Người Huế
Bí ẩn cuộc đời phò mã Trương Văn Đa
08:59 | 24/12/2013

NGÔ THIÊN THU - NGUYỄN ÁI VƯỢNG

Từ trước đến nay nhiều sách vở ghi chép về Trương Văn Đa cũng như bố ông là Trương Văn Hiến đều thiếu thông tin khi nói về quê quán gốc tích.

Bí ẩn cuộc đời phò mã Trương Văn Đa
Thủy quân Tây Sơn - Ảnh: internet

Trong cuốn Nhà Tây Sơn tác giả Quách Tấn, Quách Giao cho rằng: “Trương Văn Hiến, người Hoan Châu (Hà Tĩnh) anh em thúc bá cùng Trương Văn Hạnh”(1). Một số tài liệu khác, như báo Bình Định thì cho rằng dòng họ này quê ở Nghệ An.

Mãi gần đây tác giả Trương Lê Anh Tuấn (TLAT)(2) công bố trên trang mạng Truongtoc.vn những cứ liệu về gốc tích về dòng họ vị phò mã Tây Sơn này. Theo đó Trương Văn Đa là người làng Bái Đáp (Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, TT. Huế). Tuy nhiên khi chúng tôi về làng Bái Đáp tìm hiểu chỉ thấy ghi trong gia phả tên là Trương Văn An và chú thích ông là Tây Sơn phò mã. Vậy Trương Văn Đa có phải chính là Trương Văn An không? Đây là điều chúng ta cần làm sáng tỏ.

Căn cứ vào nguồn tư liệu kết hợp thực tế chúng tôi cố gắng tìm hiểu để làm rõ gốc tích một vị phò mã Tây Sơn tiếng tăm lừng lẫy một thời này.

Theo gia phả họ Trương làng Phú Lễ thì bố của Trương Văn An là ông Trương Văn Hào (豪) thuộc đời thứ 8. Ông này sinh ra Trương Văn Bích (碧) và Trương Văn An (安) (là đời thứ 9). Gia phả này chú thích ngắn gọn ông Trương Văn Bích là đô đốc quan trí sĩ. Theo TLAT thì ông Hào chính là ông giáo Hiến, thầy dạy ba anh em Tây Sơn, ông Bích chính là đô đốc Tây Sơn Trương Văn Luân và ông Trương Văn An chính là phò mã Trương Văn Đa.

Theo một số tài liệu viết rằng Trương Văn Luân là hàng tướng của Nguyễn Ánh được lưu dụng, làm quản lĩnh quân ngũ(3). Cuốn Đại Nam thực lục có đoạn viết rằng Nguyễn Ánh “sai hàng tướng là đại Đô đốc Trương Văn Luân mộ những dân ngoại tịch từ Ma Li đến Phù My lập làm thuộc quân, theo Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành sai khiến”(4).

Do vậy khi ông TLAT viết về Trương Văn Luân xin “về trí sĩ sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà” và “trốn vào miền Nam mai danh ẩn tích” là không đúng. Các tướng của Tây Sơn khi theo về nhà Nguyễn vẫn được trọng dụng như Lê Chất, Võ Đình Giai, Đoàn Văn Cát, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Thuật, Trần Văn Khương…(5)

Thật ra ông Trương Văn Luân (Bích) sau một thời gian làm quan cho Nguyễn Ánh, chinh chiến vùng Nam bộ cảm thấy thân phận không có đường xán lạn nên xin về trí sĩ, sống ở miền Nam lấy bà Trần Thị Bủa (chánh thất) và bà Châu Thị Kiên (thứ thất). Một trong người con của ông sau thành tài đỗ đạt là tổng đốc Trương Văn Uyển. Chính ông Uyển là người đã tìm về quê cũ giúp đỡ công hiến nhiều cho quê hương và ông là người cung cấp thông tin về dòng họ mấy đời thất tán của mình(6).

Trở lại phò mã Trương Văn Đa. Như chúng ta biết, vua Nguyễn Nhạc có ba công chúa đều gả cho ba phò mã nổi tiếng trong đó có hai vị chết dưới đao kiếm Tây Sơn. Một là phò mã Nguyễn Phúc Dương (cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát) ông chống quân Tây Sơn thất bại bị giết tại Gia Định vào năm 1777, một phò mã khác là Vũ Văn Nhậm do lộng quyền đã bị Nguyễn Huệ hạ lệnh giết tại Thăng Long. Còn lại phò mã Trương Văn Đa.

Khi Tây Sơn khởi nghĩa (1771), Trương Văn Đa theo Nguyễn Nhạc lên Tây Sơn thượng lo việc huấn luyện nghĩa quân.

Đầu năm Quý Mão (1783), Trương Văn Đa tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, vào đánh Gia Định.” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Cũng trong năm này Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Ánh “ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp… may nhờ sóng biển nổi lên dữ dội” thuyền Nguyễn Ánh “bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc.” (Theo Đại Nam thực lục).

Cuối năm 1784, Trương Văn Đa sai Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo cáo tình hình Gia Định. Tháng 11 năm Giáp Thìn (1785), Nguyễn Huệ cùng với các tướng là Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, đem đại binh vào đánh tan quân Xiêm ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Sau khi đại thắng, Trương Văn Đa được tiếp tục trấn thủ Gia Định.

Năm 1786, sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đuổi chúa Nguyễn ra khỏi đất Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) phong cho em mình là Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương vào thay cho Trương Văn Đa. Phò mã Đa trở về Quy Nhơn làm quan trong triều và đặc trách dạy dỗ Thái tử Nguyễn Bảo, con trai vua Thái Đức.”

Ngày 16 tháng 2 năm 1792, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, con trai thứ là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Cảnh Thịnh. Cũng trong năm này, đại quân của chúa Nguyễn từ Gia Định kéo ra đánh vua Thái Đức ở thành Quy Nhơn. Nhà vua liền sai người đến chỗ vua Cảnh Thịnh xin cứu viện và được chấp thuận. Nhưng khi quân của đối phương rút về, các tướng của vua Cảnh Thịnh chiếm luôn thành trì của vua Thái Đức. Tháng 8 năm này, vua Thái Đức uất hận mà qua đời, con cả là Nguyễn Bảo nối ngôi nhưng rồi bị đưa đi an trí ở huyện Phù Ly...

Nhận thấy nội bộ nhà Tây Sơn ngày càng rạn nứt, Trương Văn Đa lấy cớ tuổi cao sức yếu xin được trở về quê An Thái để phụng dưỡng cha già. Trương Văn Đa mất (không rõ năm) trước khi nhà Tây Sơn bị tiêu diệt năm1802.” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Tuy nhiên theo bài viết của TLAT thì “lúc đó công chúa chánh thất của Phò mã Trương Văn Đa đã mất, lại nhìn thấy họa diệt vong do lục đục nội bộ triền miên không thể dàn xếp của Triều đình nhà Tây Sơn sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời, nên ông đã cáo bệnh xin về. Lúc này Ngài đã tục huyền cùng một bà kế thất họ Trần.

Cáo quan về nhà, Phò mã về chốn cũ An Thái ở một thời gian rồi biệt tăm, do vậy mà sử sách về sau thường nói rất khác nhau về khoảng thời gian còn lại của Ngài… vì tất cả đều chỉ là phỏng đoán.

Thời gian về lại An Thái có lẽ chỉ là một bước đường trong tính toán mai danh ẩn tích của vị Phò mã Tây Sơn vốn lừng lẫy một thời. Rời An Thái, Ngài bí mật trở ra Thuận Hóa nhưng không quay về làng Bái Đáp quê cũ, mà đến định cư lập nghiệp tại một vùng rừng sâu ngăn sông cách núi, tách biệt hẳn với cư dân quanh vùng. Tại đây bằng tài trí của một vị tướng từng trăm phen trận mạc mà Ngài đã vượt qua bao gian lao thử thách của thú dữ, lam chướng và thiếu thốn mọi bề để tồn tại mà cùng với một vị họ Nguyễn khai canh nên vùng Thủy Yên, Thủy Cam (Nước Ngọt) nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Với tâm thế luôn vọng về cố hương nên tên làng mới đã được Ngài đặt theo tên quê cũ là Bái Đáp
”(6).

Theo địa bạ triều Nguyễn lúc đó có một phường hộ Bái Đáp đông giáp sách Thủy Cam khách hộ, Tây giáp sách Thủy Cam khách hộ, Nam giáp chân núi, Bắc giáp sông. Thời Đồng Khánh Bái Đáp là đơn vị ấp, đến đời Bảo Đại là đơn vị cấp xã, sau 1975 không còn tên Bái Đáp mà nhập vào thôn Thủy Yên và Thủy Cam nằm ngay dưới chân núi thuộc xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.” (Theo Trần Đại Vinh, Phú Lễ một làng quê).

