Festival Huế 2014
Festival Huế, hồn quê trầm tích
14:25 | 11/04/2014

NGÔ MINH

1.
Một Festival Huế nữa lại đang về, sẽ khai mạc đêm 12/4 và bế mạc vào tối 20/4 với nhiều chương trình hấp dẫn.

Festival Huế, hồn quê trầm tích
Vũ điệu Festival - Ảnh: Đặng Văn Trân

Tôi vốn thích ngồi ngẫm nghĩ một mình, sợ đám đông. Thế mà trong những ngày diễn ra Festival Huế 2008, tôi cũng “lên cơn sốt” đội mũ bảo hiểm, đeo phù hiệu nhà báo ra đường “chạy xô” hết điểm diễn này đến lễ hội khác. Không có tiền để thưởng thức các chương trình bán vé như Đêm Dạ nhạc tiệc, hay những bữa ẩm thực trong Đêm Hoàng Cung thì đi xem cảnh xem người, xem sông, xem đò cũng no nê thỏa thích. Không ai tài nào xem hết tất cả các lễ hội. Huế là Kinh Đô nước Việt một thời, mang chứa một trầm tích văn hóa dân tộc đủ để đối tác nước ngoài trong các Festival định kỳ 2 năm một lần. Bảy kỳ tổ chức rồi, Festival Huế nào cũng có hàng trăm tiết mục văn hóa nghệ thuật của hàng chục quốc gia của 5 châu lục tụ về, chỉ diễn ra trong 9 đêm ngày. Nhiều quá không kham nổi, nên đành chuộng tiết mục nào thì theo tiết mục ấy thôi. Festival Huế là lễ hội, là liên hoan văn hóa mang tầm quốc tế, nhiều cái mới lạ lắm, không xem cũng uổng…

Nhưng đi trong không gian Huế, một điều dễ cảm nhận là Festival lung linh một hồn quê trầm tích lắng đọng trong cây trong lá, trong từng dáng người trên phố. Hôm khai mạc Triển lãm Mỹ thuật 6 tỉnh Bắc Miền Trung (một triển lãm thuộc Festival Huế lần thứ 7), điều làm tôi ngạc nhiên nhất là họa sĩ Bằng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, một người dân Bắc chính hãng từ Hà Nội vào lại mặc áo dài khăn đóng lên diễn đàn phát biểu. Có vị khách ngồi gần tôi bảo, trông họa sĩ như người sắp diễn tuồng. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Sự xuất hiện của anh trong trang phục quốc lễ xưa của dân tộc như là một nét hồi cổ thật đáng yêu. Có lẽ chỉ ở Huế mặc như thế mới đẹp, mới hợp với đất trời mây gió chăng? Tại phòng triển lãm Thư pháp chữ Hán 40 bài thơ Trung đại tiêu biểu về Huế, tôi thấy nhà thơ, nhà thư pháp trẻ dòng hoàng tộc Nguyễn Phước Hải Trung cũng mặc bộ áo dài khăn đóng màu sữa đi giới thiệu từng bài thơ cho du khách, rồi ngồi quệt bút lông mực nho cho chữ như một ông đồ xưa sống lại. Ngắm hình ảnh ông đồ trẻ Hải Trung, bỗng thấy ấm lòng. Vẫn còn đó nét quốc phục Việt thân quen như cây đa bến nước muôn đời, thứ quốc phục mà các nhà thiết kế thời trang chọn để cách điệu cho bộ lễ phục của 21 nguyên thủ quốc gia và vùng lãnh thổ trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC Hà Nội cuối năm 2006. Lễ phục khăn đóng áo dài hiện vẫn rất thịnh hành ở các làng quê nước ta, nhất là Huế, miền Trung. Khi có “việc làng”, tết nhất hay lễ ăn hỏi, lễ rước dâu ngày cưới, các bô lão phải khăn đóng áo dài; không khăn đóng áo dài thì bất thành lễ, bất thành lão, phải đứng ra ngoài! Trang phục cung đình triều Nguyễn cũng là một biến thể của bộ lễ phục cha ông truyền thống ấy. Cho nên khi xem Lễ Tế Nam Giao, tái hiện Hoàng đế Quang Trung lên ngôi ở núi Bân trong Festival Huế 2008, nhìn vua quan “hưng bái”, “chiết tửu”, tôi bỗng nghĩ đến một tầm văn hóa tâm linh sâu thẳm trong trời đất Huế. Trong trang phục quốc lễ ấy, con người trở nên đứng đắn hơn, đàng hoàng chững chạc và minh bạch hơn chăng?!

