Người Huế
Một số nhận thức về ca Huế qua câu chuyện nghề của nghệ nhân Thanh Tâm
15:27 | 17/11/2021


PHAN THUẬN THẢO

Một số nhận thức về ca Huế qua câu chuyện nghề của nghệ nhân Thanh Tâm
Nghệ nhân Thanh Tâm - Ảnh: phunuonline.com.vn

Mở đầu

Nghệ nhân Thanh Tâm từ lâu đã được người trong nhạc giới lẫn khán thính giả mộ điệu công nhận là giọng ca vàng của nghệ thuật Ca Huế. Cô được xem là nghệ nhân hiếm hoi còn giữ được sự tinh túy, vẻ đài các, sang trọng của lối ca thính phòng tri âm, tri kỷ của nghệ thuật Ca Huế ngày xưa. Để có được thành tựu này, cô đã trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện, trau dồi, thực hành nghề nghiệp lâu dài. Thông qua nhiều lần tiếp xúc, những cuộc phỏng vấn hồi cố, chúng tôi tìm thấy ở nghệ nhân Thanh Tâm những câu chuyện nghề thú vị bởi cô đã trải qua những thăng trầm của nghệ thuật Ca Huế trong hơn nửa thế kỷ để tôi luyện nên tài năng nghệ thuật như ngày nay. Thông qua câu chuyện nghề của một nghệ nhân tiêu biểu, bài viết này mong muốn mang đến cho độc giả những kinh nghiệm, thậm chí là những bí quyết mà cô đã có được trong quá trình thực hành nghề nghiệp trong hơn nửa thế kỷ, khả dĩ giúp chúng ta hiểu được phần nào phương pháp rèn luyện, cách thức thể hiện để tạo nên một phong cách Ca Huế đặc trưng. Những câu chuyện nghề của nghệ nhân Thanh Tâm cũng phần nào giúp độc giả hình dung về một giai đoạn lịch sử thăng trầm của nghệ thuật Ca Huế vào nửa sau thế kỷ XX.

1. Vài nét về nghệ nhân Thanh Tâm

Nghệ nhân Thanh Tâm tên thật là Phan Thị Yêm, còn có các tên khác là Phan Thị Thanh Tâm, Phan Thị Thu Tâm, song cô vẫn luôn nổi tiếng với nghệ danh Thanh Tâm. Cô sinh năm 1946 trong một gia đình truyền thống về nghệ thuật cung đình Huế. Cụ thân sinh là ông Phan Hữu Lễ (1905 - 1988), còn gọi là ông Bát Lễ do đã được triều đình phong hàm Bát phẩm. Ông Bát Lễ là người giỏi về Hát Bội (Tuồng), bao gồm cả hát Tuồng và trống Tuồng. Mẹ của cô, bà Trần Thị Yến (1916 – 2010), là học trò của cha cô, cũng là một nghệ sĩ múa và Hát bội cung đình, nhưng sau khi sinh con đã không còn theo nghề. Anh trai cô, ông Phan Hữu Tợ và vợ của ông là Lê Thị Phước cũng được đào tạo trong cái nôi nghệ thuật cung đình ở Đại Nội. Nhưng những người này về sau không theo nghề vì một số lý do. Chỉ riêng cô Thanh Tâm tiếp nối truyền thống gia đình theo đuổi con đường nghệ thuật suốt cuộc đời.

Cô Thanh Tâm đã sớm tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn cung đình Huế do được thường xuyên theo cha vào Đại Nội xem các nghệ sĩ luyện tập, biểu diễn… Bấy giờ, đoàn nghệ thuật cung đình được chia thành hai ban: ban Cổ nhạc chuyên về khí nhạc và ban Ba Vũ chuyên về múa, Tuồng và Ca Huế. Tất cả hoạt động dưới sự bảo trợ của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại), về sau chuyển qua sự quản lý của chính quyền miền Nam. Đến năm 12 tuổi, cô Thanh Tâm chính thức được gia nhập vào lớp “Đồng ấu” của ban Ba Vũ do cô là “con nhà nòi”, có năng khiếu và đam mê nghệ thuật, có khả năng tiếp nối truyền thống của gia đình. Từ đó, cô được ăn lương để hàng ngày luyện tập nhằm kế thừa truyền thống ca múa nhạc cung đình. Ở đây, cô được học múa, Hát Bội và Ca Huế do các thầy trong đội nhạc cung đình trực tiếp truyền dạy. Cũng trong môi trường này, do có chất giọng hay, phù hợp, cô được học chuyên sâu về Ca Huế và có quá trình hành nghề lâu dài từ đó đến nay. Cô từng biểu diễn Ca Huế “salon” trong các gia đình danh gia vọng tộc của Huế xưa, từng chứng kiến sự biến đổi từ Ca Huế “salon” sang Ca Huế du lịch trong những thập kỷ gần đây. Cô nổi danh là giọng ca vàng của nghệ thuật Ca Huế, từng biểu diễn trên những sân khấu lớn, những sự kiện lớn. Tài năng của cô đã được nhạc giới, công chúng cũng như chính quyền thừa nhận. Cô đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và gần đây nhất là danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” của Chủ tịch nước trao tặng vào tháng 3/2019.

2. Quá trình học nghề và tự rèn luyện

Cũng như hầu hết các loại hình âm nhạc truyền thống khác, việc truyền dạy Ca Huế được thực hiện bằng phương pháp truyền khẩu. Ngay cả những loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, bác học như âm nhạc cung đình cũng được truyền dạy bằng phương pháp này. Quãng thời gian nghệ nhân Thanh Tâm bắt đầu tham gia vào đội “Đồng ấu” (thập niên 1960), đoàn nghệ thuật cung đình đóng ở Hữu Vu trong Đại Nội. Quá trình luyện tập của đội “Đồng ấu” ở ban Ba Vũ diễn ra như sau: Buổi sáng, sau khi vào Đại Nội, các học trò nấu nước, pha trà mời thầy. Sau đó, học trò sắp thành 2 hàng hướng mặt vào nhau, luyện tập hát các bài Thài (Nhạc chương), múa Bông (Lục cúng, Tam Quốc – Tây Du)… Đây là một kiểu luyện thanh để “mở giọng”, vừa để nắm được tính chất, bài bản của múa hát cung đình. Sau khi luyện giọng, học trò bắt đầu luyện tập các điệu múa cung đình. Những động tác múa này cũng gắn liền với các động tác Tuồng. Ở đây, thầy trực tiếp dạy các động tác, đội hình cho trò, hoặc các anh chị lớn dạy cho các em nhỏ hơn. Sau đó, học trò được học về Ca Huế, bao gồm cả học ca và học đàn. Buổi chiều, học trò bắt đầu được học Hát Bội, gồm cả học hát, học múa, học vẽ mặt…

Cô Thanh Tâm được học Ca Huế với thầy Đinh Hữu Khai, một nghệ sĩ gạo cội trong đội nhạc cung đình. Thầy Khai chuyên về đàn nguyệt, nhưng thầy cũng chơi giỏi những nhạc cụ khác và nắm vững các bài bản ca. Thuở ấy, cô được thầy Khai dạy ca các làn điệu Ca Huế, ngoài ra, cô còn được học đánh đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Cứ thế, cô nắm được các giai điệu và tính chất của các làn điệu Ca Huế.

Bấy giờ, việc truyền dạy Ca Huế không sử dụng tài liệu học tập bằng văn bản mà được tiến hành theo phương pháp truyền khẩu. Thầy dạy cho trò hát từng câu, vừa hát vừa gõ phách1. Khi đã học thuộc từng câu, từng đoạn thì ghép lại thành bài. Cô Thanh Tâm cho biết ở giai đoạn ban đầu này, học trò chỉ được học phần giai điệu cơ bản (gọi là lòng bản) mà chưa có nhiều luyến láy. Sở dĩ chỉ được dạy phần giai điệu đơn giản là vì học trò trước hết cần nắm được tổng quát phần giai điệu, nhịp điệu, và cách rung giọng theo đúng tính chất hơi nhạc của bài bản. Nếu phải học luôn cả phần luyến láy ngay từ đầu thì khó tiếp thu. Sau khi nắm được lòng bản thì người học mới được học thêm về những luyến láy cơ bản để tạo nên hình hài của các bài bản Ca Huế.

Không như học Tuồng, lớp học Ca Huế không có đòn roi. Mỗi lần không hài lòng với trò, chỉ cần thầy bỏ đàn xuống, đi ra ngoài thì đó đã là một hình phạt đối với học trò. Điều đó cho thấy cư xử trong mối quan hệ thầy – trò là hết sức tế nhị. Trò phải biết đón ý thầy, hết sức tôn trọng thầy mà cố gắng học tập, và ngược lại, với tài năng làm uy vũ, thầy không cần dùng những biện pháp mạnh mà chỉ một cái cau mày, một thái độ im lặng là đã điều khiển được học trò. Đó cũng là cách các nghệ sĩ cư xử với nhau trong nghệ thuật Ca Huế.

Khi đã nắm được phần cơ bản của bài bản, người học được hòa ca, hòa đàn cùng nhóm nhạc, vừa chơi nhạc, vừa nghe nhau, vừa học hỏi từ nhau những ngón đàn hay, những luyến láy điêu luyện. Ở giai đoạn này thông thường không còn có sự giảng giải cụ thể của thầy nữa mà người học phải tự mình tìm hiểu, khám phá. Nghệ sĩ Thanh Tâm cho biết cô đã “học lỏm” được các luyến láy hay và đắt từ nhiều nghệ sĩ khác nhau.

Cứ thế, thông qua những lần chơi nhạc cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn chị, cô đã học được các cách luyến láy nhuần nhụy, rồi tự mình luyện tập, trau chuốt để tìm ra cách thể hiện tốt nhất cho bài ca. Cách học như thế đòi hỏi người học phải có năng khiếu, có đam mê và phải để tâm, phải sáng ý mới có thể nhanh chóng bắt chước được những luyến láy ngọt ngào, tinh tế. Vì thế, luôn luôn phải có sự thực hành để rèn luyện và học hỏi. Nói cách khác, việc học gắn liền với việc thực hành, nếu không thực hành thì không thể nâng cao được nghề nghiệp. Cứ như thế, thông qua thực hành, rèn luyện, tiếng đàn, giọng ca ngày càng chín chắn hơn, điêu luyện hơn.

Trong Ca Huế, một bài bản luôn có nhiều lời ca khác nhau. Người học ca bao giờ cũng bắt đầu từ một lời ca thông dụng nhất, sau khi đã thông thuộc rồi, điêu luyện rồi mới chuyển sang ca một lời ca khác. Với một lời ca mới, người ca phải nắm được ý nghĩa lời ca rồi kết hợp phần giai điệu đã thuộc với lời ca ấy sao cho từng lời, từng chữ nhuần nhuyễn hoàn toàn với các luyến láy của giai điệu. Nếu lời ca có sự thay đổi về dấu giọng thì người ca phải biết cách uốn nắn giai điệu sao cho phù hợp với dấu giọng ấy mà vẫn nghe hay, thuận tai và không xa vời so với giai điệu cơ bản của bài bản.

Như vậy, việc học Ca Huế trước đây sử dụng phương pháp truyền khẩu và luôn gắn liền với thực hành. Người học bắt đầu từ việc học giai điệu đơn giản nhất (lòng bản), rồi tiếp tục phát triển những luyến láy trên nền giai điệu cơ bản đó thông qua sự chỉ dạy của người thầy và quá trình thực hành với các nghệ sĩ đàn chị, đàn anh. Ngày nay, việc dạy và học Ca Huế kết hợp cả văn bản và truyền khẩu, điều này khiến cho việc học nhanh hơn, dễ dàng hơn. Mặt khác, người học còn sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại để thu âm, ghi hình, hoặc học trên internet, nên việc học trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tuy vậy, người trẻ lại thiếu sự chuyên tâm và không học đúng người thầy nắm rõ truyền thống, cho nên, nhiều người không học được phong cách truyền thống trước đây.

3. Quá trình làm nghề

Những năm 1960 – 1975 là giai đoạn nghệ nhân Thanh Tâm bước vào nghề. Thành công đầu tiên của cô là đoạt giải Nhì trong cuộc thi Ca Huế do Đài Phát thanh Huế tổ chức năm 1963. Kể từ đó, cô tham gia trong chương trình Ca Huế phát sóng thường kỳ của Đài Phát thanh Huế do ông Vĩnh Phan giữ chức Nhạc trưởng đảm trách. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên tham gia các buổi ca tri âm cùng các nghệ nhân Vĩnh Phan, Thanh Tùng, Tôn Thất Toàn, Nguyễn Kế, Trần Kích, Viễn Dung, Quế Trân, Vân Phi, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên…. “Ca tri âm” là chữ dùng của các nghệ nhân để phân biệt với các hình thức biểu diễn Ca Huế mang tính trình diễn. Thực chất, đây là hình thức diễn xướng nguyên thủy của Ca Huế trong các phủ đệ các ông hoàng bà chúa ngày xưa. Đó là hình thức “chơi” Ca Huế trong từng nhóm nhỏ gồm những người tri âm mộ điệu, đã có nền tảng hiểu biết về Ca Huế. Ở đây, một người có thể đảm trách một, hai hoặc cả ba vai trò: người biểu diễn, người sáng tác và người thưởng thức2. Có thể thấy họ là những người có trình độ thẩm âm tốt, có thể nhận biết những cái hay, cái đẹp, sự tinh tế trong tiếng ca, điệu đàn, nên nghệ sĩ có “đất” để trổ những ngón đàn hay, những luyến láy ngọt. Do đó, đây chính là môi trường tốt để nghệ thuật Ca Huế được nâng cao về nghệ thuật đàn, ca, nhiều lời ca hay với ngôn ngữ giàu hình tương cũng được sáng tác trong môi trường lý tưởng này.

Sau ngày thống nhất 30/4/1975, Huế đã trải qua những thay đổi lớn về chính trị - xã hội, và kinh tế, văn hóa cũng thay đổi theo. Một loại hình âm nhạc bác học như Ca Huế dường như không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội bấy giờ, cho nên trong những năm mới giải phóng, hình thức Ca Huế tri âm không được tổ chức.

Đến đầu thập niên 1980, nghệ nhân Thanh Tâm trở lại với Ca Huế khi tham gia Câu lạc bộ Ca Huế - nơi quy tụ các nghệ sĩ có tâm huyết như Võ Quê, Lệ Hoa, Thái Hùng, Châu Thới, Kim Vàng, Khánh Vân… Kể từ đó, cô là giọng ca chính trong các suất diễn thường kỳ tại Nhà Văn hóa – Thông tin Thành phố Huế (bấy giờ có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, ngay đầu cầu Trường Tiền, ở vị trí nhà sách Trường Tiền hiện nay). Đặc biệt, khi du lịch Huế bắt đầu khởi sắc vào cuối thập niên 1980, nhóm của cô là những nghệ sĩ đầu tiên xuống thuyền trình diễn phục vụ khách du lịch trên sông Hương. Dù biểu diễn trong môi trường du lịch với đối tượng khách đa dạng, mỗi lần diễn, cô Thanh Tâm vẫn ca với tất cả tấm lòng. Cô bộc bạch rằng cho dù khách du lịch không cảm nhận được nghệ thuật của mình thì cô vẫn ca với tất cả tình cảm, tâm huyết, khách không nghe thì cô ca cho chính mình và các nghệ sĩ khác cùng thưởng thức. Thế là người nghệ sĩ ấy vẫn thả hồn mình vào từng lời ca, nắn nót từng câu chữ, từng nét luyến láy… Bản lĩnh của một nghệ sĩ thực thụ thật đáng trân trọng. Nếu ai cũng có tài năng và suy nghĩ về nghề như cô thì nghệ thuật Ca Huế đã không bị xuống cấp trong môi trường du lịch như hiện nay.

Nếu như thời gian trước 1975, những buổi ca tri âm luôn mang lại nhiều cảm hứng thì kể từ năm 1975 đến nay, những lần trình diễn để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với nghệ nhân Thanh Tâm là tham gia các sự kiện văn hóa lớn, những chuyến lưu diễn ngoại quốc, ngoại tỉnh, hay tại các festival Huế. Là nghệ sĩ hàng đầu về nghệ thuật Ca Huế, cô Thanh Tâm là giọng ca không thể thiếu tại các sân khấu lớn, ở đó, nghệ thuật Ca Huế cùng tiếng ca ngọt ngào của cô được các tầng lớp khán giả trân trọng, tôn vinh.

Có thể thấy rằng sau năm 1975, hoạt động của nghệ nhân Thanh Tâm nói riêng và của nghệ thuật Ca Huế nói chung đã đi theo một chiều hướng khác: tính chất trình diễn đã thay thế tính chất tri âm như trước đây. Trong những thập niên gần đây, hình thức ca tri âm hầu như đã hoàn toàn vắng bóng, và nổi trội nhất vẫn là các show diễn phục vụ du lịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật của một loại hình âm nhạc bác học. Nếu như Ca Huế tri âm được tổ chức trong một nhóm nhỏ với những người tri âm mộ điệu, nghệ thuật đàn ca vì thế được trau chuốt, nâng tầm thì lối ca mang tính trình diễn lại có đối tượng khán thính giả phong phú hơn, với nhiều trình độ thưởng thức khác nhau nên nghệ sĩ khó có điều kiện tập trung nâng cao được nghệ thuật. Nói cách khác, khi được trình diễn trên sân khấu, nhất là môi trường du lịch, Ca Huế không lựa chọn được đối tượng khán thính giả lý tưởng của mình mà phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau với các nhu cầu, trình độ khác nhau. Chính vì thế, các cuộc trình diễn dạng này thường thiên về hình thức mà không đi vào chiều sâu, không thể bộc lộ hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Rõ ràng, vai trò của người thưởng thức không còn là thứ yếu, bị động mà ngược lại, nó có tác dụng thúc đẩy người biểu diễn “trổ” những ngón đàn hay, những luyến láy tinh tế, khiến cho nghệ thuật được nâng cao. Câu chuyện xưa về Bá Nha đập vỡ cây đàn yêu quý của mình khi hay tin người bạn tri âm là Tử Kỳ qua đời vẫn còn nguyên giá trị trong trường hợp của nghệ thuật Ca Huế.

4. Lối ứng xử giữa các nghệ sĩ

Trong Ca Huế tri âm, mối quan hệ giữa các nghệ sĩ với nhau là rất mật thiết. Họ là những người đồng điệu về tâm hồn, về sở thích. Họ nhận biết rõ và trân trọng tài năng của nhau, thế hệ sau tôn trọng và học hỏi thế hệ trước. Thế giới của các nghệ sĩ Ca Huế không lớn, đó chỉ là một nhóm nhỏ những người đồng điệu, hiểu rõ về nhau trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống. Họ biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của nhau, và có cách cư xử tế nhị để không làm mất lòng nhau. Cách cư xử tế nhị ấy không chỉ được áp dụng trong cuộc sống mà cả trong nghệ thuật.

Một đặc điểm của Ca Huế là tính ngẫu hứng, nghĩa là nghệ sĩ có thể ứng tác tại chỗ dựa trên giai điệu cơ bản có sẵn. Có một nguyên tắc bất thành văn rằng khi hòa tấu với nhau, các nghệ sĩ thường phải “tế nhị” với nhau, nghĩa là biết lắng nghe nhau, nhường nhịn nhau, nâng nhau lên. Chẳng hạn, nghệ sĩ Ca Huế không thể để tiếng đàn của mình lúc nào cũng vang to, lấn át tiếng đàn của những người khác mà lắm khi phải biết hạ thấp âm lượng và cao độ (xuống quãng 8 thấp hơn) để nhường “đất” cho các nghệ sĩ khác “trổ ngón” trên nền tiếng đàn của mình. Hoặc có lúc ca nhi mới vào nghề ca bị “rớt” nhịp, hay gõ phách không chắc nhịp, dàn nhạc phải “vớt” để đưa phần trình diễn về đúng với khuôn nhịp bài bản… Cứ thế, nghệ sĩ phải biết phối hợp ăn ý với nhau, nếu đó đều là những nghệ sĩ chắc tay nghề thì sẽ làm thành một phần trình diễn tuyệt vời có tung hứng, có nhường nhịn, nâng đỡ tiếng đàn, tiếng ca của nhau. Cho nên, trong lúc hòa tấu, ngoài việc nắm vững bài đàn, bài ca của mình, nghệ sĩ còn phải lắng nghe để điều chỉnh phần trình diễn của mình lúc to lúc nhỏ, lúc cương lúc nhu, làm sao để tạo nên một bản hòa tấu hòa hợp nhất.

Giữa các nghệ sĩ Ca Huế, mối quan hệ về thứ bậc rất được tôn trọng, trong đó trò phải tôn kính thầy, lớp đàn em phải quý trọng thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước. Các thầy không dễ dàng khi nhận đệ tử. Trước hết, thầy phải xem xét về tính cách, năng khiếu, đạo đức của trò. Nếu trò thiếu một trong ba điều kiện trên thì thầy khó lòng nhận đệ tử. Chẳng hạn, nếu trò có năng khiếu, nhưng tính tình lấc cấc, thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng những người chung quanh thì sẽ không thể “tế nhị” và không biết nhường nhịn khi hòa tấu trong dàn nhạc. Hoặc nếu trò thiếu đạo đức thì về sau dễ phản thầy, phản bạn, làm xấu mặt cho giới nghệ sĩ… Rồi khi đã được thầy đánh giá tốt và nhận trò để truyền nghề, trong quá trình dạy và học nghề, thầy vẫn thường xuyên quan sát tâm tính của trò, bởi lòng người thay đổi là chuyện thường xảy ra. Và chuyện thầy giấu nghề vì lý do này, lý do khác là điều có thật. Thầy chỉ truyền hết “ngón nghề” cho một số ít những học trò tâm phúc nhất – những người có thể đảm bảo được các điều kiện cần và đủ cho nghề nghiệp. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho những tinh túy của nghệ thuật Ca Huế có thể bị phôi pha theo thời gian.

Giữa các nghệ sĩ Ca Huế có tình cảm nam nữ cá nhân hay không? Câu trả lời là có. Khác với Quan họ, nơi mà các liền anh, liền chị không được lấy nhau, chuyện yêu đương nam nữ giữa các nghệ sĩ Ca Huế không bị cấm kỵ. Và hiện tượng này không phải là hiếm trong giới nghệ sĩ Ca Huế. Là những người sẵn có tâm hồn đồng điệu trong âm nhạc, lại là những nghệ sĩ đa cảm, họ càng dễ đồng cảm, chia xẻ với nhau trong cuộc sống. Nhưng đó phải là những tình cảm chân chính và nhiều người đã trở thành vợ chồng, như các cặp nghệ sĩ Vĩnh Phan – Bích Liễu, Viễn Dung – Quế Trân, Cao Hữu Oong – Minh Mẫn… Cũng có những trường hợp tình cảm ngang trái, yêu nhau mà không đến được với nhau do các mối ràng buộc, người nghệ sĩ cũng không thể vượt qua định kiến xã hội. Lúc ấy, người nghệ sĩ thường chuyển hóa những tình cảm ấy vào tiếng đàn, giọng hát, lời ca khiến âm nhạc của họ càng thêm nỉ non, tha thiết…

Trích lời ca bản Nam ai:

Ái ân chi để riêng mình, ôm mộng chung tình mòn mỏi
Tơ vương chẳng nhằm nơi, vướng mộng chia phôi.
Dây càng buộc càng lơi với lệ lòng lai láng không nguôi
Ôi nước ngược thuyền xuôi cho dang dở kiếp người…

Lời ca bản Nam bình:

Biết nhau đà muộn ai ơi thế đành thôi
Lửa tình nhen nhúm mà phải khuây nguôi
Kiếp nầy khó gặp nhau rồi
Hẹn kiếp sau biết có đặng nên lời.
Nỗi niềm yêu mến, gác lên lòng xin đừng nhắc đến, đau khổ lắm rồi,
Cảm thương thôi, nay thuyền ván đã đóng rồi
Yêu nhau đành phụ nhau thôi lòng chan chứa khó phân nên lời.
Hỡi ông trời trêu chi cho bận lòng tri kỷ bạn mình ơi
Đành vậy thế thôi nguyện cùng ai kiếp sau luân hồi.

Kết luận

Với tuổi đời đã 75 và hơn 60 năm tuổi nghề, đến nay, nghệ nhân Thanh Tâm vẫn dành trọn tâm hồn, tình cảm cho nghệ thuật Ca Huế. Những câu chuyện kể của cô về quá trình học nghề, theo nghề trong suốt 60 năm qua cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn về bản chất của nghệ thuật Ca Huế. Đây tuy không phải giai đoạn hoàng kim của Ca Huế, song là giai đoạn chuyển tiếp giữa cũ và mới, giữa xưa và nay, cho thấy những đổi thay và nguyên nhân của những đổi thay đó.

Những câu chuyện kể của NNƯT Thanh Tâm cho chúng ta những bài học về nghệ thuật Ca Huế, từ cách học tập, rèn luyện không ngừng, sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mối quan hệ giữa các nghệ sĩ và giữa nghệ sĩ với người thưởng thức…, tất cả hòa quyện lại để tạo nên một giọng ca vàng hiếm có như nghệ nhân Thanh Tâm. Qua câu chuyện, chúng tôi cũng nhận thấy rằng Ca Huế đã chuyển đổi từ tính chất tri âm, tri kỷ sang tính chất trình diễn trong những thập kỷ gần đây. Thực tế hiện nay, Ca Huế tri âm hầu như đã vắng bóng trong sinh hoạt của các nghệ nhân, nghệ sĩ mà hoạt động mạnh nhất vẫn là Ca Huế phục vụ du lịch. 

Dù vậy, âm ỉ một mạch nguồn Ca Huế vẫn chảy trong lòng một số các nghệ nhân, nghệ sĩ như cô Thanh Tâm, song công chúng vẫn chỉ nhìn thấy bề ngoài của nó là các show diễn phục vụ du khách hàng đêm trên sông Hương. Làm thế nào để phát huy được cả chiều sâu của Ca Huế để mọi người nhận biết, trân trọng giá trị của nó và giữ gìn nó là một việc không dễ, cần có nhiều nỗ lực của chính quyền, của ngành văn hóa và hẳn nhiên cần đến sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ như NNƯT Thanh Tâm.

P.T.T.
(TCSH392/10-2021)

---------------------------------
1. Phách là nhạc cụ cấu tạo từ 2 thanh gỗ nhỏ vừa với tay cầm, được vót tròn, làm từ chất liệu gỗ tốt để có tiếng tuy nhỏ mà thanh và vang. Người xưa không phân biệt ý nghĩa của 2 thuật ngữ phách và nhịp như trong âm nhạc phương Tây mà họ dùng lẫn lộn 2 thuật ngữ này với nhau. Gọi là gõ phách, nhưng thực chất đó là gõ vào mỗi nhịp của bài bản.

2. Xem thêm Phan Thuận Thảo (2021), Ca Huế tri âm, Sông Hương, số 386 (4.2021), tr.70-75.

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Nhiều tác giả (2019), Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nxb Thuận Hóa, Huế.

2. Bùi Ngọc Phúc (chủ nhiệm đề tài) (2014), Báo cáo tổng hợp kết quả NCKH đề tài cấp Bộ Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Huế.

3. Phan Thuận Thảo (2018), Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài Tương tư khúc, Sông Hương, số 355, 9.2018.

4. Phan Thuận Thảo (2020), Ca Huế qua góc nhìn của nghệ sĩ Thanh Tâm, Đề tài NCKH cấp cơ sở, Học viện Âm nhạc Huế, Huế.

5. Phan Thuận Thảo (2021), Ca Huế tri âm, Sông Hương, số 386 (4.2021), tr.70-75.

6. Phỏng vấn NNƯT Thanh Tâm, ngày 29/6/2020, 19/7/2020, 7/9/2020, 5/11/2020, 14/11/2020.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng