty Công an Thừa Thiên Huế, tháng 7/1954 ông được phân công vào Huế làm Bí thư Thành ủy (lúc này thị ủy được nâng lên Thành ủy, trực thuộc Khu ủy khu IV) trực tiếp chỉ đạo phong trào hòa bình ở Huế. Một năm sau tháng 8/1955 ông bị địch bắt trong suốt 20 năm, gần như toàn bộ tuổi thanh xuân của mình ông triền miên chiến đấu với kẻ thù từ nhà tù này đến nhà tù khác, đặc biệt là địa ngục trần gian Côn Đảo. Năm 1974 địch thả ông ra trong tình trạng thập tử nhất sinh, hai chân bại liệt, chỉ còn chờ chết. Tổ chức đã nhanh chóng đưa ông ra vùng giải phóng. Ở vùng giải phóng, trong các cuộc tiếp xúc cùng cán bộ chiến sĩ B14 (cơ quan Thành ủy trong kháng chiến); ông Hoàng Lanh luôn giới thiệu ông Trần Hân là một người anh đáng kính, kiên cường trong đấu tranh với kẻ thù, thà chết cương quyết bảo vệ cách mạng, bảo vệ đồng chí đồng đội.

Ông Trần Hân cho biết: Có nghe nói Chi bộ Trí thức nhưng không rõ lắm. Nhưng những tâm sự của ông Trần Hân cũng cho ta cảm nhận thành viên của Chi bộ Trí thức có thể đông hơn. Chẳng hạn giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm đã là đảng viên khi còn ở Vân Dương, năm 1947 được Thị ủy điều vào cư trú trong nội thị. Và như vậy trong Chi bộ Trí thức có giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm. Cũng theo ông Trần Hân, Thị ủy lãnh đạo phong trào nhân sĩ trí thức yêu nước qua một ban cán sự gồm bác sĩ Thân Trọng Phước, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, nhà văn Võ Đình Cường. Nhà văn Võ Đình Cường trong ban cán sự Đảng thì không thể không là đảng viên...

Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đã nói lên tầm vóc, vị trí, tính chiến lược của Chi bộ Trí thức nằm ngay trung tâm đầu não của thực dân Pháp và triều đình phong kiến ở Huế; mới thấy hết tính sáng tạo, độc đáo của Thị ủy Huế trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta cần biết tháng 7/1947 Huế chỉ có 10 đảng viên, năm 1948 có 38 đảng viên, cuối 1949 là 100 đảng viên (trong đó có 72 đảng viên hoạt động hợp pháp).

Thời đó, khi nói đến Chi bộ Trí thức, nhiều người nói vui đó là Chi bộ Salon, Chi bộ Bơ sữa. Trên một khía cạnh nào đó điều này cũng đúng. Theo ông Trần Hân, nói Chi bộ Bơ sữa bởi người dân thời đó làm gì có bơ sữa để ăn, những người trong Chi bộ Trí thức phần lớn có cuộc sống quá đầy đủ, có vị trí xã hội cao trong vùng tạm chiếm. Nói Chi bộ Salon cũng đúng bởi vì những vị trong Chi bộ thực sự là những chính khách như bác sĩ Thân Trọng Phước hoạt động cách mạng từ những năm 20 của thế kỷ trước, là đảng viên Đảng Tân Việt từ những năm 1925, được kết nạp vào Đảng Cộng sản từ những năm 1930. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ có tinh thần đấu tranh với kẻ thù không mệt mỏi, với uy tín nghề nghiệp và uy thế chính trị của mình, buộc địch không còn cách nào khác trục xuất qua sông Bến Hải năm 1965, tạo nên một sự kiện độc đáo trong cách mạng miền Nam. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, người đấu tranh trực diện với chính quyền Diệm khi chúng đưa giáo sư Trần Hữu Thế ra thay linh mục Cao Văn Luận (người ủng hộ phong trào đấu tranh của Phật giáo) làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, sau chính biến 1963, bác sĩ Lê Khắc Quyến là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cứu quốc khi ngụy quyền thành lập cơ quan lãnh đạo Tam đầu chế: Dương Văn Minh - Trần Thiện Khiêm - Nguyễn Khánh, ra thông báo đòi tập đoàn Cần lao phải đến trình diện và tự thú. Uy thế của phong trào buộc địch phải mời bác sĩ Lê Khắc Quyến tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của chúng: Thượng hội đồng Quốc gia. Hoặc như kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, thời chống Pháp đã là Giám đốc Nha Thủy Lâm Trung trung bộ, một chức vụ bộ trưởng trong chính quyền Mỹ - Ngụy có lẽ không quá khó khăn nếu cụ muốn.

