Lễ hội
Lễ hội truyền thống trong đời sống đồng bào Tà Ôi
09:29 | 09/01/2019

HOÀNG HUYỀN THANH - LÊ CHÍ QUỐC MINH

Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt cộng đồng xuất hiện và gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng người, là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống tổng hợp, vừa độc đáo vừa phong phú.

Lễ hội truyền thống trong đời sống đồng bào Tà Ôi
Lễ hội dân gian của dân tộc Tà Ôi

Có thể coi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa các dân tộc từ văn hóa vật thể (nơi diễn ra lễ hội, vật dụng, các loại nhạc cụ, trang phục sử dụng trong lễ hội...) đến văn hóa phi vật thể (các món ăn, âm nhạc, tín ngưỡng,...). Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi, lễ hội truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng, là nơi lưu giữ, truyền bá các giá trị văn hóa của tộc người, là nơi gắn kết mối quan hệ giữa các cá thể trong cộng đồng người. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, lễ hội truyền thống ngoài giữ gìn bản sắc của tộc người còn có vai trò của “sứ giả văn hóa” góp phần đưa du lịch địa phương phát triển.

Đồng bào Tà Ôi sinh sống chủ yếu ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Đây là dân tộc định cư lâu đời ở dãy Trường Sơn, có nền văn hóa phong phú và mang đậm giá trị bản sắc trong tiến trình phát triển trong đó không thể không nhắc đến lễ hội truyền thống của dân tộc này. Bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi chính là những giá trị tốt đẹp được phản ánh qua quá trình hình thành, sinh sống và phát triển của cộng đồng người Tà Ôi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ; những giá trị văn hóa này là những đặc trưng riêng quy định tính khác biệt làm cho lễ hội cộng đồng người Tà Ôi khác với lễ hội các cộng đồng người khác. Tất cả những giá trị này được biểu trưng thông qua các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong lễ hội.

Theo ý kiến của các nghệ nhân văn hóa dân tộc Tà Ôi được trình bày tại Hội thảo “Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa lễ hội dân tộc Tà Ôi tại huyện A Lưới” do Ủy ban nhân dân huyện A Lưới và Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức ngày 3/7/2018: Người Tà Ôi có hai lễ hội truyền thống lớn Aya và A riêu. Tại bảng thống kê các lễ hội của người Tà Ôi do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lập có hai loại lễ hội chính của người Tà Ôi đang được quản lý hiện nay Aya và A riêu Ping.

A riêu: là các lễ hội có quy mô lớn của làng, mời nhiều khác của làng bên cạnh để tham gia. Thường diễn ra khoảng từ 3 đến 5 hoặc 7 năm một lần; có loại tổ chức quy mô lớn nhất diễn ra từ 3 đến 5 ngày thì gọi là A riêu car (boa’h Car hay bua’h car): nghĩa là lễ hội lớn.

- A riêu được tổ chức vào việc cúng tế và các công việc sau:

+ Tế thần đất (tâ’k a do sưq): chủ yếu là khi mới lập làng hoặc khi làng đó thường xảy ra đau ốm, chết chóc, thất bát, mất mùa thì được tổ chức khoảng 3 đến 5 năm một lần, loại lễ lớn, vật tế phải là con trâu nhưng chỉ thực hiện trong nội bộ làng, không cho bất cứ người ngoài làng vào trong khu vực đất làng; lễ cúng thần núi, thần sông cũng được tổ chức chung trong phần này, nhưng có các mâm lễ vật riêng, khi cúng lẽ thì gọi thứ tự từng vị thần).

+ Bua’h (boa’h) (a riêu) Par chieen tu (Hòa giải mâu thuẫn lớn giữa 2 làng) thường được tổ chức khi có những mâu thuẫn về xâm lấn đất đai, mâu thuẫn gây đến chết chóc… không có thời gian cố định.

+ Bua’h I doong ikon: (lễ gả con và tổ chức cưới): Thường tổ chức khi có con đầu tiên của làng này lấy con đầu tiên của làng khác, trở thành thông gia giữa hai gia đình, hai họ và dâu, rể của hai làng: thường được tổ chức khoảng 1 đến 2 ngày, diễn ra ở hai nơi.

Bua’h imoot roong hay moot deeng (lễ vào nhà sinh hoạt cộng đồng hay vào nhà mới) được tổ chức có quy mô khách mời đông và diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Có ý kiến cho rằng A riêu là cách gọi của nhóm Pa Cô, tiếng Tà Ôi chính dòng gọi là Bua’h hay Boa’h.

Tuy nhiên với cách thức tiếp cận của lễ hội truyền thống tác giả cho rằng A riêu Ping và các lễ như vào nhà mới, cưới hỏi hay hòa giải các mâu thuẫn không phải là lễ hội truyền thống; đây chính là nghi lễ vòng đời của mỗi người Tà Ôi từ khi sinh ra đến khi mất đi và sau khi mất đi, nó vẫn mang tính cộng đồng tuy nhiên chủ yếu mang màu sắc tâm linh thể hiện phần nghi lễ nhiều hơn, phần hội không phải là phần quan trọng của hoạt động này.

Aya có hai loại Aya Kăn và Aya Koonh.

+ Aya Kăn là lễ hội tương tự như lễ cúng cơm mới của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên, đây cũng có thể coi là tết cổ truyền của người Tà Ôi, nó có ý nghĩa thiêng liêng như tết Nguyên Đán của người Việt1. Lễ hội này thường tổ chức một năm một lần vào tháng 12 theo nông lịch của người Tà Ôi (thường khoảng tháng 11 dương lịch) thường được gọi là xay chích la bar. Đây là tháng hoa lan nở chim pricoh kêu báo hiệu nắng về, cây cối bắt đầu ra chồi non, thời tiết bắt đầu ấm lên, lúa trên rẫy bắt đầu chín rộ; cũng là lúc người Tà Ôi chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới nhằm tạ ơn các vị thần linh đặc biệt là nữ thần lúa Tro đã đưa lại mùa màng ấm no cho bản làng.

Đồng bào Tà Ôi chủ yếu sống nhờ sản xuất nông nghiệp mà lương thực chủ yếu là lúa nương rẫy vì vậy trong tâm thức của họ Nữ thần lúa đóng vai trò đặc biệt quan trọng được coi như phúc thần trong đời sống tâm linh của người Tà Ôi.

Lễ Aya Kăn được tổ chức thường trong khoảng 2 đến 4 ngày, với phần nghi lễ dành để tạ ơn các vị thần nói chung và nữ thần lúa nói riêng, phần hội với sự tham gia của tất cả cộng đồng người Tà Ôi trong bản không có sự tham gia của người ở bản khác.

Phần lễ của Aya Kăn được tổ chức hai lần, một lần ở rẫy và một lần ở bản làng. Lễ cúng ở rẫy tượng trưng cho việc xin thần lúa cho tuốt lúa (người Tà Ôi không gặt lúa mà tuốt lúa bằng tay) và đưa lúa về nhà.

Người Tà Ôi coi lúa rẫy là sự sống còn, là niềm hạnh phúc lớn lao và là cây lương thực linh hiển, luôn có một vị thần ngự trị - đó là thần lúa. Vị thần này quyết định đến năng xuất của cây lúa, quyết định đến sự yên vui, no đủ trong cuộc sống hàng ngày vì vậy ứng với từng công đoạn người Tà Ôi đều làm lễ. Công đoạn trỉa lúa, tuốt lúa, gom thóc về nhà - tawk apear, karvăng, pachoo arvai.

Lúa rẫy của người Tà Ôi thường có thời gian 6 đến 7 tháng vì vậy sau khi lúa chín họ làm nghi lễ nhằm tuốt lúa và đưa lúa về nhà. Đây là phần nghi lễ thứ nhất của lễ hội Aya.

Nghi lễ tại rẫy thường cúng một con gà và cúng ngay tại chân đám rẫy họ chuẩn bị tuốt lúa, sau đó họ tiến hành tiếp nghi lễ rước thần lúa về nhà. Lễ cúng ở rẫy nhằm xin việc gặt hái và cầu cho mùa màng bội thu. Lễ vật là thịt lợn, thịt dê hoặc thịt bò, thịt gà, rượu ngon, cơm nếp thơm và đồ trang sức của phụ nữ (vòng tai và hoa tai bằng bạc, mã não). Mọi lễ vật được bày trên đàn và quan trọng hơn là tấm váy dzèng. Khi đã bày biện xong, người chủ lễ (là người nữ đứng đầu gia đình) tuốt những gié lúa đầu tiên trên rẫy mở đầu cho một thời kỳ thu hoạch và họ bắt đầu tuốt từ chân rẫy lên đến đỉnh rẫy.

Tuy nhiên Aya Kăn không được tổ chức ngay vì theo người Tà Ôi cần phải để cho thần lúa định thần và phải đến lễ Aya vào tháng 12 nông lịch thì mới được dùng lúa mới và đem lúa đi đổi các vật phẩm khác.

Lễ cúng ở bản được tổ chức tại trung tâm làng, trong các ngôi nhà Rông (Roong) và các gia đình trong bản. Nếu cúng ở trung tâm làng thì lễ vật bày biện giữa trời - giữa sân nhà Rông. Lễ vật dâng cúng giống như lễ cúng tại rẫy, gồm gà, heo, dê, một tấm vải và trang sức nhưng có thêm một vài gié lúa nặng hạt mới ngắt về. Còn ở các gia đình, việc cúng cũng công phu và lễ lạt cũng giống như việc cúng ở bản. Tuy nhiên, cho dù cúng ở rẫy hay ở bản, ở gia đình thì người chủ lễ vẫn là phụ nữ trong gia đình, gia tộc, trong cộng đồng. Chính vì vậy một số nghệ nhân gọi Aya Kăn là Aya của đàn bà, Aya Koonh là Aya của đàn ông. Theo nghệ nhân Hồ Tân ở xã A Ngo huyện A Lưới, lễ cúng ở bản đối với Tà Ôi chính dòng thường làm theo dòng họ còn Pa Cô làm theo làng. Tuy nhiên hiện nay trong quá trình phục dựng chúng ta chủ yếu mời các già làng trưởng bản đứng ra chủ lễ và những người này thường là nam giới nên yếu tố nữ cũng bị giảm sút trong lễ hội này.

Aya nói chung là lễ hội hàng năm để cúng lúa mới và cầu mùa, không xen lẫn với các nội dung khác, loại Aya được tổ chức lớn để mời làng bên có công giúp đỡ làng mình trong công việc và nương rẫy thì gọi là Aya Koonh, thường được tổ chức không thường xuyên. Còn Aya Kăn thì năm nào cũng tổ chức quy mô nhỏ, chỉ thực hiện trong nội bộ làng, không có khách mời2.

Lễ Aya Koonh thường diễn ra hiến sinh trong các trường hợp được mùa liên tục trong nhiều năm, hoặc mất mùa liên tục xẩy ra đói kém bệnh tật trong nhiều năm. Lễ cầu mùa của dân tộc Tà Ôi được tổ chức sau Tết âm lịch. Thường thì từ 3 - 5 năm người ta mới tổ chức một lần vào những năm có những sự kiện quan trọng như: tạ ơn Yang (Trời) về việc liên tục được mùa hoặc cầu được mùa nếu mùa màng thất bát, cầu sức khỏe. Lễ hội thường tiến hành trên nhà Rông và trong sân chung của làng. Ngoài phần lễ ở rẫy như Aya Kăn, ngoài ra phần nghi lễ bản với chủ lễ là một già làng, và các già làng đứng đầu các dòng họ trong bản tham gia phụ lễ. Lễ vật dâng cúng gồm: cây chuối có buồng quả, mía nguyên cây, rượu cần, trâu, dê, gà, chuột nướng trong ống tre, cá nướng bằng que, xôi, cốm, gạo... Vật dùng để làm lễ cúng có axom (một chùm sợi xoăn được tước nhỏ từ một cành hóp dùng để vẩy nước, vẩy rượu cúng lên xà nhà) và asiêu (một khúc gỗ tròn dài khoảng 15cm, được bổ đôi thành hai mảnh, mặt phẳng của mỗi mảnh được vẽ bùa chú trang trí) dùng để xin keo (bói âm - dương), ngoài ra còn có kiếm, khiên và dải vải dzèng để phủ lên đầu trâu trước khi đâm.

Theo tục lệ, lễ cúng tiến hành trong thời gian một buổi. Các lễ vật được dùng để cúng là: lợn, gà, gạo, bát đựng nhựa cây hoặc trầm để đốt, tất cả được đặt trong một cái mâm. Sau khi cúng xong, mọi người lấy cây kiệu ném vào trâu (họ một loài cây) nơi chủ họ, chủ làng ném và theo luật lệ thì chủ làng ném trước. Cây kiệu ném vào trâu, theo đồng bào quan niệm là để gọi Trời (Yang) xuống nhận lễ.

