Ca dao- Cổ tích
"Đọc xuôi như thế đã xuôi chưa?" một câu hỏi, hai câu trả lời
16:23 | 04/05/2022

ĐỖ LAI THÚY

Tác phẩm văn chương, do tính biểu tượng, cho phép nhiều cách hiểu. Bởi thế, trong đánh giá, cảm thụ tác phẩm, bất đồng ý kiến với nhau là chuyện thường, nếu không nói là chuyện mừng.

"Đọc xuôi như thế đã xuôi chưa?" một câu hỏi, hai câu trả lời
Ảnh: internet

Tuy nhiên, sự bắt đầu sinh khi có một ý kiến nào đó đòi độc tôn "chỉ mình mình đúng, chỉ mình mình hay", coi mọi lời thiên hạ đều nghịch nhĩ. Lối suy nghĩ này cản trở không ít cho việc đổi mới văn nghệ, nhất là trong phê bình. Xuất phát từ thiện ý trên, tôi mạo muội trả lời lại câu hỏi (với ít nhiều chế diễu, thách thức) của ông Khuê Văn: "Đọc xuôi như thế đã xuôi chưa?", mà không sợ mình tài sơ học thiểu, hoặc những hiểu lầm đáng tiếc, nhất là ở ta nơi chưa có thói quen tranh luận học thuật nên dễ "một lời là một vận vào cá nhân".

Những điều mà ông Khuê Văn tự trả lời cho chính câu hỏi do ông đặt ra nếu không thuộc về cái "hoặc là" thứ nhất thì cũng thuộc về cái "hoặc là" thứ hai. Quả vậy, khó mà bác bỏ được những lý lẽ mà ông đưa ra: rằng một bài ca dao phải "chịu sự quy định của phong cách thể loại" (ý ông muốn nhắc tới "lý thuyết thể loại"), rằng "những bài hát ấy không chỉ là văn chương nghệ thuật dân gian, mà còn là, trước hết là khoa học giáo dục dân gian" (ý ông muốn nhắc tới "chức năng giáo dục"), rằng bài ca dao nói ngược gần với câu đố, "để ý thức sâu sắc hơn về các mối quan hệ của sự vật tồn tại xung quanh về thế giới tự nhiên, xã hội, loài vật, loài người" (ý ông muốn nhắc tới "chức năng nhận thức"), rằng "cái bài hát ngược này, xuất phát từ óc quan sát, cùng những ấn tượng kinh nghiệm về tự nhiên, về loài vật, về con người, người sáng tác đã mang theo và gửi gắm ít nhiều tâm sự, thái độ của mình, của nhân dân trước cuộc đời thời cuộc" (ý ông muốn nhắc tới "chức năng phản ánh")... Tất cả những điều trên và như trên đều đúng cả. Nó là chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở vào bất kỳ tác phẩm nào cũng được. Và, thật là thuận tiện, người ta có thể dễ dàng nhặt được nó trong mọi cuốn sách giáo khoa văn học, hoặc ở những diễn từ được sản xuất hàng loạt in ở đầu các tuyển tập! Nhưng "cái ấy" chẳng mang lại lợi ích cho ai... Đó chỉ là những chân lý có sẵn, im lìm, bất động, những chân lý sách vở. Chân lý thực sự chỉ nảy sinh trongcùng cuộc sống. Đến với tác phẩm văn chương, một cuộc sống ngôn từ, với những khuôn vàng thước ngọc ấy, chỉ có thể mang lại cho độc giả cái điều biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

2. Không có nhiều kiến thức giáo khoa để truyền giảng, tôi chọn một cách tiếp cận hợp với mình và dân chủ với người hơn. Đó là cách đọc. Đọc, một mặt, nhuốm màu chủ quan, cá nhân; mặt khác, mang tính khách quan, bởi nguyên nhân của những phản ứng thẩm mĩ nằm ở tác phẩm. Ai cũng có một cơ hội vừa như nhau vừa không như nhau! Nhiều cách đọc khác nhau chỉ càng tăng thêm chiều kích của không gian thẩm mĩ của tác phẩm. (Sự đa chiều kích này không có gì đáng ngại, bởi lẽ, nó không phải là thứ chủ nghĩa "đa đa" nào đó!).

Không hành trang những nguyên lý có sẵn trong bài "Đọc..." của mình, tôi chỉ tuân theo những cảm xúc của tôi khi tiếp nhận bài ca dao. Nếu có một ý tưởng xã hội nào đó thì chỉ là những liên tưởng dựa trên nền xúc cảm đó. Bởi thế, tôi chú trọng phân tích cơ chế của sự nói ngược như là "sự lạ hóa, sự phá vỡ trật tự thông thường quen thuộc của sự vật rồi cấu trúc lại theo một ý đồ tư tưởng - nghệ thuật nhất định". Chỉ trên cơ sở phá vỡ được cơ chế chờn mòn (tự động hóa) của nhận thức thông thường, sự "không tải”, sự "trong suốt" của ngôn ngữ thường nhật, người đọc mới có khả năng cảm thụ tinh khôi những hình tượng cặp đôi như chuột - trâu, voi - cóc... trong sự đối lập chức năng và tính chất bi - hài sóng đôi của chúng.

Một điều đơn giản khác là đã dùng mắt đọc thì không thể không theo tuyến tính, nghĩa là đã đọc thì phải đọc từ chữ đầu đến chữ cuối. Dĩ nhiên, cũng còn những cách đọc khác như đọc chéo, đọc ngược, đọc từ giữa ra... nhưng đó là những biệt lệ. Tôi đã trình bầy bài viết của mình theo lối tưởng tượng mình đang cùng đọc với bạn đọc. Thế mới có những từ đệm như "mở đầu", "kế đó", "kết thúc" vừa điểm nhịp vừa làm mốc. Cách viết này đã làm ông Khuê Văn tưởng tôi coi bài ca dao có một bố cục chặt chẽ như một thứ tập làm văn. Dựa vào "lý thuyết thể loại", ông có thể cho rằng thể ca dao nói ngược là không có bố cục, hoặc bố cục lỏng, mang tính lắp ráp... Ở đây ông Khuê Văn đã có sự nhầm lẫn giữa thao tác sáng tạo và phương thức truyền bá của văn học dân gian với bố cục một bài ca dao cụ thể, một tác phẩm cụ thể. Có thể được lắp ráp bởi những "cấu kiện đúc sẵn", nhưng vẫn phải có cái "bố cục" cái nhất quán tạo nên lý do tồn tại cả "bài" hoặc "tác phẩm". Những kiệt tác điêu khắc của Điềm Phùng Thị được lắp ráp từ một số ít những mô-đen có sẵn theo các kiểu "bố cục" khác nhau là một minh chứng tiêu biểu.

Chung qui, sự khác nhau giữa tôi và ông Khuê Văn là ở chỗ một đằng lấy tác phẩm làm điểm xuất phát, kết luận chỉ là điểm chót của một hành trình không biết trước, đằng kia khởi hành từ những nguyên lý có sẵn, sự phân tích tác phẩm chẳng qua chỉ để làm sao đi đến một kết luận viết sẵn một cách trót lọt, thuận buồm xuôi mái.

3. Ông Khuê Văn cho cách đọc của tôi là không xuôi, có lẽ bởi ‘chân’ nó dài hơn ‘giường’! Theo ông, "rất giản đơn, cách đọc xuôi theo đúng tinh thần thể loại phải là phục nguyên lại những quan hệ thuận trên cơ sở tháo tung những quan hệ nghịch ở bài hát mà sắp xếp lại theo đúng quan hệ lô gích thông thường của tự nhiên, cuộc sống". Ta hãy thực hành theo lý thuyết của ông Khuê Văn:

Câu ngược là:

Voi kia nằm ở gậm giường
Cóc kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
Chuồn kia thấy cám liền ăn
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua...

Đọc xuôi là:

"Cóc kia nằm ở gậm giường
"Voi" kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
"Lợn" kia thấy cám liền ăn
"Chuồn" kia thấy cám nhọc nhằn bay qua...

Một cách "đọc xuôi" như vậy thì quá dễ, bởi vì ai cũng biết trước cả rồi. Cơ chế nói ngược phải dựa trên sự biết trước này như một thứ "tiền giả định", nếu không sẽ vô nghĩa. Khi đọc một câu nói ngược, lập tứctự động trong óc bạn đọc phải hiện lên câu nói xuôi "theo đúng trật tự thông thường của tự nhiên, cuộc sống?”. Chính điều đó tạo nên sự hứng thú. Còn nếu lúc ấy, phải dựa theo "tinh thần thể loại" để loay hoay tìm cách "đọc xuôi" thì khác chi nghe người ta pha trò mà mãi 5 phút sau mình mới hiểu để mà cười!

Cũng có thể vì một chút sính chơi chữ của tôi cốt gây ấn tượng (Đọc xuôi một bài ca dao nói ngược) đã khiến ông Khuê Văn lạc hướng chăng? Thực ra, trong ý nghĩ của tôi, đọc xuôi nghĩa là giải mã. Mọi thông điệp được gửi đến bạn đọc đều qua mã hóa. Phê bình là một quá trình thám mã. Đồng dao, có lẽ là trường hợp khó giải mã hơn cả. Một bài đồng dao thường được hình thành theo hai lối: 1) sự chắp nối theo ngẫu hứng của trẻ thơ; 2) bài ca dao cổ do sự đứt đoạn của "di truyền văn hóa" nên đã mất một số, không ai hiểu cả và trở thành đồng dao (chính sự không cần hiểu nghĩa của trẻ em mà vẫn nhớ là một hình thức bảo hiểm của nhân loại!). Tìm ý nghĩa của một bài đồng dao, nhất là "đồng dao nói ngược", mà chỉ bằng con đường phân tích lô-gich, hữu thức thì kết quả thường chẳng được là bao. Sự minh nhiên vô thức của người thái cổ và đứa anh nhi nhiều khi đưa đến những thông điệp bất ngờ chỉ có thể cảm nhận được bằng sự mẫn cảm nghệ thuật hay linh giác chứ không phải là đọc xuôi theo thuyết thể loại chung chung nào đó.

Tóm lại " một người có tham gia sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian ở một địa phương vốn có nhiều loại vè nói ngược", có lẽ ông Khuê Văn ít nhiều bị hạn chế do lối tư duy dân gian (của nền văn minh thôn dã) chỉ là sự phân đôi rạch ròi: tốt / xấu; đúng / sai; hơn / kém không có sắc độ trung gian, hoặc sự pha sắc, nhất là không công nhận cái giá trị của cái khác trong văn hóa như ở nền văn minh đô thị, công nghiệp. Lối tư duy này sẽ chỉ làm cho chính mình nghèo đi. Vì quy luật phát triển của văn hóa là giao lưu, là thừa nhận cái khác, là không độc tôn.

Đ.L.T.
(TCSH53/01&2-1993)

>> "Đọc xuôi" như thế đã "xuôi" chưa?

 

Các bài đã đăng