Nhiếp ảnh Huế
Những dấu son nhiếp ảnh Huế
16:25 | 05/02/2016

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng và người nghệ sĩ nhiếp ảnh được mệnh danh là “người vẽ ánh sáng”.

Những dấu son nhiếp ảnh Huế
"Công phu"

Bằng nhiều phương pháp, kỹ thuật, máy chụp, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Cố đô đã “vẽ” nhiều chi tiết lưu giữ và tái hiện cảnh sắc muôn màu của đất và người nơi đây dưới những góc nhìn sáng tạo, đầy chiêm nghiệm. Những tên tuổi như NSNA Nguyễn Khoa Lợi chuyên chụp những bức ảnh lưu dấu các di tích Kinh đô Huế, Nguyễn Hữu Đính với những tác phẩm về thiên nhiên, sinh vật học... để lại một khối tư liệu ảnh nghệ thuật khổng lồ. Một Đào Hoa Nữ mộng mơ, mộc mạc với quê hương, một Phạm Văn Tý giàu sáng tạo với những gam màu chân chất Huế, một Phạm Bá Thịnh sâu sắc đến từng chi tiết với bóng, và nhiều tay máy chuyên nghiệp khác. Tuy khiêm tốn về số lượng hội viên nhưng hội NSNA Thừa Thiên Huế lại có thành tích vượt trội với hàng trăm tác phẩm đoạt giải ảnh quốc tế, trong nước.

Xứ thiền qua góc nhìn của Công phu

(Tác phẩm của NSNA Phạm Văn Tý)

NSNA Phạm Văn Tý có hơn 20 năm lăn lộn với bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật Huế, xứ sở của những ngôi chùa, là cái “mỏ đề tài” để anh khai phá. Anh đã để lại một dấu ấn lớn trong các tác phẩm đặc tả về không gian chốn thiền môn. Bức ảnh “Công phu” là một không gian trầm mặc nơi đại hùng bảo điện của một ngôi chùa xứ Huế, giữa là 3 vị tăng đang tụng kinh gợi lên sự thanh tịnh. 3 vị tăng trong tư thế kiết già, sắc phục vàng nổi bật giữa phông tối. 8 luồng sáng dọi thẳng từ những ô gương trên mái xuống như ánh hào quang vàng dát. Những chiếc chiếu màu vàng xanh làm sáng lên không gian bên dưới, giữa màu trầm của các bộ cửa lớn. “Công phu” tạo hiệu ứng thị giác rất mạnh, một cái nhìn sâu về Phật giáo. Cách đặt tên phù hợp với nội dung và không gian thể hiện, cộng với tất cả những chi tiết đắt giá về dụng ý nghệ thuật, bố cục, màu sắc, bức ảnh đã giúp tác giả đoạt giải ASHAHI-SHIMBUN của Nhật Bản.

Ký ức xanh qua Tuổi thơ 2

(Tác phẩm của NSNA Ngô Thanh Minh)

Một bức ảnh vui tươi, hồn nhiên của một đám trẻ làng quê đang chơi đùa cùng quả bóng giữa làn nước mênh mông đầm phá. Sân bãi các em nô đùa ngập nước, chỉ còn lơ thơ một dải cỏ xanh làm nền. 9 đứa trẻ với tư thế bắt bóng khác nhau nhưng đều hướng về quả bóng. Nước bắn tung tóe theo nhịp di chuyển của đám trẻ. Quả bóng nhựa màu vàng bay lên cao, nổi bật giữa bầu trời. Những nụ cười tươi của đám trẻ ở vùng quê nghèo khó, tranh nhau của bóng nhựa cũ giữa một vùng toàn nước, NSNA Ngô Thanh Minh đã ghi lại hình ảnh tuổi thơ hồn nhiên sống động, và một niềm yêu thích bóng đá đến nao lòng. Tuổi thơ 2 đoạt giải đặc biệt “Cuộc thi ảnh toàn cầu về bóng đá” của Sony nhân sự kiện World Cup 2010 tại Nam Phi với tổng giá trị giải thưởng gần 10.000 USD.

Chinh phục thiên nhiên qua Biển và con người

(Tác phẩm của NSNA Nguyễn Xuân Hữu Tâm)

Một chiếc thuyền ra khơi giữa những cơn sóng dữ. Sóng mạnh đến nổi như muốn nhấn chìm thuyền. Bọt sóng tung xõa. Ba ngư dân lực lưỡng hiên ngang giữa sóng gió trong cuộc mưu sinh trước biển. Bức ảnh khắc họa được cuộc sống đầy gian khó, hiểm nguy của những ngư dân ngày đêm bám biển. Biển bao la, sóng muôn vàn, sức mạnh thiên nhiên không gì cưỡng được với bao mối nguy luôn rình rập và cuộc đối chọi, chinh phục thiên nhiên con người là thông điệp mà NSNA Nguyễn Xuân Hữu Tâm muốn gửi đến. Tác phẩm cũng ca ngợi sự lao động bền bỉ, kiên gan trước tự nhiên nhiều bất trắc của con người Việt Nam. Tác phẩm được trao tặng giải đặc biệt hạng mục ảnh đơn tại lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Ảnh di sản Việt Nam lần thứ II và bằng danh dự UPI tại Thổ Nhĩ Kì.

Dấu xưa tìm lại Bóng Tịch Dương

(Tác phẩm của NSNA Võ Đông Bảy)

NSNA Võ Đông Bảy theo đuổi từ kiến trúc kinh thành Huế, chùa Huế đến cuộc sống thường nhật vùng đất Cố đô. Có lẽ vì thế mà Bóng Tịch Dương thấm đẫm chất suy tư, trầm mặc trong cái dáng vẻ tịch dương mộng mị. Bức ảnh có màu chủ đạo là màu vàng sậm của bầu trời, mặt hồ, màu đen của lâu đài, cung điện... khiến cảnh sắc trở nên u trầm, lặng lẽ. Và ánh mặt trời le lói sáng lên sau mái điện, thứ ánh sáng cuối ngày buồn bã. Những chi tiết điểm xuyến như chiếc cầu, cây sứ, bông sen trên mặt nước... quyện lại, tô thêm dáng vẻ cổ kính của Đại nội Huế. Bóng Tịch Dương đã đạt giải xuất sắc năm 1996, giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ 2.

Cần lao cùng biển qua Vượt sóng

(Tác phẩm của NSNA Trương Vững)

NSNA Trương Vững là một tay máy xông xáo trên những cung đường và gặt hái nhiều thành công về nhiếp ảnh. Tác phẩm Vượt sóng, một mốc son lớn trong sự nghiệp sáng tác của anh. Bức ảnh được chụp tại biển Vinh Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vào cuối năm 2010. Cả bức ảnh toát lên cái dữ dội của biển cả và tính cần lao của những người ngư dân bám biển. Bố cục bức ảnh khá rộng, với bầu trời cuồn cuộn mây, phía dưới mặt biển gầm thét và một chiếc thuyền chới với giữa muôn trùng sóng. Tỉ lệ vàng 1/3 đã được tác giả chú ý, đặt chiếc thuyền vào góc ảnh, nhân lên bội phần sự bé nhỏ, lọt thỏm của thuyền, của con người trước biển khơi. Tác phẩm đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế Nhật Bản lần 72, huy chương bạc cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần 6 tại Việt Nam (2011), đồng thời được trao giải B của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2011.

Catching Fish No.2 (đánh bắt cá)

(Tác phẩm của NSNA Văn Đình Huy)

Một khúc sông Như Ý huyền mơ, một ngư phủ, một chài lưới là diễm ảnh hấp dẫn của Huế. Catching Fish No.2 hội tụ đầy đủ các điều kiện về ánh sáng, bố cục, kỹ thuật xử lý để đưa hình ảnh một sinh hoạt trên đoạn sông vào huyền thoại mưu sinh. Tác giả đã xử lý phông nền, tiêu điểm khá lý tưởng. Toàn bộ background đều chuyển màu đen trắng, trong khi chài lưới và mặt sông vẫn để nguyên màu thật. Một sự hiện hữu thăm thẳm mở ra trong hoạt cảnh tung chài. Sức trì nặng của lưới, với một vòng bao mạnh mẽ lên mặt sông và vô số tia nước bắn lên không trung như một màn mưa. Một vòng tròn của nước được xác lập, một phần trong không trung và phần chạm mặt nước, vỡ òa. Khoảnh khắc hiếm hoi này, tay máy Văn Đình Huy đã cho thấy biệt tài của mình. Catching Fish No.2 vinh hạnh đoạt huy chương vàng PSA tại Cuộc thi ảnh Swansea international salon 2011.

Gương mặt khác trong Cứu lấy màu xanh

(Tác phẩm của NSNA

Nguyễn Đức Trí) Nguyễn Đức Trí là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ ở Huế “bắt đầu cuộc chơi mới” với thể loại ảnh ý niệm. Ở thể loại này, hình ảnh kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý tưởng sáng tạo và hình thức thể hiện bằng các thủ pháp, phương tiện kỹ thuật của nhiếp ảnh để thể hiện tư tưởng của tác và có khả năng chuyển tải những thông điệp mang tính tích cực về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Cứu lấy màu xanh là một tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm điển hình, mô tả một anh thợ lăn sơn đang làm việc, bên trái anh là thảm rừng xanh trải dài, bên phải là từng lớp sơn đen, làn khói ô nhiễm đen kịt tỏa ra từ ống khói các nhà máy. Con lăn của anh thợ sơn có màu xanh của cây rừng, đang không ngớt xóa đi màu tối mù, đen bẩn của những ống khói. Ở “Cứu lấy màu xanh”, kỹ thuật photoshop, cắt, dán, phối hình ảnh theo ý tưởng đã đóng vai trò then chốt. Nguyễn Đức Trí diễn đạt hiện thực bằng cách thức mới, đi ngoài lề của truyền thống, nhưng lại giàu sức mạnh của ý tưởng mạnh mẽ, rõ ràng, mạch lạc cộng với sự hài hòa về bố cục, kĩ thuật tạo hình. Hiệu ứng thị giác đã thuyết phục được người xem. Bức ảnh được đánh giá ấn tượng, một xung lực của thông điệp bảo vệ môi trường. Bạn hãy “sơn” lại quả đất bằng màu xanh của cây cỏ, và xóa bỏ đi những vết bầm đen của ô nhiễm để có một môi trường sống trong lành, đầy màu xanh. Tác phẩm còn mang nghĩa, chỉ có bàn tay con người mới cải tạo lại được đời sống. Cứu lấy màu xanh vinh dự được trao giải nhất và nhì tại Cuộc thi và triển lãm ảnh ý tưởng năm 2012.

Tình bạn của bóng và hình trong Gập ghềnh đường đua

(Tác phẩm của NSNA Phạm Bá Thịnh)
 

Cái bóng như một thực thể không thể nắm bắt nhưng lại gắn bó với con người. NSNA Phạm Bá Thịnh là người say mê với những chiếc bóng, và chính thực thể “không thể nắm bắt này” đã đưa ông đến những vinh quang nhiếp ảnh. Gập ghềnh đường đua là tiếng nói của những chiếc bóng tật nguyền. Trong ảnh là bóng của hai vận động viên có đôi chân không còn lành lặn. Một đôi chân nửa nguyên vẹn, nửa là sắt thép, nhựa gỗ. Bức ảnh không lấy gương mặt của vận động viên, dường như cắt rời đồng nửa cả hai bức ảnh, nhấn sâu thêm chủ thể chính là bóng đôi chân. Kỹ thuật phân đường chéo cũng được tác giả phối ngẫu rất ưng ý khi xếp hai chiếc bóng theo một đường trục. Chiếc bóng khuyết thiếu trên mặt đường đua, gieo một nốt trầm vào lòng người thưởng lãm. Gập ghềnh đường đua đã được trao Bằng Danh dự ISF (2008) và Huy chương Vàng bộ ảnh “Vượt khó” của Việt Nam trong cuộc thi ảnh đen trắng lần thứ 30 của FIAP - 2010).

L.V.T.G
(SH323/01-16)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng