Lễ hội
Đổ xăm hường
09:59 | 02/03/2020

NGUYỄN VĂN UÔNG   

Đổ xăm hường là thú chơi tao nhã xuất phát từ nội cung triều Nguyễn. Trò chơi này lan truyền dần ra các gia đình quan lại, quí tộc và người khá giả chốn kinh kỳ.

Đổ xăm hường
Ảnh: internet

Đây là trò chơi mang tính phổ cập ý thức khoa bảng trong giới thượng lưu, khuyến khích việc học hành đỗ đạt chiếm lĩnh các học vị cao để trở thành sĩ phu, quan lại, gánh vác trọng trách phò vua, giúp nước. Người chơi đổ xăm hường thích đổ ra được các thẻ có học vị tú tài, cử nhân, tiến sĩ, trạng nguyên... Đây là mơ ước thực sự ngoài đời của lớp nho sinh theo đòi nghiệp khoa bảng. Nhìn vào lịch sử khoa bảng nước ta, học vị tú tài, cử nhân chỉ có từ khoa thi Hương năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828) thay cho học vị sinh đồ và hương cống trước đấy. Hai học vị này chiếm vị trí 2 thẻ đầu tiên của bộ xăm hường. Điều này có thể gợi cho các nhà nghiên cứu trò chơi đổ xăm hường suy nghĩ về gốc gác và thời điểm xuất hiện của nó.

Bộ xăm hường có 63 thẻ, chia ra 6 loại. Giá trị thấp nhất là loại thẻ tú tài: 1 điểm; giá trị cao nhất là loại thẻ trạng nguyên: 32 điểm. Bất kể đơn vị nhỏ hay lớn, mỗi loại thẻ đều được tổng cộng 32 điểm gọi là 1 trạng.

Bảng sau đây tổng hợp giá trị các thẻ xăm:



Vật liệu dùng để khắc các bộ thẻ xăm hường là ngà voi, xương thú, gỗ quí, thanh cật tre. Hiện nay trên thị trường có thêm bộ thẻ xăm nhựa. Các thẻ được khắc chạm công phu, tên thẻ được khắc bằng chữ nho, kích thước các thẻ khác nhau theo giá trị của thẻ.

Đổ xăm hường đúng cách là phải chỉ đủ 6 cửa. Kết quả mỗi cửa đạt được 32 điểm* (32 đơn vị thẻ) là đủ 1 trạng. Nếu chung cuộc không đủ trạng thì phải mua của người dư trên 32 điểm. Điểm thẻ qui ra tiền bao nhiêu (1 đồng, 5 đồng, 10 đồng) là do thỏa thuận trước khi chơi. Đây là trò chơi mua vui, giải trí trong gia đình, bạn bè, số tiền qui ra là để tạo hấp dẫn, không có tính sát phạt. Nếu tuân thủ theo cách chơi này, khi không đủ 6 người chơi, thì phải tính lại số điểm của từng cửa để cuối cùng số đơn vị thẻ phải có cân bằng cho các cửa:

- Có 3 người chơi thì mỗi cửa phải đủ số điểm gấp đôi: 192: 3 = 64 điểm

- Có 4 người chơi thì mỗi cửa phải đủ số điểm gấp rưỡi: 192: 4 = 48 điểm

- Có 5 người chơi thì có 2 cách chơi:

Cách 1: bỏ bớt 2 thẻ xăm tú tài, số đơn vị thẻ còn lại là 190 điểm. Mỗi cửa phải đủ số 190 : 5 = 38 điểm.

Cách 2: Cho 1 lần bán trạng. Người đổ ra thẻ trạng anh được bán thẻ trạng và hết các thẻ khác có được. 4 cửa còn lại, mỗi người phải mua đủ 48 điểm.

Khi có quá 6 người chơi, tùy theo từng nhà, có các cách xử lý khác nhau:

Cách 1: Các người dư ra phải ghép chung vào một cửa để chỉ có 6 cửa chơi. Cách này đơn giản nhưng không vui.

Cách 2: Vẫn chơi 7, 8, 9... cửa và cho phép bán trạng.

- 7 người chơi: Bán trạng 1 lần. Người đổ ra thẻ trạng anh được bán thẻ trạng và hết các thẻ có được, không giữ lại thẻ nào. Những cửa còn lại phải mua đủ 32 điểm mỗi cửa.

- 8 người chơi: Bán trạng 2 lần. Người đổ ra thẻ trạng anh được bán trạng 2 lần (gấp đôi giá trị thẻ). Những cửa còn lại phải mua đủ 32 điểm mỗi cửa.

- Đổ xăm hường có thể chơi 9, 10, 11... cửa chơi nhưng cách tính phức tạp, rắc rối về cách bán trạng và số điểm mỗi cửa nên ít người muốn chơi trên 8 cửa.

Người chơi đổ xăm hường dùng 6 hột tào cáo (xúc xắc, nhứt lục) nắm thả (đổ hột) vào một tô sành để có kết quả bắt được các thẻ. Hột tào cáo đã quen thuộc với dân gian qua các trò chơi “xóc nhứt lục” chỉ dùng 1 hột, cách chơi như “bài vụ con vụ”; “xóc tài xỉu” dùng 3 hột như cách chơi “xóc bầu cua”. Đổ xăm hường phải dùng 6 hột. Hột tào cáo hình lập phương có 6 mặt qui định từ 1 đến 6. Mặt Nhứt, một chấm lớn màu đỏ. Mặt Tứ, được gọi là mặt Hường, có 4 chấm màu đỏ vuông vắn thành 2 hàng song song. Các mặt còn lại đều màu đen. Mặt Nhị, 2 chấm nhỏ; mặt Tam, 3 chấm thẳng theo đường chéo; mặt Ngũ, 5 chấm, 4 chấm vuông theo cạnh và 1 chấm giữa; mặt Lục, 6 chấm xếp 2 hàng song song. Cái tô đổ xăm hường phải chọn các loại tô có tiếng vang dòn, thanh thoát thì không khí buổi chơi xăm hường mới được rộn ràng, náo nức. Người chơi thường chọn các tô bằng đá, sành, sứ, tô kiểu của Tàu, sâu lòng và mỏng thành.

Khi 6 hột tào cáo thả vào tô đã yên vị 6 mặt, người chơi căn cứ vào đây để xác định kết quả:

Có 1 mặt Tứ: Nhất hường, được thẻ xăm tú tài: 1 điểm

Có 2 mặt Tứ: Nhị hường, được thẻ xăm cử nhân: 2 điểm

Có 3 mặt Tứ: Tam hường, được thẻ xăm hội nguyên: 8 điểm

Có 4 mặt Tứ: Tứ hường, được thẻ xăm trạng anh: 32 điểm

Có 5 mặt Tứ: Ngũ hường, đoạt các thẻ xăm tam khôi gồm cả trạng anh, 2 trạng em (bãng nhãn, thám hoa): 64 điểm

Có 6 mặt Tứ: Lục phú hường, đoạt tất cả các thẻ xăm trạng anh, trạng em, hội nguyên, tiến sĩ, cử nhân, tú tài và các cửa chơi khác phải chung gấp đôi số điểm.

(“Đoạt” là cướp các thẻ xăm cho dù người khác đã đổ ra, lấy được)  

Ngoài mặt Tứ, các mặt khác cũng được tính điểm trong các trường hợp sau:



Đã đủ 6 cửa chơi, bộ xăm hường được bày ra. Trên tấm thảm trải giữa sập gỗ hay chiếc bàn tròn, một chiếc tô lớn đặt ở trung tâm, chung quanh bày 6 ô trạng từ ô trạng anh đến ô tú tài. Người lớn tuổi nhất chỉ dùng một hột tào cáo thả vào tô để chọn cửa được đổ đầu tiên. Vị trí nhất, nhì, tam... được tính từ người thả hột. Người ngồi cửa có số chỉ định từ hột tào cáo chuẩn, nắm hết 6 hột tào cáo thả (đổ) vào tô. Tiếng leng keng giòn giã đầu tiên mở đầu buổi đổ xăm hường. Cứ thế, tuần tự vòng theo tay phải đến người tiếp theo. Vòng này đến vòng khác, tiếp diễn liên tục với thanh âm rộn ràng tiếng hột hòa vào những tiếng cười vui mừng rỡ khi có người đổ ra hường hay đoạt thẻ.

Không phải lần đổ nào người đổ cũng được thẻ. Xác xuất được thẻ càng khó thì giá trị thẻ lấy được càng cao. Người không may mắn, đôi khi đổ mãi chẳng ra được hường nào trong khi người may mắn cứ mãi ra hường và “lượm” về nhiều thẻ cao đặt trước mặt mình. Theo lệ thông thường, các thẻ từ 1 đến 8 điểm (từ tú tài đến hội nguyên), khi có cửa đổ ra thẻ nhưng thẻ ấy đã hết thì có thể lấy cộng các thẻ thấp hơn để đủ điểm. Giả như đổ ra thẻ cử nhân (2 điểm) mà thẻ này đã hết thì có thể lấy 2 thẻ tú tài (1 + 1 = 2 điểm); đổ ra thẻ hội nguyên (8 điểm) mà thẻ này đã hết thì có thể lấy các thẻ tiến sĩ, cử nhân, tú tài cộng lại cho đủ 8 điểm. Trường hợp các thẻ thấp hơn đã hết hay không đủ, thì các cửa này phải chịu thiệt thòi, không có gì để bù thêm. Riêng thẻ trạng anh thì có lệ cướp (đoạt) trạng nếu người đổ sau ra tuổi trạng cao hơn người đổ được trạng trước đó. Có nhiều cách tính tuổi trạng theo từng loại trạng:

1. Loại trạng đỏ tứ hường: Có 4 mặt hường trong 6 mặt đổ ra, được thẻ xăm trạng anh. Ngoài 4 mặt hường, 2 mặt kia cộng lại là tuổi của trạng. Người đổ ra trạng đỏ sau, khi đã có người được trạng đỏ trước đó thì tính tuổi trạng, nếu cao hơn thì cướp trạng. Dẫn dụ: có người đã có trạng anh tứ hường, hai mặt kia là Tam và Ngũ thì tuổi trạng là 8. Sau đó nếu có người đổ ra tứ hường mà tuổi trạng nhỏ hơn (7, 6, 5... tuổi) thì chỉ lấy thẻ nhỏ cộng lại cho đủ. Nhưng có người đổ ra tứ hường mà tuổi trạng cao hơn (9, 10, 11... tuổi) thì được cướp trạng 8 tuổi. Nếu 2 mặt kia là Nhất, Tam (1 + 3 = 4) là tứ hường cáp xiên; 2 mặt kia là Nhị, Nhị (2 + 2 = 4) là tứ hường cáp chính. Tứ hường cáp xiên cướp được trạng anh tứ hường tuổi. Tứ hường cáp chính cướp được trạng anh tứ hường cáp xiên.

2. Loại trạng đen ngũ tử: Có 5 mặt giống nhau trong 6 mặt đổ ra, được thẻ xăm trạng anh. Mặt còn lại là tuổi của trạng đen. Trường hợp mặt còn lại là mặt Tứ (hường) thì là ngũ tử đại ấn. Ngũ tử đại ấn cướp trạng anh ngũ tử tuổi. Ngũ tử tuổi cao cướp trạng anh ngũ tử tuổi thấp.

3. Cách cướp trạng

- Trạng loại nào thì chỉ cướp trạng loại đó. Trạng anh đỏ không cướp được trạng anh đen và ngược lại. Khi đổ ra trạng anh mà không còn thẻ trạng anh hay không cướp được trạng anh thì lấy số thẻ nhỏ cho đủ số điểm. Người đã có thẻ xăm trạng anh mà đổ ra trạng anh lần nữa thì, nếu nhỏ tuổi hơn, không được gì cả, nếu lớn tuổi hơn thì chỉ được tăng tuổi trạng.

- Thẻ xăm trạng anh được lấy khi người chơi đổ ra 1 trong 6 trường hợp sau, được xếp theo thứ tự từ thấp lên cao: Tứ hường, Ngũ tử, Tứ hường cáp (xiên, chính), Ngũ hường, Lục hợp, Lục hường. Ngoài hai mặt trạng anh Tứ hường và trạng anh Ngũ tử không cướp được nhau, các trạng anh cao hơn cướp được trạng anh thấp khi trạng anh đã có người trước đổ ra được.

- Trường hợp có người đổ ra ngũ hường đoạt tam khôi, thì cướp được 2 thẻ xăm trạng em và 1 thẻ xăm trạng anh, cho dù đang ở trên tay người khác (64 điểm); có người đổ ra lục phú, thì đoạt toàn bộ số thẻ từ tú tài đến trạng anh (192 điểm); có người đổ ra lục phú hường đoạt toàn bộ số thẻ như của lục phú, các cửa khác phải mua gấp đôi số điểm của cửa mình (32đ x 2 x 6 cửa = 384 điểm).

- Có nhiều hội xăm hường còn tính cả cách đoạt trạng em. Cách tính cũng như cách đoạt trạng anh. Trạng em cao hơn được cướp trạng em thấp hơn.

Hội xăm hường kết thúc khi tất cả các thẻ xăm đều được các cửa đổ ra lấy hết. Thông thường các thẻ từ tú tài đến hội nguyên (1đ - 8đ) có nhiều người đổ ra. Hai thẻ xăm trạng em, một thẻ xăm trạng anh khó hơn thường còn lại cuối cùng. Hội chơi nào có người đổ ra trạng anh sớm thì chắc chắn hội xăm hường này sẽ kết thúc nhanh. Trường hợp đã hết thẻ nhỏ mà trạng chưa ra thì người chơi có những biến tấu cho trò chơi thêm hấp dẫn:

1. Đấu thẻ: Góp thẻ 1 điểm hay thẻ 2 điểm (tú tài, cử nhân) lại, các người chơi đổ ra kết quả ai cao thì lấy hết. Đấu thẻ tính theo vòng đổ và chỉ tính mặt hường. Nếu đủ vòng không ai có mặt hường thì tiếp vòng 2... vòng 3 đủ vòng, khi có hường xuất hiện thì lấy tất cả số thẻ. Đấu thẻ là góp tự nguyện, không bắt buộc tất cả các cửa chơi.

2. Hạ giá trị trạng: 6 trường hợp đổ ra được trạng anh quá khó, các cửa chơi thống nhất hạ xuống 1 bậc, lấy thêm 2 mặt Tứ tự cáp chính và Phân song tam hường cho được lấy thẻ xăm trạng anh (thành 8 trường hợp được lấy trạng anh). Hai mặt này có giá trị thẻ là trạng em + hội nguyên = 24 điểm. Tuy vậy, sau khi các cửa chơi đã chịu hạ giá trạng anh, người sau đổ ra các mặt trên, được trạng anh vẫn tính 32 điểm và người đã đổ được các mặt đó trước đấy, không thắc mắc. Có hội xăm hường, khi đã hạ giá trị trạng anh, còn tính hạ giá trị trạng em, nếu còn trạng em chưa được đổ ra.

Người đời thường gắn thời vận vào hai màu đỏ đen. May rủi, hên xui, tốt xấu, thành bại... là các cặp nhị nguyên đồng nghĩa với đỏ đen. Đỏ là màu tươi sáng ai cũng cầu mong. Đen là màu tối tăm mọi người đều muốn xa lánh. Vào trò chơi đổ xăm hường, với thành kiến này, ai cũng cầu mong đổ ra mặt hường để chiếm lấy các thẻ xăm. Đó cũng là tín hiệu thông báo vận may sẽ đến trong năm. Cũng vì thế mà khi 6 hột xúc xắc đã yên vị, người chơi chỉ chú ý tìm mặt hường trước khi nhìn các mặt khác, thậm chí người mới chơi không biết và bỏ qua. Người ta quên rằng trong 12 trường hợp giành được thẻ chia đều cho 6 trường hợp của thẻ hường đỏ và 6 trường hợp của các mặt khác. Nhiều mặt đen “kết lại” trong một trật tự nào đó trở thành vận may, điều hên... giành được thẻ. Vậy thì hai màu đỏ, đen của xăm hường cũng như hai màu trắng, đen trong bát quái: bỉ cực thái lai; nhiều âm sinh dương; trong dương có âm. Ngày Tết đổ xăm hường đoán thời vận, ai đổ được trạng đều mừng cho năm mới may mắn, hanh thông. Không may trạng bị cướp nảy sinh lo sợ vận đen còn đeo đẳng. Người đổ ra lục phú, “thắng toàn làng” thì mừng “vận hội đại may”, đổ ra lục phú hường “thắng toàn làng gấp đôi”, càng mừng hơn “vận hội cực may”. Trong may lớn ắt có rủi, họ lại mang vào nỗi lo cái rủi lớn lao sẽ đến. Trong hội xăm hường rất cần một thủ lĩnh cầm chịch, có cặp mắt tinh nhanh và trí tuệ sắc sảo để quán xuyến, không bỏ sót vận may được thẻ của các cửa chơi. Người chơi thường cãi cọ nhau khi người ngồi cửa sau vội vàng đưa tay bốc mớ hột trong tô khi có người phát hiện mặt chơi đó có được thẻ. Nhưng bằng chứng đâu còn. Xích mích nẩy sinh. Buổi chơi mất vui!

Trước đây, đổ xăm hường là thú chơi được ưa thích của nhiều gia đình khá giả xứ Huế thần kinh. Mỗi khi gia đình có dịp tết nhất, cúng giỗ, khao vọng thì hội xăm hường ở gian nhà trên của nam thanh nữ tú bạn hữu con cháu trong nhà góp tiếng leng keng hòa vào không khí rạo rực, háo hức của gia chủ và khách khứa. Những ngày Tết đoàn tụ, cả gia đình quây quần quanh chiếc tô kiểu săm se “đổ hột” giành tú tài, cử nhân, tiến sĩ, tam khôi... mua niềm vui, cầu may mắn. Trong thời gian chiến tranh, không khí tao loạn với những lo toan sống còn, thú xăm hường không còn háo hức, trò chơi này hầu như bị lãng quên. Sau ngày thanh bình trở lại, trò chơi xăm hường được khôi phục, khuyến khích. Đổ xăm hường là một nội dung được đưa vào chương trình các loại hình văn hóa trong lễ hội Đêm Hoàng cung diễn ra trong Đại Nội vào dịp Festival Huế năm 2006. Bây giờ, ra chợ Đông Ba, vào các gian hàng mỹ nghệ, thấy chủ quán bày bán nhiều bộ xăm hường chạm khắc màu mè nhưng trong các dịp tết nhất, lễ lạt gia đình, tiếng leng keng xăm hường ít được nghe thấy. Trong thành phố Huế hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ nhiều bộ xăm hường gia bảo có tuổi đời cả trăm năm nhưng ít có dịp được con cháu hứng thú sử dụng. Trong một bài viết, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn có giới thiệu 2 bộ xăm hường bằng ngà voi. Một bộ là vương bảo của vua Tự Đức (1847 - 1883) trưng bày ở điện Hòa Khiêm trong lăng Tự Đức. Một bộ là gia bảo của Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn lưu giữ ở phủ thờ Ngọc Sương công chúa, con vua Đồng Khánh (1885 - 1888), tại đường Nguyễn Chí Thanh. Dựa vào các ghi chép trong các thẻ của 2 bộ xăm hường này, nhất là bộ xăm hường của vua Tự Đức, người chơi có thể biết chính xác luật chơi xăm hường. Người viết bài này trước đây có 2 người bạn, nhà ở trong đất phủ Thọ Xuân và phủ Thoại Thái dọc theo đường Gia Hội (nay là đường Chi Lăng), may mắn đã có dịp tham gia “đổ hột” đôi lần. Bây giờ xa quê, bạn bè không còn nữa, mơ tiếng leng keng xăm hường chỉ là hoài niệm quá khứ. Không biết ngoài ấy, tiếng “xăm hường” có còn không?

N.V.U
(TCSH372/02-2020)

---------------
(*) Trong trò chơi đổ xăm hường ở Huế, người chơi thường dùng từ “thẻ” vừa để gọi tên các loại thẻ xăm (thẻ tú tài, thẻ cử nhân,... thẻ trạng em, thẻ trạng anh); vừa để tính giá trị đơn vị của thẻ xăm (tú tài được 1 thẻ, cử nhân được 2 thẻ,... trạng em được 16 thẻ, trạng anh được 32 thẻ). Trong bài viết “Đổ xăm hường” của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn giới thiệu 2 bộ xăm hường của vua Tự Đức và của Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, tác giả đã chú ý phân biệt tên thẻ xăm và giá trị thẻ xăm. Trong bộ xăm hường của Phò Mã Nguyễn Hữu Tiễn, giá trị đơn vị thẻ xăm ghi là “phân”, tác giả dịch là “phần”. Trong bộ xăm hường của vua Tự Đức, giá trị đơn vị thẻ xăm ghi là “chú”, tác giả dịch là “điểm” và dùng từ này trong suốt bài viết. Trong bài viết này, tôi sử dụng từ “điểm” để tính giá trị đơn vị thẻ xăm theo cách của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng