Có lẽ cho đến nay, ông Lê Văn Kinh là nghệ nhân làng nghề truyền thống lập nhiều kỷ lục nhất VN. Ông đã lập kỷ lục về bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Tiếp đó là bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật. Đầu tháng 5-2014 vừa qua, ông tiếp tục xác lập kỷ lục thứ ba, đó là thêu tay hai bài thơ "Tẩu lộ” và "Hoàng hôn” - hai bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiếm có nghệ nhân nào tâm huyết với dòng tranh thêu truyền thống như nghệ nhân Lê Văn Kinh. Hơn 80 tuổi với nhiều năm làm nghề, dạy nghề, xác lập tới 3 kỷ lục về tranh thêu. Dường như với ông, nội lực vẫn còn ăm ắp…. Lão nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện là chủ xưởng tranh thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu (TP Huế). Tính đến nay, tuổi nghề cũng suýt soát tuổi của ông, bởi ngay từ nhỏ ông đã tiếp xúc, học thêu thùa. Xuất thân từ làng thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), ông Kinh vào Huế lập nghiệp, mang theo nghề thêu, truyền dạy cho biết bao nhiêu lứa học trò, truyền dạy cho con, cháu. Tính đến đời con, nghề thêu trong dòng họ đã truyền được 4 đời.
Yêu nghệ thuật truyền thống cũng như nghề truyền thống, lúc nào ông Kinh cũng muốn được làm việc, được truyền dạy nghề. Ông đã làm nên thương hiệu tranh Đức Thành, thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến thăm và học nghề. Nhưng theo tìm hiểu của ông Kinh ở nhiều làng nghề khác nhau, ông nhận thấy đâu phải ai cũng tâm huyết muốn theo học nghề thêu. Ngay cả học miễn phí cũng ít người trẻ quan tâm. Mấy năm gần đây, ông dạy nghề cho những em nhỏ khuyết tật ở tại nhà, khi các em làm được sản phẩm, ông trả lương như một thợ lành nghề.
Qua trò chuyện, được biết trong dịp Festival Huế vừa qua, ông Kinh có bức tranh thêu "Quốc hoa” và "Vinh quy bái tổ” giới thiệu đến công chúng và những người yêu tranh thêu xứ Huế. Cả hai bức tranh đều thể hiện sự cần mẫn, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đặc biệt, bức "Quốc hoa” được đánh giá cao về sự sinh động, chân thực về cả màu sắc lẫn cốt cách của loài hoa sen thanh cao.
Chúng tôi tìm hiểu về những kỷ lục mà ông đã lập được, và hỏi chuyện vì sao ông lại chọn hai bài thơ của Bác Hồ để thể hiện bằng chỉ tơ tằm, lão nghệ nhân trả lời: "Tui kính yêu tấm gương của Bác. Hai bài thơ này, Bác Hồ sáng tác trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, nhưng từ sự gian khổ ấy, lại bật lên những tứ thơ giàu triết lý, giản dị và rung động. Tui đã thêu thành bốn bức tranh, cả nguyên tác chữ Hán và bản dịch chữ Quốc ngữ”.
Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết thêm: Ông có ý định thêu nhiều tác phẩm thơ ca của Việt Nam, với tâm nguyện giới thiệu văn hóa Việt Nam. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục thêu những bài thơ của các nhà thơ khác bằng chỉ kim tuyến, có độ đậm nhạt đa chiều để thể hiện sự sinh động của tranh. Với những cống hiến và tâm huyết, ông là người thợ thêu duy nhất được phong danh hiệu "Nghệ nhân dân gian” - danh hiệu cao quý nhất của một nghệ nhân, do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng.
Người nghệ nhân già luôn trân trọng những dòng lưu bút mà khách đến thăm ghi lại. Trong đó, có người ca ngợi ông là người có bàn tay vàng, là họa sĩ vẽ tranh bằng chỉ, là báu vật nhân văn sống… "Nguyện vọng thì nhiều, tặng cho tôi lời nào tôi cũng trân quý. Tôi chỉ mong có sức khỏe, để tiếp tục là người quảng bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế tới bè bạn quốc tế” - ông Kinh bảo vậy.
Theo Đại Đoàn Kết