Địa danh Bái Đáp ngày nay thuộc thôn Thủy Cam. Phường hộ Bái Đáp này trước đây hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ đây có thể theo sông ra đầm Cầu Hai đến cửa Tư Hiền ra biển Đông. Trước đây muốn vào thôn này phải qua một con suối rất nguy hiểm. Gần đây người ta cho xây một cây cầu xi măng cốt thép rất tiện đi lại cho người dân địa phương thôn Thủy Cam. Chúng tôi có liên lạc với ông Trương Văn Hải và ông Trương Viết Đính là hậu duệ của ông Trương Văn An hiện đang sống ở Phú Lộc thì cả hai đều không rõ về sự nghiệp của ngài Trương Văn An. Ông Hải là hậu duệ đời thứ 9 của Trương Văn An, và với một khoảng thời từ đời ông An đến nay trên hai trăm năm ông Hải mới tìm về được cội nguồn ngày xưa của mình là làng Phú Lễ, và biết được ông Trương Văn An từng là phò mã Tây Sơn ngày nào. (Tuy nhiên trong gia phả họ Trương ở làng Phú Lễ không ghi chép gì về bà công chúa con Nguyễn Nhạc cùng con cái và đây là một vấn đề cần tìm hiểu).

Với vị trí địa lý kín đáo như vùng núi Thủy Cam này chắc chắn rất phù hợp cho vị anh hùng lánh nạn che giấu tung tích để tránh sự truy sát của Nguyễn Ánh lúc đó.

Mộ của ông hiện được được cải táng trên một ngọn đồi có gắn bia đá chữ Hán (có phiên âm) khắc tên là Trương Văn An. Trước đây trong làng có xây một ngôi đình bằng gỗ sau một thời gian hư hỏng nên được thay bằng một khám thờ bằng bê tông trong đó có bài vị thờ ông cùng ngài khai canh họ Nguyễn.

Về việc lý giải tại sao tên trong gia phả và tên trong sử liệu khác nhau. Chúng ta có thể lý giải nhiều cách. Thứ nhất đổi tên để tránh việc truy sát của Trương Phúc Loan, rồi sau đó là Nguyễn Ánh (con cái cháu chắt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều bị truy lùng tận diệt). Do vậy khi phò mã Trương Văn Đa trốn về vùng núi Thủy Cam này ông đã đổi tên thành Trương Văn An và kể từ đó con cháu của ông ở đây không hề biết gì về cuộc đời sự nghiệp của ông. Và cũng có thể khi trốn chạy cha con ông Trương Văn Hào đã đổi tên mình cùng hai con trai. Cách lí giải khác như có người cho rằng chữ An và chữ Đa 多 là một. Điều này hoàn toàn khó thuyết phục, vì hai chữ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa cũng như nét viết. Có cách lí khác nữa là một người có thể có hai tên, một tên tục và một tên tự. Ví dụ phò mã của vua Thiệu Trị là Trương Văn Chất(7) (đời thứ 11, gọi Trương Văn An bằng ông nội chú) con của tổng đốc Trương Văn Uyển (琬) có tên trong gia phả là Trương Văn Châu và như thế ông giáo Hiến trong gia phả là Hào, đô đốc Luân tên trong gia phả ghi Bích(8), phò mã Trương Văn Đa tên trong gia phả là An.

Qua đây chúng tôi muốn đưa ra một vài nhận định về con người và sự nghiệp vị phò mã nổi tiếng một thời. Qua bài viết này mong các nhà nghiên cứu cũng như các độc giả nào có ý kiến gì xin góp ý bổ sung thêm. Và cũng mong rằng giới sử học cùng chính quyền có một cuộc nghiên cứu thật đầy đủ chính xác để lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử.

Huế 25 tháng 9 năm 2013
N.T.T - N.A.V
(SH298/12-13)

..........................................
(1) “Trương Văn Hạnh là một đại thần đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Vũ Vương mất năm Ất Dậu (1765), thế tử cũng đã mất từ lâu, con thế tử còn nhỏ nên tờ di chiếu để lại lập con thứ nhì của Vũ Vương, tức Nguyễn Phúc Luân (cha Nguyễn Phúc Ánh) lên nối ngôi. Quốc phó Trương Phúc Loan muốn chuyên quyền, thông đồng với tên hoạn quan Chừ Đức và chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống mạo tờ di chiếu giả, lập người con thứ 16 của Vũ Vương là Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy mới 12 tuổi, lên làm Chúa. Trương Văn Hạnh phản đối, bị Trương Phúc Loan giết chết. Trương Văn Hiến sợ vạ lây bèn trốn vào An Thái mở trường dạy học”. (Quách Tấn, Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa & Thông tin Nghĩa Bình, 1988).
(Theo gia phả họ Trương làng Phú Lễ thì ông Trưong Văn Hạnh thuộc họ Trương phái II, còn Trương Văn Hiến thuộc họ Trương phái III. Trong thời gian chúa Nguyễn Ánh cầm quyền có tìm con cháu của Trương Văn Hạnh để cho làm quan nhưng không tìm ra).

(2) Trương Lê Anh Tuấn, người đi tìm cội và hai cuộc tái ngộ cách nhau gần hai trăm năm, truongtoc.vn. (Ông Tuấn là người thuộc dòng họ Trương ở Phú Lễ).

(3) Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb. Giáo Dục, 2002.

(5) Cho đến khi thành Hoàng Đế bị bao vây, Đô đốc Lê Chất ra hàng Nam triều và được trọng dụng, các tướng lĩnh cũ của Thái Đức hận Cảnh Thịnh theo về hàng Nguyễn Phúc Ánh, trong đó có các Đại Đô đốc Võ Đình Giai, Nguyễn Văn Điểm. Đến khi thành Hoàng Đế bị hạ, các tướng Tây Sơn ra hàng khá đông, trong đó có các Đại Đô đốc Nguyễn Văn Toàn sau được giao chức Lưu thủ Quảng Ngãi. Đại Đô đốc Lê Văn Hưng trốn về Phú Xuân, tiếp tục theo Tây Sơn. Võ Đình Giai: bị quân Tây Sơn dưới quyền Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng giết trong quá trình vây thành Bình Định (khi ấy do Võ Tánh tử thủ). Đoàn Văn Cát: tử trận trong lúc giao chiến với quân Tây Sơn. Nguyễn Văn Toàn được trọng dụng làm Lưu thủ Quảng Ngãi. Nguyễn Công Thái được trọng dụng thăng đến chức Phó tướng Tả quân. Nguyễn Văn Thuật, Trương Văn Luân, Trần Văn Khương được lưu dụng, quản lĩnh quân ngũ (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

(6) Ông Trương Văn Uyển từng là Án Sát Quảng Nam, Bố Chánh Định Tường, tổng đốc Vĩnh Long. Năm Minh Mạng thứ 16, ông góp tiền bổng tu bổ đình, chùa. Năm Minh Mạng thứ 20 giúp xây cầu đá. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) lại đúc chuông cúng cho chùa làng. Lúc đó ông đang giữ chức tuần vũ tỉnh Bắc Ninh kiêm ấn hộ lí tổng đốc quan phòng Ninh Thái. Ông sinh ra và lớn lên ở miền Nam cho đến khi đỗ đạt làm quan mới tìm về quê cũ. Vào thời điểm đó dòng họ không biết ông là ai từ ngày ông nội trốn biệt vào Bình Định lập nghiệp. Ông là người xin vua Minh Mạng cho đổi tên làng Bái Đáp thành Bái Phú Lễ và là người nhuận sắc bổ sung gia phả những người con họ Trương xa xứ trong đó có đô đốc Trương Văn Bích (Luân), phò mã Trương Văn An (Đa)…

(7) Phò mã Đô úy Trương Văn Chất (con Trương Văn Uyển) tên gia phả là Trương Văn Châu lấy Nguyễn Phúc Thanh Cát năm Quí Sửu (1853), là con gái thứ 21 của vua Thiệu Trị, sinh năm Kỷ Hợi (1839). Năm Kỷ Tị (1869), được phong là Quảng Thi Công Chúa. Bà mất năm Kỷ mão (1879), thụy Mỹ Thục. Trương Văn Chất sau này tham gia vụ bạo loạn thời Tự Đức và xử bị chém tại An Hòa.

(8) Các chữ Hán “Hào”, “Bích”, “An”, “Uyển” trong bài này được viết lại đúng theo gia phả. Gia phả hiện nay được ông Trương Văn Ngật lưu giữ tại nhà thờ họ Trương phái III làng Phú Lễ.









 

Các bài mới
Các bài đã đăng