Ca dao- Cổ tích
Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ
15:22 | 22/06/2009
PHAN TRỌNG HOÀCó thể khảo sát nghĩa của tục ngữ từ góc độ văn bản hoặc góc độ ứng dụng. Ở nước ta, việc nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong quá trình sử dụng không phải là một vấn đề mới mẻ, nhưng so với xu hướng này thì việc nghiên cứu nghĩa của tục ngữ ở trạng thái ổn định trên văn bản đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thật khó khẳng định rằng trong hai cách xem xét trên thì cách nào là quan trọng hơn, vì nó không chỉ phụ thuộc vào đặc trưng thể loại của đối tượng được nghiên cứu mà nhiều khi còn tuỳ thuộc vào mục đích, yêu cầu của từng loại đề tài và nói chung là tuỳ thuộc vào nhu cầu của hoạt động thực tiễn. Điều đáng lưu tâm là ở chỗ, khi mình đã lựa chọn hướng tiếp cận này thì đừng vì thế mà phủ nhận hướng tiếp cận kia.

Bài viết của chúng tôi xem xét nghĩa của tục ngữ từ góc độ văn bản. Mục đích của bài viết là góp phần giải đáp hai vấn đề mà không ít người băn khoăn sau khi đọc bài "Về nghĩa của tục ngữ" của TS.Nguyễn Xuân Đức đăng trên Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4-2000:

Một là, vì sao không nên nói tục ngữ đa (hay nhiều) nghĩa?
Hai là, đích thực tục ngữ có mấy nghĩa?

1. Vì sao không nên nói tục ngữ đa (hay nhiều) nghĩa?

Trong bài viết của mình, sau khi phân tích nội dung các tài liệu, giáo trình của các tác giả Đinh Gia Khánh (chủ biên), Lê Chí Quế (chủ biên), Hoàng Tiến Tựu và Bùi Mạnh Nhị viết cho các hệ học sinh từ phổ thông đến cao đẳng, đại học, Nguyễn Xuân Đức nhận xét: "Theo quan niệm của hầu hết các nhà nghiên cứu thì có hai bộ phận tục ngữ: bộ phận chỉ có một nghĩa và bộ phận có nhiều nghĩa (...). Tuy nói tục ngữ thường mang nhiều nghĩa nhưng trong trong toàn bộ bài viết của mình, Bùi Mạnh Nhị cũng chỉ nói tới nghĩa đen và nghĩa bóng của thể loại này mà thôi”. Tương tự, "mặc dù có hẳn một đề mục là" Tính nhiều nghĩa của tục ngữ" hoặc dùng hẳn từ "đa nghĩa" khi nói về nội dung của tục ngữ nhưng đọc kĩ toàn bộ chương viết về tục ngữ trong giáo trình dành cho học sinh cao đẳng sư phạm thì thấy Hoàng Tiến Tựu cũng chỉ nói được hai nghĩa mà thôi".

Những ý kiến trên là thoả đáng. Có điều, khi bác bỏ quan niệm cho rằng "Hai là nhiều, nhiều là đa, vì thế có quyền nói tục ngữ là nhiều nghĩa, là đa nghĩa", ông Đức lập luận: "Đúng hai là nhiều, mà nhiều là đa nhưng đa (hay nhiều) bao hàm cả hai chứ không chỉ có hai", và ông khuyên "Không nên nói tục ngữ là đa nghĩa hay nói quá đi rằng tục ngữ có nhiều nghĩa như các tác giả khác".

Ở đây, cái ý "nhưng đa (hay nhiều) bao hàm cả hai chứ không chỉ có hai" là thừa, là luẩn quẩn, vì điều tác giả đang bàn là "Hai là đa (hay nhiều)" chứ không phải "Đa (hay nhiều) là hai".

Sắp xếp lại thứ tự của các phán đoán, đưa lập luận đang xét về dạng luận tam đoạn, ta sẽ sáng rõ hơn điều này:

              Nhiều là đa
              Hai là nhiều
              Vậy nên, hai là đa

"Hai là đa" là một kết đề tất yếu đúng, và theo đây, cứ câu tục ngữ nào có hai nghĩa thì câu đó là nhiều nghĩa, đa nghĩa, không có gì phải băn khoăn cả. (Trong suy luận, khi đã biết rằng "Hổ là thú ăn thịt" và biết "Con vật này là hổ",ta sẽ suy ra "Con vật này là thú ăn thịt". Ở đây không cần phải ngoắc lại rằng "nhưng trong loài thú ăn thịt có hổ chứ không phải chỉ có hổ".)

Đây chỉ là cách tư duy thông thường. Thế nhưng trong các cuộc tranh luận khoa học, lắm khi vì thiếu một chút kiến thức thông thường ấy mà một vấn đề đúng lại tưởng là sai, một vấn đề đơn giản lại hoá thành phức tạp. Trường hợp ta vừa phân tích là một ví dụ.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến sự luẩn quẩn trong cách lập luận trên chủ yếu là do tác giả chưa xác định rõ được mối quan hệ giữa các khái niệm "hai", "đa" và "nhiều". Thật ra, "đa" cũng có nghĩa là "nhiều". Và "nhiều" hay "đa" đều là "từ hai trở lên". Trong thực tế, "đa" có thể là "từ ba trở lên" (như "đa" trong "đa giác", "đa phức", "đa tiết", "đa trị") nhưng điều này không làm cho kết luận vừa nêu (Đa hay nhiều đều là từ hai trở lên) sai, vì trong "từ hai trở lên" có "từ ba trở lên". Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học của Nguyễn Như Ý (1) cũng xác định: "đa nghĩa" là "có hai nghĩa trở lên; còn gọi là nhiều nghĩa".

Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Việc Hoàng Tiến Tựu và Bùi Mạnh Nhị hay ai đó sử dụng khái niệm "nhiều nghĩa" hay "đa nghĩa" khi nói về những câu tục ngữ có hai nghĩa là hoàn toàn đúng, không còn gì để bàn cãi nữa.

2. Đích thực tục ngữ có mấy nghĩa?

Câu hỏi này được ông Đức nêu ra trong bài viết của mình. Song trước khi giải đáp điều này, có lẽ ta nên phân biệt hai cụm từ "số lượng nghĩa" và "loại nghĩa" của tục ngữ. Trong ngôn ngữ, số lượng nghĩa của một từ có thể rất lớn, tính đến hàng chục (Ví dụ, trong Từ điển tiếng Việt 2002, từ "ăn" có 13 nghĩa) nhưng loại nghĩa thì chỉ có hai: nghĩa đen (2) và nghĩa bóng(3). Tục ngữ cũng có những nét tương tự. Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, trong tiếng Việt, bên cạnh những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa là nghĩa đen (Ví dụ: Trời nắng, cỏ gà trắng thì mưa; May hơn khôn) hoặc nghĩa bóng (Ví dụ: Gieo gió, gặt bão; Gió Sơn Tây trúc cây Hà Nội)(4) là những câu có hai nghĩa, tức cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (Ví dụ: Thuốc đắng dã tật; Tre non dễ uốn). Ở đây, số lượng nghĩa và loại nghĩa của mỗi câu tục ngữ là đồng nhất. Dường như từ trước tới nay, khi phân tích nghĩa của tục ngữ hầu hết các nhà tục ngữ học Việt Nam đều chỉ mới dừng lại ở mức độ này. Và đúng như nhận xét của Nguyễn Xuân Đức, "dù nói tục ngữ nhiều nghĩa hay đa nghĩa thì xét đến cùng, các tác giả cũng chỉ mới nhằm đề cập từ một đến hai nghĩa của tục ngữ mà thôi, chứ chưa nói đến nghĩa thứ ba nào cả."

Thế nhưng mới đây, khi đọc Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung chủ biên)(5), chúng tôi đã gặp một số câu tục ngữ có ba nghĩa, trong đó ở câu nào số lượng nghĩa bóng cũng nhiều hơn nghĩa đen. Ví dụ:

Cá mè đè cá chép. (Tr. 106)

Nghĩa đen: Một kinh nghiệm chăn nuôi: Cá mè ăn nổi, sống ở tầng trên, cá chép sống ở tầng giữa.

Nghĩa bóng: - Cùng họ hàng, đồng loại mà đè nén, chèn ép nhau.
- Cảnh đời trớ trêu(6).

Đất nặn nên bụt (Để là hòn đất, cất là ông bụt; Hòn đất cất nên ông bụt).(Tr. 286)

Nghĩa đen: Hòn đất tự nhiên không có giá trị, không ra hình thù gì, khéo nặn thành tượng Phật thì trở nên vật quí, được lễ bái cung kính.

Nghĩa bóng: - Bị bỏ xó một chỗ, không được cất nhắc thì chẳng là cái gì, gặp thời gặp vận lại được trọng vọng cung kính.
- Vật tầm thường nếu khéo dùng, qua cải tạo sẽ trở nên quí hiếm.

Một lần thì kín, chín lần thì hở.(Tr.461)

Nghĩa đen: Người khéo gói một lần là kín, người vụng gói nhiều lần vẫn hở.

Nghĩa bóng: - Việc làm mà khéo léo, cẩn thận thì chỉ một lần cũng xong xuôi chu đáo, nếu vụng về cẩu thả thì làm đi làm lại cũng không ra gì.
- Việc làm vụng trộm nhiều lần sẽ bị phát hiện, không thể giấu giếm được.

Thực tế trên chứng tỏ, về số lượng, tục ngữ tiếng Việt có từ một đến ba nghĩa, nhưng về loại thì chỉ có hai: nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tục ngữ là thể loại tiền nghệ thuật chứ không phải phi nghệ thuật. Việc nghiên cứu nghĩa nói chung và nghĩa bóng (nghĩa biểu tượng) nói riêng của loạt tục ngữ vừa dẫn ra trên sẽ giúp ta hiểu thêm những yếu tố nghệ thuật bao hàm trong thể loại văn học dân gian này.

P.T.H          
(177/11-03)

---------------------
1.Nguyễn Như Ý: Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Giáo dục, H.2000,Tr.84.
2. Nghĩa đen: Nghĩa từ vựng của từ theo đúng nghĩa của nó; còn gọi là nghĩa trực tiếp, khác với nghĩa bóng - nghĩa ẩn dụ, bóng bẩy, và cũng khác với sắc thái cảm xúc biểu cảm đi kèm theo nó. Nghĩa đen đồng thời cũng là nghĩa ban đầu, nghĩa xuất phát không có căn cứ, không có lí do. (Nguyễn Như Ý: Sách đã dẫn.Tr.144)
3.Nghĩa bóng: Nghĩa phái sinh, nghĩa thứ yếu của từ, bắt nguồn từ nghĩa đen hoặc một nghĩa bóng khác nhờ kết quả của việc sử dụng từ có ý thức trong lời nói để biểu thị sự vật không phải là vật qui chiếu tự nhiên, thường xuyên. Một từ có nghĩa bóng khi nó định danh sự vật không phải trực tiếp mà qua một sự vật khác theo phép ẩn dụ, hoán dụ hay cải dung. Như vậy, nghĩa bóng là nghĩa có căn cứ, có lí do.(Nguyễn Như Ý:Sách đã dẫn.Tr.144).
4.Trong bài viết này, khi phân tích nghĩa của tục ngư, ông Đức đã nhắc đi nhắc lại (dù có chỗ dẫn theo ý của Hoàng Tiến Tựu) không dưới năm lần hai câu cốt
nhục tương tàn, nồi da nấu thịt. Thật ra, đây không phải là hai tục ngữ mà là hai thành ngữ. Trong giao tiếp thường ngày ta vẫn gặp những câu đại loại như:
Trong những năm dài nội chiến, cảnh cốt nhục tương tàn, nồi da nấu thịt diễn ra liên miên.
Từ điển thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Lực-Lương Văn Đang và Từ điển thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý cũng xếp hai câu này vào loại thành ngư.
5.Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào: Từ điển
thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Giáo dục,H.1993.
6.Nghĩa này mang tính thành ngữ.

Các bài mới
Các bài đã đăng