Người Huế
Một người Huế làm bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam
15:30 | 12/05/2014

VÕ SƠN TRUNG

Con người đó, là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học Đào Đăng Vỹ cực kỳ nổi tiếng ở Huế từ những năm 1940. Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, có tài liệu nói ông mất ngày 7/4/1987 tại California - Mỹ(1).

Một người Huế làm bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam
Bộ Việt Nam Bách Khoa Từ Điển của Đào Đăng Vỹ
Nhà văn hóa Đào Đăng Vỹ - người ngồi thứ 2 từ phải sang - Ảnh: internet


Thuở nhỏ học ở Huế, sau đó học Đại học Y khoa, Luật khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, ông trở về Huế làm giáo sư rồi hiệu trưởng trường Việt Anh, Hồng Đức, Huế. Cuộc đời hoạt động văn hóa, khoa học của ông hết sức phong phú, từng trải qua các chức vụ: Hội trưởng Hội Quảng Tri ở Huế, Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Cố đô Huế, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Đại học Vạn Hạnh, cố vấn và sáng lập viên Hội Terre des Hommes ở Việt Nam (tạm dịch Đất lành hay Cõi người ta - danh từ của nhà văn Pháp A. S. Exupéry) - Hội chuyên làm công tác xã hội, từ thiện…
 

"Khúc nhạc đồng quê" (Nguyên tác: La Symphonie Pastorale của André Gide) - bản dịch của Đào Đăng Vỹ

Với kiến thức uyên bác, ông viết rất sung sức và để lại cho đời nhiều công trình, tác phẩm giá trị cả tiếng Việt, tiếng Pháp, bao gồm: Le Culte des Ancêtres (1932), Enquête sur la Jeunesse Vietnamienne (1932 - 1934), Les Ecrivains et les Artistes Vietnamiens contemporains (1935), Nguyễn Trường Tộ et son Temps (1936 - 37), L’Annam qui nait (1938), Pour la Famille la Vraie (en collaboration) 1939, La Culture et Nous (en collaboration) 1940, Thất Thủ Kinh đô (kịch lịch sử 5 hồi - 1945), Thế giới chiến tranh lần thứ ba (1946), Nước Mỹ và nền Hòa bình thế giới (1946), Nước Nga và nền Hòa bình thế giới (1946), Evolution de la Littérature Vietnamienne contemporaine (1949), Nguyễn Trường Tộ et l’Empereur Tự Đức (1951) Khúc nhạc Đồng quê (1954) (Bản dịch La Symphonie Pastorale của A. Gide), Pháp Việt Đại Từ điển (1949- 52, 1963, 1970), Papillons Blancs (bản dịch Bướm Trắng của Nhất Linh 1959), Việt Pháp Đại Từ điển (1956, 1963, 1970), Pháp Việt Từ điển Phổ thông (1954 - 1956, 1960, 1963, 1965, 1967), Pháp Việt Tiểu Từ điển (1961, 1963, 1966, 1970), Việt Pháp Tiểu Từ điển (1962, 1964, 1966, 1970), Việt Nam Bách khoa Từ điển: Cuốn I cuốn II, III... (1959 - 1963), Ông già Goriot (le Père Goriot của H. de Balzac dịch ra Việt văn: (1962), Sức mạnh của Bất bạo động (1965), Thúy Kiều và Định mệnh (1966), Nguyễn Trường Tộ và Y đằng Bác Văn (1971), Xã hội Nguyễn Trường Tộ và Xã hội Y Đằng Bác Văn (1972), Nguyễn Tri Phương (1974)…(2)

Riêng bộ từ điển có tên “Việt Nam Bách khoa Từ điển”, khổ in 28x22cm, có hình minh họa và bản đồ đen trắng và màu, có phụ chú tiếng Hán, tiếng Anh và tiếng Pháp, do Đào Đăng Vỹ biên soạn xuất bản từ những năm 1959 - 1963, với sự cộng tác của một nhóm văn sĩ, giáo sư, trí thức đủ mọi ngành chuyên môn. Nhà từ điển Đào Đăng Vỹ kể, bộ “Việt Nam Bách khoa Từ điển” được thành hình “là do lời khuyến khích nồng nhiệt của nhiều bạn trong văn giới và học giới, nhất là do sự cộng tác đầy công tâm và chân thành của những bằng hữu (...) đã giúp đỡ chúng tôi mỗi người một phần hoặc ít hoặc nhiều trong mọi phương diện”. Những “bằng hữu” được liệt kê trong bộ sách có: Phan Khoang (nghiên cứu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam); Nguyễn Khoa Chi (kĩ sư canh nông); bác sĩ Nguyễn Hy Vọng; Nguyễn Phước Thiện (tiếng Anh); bác sĩ Phan Huy Quát; Bửu Đôn (kĩ sư cầu đường); Thái Văn Kiềm (nhà văn); Nguyễn Đăng Thục (giáo sư triết học); Nguyễn Xuân Hy (giáo sư văn học) cùng một số người khác lo phần vẽ hình minh họa và bản đồ.

Bộ Việt Nam Bách Khoa Từ Điển có bút tích của Đào Đăng Vỹ tặng thi sĩ Đoàn Thêm


Trong lời Tựa, tác giả Đào Đăng Vỹ viết: “Bộ Việt Nam bách khoa từ điển của chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào mọi vấn đề, nhất là những vấn đề hoàn toàn chuyên môn. Chúng tôi chỉ mong người dùng sách này, trong lúc tra cứu một danh từ, có thể có một quan niệm khái quát tối thiểu về mọi vấn đề liên quan đến danh từ ấy: các vấn đề lịch sử, địa lý, cũng như các vấn đề khoa học, toán học, chính trị, v.v. Chúng tôi lại muốn trình bày những chỉ dẫn cần thiết về mọi điều thực tế, những điều mà người học thức cũng như người ít học đều có thể cần biết (…), hoặc cần nhớ lại mà khỏi phải tìm lâu lắc trong nhiều sách chuyên khoa hay nhiều tài liệu khó kiếm (như muốn biết Hòa-đa ở đâu, tỉnh An-giang có bao nhiêu làng, nước Bảo-gia-lợi là gì, thành New York ở đâu...). Cũng có người muốn tìm biết Trạng Trình là ai, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du là ai..., hoặc Bạch Cư Dị, Pasteur, André Gide, Shakespeare, Hemingway, Tolstoï, Maxime Gorki là ai..., Hồn bướm mơ tiên là gì, Bích câu kỳ ngộ là gì, Trường hận ca là gì, hoặc cũng có người muốn nhớ lại một công thức toán-lý- hóa hay muốn biết nguồn gốc âm nhạc là sao, tên tuổi và hành động của các nhà cách mạng Việt Nam ra sao, văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa có những gì v.v., mỗi vấn đề đều có thể chỉ tra tìm trong cuốn sách này cũng đã biết qua, hay để nhớ lại”.(3)

Bộ từ điển được biên soạn dựa theo các chủ đề chính sau: Lịch sử loài người; Lịch sử các dân tộc, các quốc gia, miền tỉnh; Địa lý các châu, các nước, các miền, các xứ trên thế giới; Các vấn đề về thiên văn học; Các vấn đề thuộc về cổ học, địa chất học...; Các tôn giáo; Các vấn đề văn học; Các vấn đề mĩ thuật; Khoa học và kĩ thuật; Y học, vệ sinh; Luật học; Những vấn đề thường thức; Các quốc gia lớn trên hoàn cầu; Các đô thị lớn nhất hoàn cầu; Kinh tế hoàn cầu; Những điều cần biết về các tỉnh, quận, thị xã của Việt Nam; Các nhân vật danh vọng trong lịch sử và hiện đại; Các cổ tích; Các văn phẩm; Các hình ảnh cần ích, các địa đồ quan trọng.

Mỗi một chủ đề bao gồm những bài viết cộng với các phụ trương có liên quan, rất công phu và uyên bác. Các mục được đưa vào bộ từ điển bao gồm 2 loại chủ yếu: Các danh từ gồm danh từ thông dụng và danh từ khoa học; các tên riêng.

Các danh từ thông dụng, như ý đồ tác giả: “Mỗi danh từ đều giảng giải rõ ràng và mỗi nghĩa riêng đều có một hay hai thí dụ thông thường kèm theo hoặc những danh văn cổ kim, những tục ngữ, ca dao việc dẫn để cho thêm sánh nghĩa hoặc để chỉ rõ sự tiến triển ý nghĩa của mỗi chữ qua các thời đại”. Các danh từ khoa học (ngày nay gọi là thuật ngữ) ngoài mục định nghĩa chính còn chú thêm nguyên ngữ, có chú thêm tiếng Hán (với các danh từ gốc Hán), tên ngành, công thức hóa học. Các tên riêng: Bao gồm các tên riêng về lịch sử, địa lí và tên các nhân vật, tổ chức, tác phẩm... được xử lí như các mục giải thích trong từ điển bách khoa. “Các tên về lịch sử và địa lí của nước nhà cũng như của vạn quốc đều được chú ý và giảng giải rành rẽ như: A-lịch-sơn-đại (Alexandre le Grand), Alexandre de Rhodes, Bạch Cư Dị, Ấn Độ, Eisenhower, Hemingway, Shakespeare, Maxime Gorki, Nguyễn Du, Tản Đà, Chi Lăng...”.

Phần minh họa và bản đồ trong bộ từ điển bao gồm các loại bản đồ hành chính các châu, quốc gia trên thế giới và các tỉnh, quận của Việt Nam; tranh, ảnh, hình vẽ minh họa; một số phụ bản màu.

Nhà nghiên cứu Trần Trung Thuần (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) đánh giá, bộ sách là công trình pha trộn giữa 3 thể loại từ điển: từ điển ngữ văn, từ điển đối chiếu, từ điển bách khoa. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam mang tính chất của loại hình từ điển bách khoa. Ông viết: “Chúng tôi mạnh dạn cho rằng đây chính là bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam, đồng thời đó cũng chính là giá trị lớn nhất của bộ sách… Công sức bỏ ra của tác giả cùng các cộng sự khi biên soạn bộ sách, trong điều kiện tự trang trải kinh phí, để bộ từ điển này có thể ra mắt được một cách chững chạc như vậy là hết sức lớn và đáng trân trọng. Bộ sách xuất hiện trong thời điểm những năm 60 của thế kỉ 20 đã cho thấy một giá trị hiếm có, nên những hạn chế về mặt này mặt khác có bộc lộ ở bộ sách cũng là điều có thể thông cảm…”(4)

Cần nhớ lại bối cảnh Việt Nam những năm 1950 phân ly hai miền Nam Bắc, tình hình rất khó khăn, vậy mà Đào Đăng Vỹ vẫn chuyên chú làm cuốn từ điển bách khoa đồ sộ đầu tiên của đất nước, để từ đó có những đóng góp nền tảng to lớn trong lĩnh vực từ điển học và bách khoa thư của nước nhà.

*

Không chỉ tiên phong ở lĩnh vực từ điển, ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu uyên bác. Với tác phẩm “Nguyễn Tri Phương” (1974), ông đã phác họa nên chân dung một vị anh hùng. Chúng ta còn nhớ mục đích chính của J. Dupuis - một sĩ quan quân đội Pháp bấy giờ là đi buôn. Cụ thể với đường thủy sông Hồng, J. Dupuis đã tính chuyện đưa vải vóc, gạo muối, vũ khí lên bán cho các tỉnh phía nam Trung Quốc và chở các loại quặng về bán lại. Điều đó đã vi phạm những quy tắc lãnh thổ của triều đình Huế. Các quan sở tại không giải quyết được, Nguyễn Tri Phương phải thân chinh ra Hà Nội và ngay sau đó lại gặp vấn đề với J. Dupuis khi không thể chấp nhận những yêu sách quá đáng của viên sĩ quan này như mở cửa thông thương, thuế quan... Sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thống đốc Nam kỳ Dupré cử đại úy hải quân Francis Garnier lấy danh nghĩa ra “xử” kẻ quấy rối J. Dupuis nhưng thực chất là dẫn pháo hạm đánh chiếm Hà thành.
 

Garnier đã kể lại cuộc tái chạm trán với đối thủ cũ ở đồn Kỳ Hòa - danh tướng Nguyễn Tri Phương: “Tôi phải nhìn nhận ông đã 74 tuổi vẫn cư xử rất lanh trí, nói vài tiếng Pháp, che giấu uất hận của ông dưới nụ cười”. Nghiên cứu của Đào Đăng Vỹ cho chúng ta biết rằng Garnier đã lễ phép với Nguyễn Tri Phương: “Thưa ngài, chắc chúng ta có gặp nhau ở trận Kỳ Hòa và từ đó tôi vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ ngài nhiều”. Tuy nhiên, các yêu sách của Pháp tỏ ra xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ cùng danh dự của triều đình Huế, buộc Nguyễn Tri Phương phải cực lực bác bỏ. Vì thế cuối cùng, chiến tranh đã nổ ra.

Hay như nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ, nhiều sách báo đã nói hơi quá về các bản điều trần, Đào Đăng Vỹ đã có những đính chính cần thiết. Chẳng hạn ông đã viết “Xã hội Nguyễn Trường Tộ và xã hội Y Đằng Bác Văn” (in trong Bách Khoa số 359 ngày 15/12/1971) để đính chính về việc Y Đằng Bác Văn và Nguyễn Trường Tộ gặp nhau chỉ là truyền thuyết do các cụ kể lại không có gì chính xác và cho biết hoàn cảnh nước Việt lúc bấy giờ thì dẫu không bị xâm chiếm cũng khó tiến bộ mau chóng và hùng mạnh như Nhật Bản được.

Trong lĩnh vực từ điển, ông cũng nhiều khi khuyến khích, động viên đồng nghiệp trong công việc bộn bề gian khó này. Ví dụ khi viết về cuốn “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt” của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, ông tỏ ra mừng rỡ: “October 1, 1985. Tôi vui mừng vô hạn khi biết công trình khảo cứu về nguồn gốc tiếng Việt của anh sắp thành tựu, thật là một kỳ công. Tôi muốn bày tỏ lòng khâm phục sâu xa của một đàn anh chỉ hơn anh ít tuổi thôi, đó là phúc cho tương lai văn hóa dân tộc vì đúng là một phát minh mới hết sức quan trọng, một “công trình khoa” [travail d’une portée scientifique considérable]”…

Hiện tư liệu về các hoạt động của từ điển gia Đào Đăng Vỹ rất ít, chỉ rải rác nơi này nơi kia người ta nhắc đến ông với lòng kính trọng sâu sắc.

Nhà văn Nguyễn Vỹ cũng có đoạn nhắc đến Đào Đăng Vỹ trong cuốn sách nổi tiếng của mình: “Buổi diễn thuyết ở Huế do một ông tên là Đào Đăng Vỹ, Hội trưởng Hội Quảng Tri chủ tọa, ông này hình như đã quen biết Tuấn từ lúc ông còn học trường Luật tại Hà Nội, và cũng là ký giả, trợ bút như Tuấn, trong tờ báo Pháp ngữ “La Patrie Annamite” của Tôn Thất Bình, rể Phạm Quỳnh. Cuộc diễn thuyết bắt đầu 8 giờ tối thứ bảy. Thính giả đông nghẹt, ngồi chật ních trong cử tọa, lần đầu tiên có bà Đạm Phương đến dự.

Bà là một nữ sĩ danh tiếng nhất của Đế Đô, một nữ học giả đã đứng tuổi giỏi cả Hán văn và Quốc văn, tác giả một số quyển sách có giá trị. Bà viết trong tạp chí Nam Phong và đăng thơ trong báo Tiếng Dân, ký tên là Đạm Phương nữ-sử. Lúc bấy giờ bà là Hội trưởng “Nữ công học hội” Huế.

Đa số thính giả phụ nữ, gồm những nữ lưu trí thức ở Thần Kinh, là những phần tử tân tiến, không tán thành ý kiến của Tuấn về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Họ cho rằng con gái đua xe máy như thế mới là tiến bộ.

Giữa lúc câu chuyện của Tuấn đang hăng say, (Tuấn ứng khẩu chứ không viết sẵn bài diễn thuyết) một vài thiếu nữ đứng dậy phản đối ý kiến của Tuấn. Tuấn bình tĩnh yêu cầu cho chàng nói hết xong rồi ai muốn chất vấn chàng sẽ xin trả lời. Nhưng hai cô yêu cầu Tuấn trả lời ngay. Ông chủ tọa Đào Đăng Vỹ phải can thiệp:

- Xin lỗi các cô, đây là Hội Quảng Tri mời diễn giả đến nói chuyện. Nếu các cô không đồng quan điểm với diễn giả, thì xin hôm khác sẽ tổ chức một buổi hội thảo chống lại (une conference contradictoire). Hôm nay xin đừng ngắt lời diễn giả”.
(5)

Thật thú vị khi lần tìm những dấu tích như thế, còn sót lại rất ít ỏi của từ điển gia người Huế Đào Đăng Vỹ.

V.S.T
(SDB12/03-14)


--------------------
(1) (Theo www.tvvn.org. Có tài liệu nói mất 1997)
(2) Đào Đăng Vỹ - Wikipedia tiếng Việt.
(3) [Đào Đăng Vỹ, Việt Nam Bách khoa Từ điển, xuất bản tại Sài Gòn, quyển I (1959), quyển 2 (1960), quyển 3 (1961)].
(4) “Bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam” - Nguyễn Trung Thuần.
(5) Trích trong “Tuấn - chàng trai nước Việt” - Nguyễn Vỹ.











 

Các bài mới
Các bài đã đăng