Chi bộ Trí thức và phong trào hòa bình

Phong trào Hòa bình là phong trào đấu tranh trong các đô thị, đặc biệt là Huế và thành phố Sài Gòn diễn ra từ năm 1954 với nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi dân chủ dân sinh, hướng mọi người vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Lúc này Chi bộ Trí thức không còn nữa, nhưng chính những người trong Chi bộ Trí thức lại là những nhân vật chủ chốt của phong trào này. Phong trào Hòa bình ở Huế mở ra trong lúc Mỹ - Diệm mở chiến dịch “Tố cộng”. Ai nói hòa bình, bảo vệ hòa bình là cộng sản. Chúng xem ngày ký Hiệp định Genève 20/7 là ngày Quốc hận. “Quốc gia phải tiêu diệt cộng sản đến tên cuối cùng”. Đỉnh cao của Phong trào Hòa bình là 2 cuộc biểu tình lớn ngày 1/5 và 28/8/1955, mỗi cuộc biểu tình thu hút trên 3 vạn đồng bào tham dự. Nhân ngày quốc tế lao động 1/5, các tầng lớp nhân dân Huế và các huyện mitting tại Quảng trường Phu Văn Lâu đòi dân sinh, dân chủ, đòi đắp đập Thuận An, đòi lập quan hệ Bắc Nam, tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi tôn trọng và thực thi dân chủ, chống đàn áp khủng bố. Cuộc biểu tình ngày 28/8, cũng nội dung đòi thi hành Hiệp định Genève nhưng quyết liệt hơn nhiều, cuộc biểu tình với bảng kiến nghị mang hàng vạn chữ ký của nhân dân đòi Ngụy quyền phải bàn bạc, hiệp thương tổng tuyển cử. Chính quyền Diệm điều động công an, cảnh sát, mật vụ và cả quân đội đàn áp tàn bạo. Sau đó Ngô Đình Diệm phải ra Huế xoa dịu và giải quyết một số yêu sách.

Nói đến Phong trào Hòa bình ở Huế không thể không nhắc đến tập văn Ngày Mai (xem thêm Sông Hương số 275, tháng 1/2012). Liền sau khi hiệp định Genève ký kết, tháng 8/1954 tập văn Ngày Mai ra mắt bạn đọc, tiếp đó tháng 10/1954 tập 2, tháng 12/1954 tập 3, tập 4 số mùa xuân 1955 được gọi là tập văn Xuân Hòa Bình; tập 5 bị tịch thu hoàn toàn, giấy phép xuất bản bị rút. Nòng cốt của tập văn Ngày Mai phần lớn là trong Chi bộ Trí thức gồm các ông Thân Trọng Phước, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Đính, Cao Xuân Lữ, Tôn Thất Dương Tiềm, Võ Đình Cường, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Ba... Không chỉ ở Huế, tập văn Ngày Mai còn được phát hành tại Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh thông tin tuyên truyền thời đó, việc ra đời tập văn Ngày Mai như là một cơ quan ngôn luận hợp pháp của cách mạng là một cái gai trước mắt đối với chính quyền Mỹ - Diệm. Ngay từ tập 1, Võ Đình Cường, Tôn Thất Dương Kỵ, Lê Quang Vịnh đã bị trấn áp; đến Ngày Mai tập 3 thì họ bị bắt giam và trục xuất khỏi Thừa Thiên Huế.

Đánh giá Phong trào Hòa bình, tập văn Ngày Mai và Chi bộ Trí thức là một việc làm nghiêm túc và cần thiết không chỉ ở một giai đoạn lịch sử sau Hiệp định Genève mà còn tác động đến phong trào đô thị Huế trong những năm chống Mỹ cứu nước. Nhưng điều không ai có thể phủ nhận được phong trào đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân sĩ trí thức, các công thương gia tiêu biểu của Huế, từ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, Võ Liêm Sơn... đến Nguyễn Hữu Ba, Tam Ích, Lê Dân... và thế hệ trẻ thời đó như Lê Quang Vịnh, Trụ Vũ, Hoàng Nguyên... Mặc khác Phong trào Hòa bình đã đẩy Mỹ - Diệm vào chân tường buộc Diệm phải bộc lộ chân tướng trước nhân dân làm tay sai cho Mỹ, buộc Mỹ phải phơi bày dã tâm của kẻ xâm lược can thiệp vào nội tình Việt Nam, kéo dài sự chia cắt.

Đảng viên Chi bộ Trí thức thời chống Mỹ

Có thể nói sau năm 1954, Chi bộ Trí thức trên thực tế không còn tồn tại. Nhiều đảng viên không còn sinh hoạt Đảng. Có nhiều nguyên nhân và chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời được. Mặc khác, Chi bộ Trí thức cũng như các đảng viên nhân sĩ trí thức phần lớn được tổ chức hoạt động đơn tuyến, bảo đảm bí mật và thế hợp pháp, sinh hoạt bị gián đoạn làm mất liên lạc đảng viên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, đảng viên trong Chi bộ Trí thức vẫn đứng vững trên trận tuyến của mình và là chỗ dựa tin cậy vững chắc của cách mạng trong lòng địch và trong chừng mực nào đó, họ và gia đình đã trở thành những pháo đài giữa lòng thành phố.

Đó là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, đảng viên từ năm 1947 ở Vân Dương được điều vào nội thị, là người chủ chốt trong Chi bộ Trí thức và Phong trào Hòa bình. Ông bà Tôn Thất Dương Kỵ có nhà In Khánh Quỳnh hoạt động những năm 1950 - 1951, Nxb Tâm Huệ hoạt động cuối năm 1953. Đây là nơi đã xuất bản tập thơ Tiếng nói dân nghèo, toàn văn Hiệp định Genève, thơ Vũ Anh Khanh, thơ Đoàn Văn Long. Sau tập văn Ngày Mai, ông bị địch bắt và trục xuất khỏi Thừa Thiên Huế. Vào thành phố Sài Gòn ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị trục xuất qua sông Bến Hải năm 1965. Năm 1968 ông tham gia vào liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình. Anh em chú bác với ông là giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, trong Chi bộ Trí thức, hoạt động trong Nội thành đến năm 1968 thoát ly tham gia kháng chiến và sau ngày giải phóng là Trưởng phòng Giáo dục. Bố vợ giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, cụ Nguyễn Đóa hoạt động trong Nội thành, năm 1968 thoát ly tham gia kháng chiến và là Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Anh rể giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, ông Phan Văn Chính, một cơ sở cách mạng tin cậy trong lòng địch... Nói chung toàn bộ gia đình là cơ sở “cộm cán” của Thành ủy; các đồng chí lãnh đạo thành phố Hoàng Lanh, Phan Nam, Hoàng Kim Loan... khi vào Nội thành đều đến các gia đình này bởi được bí mật và an toàn.

Đó là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, đảng viên trong Chi bộ Trí thức từng là Giám đốc Nha Thủy Lâm Trung trung bộ, Hiệu trưởng Trường Nông Lâm Súc Huế. Trong chống Mỹ cứu nước ông là đầu mối giúp Thành ủy móc nối liên lạc với tầng lớp trên, ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Bảo trợ Sinh viên Huế, hỗ trợ hoạt động của Tổng hội Sinh viên Huế những năm cuối cùng của cuộc chiến. Nhà ông có hai căn hầm bí mật là nơi an toàn cho các đồng chí lãnh đạo thành phố đột nhập vào Huế. Con cụ nhiều người là cơ sở cách mạng như Nguyễn Hữu Châu Phan hoạt động trong Nội thành, Nguyễn Hữu Hài hoạt động ở Sài Gòn và thoát ly tham gia kháng chiến. Sau giải phóng cụ là Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Huế. Cụ cũng là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Huế.

Có thể nói rằng, không riêng gì gia đình giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, bác sĩ Thân Trọng Phước... những người trong Chi bộ Trí thức dù còn tiếp tục sinh hoạt Đảng hoặc bị gián đoạn, nhưng suốt quá trình chống Pháp cũng như chống Mỹ cứu nước họ luôn là người trí thức mẫu mực đáng kính, tùy theo cương vị của mình họ luôn có đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bản thân họ và gia đình là một pháo đài giữa lòng thành phố với đầy đủ sức hút và lan tỏa của nó. Họ là tấm gương sáng, là ngọn cờ tập hợp lực lượng trong phong trào đô thị.

L.V.L
(SĐB9-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng