Những khoảnh khắc
Nhiếp ảnh có phải là một nghệ thuật không?
09:08 | 19/03/2008
Cách đây hơn 40 năm, những cuộc triển lãm nhiếp ảnh, và một cuộc thi có tính chất quốc tế về nhiếp ảnh tổ chức tại Saigon đã cho chúng ta thưởng thức nhiều tác phẩm rất đáng chú ý của ngành này.
Nhiếp ảnh có phải là một nghệ thuật không?

Nhưng, đối với câu hỏi "Nhiếp ảnh có phải là một nghệ thuật không?", hiện nay vẫn còn một số ít người ý kiến trái ngược. Để các bạn có thể theo dõi sự tiến triển của ngành nhiếp ảnh, chúng tôi xin đưa ra những nhận xét sau đây của ông Ocar Schisgall (Mỹ), một nhà phê bình nghệ thuật lúc bấy giờ hiểu biết rất nhiều về nhiếp ảnh và nghệ thuật hội họa.

Đã từ lâu nhiếp ảnh đã tự chiếm được cái quyền bước vào lãnh vực của nghệ thuật. Ông James Rorimer giám đốc viện "Metropolitan Museum of Art" tại New York lúc đó đã tuyên bố: "Một hình ảnh làm rung động được lòng người có thể coi như một tác phẩm nghệ thuật, bất cứ hình ảnh đó do một họa sĩ, một nhà điêu khắc hay một nhiếp ảnh viên tạo ra."

Sau đó, một cuộc triển lãm nhiếp ảnh tại viện Metropolitan Museum đã chứng minh một cách vẻ vang ý kiến này. Giữa những tác phẩm nhiếp ảnh, người ta treo nhiều bức thủy họa trứ danh của Goya. Một số lớn khách tới thăm rất bối rối trong sự so sánh giá trị nghệ thuật của hai loại nghệ phẩm. Bức hình chụp với tựa đề "Cuộc hành hương ở Cuenca" làm người xem phải kính phục không kém gì những bức họa đẹp nhất của Goya.

Nhiều khi, nhiếp ảnh còn làm cho người ta chú ý hơn trong việc thưởng thức một họa phẩm. Ông Irving Penn (Mỹ) đã chụp một khung cảnh rừng thông đẹp đến nỗi người ta không khỏi đem so sánh với những cảnh rừng cây trên bờ sông của họa sĩ Claude Monet. Ảnh chụp và tranh vẽ đều nêu được đúng vẻ đẹp thiên nhiên của cảnh vật.

Nhiều nhiếp ảnh viên cũng có cái thích riêng một đề tài như các họa sĩ. Monet vẽ liên tục không biết bao nhiêu họa phẩm với những vật quen thuộc như: đống rơm, hồ sen, thánh đường v.v... Edward Stei-Chen, niên trưởng trong ngành nhiếp ảnh Mỹ, đã chụp rất nhiều bức hình cây hoa ở trước cửa nhà ông. Ông như bị thôi miên vì vẻ đẹp luôn biến đổi của cây do ảnh hưởng của ánh sáng, mưa rơi, bóng mặt trời tạo nên.

Lúc bấy giờ lưu giữ được những bộ sưu tập tác phẩm nhiếp ảnh rất khó, mà chỉ tổ chức những cuộc triển lãm các viện bảo tàng nghệ thuật ở Mỹ và Âu Châu đã khuyến khích không biết bao nhiêu nghệ sĩ nhiếp ảnh tài tử. Nhờ vậy mà trong số 183 bức ảnh được lựa chọn trong cuộc triển lãm của viện Metropolitan Museum, được đặt tên là cuộc triển lãm "Mỹ thuật và nhiếp ảnh", đã có tới 21 nhiếp ảnh viên tài tử.

Trong số đó có bức ảnh "Quay về ổ cũ" nhiếp ảnh gia tài tử Leo Lerch ghi lại cảnh những mục tử dẫn đàn cừu và dê về nhà giữa một cơn lốc bụi chói chang thật là đặc sắc. Ông Lerch thuật lại: Tôi đi dạo chơi thì bất ngờ gặp đám người và những con vật đó trên một con đường núi. Những mục tử vốn không ưa gì kẻ lạ mặt. Họ quay lưng xua cừu đi. Thấy cảnh đẹp, tôi lập tức lấy máy ra chụp.

Nói về nhiếp ảnh, Erich Hartmann một nhiếp ảnh gia người Mỹ cũng có những quan niệm xác thực: người ta chỉ là một nhiếp ảnh viên khi biết lựa chọn trong một cảnh diễn ra trên một bộ mặt, một khung cảnh nào đó các nét cảm động, đẹp hoặc bi thảm, và chính những vật giản dị, quen thuộc... như một cành lá chẳng hạn, mới dễ cho ta khai thác.

Sở dĩ Hartmann nhắc tới một cành lá là vì chính ông đã thành công với thứ rất tầm thường này. Từ một cành xương rồng, một tàu lá dừa, cây cao su, ông đã ghi nhận được những đường nét nhịp nhàng vô song, những hình ảnh cân đối tuyệt mỹ của tạo vật.

Trước năm 1950, các nhà phê bình hội họa thường gọi những bức họa tồi là những "bức ảnh chụp" có ý là nó không diễn đạt được cảm xúc có vẻ máy móc. Nhưng ngày nay, một nhiếp ảnh gia có thể so tài với bất cứ nghệ sĩ nào của bất cứ ngành nào trong việc diễn tả cảm xúc. Chẳng hạn như khi chĩa ống kính vào những trẻ em mồ côi vì tai nạn chiến tranh ở các dưỡng đường, David Seymour không hề tìm "cái đẹp" mà chỉ diễn tả một thực trạng của nhân loại. Một bức ảnh của ông có thể trở thành một tác phẩm cổ điển: nó đã thu được nét đau đớn xé lòng vì thảm trạng chiến tranh trên vẻ mặt của một em bé mồ côi.

Đứng về phía nghệ thuật trừu tượng mà nói, nhiều bức ảnh của viện "Nghệ thuật mới" ở New York lúc đó đã chứng tỏ là ngành nhiếp ảnh có đủ khả năng diễn đạt bằng hình thức này. Những bức ảnh cũng mãnh liệt, lạ lùng và trong một vài trường hợp cũng khó hiểu như tác phẩm của những họa sĩ trừu tượng táo bạo nhất. Scott Hyde nhiếp ảnh gia Mỹ đã tạo được những rung động thật là kỳ lạ với mấy bức ảnh chụp một tấm nhuộm lá bị gãy nát. Ở đây, chỉ có ống kính mới ghi lại nổi sự phong phú về màu sắc và đường nét trên một tấm nhuộm lá đó. Nhiếp ảnh gia người Áo Ernst Haas đã thành công một cách kỳ ảo trong việc nghiên cứu ánh sáng mặt trời phản chiếu trên cát ướt, bóng râm trên mặt nước, cái khối đen mờ mờ của con bò mộng xông tới húc một con ngựa, và thậm chí đến cả hình ảnh... 3 thỏi "pho mát" trên mặt bàn.

Năm 1955 một nhiếp ảnh viên tài tử đã viết thư hỏi ông Ivan Đmitri là nhiếp ảnh gia đứng hàng đầu trong số những người tham dự cuộc triển lãm "Mỹ thuật và Hội họa" tại New York: "Có phương pháp nào để đạt được một bức ảnh chụp có tính chất nghệ thuật không? "Ông Dmitri trả lời: "Ông hãy cố gắng làm sao có đủ can đảm chụp những cái mà riêng ông cho là đáng kể. Cách tốt nhất khiến được người khác phải rung cảm là đưa ra trước mắt họ những thứ đã làm chính ông cảm xúc." Và ông lấy bức ảnh chụp "cái ghế" của Wynn Bullock làm dẫn chứng. Tác giả đã ghi lại một hình ảnh có thể là xấu xí đối với con mắt của người ngoài: Một bộ gọng ghê gần cháy tàn để dựa vào một hàng rào cũng bị xơ xác. Ấy vậy mà Bullock đã thực hiện được một tuyệt tác phẩm diễn tả vẻ đẹp bi thương, cũng như cô Jeannette Klute chỉ nhờ đã can đảm làm theo ý mình mà chụp được một bức hình mỹ thuật với mấy cái vỏ ốc, vỏ sò tầm thường ở bãi cát.

Nhiều nhiếp ảnh viên tài tử tự hỏi: "Có phải những bức ảnh bất hủ thường do sự tình cờ đưa lại chăng? "Điều này có thể đúng với một vài bức ảnh thời sự đặc biệt, nhưng đa số ảnh chụp có nghệ thuật đều là kết quả của những công trình tìm tòi kiên nhẫn. Người nghệ sĩ thấy một hình ảnh nào đó bằng một con mắt tinh luyện, anh nghiên cứu hình ảnh đó như nhà họa sĩ nghiên cứu một đề tài, dưới nhiều khía cạnh và chiều hướng ánh sáng khác nhau. Cho tới khi vừa ý, thường là nhiều giờ, nhiều ngày anh mới thực hiện được một bức ảnh nghệ thuật nhờ cố gắng và chịu khó.

Thế còn ảnh hưởng của kỹ thuật ở trong "phòng tối" và các thứ lặt vặt khác của nhà nghề thì sao? Đã đành rằng kỹ thuật có thể biến đổi một cách lạ lùng một phim ảnh ở trong phòng tối, nhưng nói chung các nhiếp ảnh viên không cần phải nhờ đến mánh khóe để làm cho đẹp hơn cảnh vật thiên nhiên, hoặc một hình ảnh thực của cuộc đời. Tuy vậy, nếu những kỹ thuật nho nhỏ và kinh nghiệm có thể giúp cho việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật thì tội gì mà ta lại bỏ qua?

Các nhiếp ảnh viên có biết khai thác được trọn vẹn khả năng của mình không? Điều đó còn tùy ở xúc cảm, ở công phu tìm tòi liên tục cái đẹp của hàng triệu người có cái máy ảnh trong tay. Những hình ảnh họ ghi lại ngày nay sẽ làm giàu cho các bảo tàng viện nghệ thuật của tương lai. Vì nghệ thuật nhiếp ảnh còn hứa hẹn rất nhiều.

NGÔ TUỆ
(123/05-99)





 

Các bài mới