Cúng xong họ lấy lộc chia nhau ăn tại chỗ rồi về sân nhà Rông. Các vật cúng còn lại được chuyển lên nhà sàn. Lúc này đội múa bắt đầu hát cả lời và thổi tù và tiễn khách cùng các già làng... Lễ cầu mùa kết thúc.

Trong lễ hội, người Tà Ôi cấm lấy lễ vật về cho mình, cấm đánh đập nhau gây mất trật tự ảnh hưởng đến buổi lễ, cấm uống rượu say. Trong khi đang cúng, khách ngoài làng không được vào làng. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt, cao nhất là phạt trâu và thấp nhất là gà, tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau của người vi phạm. Để tiến hành xử phạt, người Tà Ôi tổ chức lễ cúng phạt tại sân làng có đông đủ mọi người.

Tại lễ hội, đồng bào Tà Ôi diện những bộ trang phục dân tộc mới nhất. Nam giới gồm có khố, áo, khăn; còn nữ giới gồm có áo, váy, thắt lưng. Trong y phục của người Tà Ôi, màu đỏ được dùng rộng rãi. Áo, khố, váy màu xanh chàm, đều có sọc đỏ. Ngoài ra đồng bào còn đo các loại trang sức như vòng bằng đồng, bạc hay cườm nhiều màu và bông tai với rất nhiều cỡ, loại.

Phần hội của lễ Aya Trong dịp Tết cổ truyền của người Tà Ôi, nhiều trai thanh gái lịch có được cơ hội tỏ bày tình cảm, họ tìm đến nhau, trao nhau những chiếc vòng bạc, kheo những bộ váy, áo dzèng mới do chính bàn tay của mình dệt lên. Các món ăn đặc trưng của dân tộc Tà Ôi như Akoat (bánh sừng), đệp peng (bánh nếp gói bằng lá mây), món thui (hoor), món nướng (booh), nấu (takoch/ta pân) và đặc biệt không thể thiếu là các món chế biến từ thịt chuột được bắt trên rẫy sau mỗi vụ thu hoạch. Trong lễ hội mọi người vui mừng và tham gia các hoạt động múa hát như khẳng định với trời đất, với thần linh và với các dân tộc anh em khác niềm hy vọng một năm mới may mắn hơn, một vụ mùa mới tốt đẹp hơn sẽ đến trên bản làng quê hương họ.

Lễ hội dân tộc Tà Ôi thường mang màu sắc tâm linh và thể hiện rất rõ đặc trưng tín ngưỡng. Đối với họ, con người và vạn vật đều có linh hồn vì vậy trong tất cả các hoạt động từ sản xuất đến làm nhà, tăng gia đều xin thần linh (thần trời, thần đất, thần sông, thần núi, thần ngô, thần lúa...), lễ hội thường diễn ra ở nhà Rông (nhà chung của cộng đồng người dành cho các hoạt động mang tính nghi lễ, tính cộng đồng).

Với những đặc trưng cơ bản của mình, đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi lễ hội truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thứ nhất: Là nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị của dân tộc Tà Ôi trong quá trình phát triển. Là nơi bản sắc văn hóa của tộc người được thể hiện rõ nét. Từ trong lễ hội các nghi lễ cổ truyền của dân tộc Tà Ôi như tạ ơn Mẹ lúa, các điệu hát, các điệu múa dân tộc, âm nhạc dân tộc, không gian sinh hoạt cộng đồng của nhà Rông..., những giá trị mà dân tộc gìn giữ qua thời gian được tái hiện sinh động và được trao truyền cho các thế hệ kế tiếp.

Vắng những lễ hội truyền thống có lẽ nhiều người trẻ sẽ không biết đến nhiều giá trị mang bản sắc của dân tộc mình và từ đó các giá trị sẽ dần mai một, bản sắc văn hóa của một tộc người sẽ khó gìn giữ trước những biến đổi của thời đại.

Thứ hai: Lễ hội truyền thống thể hiện sức mạnh và sự gắn kết của cộng đồng dân tộc. Lễ hội của người Tà Ôi ngoài mang đậm bản sắc của dân tộc mình còn là chất keo kết dính những cá nhân, mỗi gia đình với dòng họ với làng bản với dân tộc. Ngoài ra lễ hội còn là nơi người Tà Ôi biểu dương sức mạnh của cộng đồng khá rõ khi cùng nhau tham gia vào tất cả các phần từ nghi lễ hiến sinh đến phần hội. Ở Aya mỗi hộ mang gói lương thực mình tự mình trồng được đến cúng dâng lên các vị thần, tất cả đều được trộn vào nhau biểu trưng cho sự gắn kết của các gia đình, dòng họ và cá nhân trong cộng đồng, tạo nên sức mạnh của cộng đồng người trong cùng dân tộc. Trong lễ cúng cơm mới, ngoài vị chủ lễ thường là già làng, trưởng bản các dòng họ (hộ gia đình) đều cử người tham gia vào phần nghi lễ.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều giá trị cộng đồng đang dần bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Sản xuất không còn làm một vụ mùa như trước, kinh tế không còn tự cung tự cấp mà đã có sự tham gia trao đổi, mua bán nhiều giá trị mang tính bản sắc của dân tộc đang dần dần bị mai một, đặc biệt là sự gắn kết trong cộng đồng thì lễ hội chính là nơi mỗi người con của dân tộc Tà Ôi tìm về để nhận thức rõ sức mạnh và tính gắn kết của các cá nhân đối với dòng họ, làng bản, dân tộc mình.

Thứ ba: Lễ hội truyền thống là nơi tộc người Tà Ôi thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên, thông qua đó thể hiện tín ngưỡng của tộc người.

Trong quá trình sống và sản xuất nông nghiệp, người Tà Ôi đều biết ơn những gì mà thiên nhiên đã trao tặng. Trước lễ cúng cơm mới là thời gian họ cho đất nghỉ ngơi, nghi lễ diễn ra trước tiên ở nương rẫy sau đó mới là phần nghi lễ ở bản. Với nền sản xuất nông nghiệp biết ơn các vị thần như thần sông (bua’h tâ’k ado yang koo’h), thần núi, mẹ lúa, Yang... chính là nét đặc sắc của dân tộc Tà Ôi. Thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần thông quá đó lễ hội truyền thống của người Tà Ôi cũng thể hiện khá rõ tín ngưỡng của dân tộc mình trong quá trình phát triển.

Thứ tư: Lễ hội là nơi người Tà Ôi sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Chủ thể của lễ hội truyền thống tộc người Tà Ôi chính là cộng đồng. Từ trong quá khứ cho đến hiện tại những cư dân của dãy Trường Sơn đã không ngừng sáng tạo ra các giá trị văn hóa dân tộc mình. Thông qua các lễ hội họ tái hiện những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mình và từ đó họ hưởng thụ những giá trị văn hóa và giá trị tâm linh. Lễ hội truyền thống của người Tà Ôi không thể thiếu những phần múa hát, những món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Tà Ôi như bánh Deep man, A Koat, Lap, rượu đoác với trang phục dân tộc đẹp nhất. Ở lễ hội, người Ta Ôi hòa mình vào cùng cộng đồng cùng hát cùng nhảy múa cùng ăn. Họ chính là chủ thể sáng tạo, chủ thể trình diễn và cũng là chủ thể hưởng thụ những giá trị văn hóa do họ sáng tạo ra.

Mỗi cộng đồng người đều có những nét văn hóa riêng trong quá trình phát triển, chính nét văn hóa riêng đó tạo thành bản sắc của mỗi dân tộc. Lễ hội truyền thống là nét riêng mang tính bản sắc gắn với mỗi cộng đồng, lễ hội truyền thống của dân tộc Tà Ôi chính là nét riêng không thể lẫn của dân tộc này. Vì vậy gìn giữ và phát huy những giá trị mang đặc trưng riêng văn hóa của mỗi dân tộc trong đó có lễ hội truyền thống của dân tộc Tà Ôi không chỉ là gìn giữ cho mỗi tộc người mà còn không ngừng làm phong phú thêm nét riêng nét độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

H.H.T - L.C.Q.M  
(SHSDB31/12-2018)





 

Các bài mới
Đổ xăm hường (02/03/2020)
Các bài đã đăng