Cùng với phục trang khăn đóng áo dài là chiếc áo dài phụ nữ Huế, phụ nữ Việt Nam. Huế là một trong những chiếc nôi của tà áo dài Việt Nam. Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh (Hàn Mặc Tử). “Áo em trắng quá” ấy là tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh Huế mỗi khi tan trường đã khảm vào tâm thức Huế như một nét văn hóa cổ truyền. Có nhiều khách du lịch quốc tế đã phục chờ trước cửa trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh xưa) cả buổi để có tấm ảnh nữ sinh Huế tà áo trắng và tóc thề bay trong nắng… Tà áo dài là sự thướt tha, uyển chuyển, là sự tinh khiết của tâm hồn phụ nữ Việt, đã trở thành hồn quê lưu truyền. Áo dài đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam chinh phục thế giới. Nên Festival Huế nào cũng có chương trình Lễ hội áo dài, thế mà luôn luôn hấp dẫn, thu hút người xem đông nghẹt. Festival 2002, trình diễn áo dài trên cầu Trường Tiền; Festival 2006, trình diễn áo dài trên những con đò Sông Hương; có năm Lễ hội áo dài mang tên “Dấu xưa” được tổ chức trước cửa Hiển Nhơn rêu phong cổ kính. 12 bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, Ngân Khai, Hồng Dung, Quang Tân, Minh Minh, Quang Hòa, Anh Vũ, Việt Hà, Thu Giang, Quang Huy, Thương Huyền. Chính họ là những người bằng tình yêu và trí tuệ của mình đã lưu giữ tâm hồn Huế, hoài niệm Huế qua thời gian. 260 mẫu thiết kế được may bằng vải lụa nổi tiếng Toàn Thịnh do 100 người mẫu trình diễn trong nền nhạc ca khúc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, đã thu hút trên 10.000 khách xem. Trên tấm vải lụa Toàn Thịnh có in dấu ấn, triện cách điệu biểu tượng quyền uy của cung đình xưa, cũng là biểu tượng của cái đẹp Huế hôm nay. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, một ngày nào đó các em gái, chị gái của chúng ta tất cả ra đường, đến cơ quan, đến trường đều mặc loại quần áo phông quần bò hở lưng, hở bụng thì rồi Huế sẽ ra sao? Tôi bỗng rùng mình nhìn xuống sông Hương thơm hương thạch xương bồ như để trấn an mình…

2.

Tôi và nhà thơ Nhất Lâm đèo nhau bằng chiếc xe máy già nua cọc cạch xuống làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang nằm đối diện bên bờ sông làng cổ Bao Vinh để dự lễ hội Sắc màu Thanh Tiên. Thanh Tiên là làng nghề hoa giấy từ bao đời nay. Hoa giấy Thanh Tiên dùng để cúng thờ trong ba ngày tết. Trên bàn thờ nhà tôi lúc nào cũng có hai cành hoa giấy Thanh Tiên vì ngày xưa mẹ tôi rất thích loại hoa này. Tôi có đứa cháu thương binh cụt tay Ngô Minh Ngọc cứ giáp tết là về Thanh Tiên lấy hoa giấy đi bán khắp các chợ. Mỗi cái tết cháu cũng kiếm được kha khá tiền lời đủ trang trải tết. Cháu bảo ngày càng có nhiều người từ Huế về lấy hoa giấy Thanh Tiên để bán. Cái làng nhỏ bé ấy mà cũng góp vào Festival Huế một lễ hội mang đậm chất quê dân giã, đậm đà hồn quê, thu hút được đông đảo khách từ phố về xem. Anh bạn của tôi, họa sĩ Thân Văn Huy là cây cọ rất ấn tượng của Huế, nhưng anh lại về vẽ “ẩn dật” trong mảnh vườn và ngôi nhà rường của mình ở Thanh Tiên bên kia đập La Ỷ. Anh đứng ra tổ chức lễ hội và triển lãm tranh ngay ở vườn nhà mình. Ngắm hoa giấy Thanh Tiên được sắp đặt thành những bồn hoa, lẵng hoa khắp vườn nhà, tôi thấy mình như sống lại thời thơ ấu ở làng cát biển, mấy anh em trai tôi chụm đầu làm hoa giấy mỗi khi tết về. Hoa giấy mà đẹp như thật là sự kỳ tài của bàn tay người Thanh Tiên. Ở sau nhà họa sĩ Thân Văn Huy có một “hồ hoa sen giấy”. Đó là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt rất ám ảnh của anh. Ngắm hoa sen giấy Thanh Tiên màu trắng trinh nguyên sắp đặt dưới hồ sen, bên cạnh là một tác phẩm sắp đặt lạ lùng khác: sắp đặt từ hàng trăm chiếc nông cụ để khều rơm, xây rơm của dân quê bao đời có tên là Sẵn sàng, tôi bỗng thấy lòng mình xốn xang hoài niệm về một vùng quê cổ tích hoang sơ… Bà con làng Thanh Tiên còn trình diễn đốt cho bay lên trời ba chiếc đèn thăng thiên lớn ngay trong sân nhà họa sĩ Huy. Đèn thăng thiên của làng Sình như chân dung quê nhà bay lên niềm hy vọng vào ngày mai no ấm… Du khách đến Thanh Tiên được ăn bánh ú tro, uống nước lá mùng Năm, nét văn hóa ẩm thực của làng quê thân thuộc luôn gợi mở hồn người... Tôi hỏi mẹ bán bánh ú tro về cách làm bánh, bà bảo phải ngâm gạo nếp vào nước tro một đêm ròng mới gói bánh. Tro là tro củi từ các lò gạch xã bên. Bánh ú tro gói bằng lá dong, mỗi cái vừa một miếng ăn, có mùi vị riêng rất dễ nhận ra. Âu đó cũng là nét quê thân thuộc hằng nuôi dưỡng hồn người.

Một làng quê nổi tiếng khác ở huyện Hương Thủy làng Thủy Thanh Chánh với di tích Cầu Ngói Thanh Toàn và “Chợ quê ngày hội”. Cầu Ngói Thanh Toàn là chiếc cầu có mái giống như Chùa Cầu Hội An. Ở làng quê nông nghiệp mà có một chiếc cầu như thế thật lạ. Nghe nói chiếc cầu là do một người phụ nữ giàu có hơn trăm năm trước bỏ vốn ra làm để ghi nhớ công ơn của người làng đối với gia đình mình cách đây gần trăm năm. Chợ quê ngày hội đã được tổ chức 3 kỳ Festival xung quanh cây cầu có mái này. Thế mà khách ta khách Tây đến vẫn đông đúc lắm. Họ say mê nhìn ngắm, quay phim chụp ảnh những vật dụng gia đình nhà quê như giỏ bắt cua, oi nơm cá, thúng, mủng, giần sàng, rổ rá, liềm, hái, lưỡi cày, cho đến cái guồng đạp nước, chiếc cối xay lúa, cối giã gạo v.v. Điều lý thú là du khách có thể tham gia vào việc xay lúa, giã gạo, đập đe thợ rèn, hay làm nón, làm thợ mộc… Có bà mẹ Việt Kiều ở Mỹ về, dắt theo hai con nhỏ đi “Chợ quê ngày hội”. Tôi thấy bà say mê chỉ cho những đứa con sinh ra ở xứ người những thứ nông cụ, dụng cụ mà cha mẹ bà đã sử dụng để làm ra hột lúa, bát canh nuôi sống mình. Hai đứa trẻ nghe mẹ giảng giải như nghe chuyện cổ tích. Rồi chúng cầm từng thứ một lên tay, bắt mẹ chụp ảnh kỷ niệm một ngày “Chợ quê ngày hội”. Không biết thứ “hồn quê” trầm tích ngàn đời ấy có đọng lại trong lòng những đứa trẻ gốc Việt xa xứ ngàn dặm ấy chút gì không?

Hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế cũng đổ về làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền cách Huế gần 40 cây số về phía bắc để tham dự Lễ hội “Hương xưa làng cổ”. Sử sách triều Nguyễn kể rằng, các vua Gia Long, Minh Mạng đến Đồng Khánh ăn uống rất cầu kỳ. Cơm vua ăn được nấu bằng gạo De (An Cựu) được lựa từng hạt! Nồi nấu cơm là một cái niêu đất nhỏ do làng gốm Phước Tích sản xuất... Làng gốm Phước Tích có niêu đất trứ danh “tiến vua”, sánh ngang với các đồ sứ “Ngự Thiện” Trung Quốc thời ấy, hôm nay vẫn còn bên bờ sông Ô Lâu như 500 năm trước. Cả làng Phước Tích ở trong những ngôi nhà rường cổ kính, ở dưới vòm lá cổ thụ xanh tốt như một bảo tàng văn hóa, một bảo tàng hồn quê Việt đặc biệt. Dường như mấy trăm năm binh biến, thiên tai khắc nghiệt miền Trung chẳng ảnh hưởng mấy đến ngôi làng này! Một làng di sản thuần Huế, thuần Việt nguyên vẹn như thế mà suốt mấy chục năm “lẩn khuất” dưới màu xanh cây cổ thụ, không một ai biết đến! Cho đến giữa năm 2003, đoàn khảo sát của GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính mới vén “bức màn quên lãng”, bức chân dung làng cổ Phước Tích hiện ra, làm nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế ngạc nhiên, ngỡ ngàng và phấn khích. Làng Phước Tích là một “bảo tàng nhà rường”, “bảo tàng đồ gỗ cổ, cây cổ”. Ở Phước Tích còn nguyên vẹn 27 ngôi nhà rường cổ từ 70 - 180 tuổi, có diện tích nhà từ 70 - 130 mét vuông, nằm trong một sân vườn hàng ngàn mét vuông, trong đó có tới 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm. Mỗi nhà vườn đều có cổng vào còn khá nguyên vẹn. Giữa làng Phước Tích có một hồ sen rộng, như là một tấm gương của làng. Mật độ nhà vườn cổ ở làng Phước Tích đông đặc hơn ở Kim Long, Vĩ Dạ... Những ngôi nhà rường này kiến trúc gỗ rất tinh tế, vì kèo chạm trổ tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng Cung triều Nguyễn. Thật đây là xứ sở của cổ tích.

Hồn quê Phước Tích mấy ngày Festival Huế như bừng thức. Người ta say mê với những trò chơi văn hóa cũ như đu tiên, kéo co. Nhiều Việt Kiều, du khách quốc tế tấm tắc mong được về sống “ẩn dật” trong ngôi nhà rường hơn trăm tuổi cho thỏa chí tang bồng, muốn trở về với cội nguồn thăm thẳm. Về Phước Tích ai cũng muốn tham gia vào việc tự tay nặn một chiếc bình gốm, nấu nồi cơm om bằng niêu đất,... Cuộc sống không ngừng biến chuyển, quay cuồng trong những vũ điệu rock, ráp, lămbada… Còn ở làng Phước Tích này 500 năm nay chiếc lá vẫn rơi nghiêng về sân vườn, dưới gốc cổ thụ, bình an như nét “hương xưa làng cổ”…

3.

Cái chất hồn quê trầm tích, tâm linh quê được khơi dậy trong những kỳ Festival Huế vừa qua không chỉ thể hiện qua các lễ hội tổ chức ở làng quê, hay lễ hội Áo dài như trên đã kể, mà ta còn bắt gặp đâu đó rất bất ngờ trong những trò diễn, những triển lãm tranh tượng ở góc vườn Huế nào đó. Rất gần nơi ở của tôi là triển lãm trang phục các dân tộc Việt Nam và tượng gỗ “oan hồn” của nữ họa sĩ Tô Bích Hải. Nữ họa sĩ là người Tày, sinh ở Móng Cáy, trải 40 năm học nghệ thuật ở Thụy Sĩ, thành danh ở Pháp. Bà về nước tham dự Festival Huế với 2 triển lãm: Triển lãm 50 bộ sưu tập trang phục của các dân tộc Nùng, Lôlô, Pùpéo, Dao, Mông, Khơ me, Ê đê, Ba na… và triển lãm tượng gỗ “Oan hồn” ở công viên trước Cung thiếu nhi Huế. Tôi bàng hoàng xúc động và thẫn thờ đi giữa những gương mặt người với những tình cảm hỉ, nộ, ái, ố, như là thân phận đớn đau và nguồn cội con người, như là tiếng gọi của hồn quê muôn thuở. Hàng trăm bức tượng gỗ cắm trên cỏ sông Hương ấy được tạc trên những cột, kèo, xuyên, trếng của những ngôi nhà rường xứ Huế bao đời đã bị mối mọt gặm nhấm, mục ruỗng đã bị chủ nhân vứt bỏ từ lâu. Những thứ vứt đi ấy vào tay Tô Bích Hải đã trở thành những oan hồn sống động đang nói với ta bao điều về tâm linh, về thân phận với bao trầm luân, thương tích. Một Huế thất thủ kinh đô, một Huế Mậu Thân, một Huế lũ lụt triền miên, với “Huế trăm năm lớp lớp oan hồn” (NM). Đi giữa những bức tượng tạo nên từ những cột kèo cũ kỹ, mục nát ấy, ta như sống lại dưới sự chở che của những linh hồn từ những mái nhà xưa cũ. Bà nói: “Sở dĩ tôi chọn chất liệu gỗ cho những tác phẩm của mình bởi tôi yêu thích những ngôi nhà rường cổ kính và tĩnh mịch Huế. Nó chính là nhân chứng của nỗi khổ đau qua bao thời đại”. Đó là sự chia sẻ, cảm thông và kính trọng đối với những oan hồn Huế. Sức mạnh văn hóa cổ truyền trầm tích như tượng Tô Bích Hải đã góp cho Huế một sức mạnh nội lực, nội sinh để cân bằng, để đối tác sòng phẳng với văn hóa từ các quốc gia 5 châu lục về tham dự Festival.

Nói về hồn quê Việt trầm tích được khơi dậy trong miên man Festival Huế, tôi không thể không nói tới một tiết mục rất dân giã, nhưng lại của nước ngoài, ám ám tôi suốt mấy năm nay. Đó là tiết mục cà kheo của đoàn nghệ thuật De Steltenlopers van Merchtem, Bỉ tham dự đêm Khai mạc Festival Huế và sau đó biểu diễn ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, luôn được du khách và khán giả Huế tán dương nhiệt liệt. Cà kheo là sự thể hiện khao khát cao hơn của con người trong quá trình phát triển. Con người luôn có ước mơ đứng cao hơn, bay lên cao hơn, đi xa hơn, nhanh hơn. Ở bất cứ dân tộc nào trên trái đất đều có khát vọng đó. Cà kheo có thể là ước vọng đầu tiên đứng cao hơn đôi chân của mình của con người. Ở Việt Nam ta, cà kheo rất thân thuộc. Ở vùng đất nào cũng có môn chơi cà kheo. Quê tôi ở làng biển Thượng Luật, Quảng Bình, người dân thường dùng cà kheo để lội ra vùng biển nước sâu để kéo lưới, vì con người không thể vừa bơi vừa kéo lưới được. Nên khi xem đoàn nghệ thuật Bỉ biểu diễn tiết mục dân gian đi cà kheo, tôi xúc động đến nao lòng. Đi cà kheo cao tới hơn ba mét chưa phải là kỳ tích trong sáng tạo của con người, nhưng sao khi thấy những diễn viên cà kheo Bỉ đi khệnh khạng vui vẻ trên đôi cà kheo cao lêu nghêu, cao ngang ngôi nhà hai tầng, tôi thấy cuộc sống thật đáng yêu, con người thật đáng yêu làm sao. Và tôi cho đây cũng là một “chất hồn quê” Việt đã được quốc tế hóa, trầm tích trong cõi người!

4.

Festival Huế có lẽ không đưa lại hiệu quả lớn về kinh tế du lịch. Có chăng đó là thương hiệu văn hóa Việt, như phở, như tà áo dài làm say mê du khách quốc tế. Theo suy nghĩ của tôi, gặt hái được lớn nhất từ những ngày Festival là những suy tư và nhận thức về văn hóa. Văn hóa hồn quê trầm tích ngàn năm đã được khơi dậy, như là thước đo những thành công của các lễ hội, và cũng chính là sức mạnh, sức thu hút, sức lan tỏa của Huế. Văn hóa chân quê ấy chính là cội nguồn của sức sống Huế mà ta cần gìn giữ, khơi dậy. Đêm khuya, hay sớm mai đi bộ qua khu tượng gỗ Tô Bích Hải, bao giờ tôi cũng nghe tiếng gọi phát ra từ những hốc mắt trũng sâu: “Hãy nhớ, chúng tôi là những hồn quê đau khổ. Hãy ở bên chúng tôi. Hãy luôn bên cạnh chúng tôi…”!

N.M
(SH302/04-14)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng