Nhiếp ảnh Huế
Huế và những dấu ấn đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
15:04 | 17/04/2018

NGUYỄN XUÂN HOA

Do đặc điểm của vị trí địa chính trị là cửa ngõ nhìn ra biển Đông, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có điều kiện tiếp cận rất sớm với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Huế và những dấu ấn đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam
Bức ảnh đồn binh Non Nay của Alphonse Jules Itier

Chỉ 6 năm sau ngày Chính phủ Pháp công bố phương pháp chụp ảnh của Jacques Daguerre (1787 - 1851) như một món quà của nước Pháp tặng cho nhân loại vào năm 1839, năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị, do những tình cờ của lịch sử, đã có hai bức ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh gia người Pháp Alphonse Jules Itier chụp về Việt Nam được công bố.

Thời điểm 1845, lúc A. J. Itier là phóng viên đi theo phái đoàn Pháp sang Trung Hoa ghi hình sự kiện ký hiệp ước Hoàng Phố giữa Pháp và Trung Hoa; trên đường trở về theo tàu L’Alemène, tàu đã ghé bến Tiên Sa, Đà Nẵng để thị uy, đòi thả Giám mục Lefebvre bị triều đình Huế bắt giam. Lúc tàu cập cảng ở Đà Nẵng, A. J. Itier đã lên bờ tranh thủ chụp được đồn binh “Non Nay” và bến cảng Đà Nẵng. Trong hồi ký của mình, A. J. Itier viết: “Trong khi mọi người đứng trên boong tàu, chờ đón giáo sĩ, tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh và tiến tới chân đồn binh Non Nay. Khi tôi đặt chân lên đất, cũng là lúc người ta kéo cờ hiệu khởi hành lên nóc cột chiến hạm, tiếp đó là một phát đại bác nổ rền vang, ra lệnh nhổ neo. Vài phút trễ tràng có thể làm thay đổi vận mệnh đời tôi. Xin Thượng đế phù hộ! Cầu cho hai tấm phim đã chụp, đạt được kết quả. Đó là bến cảng Đà Nẵng… Tất cả quang cảnh đã được thu vào ống kính một cách trung thực, ngoại trừ cảm xúc của tác giả.”

Bức ảnh bến cảng Đà Nẵng năm 1845


A. J. Itier đã thành công đúng như nguyện ước. Hai bức ảnh đầu tiên chụp về Việt Nam là hình ảnh một đồn binh và bến cảng tại Đà Nẵng của ông đã được người Pháp lưu giữ và hiện còn trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Pháp, đánh dấu những bước phát triển đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới.(1)

Dù hai bức ảnh chụp về Việt Nam xuất hiện khá sớm, nhưng có lẽ lúc đó người Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ một tác phẩm nhiếp ảnh nào. Phải đến năm 1863, khi sứ bộ của triều đình Huế, dưới thời vua Tự Đức, do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, Ngụy Khắc Đản làm Bồi sứ được cử sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đang ở Paris, nhóm quan lại Việt Nam đến từ Huế mới tiếp cận với kỹ thuật nhiếp ảnh và được chụp ảnh, để lại những bức ảnh đầu tiên của các vị quan triều Nguyễn.

Đoàn sứ bộ triều Nguyễn (ảnh trên) và Chánh sứ Phan Thanh Giản (ảnh giữa), Phó sứ Phạm Phú Thứ (ảnh phải), Bồi sứ Ngụ Khắc Đản (ảnh trái)


Trong tập Tây hành nhật ký, Phạm Phú Thứ đã ghi chép các chi tiết:

Ngày mồng bảy, (tức ngày 20/9/1863, mồng 7 tháng Chín năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16) Hà-ba-lí(2) báo rằng Quốc trưởng của họ muốn xem ảnh của Sứ bộ, nên quan đại thần của đô thành đã sức cho thợ đến sứ quán và giao cho y đến báo với các quan sứ sáng mai, mặc phẩm phục sẵn sàng để chụp ảnh đệ trình lên trên...”

“Ngày mồng tám… chúng tôi lần lượt mặc phẩm phục lên nhà lầu lợp kính trong quán để chụp ảnh, quán nầy có mấy gian trên tầng lầu mà mái và tường đều lợp bằng pha-lê để lấy ánh sáng mặt trời. Cách chụp ảnh làm như thế nầy:

Trước hết, lấy nước thuốc xoa trên một tấm kính rồi đặt tấm kính vào ống kính; sau đó, người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người ta in lên tấm kính, không sai một sợi tóc. Tục người Tây thích chụp ảnh nhất, phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ tình không quên nhau. Từ đó về sau, viên quan nầy nhiều lần đưa thợ mang máy đến quán mời chúng tôi chụp ảnh và chia tặng chúng tôi. Tiền công chụp một tấm ảnh nhỏ là một quan, tấm lớn hơn là bốn, năm quan.”

“Ngày mồng chín… Mấy người thợ chụp ảnh lại đến mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh nhỏ (hôm trước, đã chụp riêng từng người, hôm nay, mời chụp chung cả đoàn để cùng đệ trình lên Quốc trưởng)
.”(3)

Sự kiện nầy đã để lại cho chúng ta một số bức ảnh của các quan triều đình Huế mặc phẩm phục đại triều, có ảnh Phan Thanh Giản đứng và ngồi, ảnh riêng của từng người trong đoàn sứ bộ và tấm ảnh chung ba đại thần ngồi và các quan văn võ tùy tùng đứng ở hàng sau, trong đó có ảnh của Phó Đề đốc Nguyễn Hữu Thân, người Thừa Thiên, trong trang phục võ quan (Ngoài ảnh các vị quan trong sứ bộ, còn có ảnh của bà Nguyễn Thị Liên, quê ở phường Đúc, vợ góa của Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn) và con gái Marie Vannier, ảnh hai du học sinh Huỳnh Tịnh Của, Trần Văn Luông và Tôn Thọ Tường)...

Hai năm sau, 1865, theo đề nghị của Phạm Phú Thứ và Viện Cơ Mật, Đặng Huy Trứ, người có xu hướng canh tân, được cử đi Hồng Kông làm nhiệm vụ “thám thính Dương phòng”, có cơ hội tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh. Năm 1867, nhân chuyến đi Quảng Châu hơn một năm để mua “quá sơn pháo”, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, mua máy móc và vật liệu chụp ảnh đưa về Hà Nội (lúc bấy giờ Đặng Huy Trứ được cử làm Thương biện Tỉnh vụ Hà Nội), mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam(4). Đặng Huy Trứ, người Thừa Thiên, sinh tại làng Thanh Lương, nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, được giới nhiếp ảnh trong nước tôn xưng là vị tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam.

Cùng với sự du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam, được khởi đầu từ Đặng Huy Trứ, tháng Năm năm Mậu Dần (1878), sau khi Trương Văn Sán đi du học ở Pháp về, Bộ Hộ đã tâu trình với vua Tự Đức về “tiểu pháp chụp ảnh” do Trương Văn Sán đã học được:

Phép chụp ảnh, phải có nhà riêng, dùng kính che cả 4 mặt cho sáng, mới phân biệt được râu, mày, hình dung, có giá để đồ chụp ảnh, bắt đầu cắm ống kính vào hòm máy, để lên trên cái giá, mở máy, bỏ cái nắp đậy ra, cho người ngồi trên cái ghế dựa trước ống kính, lấy cái trụ sắt đỡ đằng sau khăn ở đầu cho khỏi lay động, mới đem giá để máy chụp đưa đi đưa lại, khiến cho bóng người ở trong hòm kính rõ ràng. Xong rồi liền bỏ khuôn kính vuông ở mặt hòm đi, lấy khuôn kính bôi thuốc đổi đặt vào hòm máy, sẽ bỏ miếng ván che đi, khiến cho bóng người chiếu vào trong kính, liền để ván che vào, rồi nhẹ tay rút ra, đem vào chỗ kín, lấy nước thuốc rửa 3 lần, khiến cho bóng người dần hiện ra, đem phơi khô, để vào trong cái khuôn có hình chụp ảnh. Lại đem ngay tấm giấy in một mặt ngâm vào chậu nước thuốc, rồi phơi ở chỗ râm, lại đặt lên trên kính ảnh trước để trong khuôn, đem khuôn che áp vào, khiến cho bóng người thấu vào giấy, lại phơi khô rồi lấy ra, lại dùng nước thuốc rửa qua 3 lần, đợi khô, mới xem được và các thứ máy móc (1 cái chuông ở trong ống kính chụp ảnh, 1 cái hòm chụp ảnh, 2 cái trụ sắt, 1 cái khuôn để chặn giấy, 1 cái giá chụp hình)”.

Vua Tự Đức đã cho phép làm một nhà riêng ở bên phải Sở Thương Bạc (khu vực Nhà Văn hóa Huế hiện nay, phía gần cửa Thượng Tứ), cho phép Trương Văn Sán làm việc chụp ảnh, chụp cho cả quan lại và dân chúng(5). Hiệu ảnh Trương Văn Sán do vua Tự Đức cho phép hoạt động năm 1878 là hiệu ảnh đầu tiên ở kinh đô Huế.

Cũng vào năm này, trong bài viết “Huitjoursd’ambassade à Hué” (Tám ngày trong đoàn ngoại giao ở Huế) của Brossard de Corbigna đăng trên Le Tour du Monde, tháng 1/1878 lại cho biết ÉmileGsell, nhà nhiếp ảnh thương mại đầu tiên ở Sài Gòn, chủ hiệu ảnh GsellPhotographie, người đã từng triển lãm ảnh tại Vienne (Áo), đi theo đoàn ngoại giao của Pháp đến Huế, được Hoàng đế An Nam cho phép chụp ảnh (cảnh vật) tại Huế.
 

Ảnh vua Đồng Khánh do người Pháp chụp năm 1886

Cuối năm 1916, theo đề nghị của Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương, Chính phủ Pháp đã cử đoàn nhiếp ảnh điện ảnh quân đội sang Đông Dương quay phim, chụp ảnh để giới thiệu về cuộc sống, phong tục, phong cảnh đất nước Việt Nam, Lào, Cambodia. Trong hai năm 1917 - 1918, nhà nhiếp ảnh Tétart đã chụp hàng trăm bức ảnh về con người và phong cảnh Huế. Những năm sau đó, một số công chức, viên chức, nhà truyền giáo và doanh nhân sống và làm việc tại kinh đô Huế đã chụp lại nhiều hình ảnh ghi nhớ về sinh hoạt của vua quan và cuộc sống xứ Huế, để lại những hình ảnh có giá trị lịch sử độc đáo. Đặc biệt, tháng 1/1886, Đô thống Pháp tại Huế đã cử nhà nhiếp ảnh đến triều đình xin chụp ảnh vua Đồng Khánh gởi về Pháp, để tỏ tình giao hiếu giữa hai nước, vua đã “chọn ngày quang tạnh, vua mặc mũ, áo đại triều, ngồi ở điện Văn Minh cho quan Pháp chụp ảnh. Rồi chuẩn cho in thành 2 tấm ảnh, 1 tấm để lại dâng lên, 1 tấm gửi về Pháp”(6).

Đến nay, chúng ta có những bức ảnh chân dung vua Đồng Khánh, vua Thành Thái, vua Duy Tân, vua Khải Định, vua Bảo Đại, được chụp dưới nhiều góc cạnh (mặc đại triều ngồi trên ngai hoặc mặc tế phục, thường phục…), hình ảnh một số bà phi, đại thần, lăng tẩm, thắng tích, cảnh vật và sinh hoạt của xứ Huế xưa, có một số bức ảnh vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị mỹ thuật khá tốt. Ngoài các bức ảnh rời, người Pháp còn để lại bộ ảnh quý về lễ Tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, bộ ảnh tang lễ vua Khải Định, bộ ảnh về lễ tế Nam Giao.

Đặc biệt, 10 bức ảnh về Huế (cửa Hiển Nhơn, công chúa và người hầu, viên quan lại, hai vị quan, con gái Huế, học sinh Đồng Khánh Huế, nhà sư, cổng chùa Thiên Mụ, đài tưởng niệm tử sĩ, người dân tộc thiểu số) chụp năm 1931 của W. Robert Moore thường được đánh giá là bộ ảnh sắc sảo. Ngoài những bức ảnh màu của W. Robert Moore chụp vào năm 1931, còn có một số ảnh màu và đen trắng rất quý do Maynard Owen Williams một phóng viên người Mỹ - chụp tại Huế vào năm 1935(7). Tư liệu còn cho biết, trước đây, Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) có kho lưu trữ khoảng 9.000 bức ảnh về Đông Dương từ 1885 - 1944. Hầu hết các bức ảnh về lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, ảnh cầu Trường Tiền, cửa Ngọ Môn, chùa Thiên Mụ, nhà thờ Phủ Cam, ga Huế, chợ Đông Ba, thiếu nữ Huế, sinh hoạt cung đình và dân gian ở Huế… được phổ biến dưới hình thức bưu thiếp (cartespostales), lưu hành trong khu vực Đông Dương, gởi sang Pháp và một số nước, giới thiệu khá rộng rãi về kinh đô Huế. Chỉ không lâu sau ngày hiệu ảnh của Trương Văn Sán được thành lập năm 1878, triều đình nhà Nguyễn liên tục trải qua nhiều biến động, kinh đô Huế bị thất thủ (1885), hoạt động của hiệu ảnh đầu tiên gắn liền với Sở Thương Bạc, nơi bị Pháp kiểm soát nghiêm ngặt, không để lại dấu ấn gì đáng kể. Nhưng tại khu vực gần cửa Thượng Tứ này, chỉ trên con đường rất ngắn, lại là nơi quần tụ của 7 tiệm ảnh vào nửa đầu thế kỷ XX. Tính từ Sở Thương Bạc vào cửa Thượng Tứ (tức đầu đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay), có “nhà chụp hình” Tăng Vinh (của gia đình cụ Võ Truy, nhạc gia của bác sĩ Lê Khắc Quyến), nhà chụp ảnh Ngọc Châu, tiệm chụp hình Phi Phước (con trai của họa sĩ Phi Hổ), tiệm chụp hình và vẽ chân dung của họa sĩ Phi Long. Bên kia đường là tiệm chụp hình Tôn Thất Dung, tiệm chụp hình và vẽ chân dung của nữ họa sĩ Maria Mộng Hoa, cuối đường là hiệu ảnh Đông Nam của gia đình ông Thị Bốn. Đặc biệt, Phi Hổ, Phi Long, Maria Mộng Hoa là ba anh em ruột, cùng là họa sĩ và cùng mở ba tiệm chụp ảnh gần kề nhau. Phi Long và Maria Mộng Hoa là hai họa sĩ nổi tiếng của Huế, là tác giả một số tranh chân dung có giá trị mỹ thuật, ảnh của hai tiệm này có chất lượng cao. Tiệm Đông Nam của ông Thị Bốn có nhiều ảnh về cung đình. Hầu hết các hiệu ảnh đều có phần tiền sảnh trang trí những bức ảnh chân dung, ảnh phong cảnh đẹp được sang lớn để thu hút khách; ngoài ảnh chụp theo yêu cầu của khách hàng, mỗi tiệm đều bày bán bưu thiếp (cartespostales) về những cảnh đẹp nổi tiếng của vùng đất kinh kỳ, do từng tiệm ảnh sản xuất. Khu vực ngoài cửa Thượng Tứ mặc nhiên trở thành một con đường nhiếp ảnh, vừa mang tính thương mại, vừa có tính nghệ thuật của Huế trong thời kỳ trước năm 1945.

Nhiếp ảnh đã có quá trình du nhập và phát triển thành một loại hình nghệ thuật khá sớm và không ngừng phát triển ở Huế. Đội ngũ các nhà nhiếp ảnh, người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng nhiều. Tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Huế, ảnh về Huế đã có những đóng góp vừa cung cấp các tư liệu lịch sử, vừa làm phong phú thêm đời sống văn hóa, phản ánh những khoảnh khắc sinh động trong cuộc sống của người dân xứ Huế, trong đó những tư liệu về nhiếp ảnh thời kỳ phôi thai ở Huế là những dữ liệu đáng quý về diễn trình của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

N.X.H
(SHSDB28/03-2018) 

----------------  
(1) Tư liệu của Học viện Nhiếp ảnh, nguồn photolife.vn.
Bức ảnh “Đồn binh xứ Đàng Trong Non Nay” từng được nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm giới thiệu là bức ảnh “Đồn Hai” trong tác phẩm Đất Việt trời Nam (1960), Nxb. Nguồn Sống, Sài Gòn.
(2) Tức Aubaret, quan chức Pháp, người hướng dẫn sứ bộ Phan Thanh Giản, giỏi chữ Hán, khá tiếng Việt, đã dịch Gia Định thành thông chí Hoàng Việt luật lệ ra Pháp ngữ.
(3) Phạm Phú Thứ, Nhật ký đi Tây (bản dịch của Quang Uyển), Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr 150 - 152.
(4) Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ, con người và tác phẩm, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr 557 - 558.
(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 8 (bản dịch Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân…, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr 287.
(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9 (bản dịch NguyễnNgọc Tỉnh, Phan Huy Giu…, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr 216.
(7) M. O. Williams, By motor trail across French Indo - China, The National Geographic Magazine, số tháng 10/1935, tr 487.





 

Các bài mới
Các bài đã đăng