Nhiếp ảnh Huế
Vài câu chuyện nhiếp ảnh hôm nay
14:49 | 25/01/2016

PHẠM BÁ THỊNH

Từ vốn sống của người cầm máy
Từ lâu nhiếp ảnh đã trở thành một loại hình nghệ thuật và cùng với những loại hình nghệ thuật khác đóng góp nhiều thành tựu tích cực vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Vài câu chuyện nhiếp ảnh hôm nay
"Quê hương". Ảnh Lê Quang Phú

Nhiếp ảnh vì vậy cũng có cùng giá trị xã hội như các loại hình nghệ thuật xuất hiện trước đó. Giới lý luận phê bình đã nhắc đến giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ của văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có nhiếp ảnh. Những ai chỉ đề cập đến giá trị thẩm mỹ của nhiếp ảnh - quan niệm ảnh chỉ chú trọng mô tả cái đẹp, ảnh chỉ cốt làm đẹp cho cuộc sống là chưa nhìn nhận đúng những giá trị xã hội và chức năng của nhiếp ảnh.

Trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh không ít người chỉ mới nghĩ đến việc chăm chút thể hiện khía cạnh thẩm mỹ và cốt sao nâng tính thẩm mỹ cho tác phẩm của mình mà chưa thật sự có ý thức rõ ràng về chức năng, về giá trị nhận thức và giá trị giáo dục do nhiếp ảnh mang lại. Điều này thể hiện ở chỗ họ mải mê tập trung săn tìm những cảnh đẹp, lạ vào lúc sương sớm, bình minh hay hoàng hôn, chụp hết lần này đến lần khác. Ngay cả khi chụp hoạt động lao động cũng cốt tìm cái khoảnh khắc hoàn mỹ của bối cảnh, của thời điểm, tư thế. Chụp con người cũng trong sự hoàn mỹ của y phục, sự tạo dáng, ánh sáng và khung cảnh. Vì vậy có khi dàn dựng, bố trí đưa cả hoạt động lao động vào trong các studio để chụp, dùng các người mẫu xinh đẹp ở thành phố đóng vai nhân vật công nhân, nông dân, người dân tộc thiểu số để tấm ảnh tăng phần mỹ cảm. Tác giả đâu biết rằng điều đó dễ làm lộ ra phần vụng về, thiếu chân thực, ngượng gạo trong động tác, nét mặt, thần thái, phối cảnh dẫn đến sự phản cảm, đánh mất giá trị nhận thức của tấm ảnh và các giá trị khác cũng vì vậy mà không thể có được. Phần mềm Photoshop hiện đại cũng đã được khai thác tối đa phục vụ nhu cầu làm đẹp tấm ảnh. Ảnh trở nên mượt mà, no màu, rạng rỡ, sắc nét nhưng nhiều khi lại thiếu đi hơi thở sinh động của cuộc sống, vô hồn, vô cảm. Trong tấm ảnh vẫn có hình ảnh, chi tiết của hiện thực khách quan mà người xem ảnh vẫn cứ thấy ngờ ngợ xa lạ và giả tạo. Ảnh thiếu hơi ấm nhân sinh, nó không gắn với một số phận, một hoàn cảnh điển hình nào. Nó không giúp cho người xem liên tưởng đến cuộc sống để rung động vì cuộc sống đó. Không phủ nhận hoàn toàn việc tìm kiếm sự hoàn mỹ của hình thức nhưng chỉ chạy theo nó, trau chuốt cho vẻ đẹp hình thức thái quá cũng là một nhận thức lệch lạc về sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, về vai trò và chức năng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đối với cuộc sống, xã hội… Sự hài hòa của màu sắc, ánh sáng, của người và vật, người và cảnh, góc máy và đối tượng chụp, kể cả của người chụp và nhân vật đã góp phần nâng tính thẩm mỹ của tác phẩm ảnh. Người xem trước hết được hưởng thụ cái đẹp của hình thức, tuy vậy nên ý thức rằng: điều đó mới là yếu tố cần nhưng chưa đủ, bởi lẽ đó chỉ mới là sự khởi tạo đường dẫn, chỉ là điểm bắt đầu cho một hành trình tiếp nhận của người xem tìm đến những nội dung tri thức, nội dung tự nhiên - xã hội mang tính nhân văn với nhiều tầng nghĩa cần được dung chứa trong cái hoàn mỹ của hình thức đó. Làm được như vậy mới là vươn đến đỉnh điểm của ý nghĩa sáng tạo, là đích đến của người nghệ sĩ.

Theo tôi, sẽ là thiếu sót nếu người nghệ sĩ nhiếp ảnh không tư duy về nội dung một cách sâu sắc để đẩy tác phẩm lên một tầm cao của giá trị nhận thức và giáo dục. Không thể nói đến tác phẩm đỉnh cao khi nội dung thiếu vắng những vấn đề căn cơ của hiện thực xã hội và nhân sinh, nhân văn và nhân bản, vấn đề con người trong quan hệ với môi trường thiên nhiên… Sáng tạo nhiếp ảnh là phải thổi căng hình thức đẹp của tấm ảnh bằng hơi nóng của những vấn đề thời cuộc, chính trị xã hội đất nước, số phận con người lao động chân chính và cả ước mơ, khát vọng vươn cao, vấn đề tài năng và nghị lực, phẩm giá và lương tâm con người Việt Nam hôm nay. Sáng tạo nhiếp ảnh không chỉ là sáng tạo về mặt hình thức mà phải sáng tạo cả trong nội dung thể hiện và hơn hết đó là nội dung chính trị, xã hội, nhân sinh mà hiện thực cuộc sống đang đặt ra và giải quyết. Sáng tạo trong nội dung là phải biết đưa lên ảnh những khía cạnh cơ bản, tích cực, tiến bộ; phát hiện những khuất lấp của vấn đề số phận con người và cuộc sống, miêu tả sinh động những cung bậc khác nhau của khát vọng chính đáng của nhân dân, của con người nói chung.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh với đặc trưng về phương tiện và phương thức phản ánh hiện thực cuộc sống nhanh nhạy, chân xác, khách quan, cụ thể và sinh động không thể không chú tâm quan sát và phát hiện một cách sâu sắc những vấn đề cốt lõi của hiện thực cuộc sống mà anh đang sống. Phải hướng ống kính về mọi phía của cuộc sống với cái nhìn tỉnh táo, phân định đúng - sai, chân - giả, đẹp - xấu, biết cái cần và cái chưa cần, thấy cái bản chất và cái hiện tượng để chọn lựa; và bấm máy với trái tim, với tình cảm sẻ chia, cảm thông, yêu thương cuộc đời và con người. Không suy nghĩ sâu sắc về nội dung cần phản ánh, tác phẩm của anh ta cũng chỉ dừng lại ở cái vẻ ngoài mỹ miều của ánh sáng, bố cục, màu sắc; của tính thẩm mỹ chung chung làm vui mắt một số người dễ tính, hời hợt. Ảnh sẽ thiếu đi giá trị nhận thức và giáo dục đối với người xem, sẽ thiếu sức sống, sức lan tỏa lâu dài và sâu rộng.

Nội dung của ảnh càng thiết thực, phản ánh đa dạng, sinh động và sâu sát với hiện thực cuộc sống, càng đem lại cho người xem sự hứng thú được khám phá, được tiếp nhận cái mới mẻ của hiện thực cuộc sống chung quanh. Giá trị nhận thức của nhiếp ảnh chính là những tri thức mới, những cách nhìn mới mang tính chân thực về hiện thực được chuyển tải trong nội dung của tác phẩm ảnh thông qua sự hoàn thiện của tính thẩm mỹ nghệ thuật nhiếp ảnh, của ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Cũng cần nói thêm, cái mới trong ảnh có thể được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau của chủ đề được phản ánh ví dụ như qua góc nhìn lạ của nhà nhiếp ảnh, qua kỹ thuật lia máy tạo độ mờ nhòe, qua một số thủ thuật của hình thức biểu hiện và các phương tiện kỹ thuật hiện đại… Chúng ta không quá đề cao một chiều cái mới cũng như không bảo thủ khi cho rằng nhiếp ảnh hôm nay cứ phải giữ lại và chỉ tuân thủ những gì nhiếp ảnh truyền thống đã tạo ra trước đây như một số người quan niệm. Theo họ những thủ thuật mới của nhiếp ảnh hiện đại làm cho nhiếp ảnh xa rời bản chất của nhiếp ảnh. Theo tôi những quan niệm bảo thủ đó biểu thị một nhận thức sai lầm, một phản kháng do tâm lý thụ động, tự ti, không theo kịp cái mới mang lại. Có thể họ không theo kịp với đà phát triển vượt trội của khoa học kỹ thuật nhiếp ảnh đương đại, họ quay về neo bám truyền thống để cốt bảo vệ cho những gì họ có được và vì vậy họ thiếu sức sáng tạo về hình thức thẩm mỹ nghệ thuật và hạn chế sức biểu đạt nội dung ý nghĩa của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng đề phòng sự lạm dụng quá đà kỹ thuật mới trong xử lý hậu kỳ dẫn đến lạ hóa hoàn toàn hiện thực hoặc hoàn mỹ hiện thực một cách phi thực tế, xử dụng chúng cũng phải tính đến giới hạn cần thiết trong loại hình nào đó của nhiếp ảnh nếu không muốn bị phủ nhận. Mọi thủ pháp đều phải tính tới sự hài hòa giữa hình thức - nội dung nhằm nâng cao các giá trị xã hội mà tấm ảnh mang lại cho người xem.

Chất lượng nội dung của ảnh còn được quyết định bằng những vấn đề có chiều sâu ý nghĩa, có sức nặng tạo tác động tâm lý xã hội và tình cảm đến người xem, những vấn đề làm cho người xem ưu tư, trăn trở cũng như có khi làm cho người xem tự tin, nung nấu khát vọng vươn lên. Suy nghĩ về vấn đề này giúp nhà nhiếp ảnh cân nhắc hơn trong quá trình sáng tạo của mình. Bởi đó là quá trình của tư duy cần có ở người cầm máy. Đó cũng là khác biệt giữa thao tác bấm máy vô cảm, vô ý thức với hoạt động sáng tạo nghệ thuật đầy trách nhiệm của người nghệ sĩ. Không chăm chút nâng cao giá trị nhận thức của tác phẩm thì cũng có khi rơi vào tình trạng vô cảm, sao chép máy móc hình ảnh của ai đó có trước mà không ý thức về mục đích và giá trị cần có và phải có của tấm ảnh. Thực tế đã có người cùng đi sáng tác với anh em nhưng khi bấm máy cũng như sau khi bấm máy vẫn chưa hiểu mình chụp tấm ảnh ấy để làm gì, nói điều gì, hoặc mãi về sau vẫn không biết đặt tên tấm ảnh là gì. Lôgic của quá trình sáng tạo nghệ thuật nói chung phải xuất phát từ ý tưởng về một nội dung được biểu đạt mới đi đến tìm kiếm cái hình thức biểu đạt thích hợp và khai thác ở mức độ cao nhất, hoàn thiện nhất về nó trong tác phẩm của mình.

Khi bấm máy với ý thức sáng tạo nghệ thuật, ý thức mang đến cho người xem một nội dung hiện thực mới mẻ, làm thay đổi nhận thức của họ về hiện thực cuộc sống chung quanh thì đồng thời hình ảnh đó cũng đã có tác động mang tính giáo dục, có ý nghĩa giáo dục đối với người xem. Bởi xét cho cùng, trong bản thân người thưởng thức khi xem ảnh bao giờ cũng hình thành một sự chuyển hóa nhất định trong sâu thẳm nội tâm do tác động nhận thức điều mới mẻ từ hình ảnh đó tạo ra. Trên thế giới những tấm ảnh phản ánh những vấn đề xã hội, nhân sinh mang tính hiện thực đầy xúc động luôn có tác động mạnh, tạo ra ở tâm hồn người xem những biểu hiện tình cảm đầy tính nhân ái, nhân văn cao cả. Giá trị giáo dục là hệ quả tất yếu của hình ảnh hiện thực chân thực, nhạy cảm được chuyển tải một cách sinh động, hài hòa trong hình thức biểu cảm thẩm mỹ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Giá trị đó cũng hình thành từ những phút giây bấm máy đầy rung cảm của người sáng tạo. Nói như nhà lý luận thời cổ đại Aristotle: “những ai tự mình trải qua (một nỗi cảm xúc nào đó) mới có thể truyền đạt được nỗi cảm xúc ấy đúng nhất, chỉ có người nào xúc động thực sự mới làm cho người khác xúc động, và chỉ có người nào phẫn nộ mới làm cho người khác phẫn nộ mà thôi”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng phải có nỗi cảm xúc trước hiện thực cuộc sống và trong khoảnh khắc bấm máy mới có thể chuyển tải cảm xúc thật sự đến với người xem. Những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật như “Nụ cười mới” của vũ Thị Tịnh, “Bạn của mẹ” của Đoàn Đức, “Mưa” của Bảo Hưng v.v. Một số ảnh chân dung mẹ Việt Nam anh hùng của Đoàn Dân, “Nỗ lực” của Hoàng Xuân Trí, “Vượt khó” của Cảnh Tăng, “Kiếm sống”, “Dưới mưa” của Hồ Ngọc Sơn, “Gập ghềnh đường đua” (PBT), là những tác phẩm gây xúc động cho người xem bởi nó dung chứa những nội dung ý nghĩa đạo đức và nhân văn sâu sắc, có tác dụng giáo dục tích cực.

Một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đỉnh cao phải tạo ra được giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ qua quá trình tiếp nhận của công chúng.

Đến vốn sống của người thẩm định ảnh

Ông Mạnh Thường, trên tạp chí Nhiếp ảnh số 275 đã nêu một số tiêu chí cần thiết cho một giám khảo để có thể thẩm định tác phẩm ảnh tốt. Tôi đặc biệt quan tâm đến “vốn sống thực tế” được tác giả nêu ra. Vốn sống thực tế phong phú chính là những am hiểu sâu sắc, những tri thức về cuộc sống tự nhiên và xã hội, những trải nghiệm của cá nhân trong hành trình sống của mình. Vốn sống của mỗi người có thể hình thành từ học vấn, từ cọ xát với thực tiễn xã hội, từ tích hợp và chiêm nghiệm của bản thân, thậm chí có khi chỉ đơn giản là từ sự quan sát hiện thực cuốc sống của quần chúng nhân dân chung quanh chúng ta. Điều này chắc chắn sẽ giúp các giám khảo, người thẩm định đọc nhanh và đúng ngôn ngữ hình ảnh, cảm thụ và phân tích có sức thuyết phục nội dung và ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm nhiếp ảnh. Tránh được những phán xét lệch lạc, chủ quan do thiếu hiểu biết thực tế cuộc sống tạo ra.

Thật ra, điều này không mới, trước đây cũng đã có nhiều người nêu ra khi bàn luận đến kết quả thẩm định bất thường của các cuộc thi trong nước. Nhất là khi giám khảo từ vùng miền này sang chấm ảnh ở vùng miền khác. Việc thiếu những kiến thức cơ bản về lịch sử, đất nước, phong tục tập quán, nghề nghiệp sinh hoạt của con người được phản ánh trong ảnh đã dẫn đến nhiều sai sót trong thẩm định đánh giá, gây mất uy tín cho cá nhân giám khảo cũng như tổ chức Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, không đánh giá đúng thành tựu sáng tạo của người cầm máy cũng như không định hướng đúng cho sự phát triển của nhiếp ảnh chuyên nghiệp nước nhà. Ở đây, xin minh họa bằng những câu chuyện cụ thể từ các cuộc chấm chọn ảnh để thấy rõ hơn giá trị của vốn sống, của sự am hiểu thực tế đối với việc thẩm định ảnh.

Cắt cỏ. Ảnh Hồ Ngọc Sơn


Tác giả HNS chụp hai người công nhân Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang cắt cỏ bằng máy cắt cá nhân trước kinh thành Huế. Do đặc trưng nghề nghiệp họ phải đội mũ có kính bảo hiểm trùm kín mặt. Họ làm việc trong môi trường nắng nóng, bức bối, khó chịu nhưng tư thế miệt mài với công việc cho thấy tinh thần trách nhiệm vì đang làm đẹp cho môi trường cây xanh của Huế. Tác giả không chỉ mô tả đơn thuần công việc dọn cỏ mà còn gởi vào đó tình cảm và sự ngợi ca những con người lao động cần cù cho một thành phố xanh-sạch-đẹp. Tiếc thay, giám khảo không hiểu biết đặc trưng nghề nghiệp, không hình dung những nguy cơ xảy ra tai nạn cho công nhân cắt cỏ, lại lớn tiếng phê phán tác giả là giả tạo, bố trí dàn dựng không hợp lý. Sao cắt cỏ lại đội mũ phi công làm gì? Thế là bức ảnh tốt lại bị loại khỏi cuộc chơi một cách oan uổng. Không ai bảo vệ được cho tác giả vì quyết định của ban giám khảo là quyết định không thay đổi được. Tôi lại nghĩ giá như chỉ một lần thôi các giám khảo có dịp xem cảnh cắt cỏ, quan tâm tìm hiểu một chút “cắt cỏ như thế nào?” hoặc có thêm một phút suy nghĩ, hình dung lại hoạt động cắt cỏ bằng máy cầm tay thì không chừng bức ảnh của HNS có khi vào giải cao. Một lần nữa lỗi ở người thẩm định thiếu vốn sống - cái vốn sống đơn giản mà ai cũng có thể tích lũy khi đi ngang qua các công viên trong thành phố và xem cảnh cắt cỏ bình thường. Người thẩm định ảnh còn thiếu cả sự khiêm tốn và rất chủ quan.

Năm 2005, Huế kỷ niệm 30 ngày giải phóng (26/3) với một chương trình đồng diễn hoành tráng trên sân vận động Tự Do. Anh em nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế ấn tượng với màn đồng diễn của lực lượng vũ trang mô tả hào khí những đoàn quân ngày kéo cờ lên Kỳ đài Huế báo tin giải phóng. Hình ảnh lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam to đến vài chục mét vuông được các chiến sĩ giương cao trong màn đồng diễn gợi bao ký ức hào hùng. Hình ảnh đó trở thành hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm ảnh của nhiều người cầm máy ở Huế có mặt hôm đó. Một bức ảnh đã được anh NĐH lựa chọn trong đội hình của mình tham dự liên hoan ảnh khu vực. Bức ảnh lại bị giám khảo loại không phải vì màu sắc xấu, vì mất nét, vì bố cục kém, vì vô nghĩa,… mà vì lá cờ to quá. “Làm gì có lá cờ to thế này? Lại photoshop rồi!”. Một vị giám khảo phán lên đầy chủ quan như thế, những giám khảo khác không có ý kiến thảo luận, mặc nhiên cả ban giám khảo 5 người đồng thuận loại bức ảnh ra khỏi cuộc thi. Giám khảo không chứng kiến sự kiện “kỷ niệm” đặc thù này và không biết có một hiện thực hào hùng đã được mô tả chân thực như thế, điều này chúng ta có thể cảm thông cho giám khảo. Nhưng vấn đề đặt ra trong thẩm định ảnh là đừng áp đặt ý chủ quan của mình lên bức ảnh và lên cả ban giám khảo. Mỗi giám khảo cũng nên có tư duy độc lập trong thẩm định của mình, không thể dễ dàng bị lôi cuốn, bị chi phối bởi ý kiến võ đoán của giám khảo khác trực tiếp như thế được. Đứng trước một sự việc mình chưa hiểu hết thì tốt nhất nên tranh thủ ý kiến chung, trao đổi thảo luận để có hiểu biết ít nhiều về sự việc, hiện tượng được phản ánh trong ảnh. Từ đó mới đánh giá được đúng công sức sáng tạo của tác giả và ý nghĩa, giá trị cũng như tác động của tác phẩm. Chấm ảnh không nhất thiết lúc nào cũng chỉ “săm soi cái phi lý” theo chủ quan, vì có thể phi lý với mình lại là có lý tồn tại của nó trong một thực tế nào đó mình chưa thông hiểu. Vả lại, người thẩm định còn phải biết cảm nhận và phân tích ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật được thể hiện trong ảnh như thế nào. Quả thật, thực tế cuộc sống là điều cần tích lũy, nâng cao ở người làm công tác thẩm định tác phẩm ảnh vì đơn giản ảnh là một lát cắt được tách ra từ cuộc sống đa dạng trong một khoảnh khắc cảm nhận thăng hoa của tác giả.

Năm 2014, cuộc liên hoan ảnh khu vực Bắc miền Trung (BMT) ở Nghệ An, có chủ đề về “Đất nước con người Bắc miền Trung”, tất nhiên ảnh phải tập trung mô tả vẻ đẹp của các miền quê cũng như con người BMT. Con người các tỉnh BMT có một nét chân chất, mộc mạc, có một phong cách ăn mặc bình dị, riêng biệt so với các vùng khác của Bắc bộ và Nam bộ, không khó để nhận ra điều đó. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao Ban giám khảo lại chọn trao giải cho một ảnh chân dung cô gái trẻ người Chăm - nét Chăm hiện rõ trên khuôn mặt và cả trên trang phục của cô gái này. Người Chăm bây giờ sống chủ yếu ở Nam Trung bộ trở vào. Phải chăng giám khảo đã thiếu mất sự hiểu biết thực tế cơ bản hoặc do bởi mải mê bị cuốn hút theo cái đẹp của hình tượng nhân vật trong ảnh mà đánh mất sự phân tích, thẩm định chính xác theo yêu cầu của cuộc thi đặt ra. Những tấm ảnh như thế chỉ xuất hiện trong các khu vực như Nam Trung bộ hoặc khu vực miền Đông Nam bộ.

Không thể không nhắc lại bức ảnh “Thanh bình” của NVV. Bức ảnh được giải KK cuộc thi ảnh toàn quốc năm 1992. Trong ảnh là một người đang chèo con thuyền nhỏ, trên thuyền có mấy con cò đang đậu trông rất xinh xắn. Tất cả soi bóng nước sông phẳng lặng, êm đềm. Các giám khảo lúc đó khen tác giả đã khai thác được sự sống chung giữa con người và động vật (con người và cò), con người sống hài hòa với thiên nhiên, gần gũi đùm bọc loài vật nhỏ bé đáng yêu. Bức ảnh, do vậy có ý nghĩa đề cao việc bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã. Khắc họa được cuộc sống thanh bình nơi thôn dã. Không ai trong giám khảo biết rằng ở miền Trung vào mùa nước lũ người nông dân một số làng có nghề đánh bắt cò và các loài chim di trú bằng cách dùng những con chim thật làm chim mồi để dụ chim trời sa lưới hoặc bẫy giăng sẵn trên ruộng đồng. Những con chim đang đậu yên ắng “thanh bình” ấy là những con chim đã bị người ta bắt trong tự nhiên đem về khâu mắt lại, bị cắt hết lông cánh không còn bay được nữa, chúng bị buộc chân nên chỉ đứng mãi một chỗ trên đồng ruộng. Ngày này qua ngày khác chúng sống vật vờ đáng thương với những miếng mồi do con người đút vào miệng cho chúng... Sự thiếu hiểu biết về tập quán săn bắt chim trời đã dẫn đến bình phẩm sai lệch nội dung và giá trị của bức ảnh, gán ghép một ý nghĩa mà tự thân bức ảnh hoàn toàn ngược lại. Các chi tiết cận cảnh nếu được quan sát thấu đáo sẽ là lời tố cáo một cách săn bắt dã man loài chim trời trong tự nhiên của nhân vật trong ảnh. Tai hại hơn là nó chiếm mất một giải thưởng của những bức ảnh có nội dung tốt đẹp khác. Lỗi một phần ở tác giả khi đặt tên ảnh là “Thanh bình” và phần còn lại là ở những người thẩm định thiếu vốn sống, chủ quan, hời hợt khi xem ảnh.

Đứng trước một bức ảnh, giám khảo - người thẩm định không chỉ là người xem bình thường như bao người thưởng lãm khác. Giám khảo phải bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống, vốn lý luận nghệ thuật nhiếp ảnh và sự nhạy cảm riêng để có thể tái hiện không gian, sự việc, góc nhìn và có thể hình dung cả sự cảm nhận của tác giả khi quyết định bấm máy. Có được “cái nhìn sâu” như vậy mới mong có “cái hiểu đúng, hiểu đầy đủ” ẩn ý đằng sau những chi tiết và hình tượng nghệ thuật trong ảnh. Đó mới chính là hiểu ngôn ngữ nhiếp ảnh để bình phẩm, đánh giá, xếp loại chính xác tác phẩm ảnh.

P.B.T
(SH323/01-16)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng