Lễ hội
Hội lễ với đời sống con người
08:36 | 08/04/2021

LÊ AN PHƯƠNG

Ngay từ thời sơ khai, con người ý thức về sự tồn tại vật chất - bản - thân - mình: có hai con người - linh hồn và thể xác. Con người thể xác có thể chết, nhưng con người linh hồn sẽ sống mãi!

 

Hội lễ với đời sống con người
Ảnh: internet

Con người sống, được gắn bó với cộng đồng không chỉ gồm có những bản - thân - con - người - mà sự liên hệ của nó hàm chứa cả thế giới xung quanh: Vũ trụ như trời, đất, mây, mưa, mặt trăng, mặt trời... Thiên nhiên như núi, sông, rừng, biển ... sinh vật như chim muông, tôm cá, gạo thóc... và một đối tượng nữa là : Cõi - hư - vô - linh - hồn !

Người cổ xưa, quan niệm không chỉ có con người mới có linh hồn, mà linh hồn nằm trong mọi vật thể ! Linh hồn luôn tác động vào cuộc sống hiện hữu. Ví dụ như các thần - linh - cao - cả luôn giúp cho cộng đồng sinh sôi nảy nở. Còn những thần linh "ma" luôn ám ảnh, tác oai, tác quái khiến ruộng nương thất bát, cộng đồng dịch bệnh...

Con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên, vũ trụ - nhờ vào thiên nhiên, vũ trụ mà con người được sống. Sự biết ơn, hướng thượng tới các vị thần linh cứ hình thành dần trong đời sống tinh thần con người. Ý thức mong cầu cuộc sống sinh sôi nảy nở, no ấm, hạnh phúc là niềm tin mãnh liệt vào sự trợ giúp cao đẹp của các thần linh siêu việt. Sự tác động qua lại giữa thiên nhiên và con người thường nhật, làm cho con người nhận rõ vai trò của mình trong đời sống. Các cuộc chiêm nghiệm, khám phá mới luôn nảy sinh nơi tri thức con người trong quá trình : sinh ra - trưởng thành - đấu tranh tồn tại và sự chết của đời một con người. Tựu trung sự hướng thượng, cầu mong thần linh chở che cho quá trình vòng quay bất biến của con người như một hằng số tự nhiên ! Sự cầu mong mới đầu như những cử chỉ ứng xử xã hội của con người trước các đấng thần linh, nhưng dần sau, đời sống no đủ, văn minh, con người gia tăng về tinh thần, cũng như vật chất cho sự biết ơn sâu sắc ! Lễ hội hình thành tất nhiên như cuộc sống thường nhật con người, như cơm ăn, nước uống ! Đứa trẻ ra đời góp thêm cho cộng đồng một con người, làm cho cộng đồng thêm sức mạnh, lẽ nào không cầu mong những thần linh chở che cho chúng được vẹn toàn! Và lễ nghi mừng đứa trẻ sơ sinh như một niềm hân hoan của đôi lứa và của cả bản làng, của cả núi rừng, thiên nhiên và vũ trụ!

Con người lớn lên - hôn nhân là một cột mốc, đánh dấu bước trưởng thành, khẳng định sự khỏe khoắn mà con người đã đạt được, sẽ góp cho cuộc sống sinh sôi, phồn thực.

Cộng đồng phải sống và phải đấu tranh tồn tại; lễ nghi vào mùa, săn bắt bao giờ cũng là niềm hân hoan vô bờ của con người. Thực tế, con người hiện tồn không chỉ trông vào ý nghĩa mong cầu Thượng đế, mà ngược lại, con người luôn tự tin vào sức mạnh của chính mình, củng cố ý chí tự cường trong cuộc đấu tranh sinh tồn xã hội!

Và cuối cùng, con người phải chết! - Lễ nghi tiễn đưa sự chết xem như đánh dấu để khẳng định vòng đời con người đã chấm hết và được về với tổ tiên. Cộng đồng ca hát, nhảy múa trước cái chết, không phải biểu thị sự tiêu vong mà là sự hội tụ giữa cõi chết - linh hồn - cuộc sống làm thành một vòng quay bất diệt của con người. Và cũng vì lẽ ấy mà con người sống, yêu thương, chiến đấu, và biết ơn thánh linh, trời đất.

Hội lễ dân tộc là nhu cầu về ý tưởng của nhân dân sẽ khó phai mờ. Hoặc chỉ có thể thay đổi, biến dạng về hình thức - một khi loài người văn minh dần lên. Ta có thể thấy rõ một quá trình chuyển tiếp các hội lễ dân tộc cổ xưa của tộc người Lạc - Việt, thì thấy những bước thay đổi rõ nét, mà vẫn không mất đi bản chất sinh thần của lễ hội. Ví như: Ngày hội vào mùa của các dân tộc Việt Nam đều nở rộ từ tháng giêng đến tháng ba. Người ta cầu mong cho hạnh phúc, cây cối được mùa, đơm hoa kết trái, làm ăn thịnh vượng. Lễ cúng thành hoàng làng, hay những bà chúa, có công dạy giỗ cho dân làm nghề nông, nghề thợ; ngưỡng vọng ông bà, tổ tiên đã sinh thành gia tộc đầy đàn con cháu; lễ rước lớn lao các vị thánh nhân có công đánh giặc, giữ làng, giữ nước... Nhiều biểu hiện giao tiếp xã hội trong hội lễ + nhằm phô diễn sức mạnh, nghề nghiệp tài hoa, trai tài, gái giỏi... Sự phô diễn đến như không tiếc người, tiếc của để được thỏa mãn tinh thần, để được sống trọn vẹn. Ví như một người dân, thường ngày còn thiếu ăn, nhưng vẫn sẵn sàng đội gạo, góp thêm xôi, chuối để cúng thành hoàng làng. Một quả pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), một giàn pháo ở Bình Đà (Hà Tây) tốn kém hàng vài chỉ vàng ... nhưng nhiều gia đình đã tự phô diễn trong ngày hội pháo đầu xuân ! Không ai tiếc - và rất dở, nếu cho đó là lãng phí - bởi đó là nhu cầu thăng hoa sau mỗi ngày hội lễ của làng ! Không có gì mất đi một khi tinh thần được giải phóng ! Được tự do thoải mái ! Được thỏa sức phóng túng lòng mình với bao ngày tháng cần lao, giữ gìn, ý tứ trước những ràng buộc, o bế, khổ đau !... Người dân làng chài chỉ có thể yên tâm làm ăn sau mỗi lần hội lễ cúng cá ông ! Người dân chài sẵn sàng nghỉ việc, đóng góp tiền bạc, vật lễ, làm hoa, kết thuyền thắp nhiều đèn nhang rực rỡ... rồi vượt sông ra biển. Họ tế lễ, họ chèo thuyền, hát bội ở biển khơi. Và sau đó được yên lòng bởi bao tháng ngày khổ đau trong các cuộc hành trình đánh bắt cá tôm. Niềm tin của họ được thăng hoa, phấn chấn bởi đức tin bất diệt về sự trợ giúp của cá ông ! Họ vững tay chèo và mạnh tay quăng lưới ! Sóng cả không thể dập vùi thuyền bè của họ !...

Sự còn lại khó quên là lễ hội ở vùng cao Tây nguyên. Người Gia Rai, Ê đê, Cơ tu... còn giữ lại truyền thống cổ xưa về những hình thức hội lễ nhằm vào tinh thần thượng võ của mình ! Những lễ thức đan xen với nhảy múa, ca hát mang nặng tình yêu đan quyện vào nhau giữa một bên là con người và một bên là vũ trụ xung quanh. Lễ hội đâm trâu như một vũ điệu đầy chất hoành tráng miêu tả bức tranh rộng lớn về sức mạnh con người và con người luôn luôn chiến thắng ! Lễ mừng đứa trẻ ra đời với người Ê đê, Gia rai, được mở tiệc nhảy múa với những nhạc điệu cồng chiêng thật rầm rộ và nồng nhiệt đầy tính cộng đồng. Với tính chất ấy, ngược lại ở người Kinh, bây giờ chỉ còn lại mờ nhạt, là kỷ niệm một ngày sinh nhật riêng tư, nhỏ bé ! Ngày lễ trưởng thành với tục cưới gả thật đáng tự hào đối với bản làng bởi có thêm sức mạnh hoàn chỉnh của đôi trai gái tham gia vào công cuộc săn bắt, hái lượm, chống lại những khắc nghiệt thiên nhiên. Còn ở miền xuôi, nay chỉ còn là một lễ nghi gia đình, phô diễn tiêu xài, ăn uống và... chụp nhiều kiểu ảnh ! Và khi chết - lễ nghi cao quý của các dân tộc trên cao nguyên còn rực rỡ về sự tiễn đưa cha mẹ được về với tổ tiên, được hoàn tất phận sự với cộng đồng, và bằng những cảnh ca hát, nhảy múa ân nghĩa, cồng chiêng sôi động núi rừng... Còn ở miền đồng bằng, ngược lại, đám tang là một ngày sướt mướt, ủy mỵ lòng thương nhớ, báo hiệu một con người vĩnh viễn ra đi.

Cũng có thể nói thêm về những hội lễ tôn giáo, hoặc có nhuốm màu tôn giáo - mới đầu, thực chất là tinh thần cảm kích trước các vị thánh nhân có thật; sau đó, là những lời truyền tụng, rao giảng giống như huyền thoại, thần bí đầy tính áp đặt, thiếu đi một tinh thần hướng thượng cao siêu, tuyệt mỹ đầy tính chất hiện thực và nhân văn con người ! Lễ hội kiểu đó, còn có thể hấp dẫn hơn, đầy tính thuyết phục hơn - nếu như, hình thức lễ nghi được trở về với cội nguồn của một tinh thần lễ hội dân tộc xa xưa của sự sáng tạo.

Văn - hóa - hội - lễ của con người!

Đây đó, mỗi nơi, mỗi vẻ, nhưng nhất thiết hội lễ là một nhu cầu tinh thần đầy tính nhân văn cao cả của con người - có thể nói bất diệt trong đời sống tinh thần của nhân dân !

Có thể bàn đến hội lễ dân tộc, xem như một yếu tố văn minh trong bất kể một nền dân chủ nào của những quan hệ con người!

L.A.P
(TCSH49/05&6-1992)







 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đổ xăm hường (02/03/2020)