Người Huế
Sức sống của một nhà báo thọ hơn trăm tuổi
09:39 | 19/06/2014

Ngày 9/6/2014, nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thượng thượng thọ 105 tuổi

Sức sống của một nhà báo thọ hơn trăm tuổi
Nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan tại tư gia. Ảnh: Internet

Cho đến nay, chị Nguyễn Khoa Bội Lan (NKBL) có lẽ là nhà báo sống thọ nhất cả nước, chứ không chỉ ở Huế. Cuộc đời hơn một thế kỷ của chị đã trải qua rất nhiều công việc, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, nhưng tên tuổi chị “chính danh” xuất hiện đầu tiên trên tờ “Xã hội mới” ngay từ sau Cách mạng Tháng 8, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Trong cuốn “Lịch sử báo chí Huế” (NXB Thuận Hóa, 2013), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, dẫn theo tài liệu của nhà báo Dương Phước Thu, đã ghi rõ:

“…Báo do nhóm Hải Triều, Nguyễn Khoa Bội Lan, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên thực hiện. NKBL được cử làm chủ bút, Nguyễn Chí Thanh là cố vấn. Báo hoạt động từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1945…”
Không phải ngẫu nhiên, NKBL được cử làm Chủ bút một trong những tờ báo đầu tiên do Tỉnh ủy Thừa Thiên chỉ đạo. NKBL thuộc lớp nữ sinh Đồng Khánh giác ngộ cách mạng rất sớm. Từ phong trào bãi khoá khi các trường học ở Huế sôi nổi hưởng ứng phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh năm 1927, NKBL đã là một thành viên tích cực.
Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Hồng Cư (NXB Thanh niên, 2004), trong chương kể lại giai đoạn sôi nổi này, có đoạn viết:
“…Cảnh sát cho xe vòi rồng phun nước bừa bãi. Một nữ sinh Đồng Khánh đến trước vòi rồng phản đối. Một tên cảnh sát nắm kiềng vàng của chị kéo ra. Phóng viên L’Annam có mặt tại chỗ đã viết bài đăng ngay lên báo. Đó là chị Nguyễn Khoa Thể Chi. Chị Thể Chi cùng các chị Nguyễn Khoa Bội Lan, Tôn Nữ Như Phước, Hoàng Thị Hải Đường, Đào Thị Xuân Yến… là những nữ sinh Đồng Khánh mà anh Giáp thường gặp tại ngôi nhà “Ông già Bến Ngự…”(*)
Cũng trong đoạn này, hai trang sau, cuốn sách đã ghi lại:
“…Cảnh sát theo dõi bắt những người hoạt động tích cực. Anh Giáp phải tạm lánh về Vĩ Dạ, ở nhà anh Nguyễn Khoa Thị, một bạn học lớp Đệ tam… Ở Trường Đồng Khánh… trong số nữ sinh bị đuổi học, có các chị Nguyễn Khoa Thể Chi, Nguyễn Khoa Bội Lan…”(**)
NKBL được các đồng chí lãnh đạo tin cậy còn vì chị là “con nhà nòi”. Thân phụ của chị là nhà thơ Nguyễn Khoa Vi, một nhà nho yêu nước nổi tiếng ở Huế. Người dân Huế mãi đến nay vẫn nhớ những vần thơ châm biếm của cụ. Hồi giặc Pháp tái chiếm Huế, căn nhà của cụ bị chúng chiếm làm đồn lính, sách vở bị chúng đốt phá, nhìn bọn lính Tây lố nhố trong đồn Mang Cá, cụ không nén được lòng căm giận: “Lũ quỷ nay lại về luỹ cũ / Thầy tu mô Phật cũng thù Tây!” Với nghệ thuật vận dụng kiểu nói lái tài tình (Lũ quỷ - lũy cũ; Thầy tu - thù Tây) câu thơ đả kích sắc nhọn của cụ càng có sức lan toả mạnh. Đến mức Phan Văn Giáo (tỉnh trưởng lúc đó) cho người đến hăm doạ cụ đã viết thơ ca ủng hộ Việt Minh, đồng thời chiêu dụ cụ về làm cho đài phát thanh với bổng lộc hậu hĩ, nhưng cụ đã từ chối…
Gần 70 năm sau những ngày cụ Nguyễn Khoa Vi mừng đón Huế Cách mạng Mùa Thu, cũng là ngày NKBL trở thành nhà báo “chính hiệu”, chúng tôi trở lại căn nhà của cụ ở cuối Thôn Vĩ để tiễn NKBL đi gặp những bậc tiên liệt. Phải! NKBL đã vĩnh biệt chúng ta ngày 9/6/2014, hưởng thọ 105 tuổi! Trong những vòng hoa kính viếng NKBL của nhiều cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh xếp quanh căn nhà dưới bóng mát cây nhãn trước sân, tôi để ý có vòng hoa của giáo sư Vũ Khiêu - một trí thức, Anh hùng Lao động cũng thọ gần trăm tuổi - từ Hà Nội gửi vào. Tin NKBL qua đời chỉ truyền miệng và qua Đài Truyền hình Huế, chứ nếu thông tin rộng rãi, thì tôi chắc là sẽ còn rất nhiều những vòng hoa đến từ những miền xa, từ những người có chức vị quan trọng. Cuộc đời hơn một thế kỷ của chị có quá nhiều bạn bè, quá nhiều con cháu mà chị đã cưu mang trên những chặng đường cách mạng, kể cả ở hai nước bạn Lào và Căm-pu-chia…
Tôi còn nhớ, trong lần trò chuyện với chị hơn 6 năm trước, từ chiếc giường nhỏ ở góc phải căn nhà này, chị NKBL kể cho tôi nghe cuộc đời chị cùng những mối quan hệ với rất nhiều tên tuổi lớn của đất nước; khi nhắc đến thời kỳ chị được điều qua Lào giúp bạn làm tờ báo Neo Lào Hắc Xạt (năm 1950), nên có “người quen” nay là nhân vật lãnh đạo cao cấp của Lào, NKBL bỗng cười nhỏ và chỉ tấm bằng khen treo trên tường và nói: “Của Lào tặng mình đó! Hôm ông ấy đến, xưng tên, gặp người quen cũ, mừng quá, nhưng người ta nay giữ chức vụ cao, mình chắp hai tay cung kính theo kiểu nhà Phật: “Xin chào ông Chủ tịch…”; mình chưa dứt câu, ông ấy đã xua xua tay, như ngượng nghịu: “Chị đừng gọi thế. Hôm nay là thằng em X.M. đến thăm chị thôi…”
Những năm ở miền Bắc công tác ở Ban Văn nghệ miền Nam với anh Bảo Định Giang, NKBL đã có dịp gặp Hồ Chủ tịch mấy lần và quen biết hầu hết các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và ngành văn hoá - thông tin. NKBL chỉ để lại một tác phẩm là tập truyện ký “Người con gái không tên” (NXB Thuận Hoá, 1992) viết về những tấm gương phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ - những câu chuyện ngắn gọn mà xúc động, với giọng điệu giản dị, dân giã và hóm hỉnh gợi nghĩ tới những tác phẩm thơ trào phúng nổi tiếng của thân phụ chị - nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi - nhưng NKBL được rất nhiều nhà văn quý trọng, nhất là các nhà miền Nam tập kết ra Bắc. Không ít người trong số đó đã được NKBL quan tâm chăm sóc nhiều mặt, khi các anh trở lại miền Nam chiến đấu. Nhắc đến văn thơ, chị không quên nhà thơ “bà con” rất gần gũi với mình. NKBL kể: “Cậu không biết chứ hồi Điềm ra Bắc học, mấy anh em Điềm ở với chị trong Viện Văn học đó. Chị gọi cha Điềm bằng chú mà. Mình nhớ hồi làm ở Ban Văn nghệ miền Nam mỗi khi nhận văn thơ từ Huế gửi ra, như “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, đọc xúc động đến phát khóc …”
Chuyện một người sống thọ hơn thế kỷ, lại quan hệ rộng như NKBL, phải viết một cuốn sách dày mới kể hết. Từ buổi trò chuyện với NKBL 6-7 năm trước, chị đã tính đến ngày chia tay với bà con, bạn bè. Tôi còn nhớ, hôm đó khi nhắc đến ngày “ra đi”, chị cười khẽ, rồi nói: “Tôi có đất nội táng của họ Nguyễn Khoa rồi! Nói thế chứ cốt sống đàng hoàng, còn chết ở mô cũng được. Thôi, chuyện đời…”
Chị Bội Lan bỏ lửng câu nói. Xem ra không phải vì mệt, mà chị muốn dành sự bình phẩm cho người đời. Một lát, chị đọc:
“Khi trên sân khấu không làm bậy / Lúc hạ vai tuồng chẳng ăn năn”.
Chị mượn hai câu thơ của cụ Ưng Bình (sau khi “cải biên” vài từ) để “tổng kết” sớm cuộc đời mình.
Vậy mà chị đã sống thêm hơn 6 năm, kể từ ngày đó. Một sức sống bền bỉ thật hiếm có. Chị NKBL ơi! Bao nhiêu người đang ước được “hạ vai tuồng” đẹp đẽ như chị đó!
________ 
(*) Danh hiệu nhân dân Huế đặt cho cụ Phan Bội Châu từ khi cụ bị thực dân Pháp an trí trong căn nhà nhỏ trên dốc Bến Ngự.
(**) Nguyễn Khoa Thị là anh em chú bác và N.K.Thể Chi là chị ruột của chị BL.

nguồn: Nguyễn Khắc Phê - báo TTH

>> Nỗi lòng của Thảo Am
 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng