Festival Huế 2016
Múa qua các kỳ Festival Huế
14:58 | 27/04/2016

HỒNG ĐĂNG 

Huế, một trong những vùng văn hóa còn lưu giữ và phát triển các làn điệu múa từ trong các lễ hội dân gian truyền thống, cung đình và cả các lễ hội tôn giáo; từ sau năm 2000, khi Huế tổ chức Festival, đã xuất hiện rất nhiều cuộc trình diễn múa từ khắp thế giới. Cũng từ đó, Huế trở nên là vùng đất hội ngộ các làn điệu múa của Việt Nam và quốc tế.

Múa qua các kỳ Festival Huế
Đoàn nghệ thuật truyền thống Viện âm nhạc quốc gia Namdo - Hàn Quốc

Các làn điệu múa xuất hiện qua các kỳ Festival Huế, một cách tương đối, có thể tạm phân chia ra các loại hình: múa dân gian - truyền thống, múa cung đình, múa đương đại.

MÚA DÂN GIAN - TRUYỀN THỐNG

Xuất hiện khá sớm và càng về sau sự giao lưu các làn điệu múa dân gian - truyền thống càng nhiều. Tại Festival Huế 2000, những vũ khúc đặc trưng của các miền Nam, Trung, Bắc với những hình thái múa dân gian của người Việt và các dân tộc thiểu số anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong chương trình Festival Huế 2002, sân khấu với các vũ khúc cổ truyền của các nước khu vực châu Á có một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa các loại hình tuồng Huế, kinh kịch Trung Quốc... Và đến từ Nhật Bản, kabuki còn lạ lẫm với công chúng nhiều hơn cả. Sự thành công của kịch kabuki với đặc điểm tinh tế, tỉ mỉ trong nghệ thuật càng hấp dẫn và gần gũi bởi các đề tài khai thác từ huyền thoại và truyền thuyết dân gian.

Đến Festival Huế 2008, múa dân gian mới xuất hiện nhiều với sự tham gia của Đoàn múa Bài Bông, thuộc đoàn nghệ thuật Tổ đình Yên Tử, gây được tiếng vang lớn trong xã hội.

Năm đó, múa còn có sự tham gia của Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Chương trình biểu diễn của đoàn mang đậm nét miền Duyên hải Nam Trung Bộ nhưng vẫn mang hơi thở đương đại, những điệu múa của dân tộc Chăm-H’roi, như Tiếng trống Pô-ai, Trăng Tháp Nhạn, hòa tấu Trống đôi, cồng 3, chinh 5 (nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Chăm - BaNa).

Múa dân gian nước ngoài có Đoàn nghệ sĩ Thái Lan trình diễn các làn điệu múa dân gian đầy tính ước lệ của vùng đông bắc như Fon Phu Thai (múa Phu Thai), Reum Undre (múa sạp), Serng Krapo (múa dừa) và điệu múa Chon Kai (điệu múa mô tả cảnh đá gà)…

Khán giả còn có cơ hội thưởng thức một số tiết mục múa dân gian nổi tiếng của các nước như tiết mục “Đèn lồng Trung Hoa”, vũ điệu Tây Ban Nha nóng bỏng, hoặc nhịp điệu cuồng nhiệt của lễ hội Carnaval ở Cuba… Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật truyền thống Viện âm nhạc quốc gia Namdo - Hàn Quốc mang đến nhiều điệu múa đặc sắc. Đoàn nghệ thuật Hoàng gia Campuchia mang đến những điệu múa truyền thống như “Vũ điệu Apsara”, “Vũ điệu Tua-nay-tin”, “Vũ điệu dệt vải”, “Vũ điệu Hái trái đậu khấu”, “Vũ điệu chim công Pay-lin”...

Đoàn nghệ thuật Kalinka - Nga gồm các em thiếu nhi say mê âm nhạc và nghệ thuật múa, ngày đêm khổ luyện để đạt đến đỉnh cao của môn nghệ thuật này.

Festival Huế 2010 hội tụ rất nhiều nghệ sĩ múa từ khắp thế giới.

Trong nước, Đoàn ca múa nhạc An Giang trình diễn một chương trình phô diễn vẻ đẹp văn hoá mang nét đặc trưng, độc đáo về văn hóa của bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer luôn đoàn kết bên nhau chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai mang đến “Hồn núi” là chương trình nghệ thuật phát triển dân vũ dân tộc Mông, tổng hợp những tiết mục nghệ thuật đặc trưng mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Đoàn Ca Múa dân tộc Đắk Lắk mang đến chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, để lại cho người xem những ấn tượng đẹp.

Nhiều đoàn nghệ thuật múa nước ngoài cũng đến góp mặt.

Đoàn nghệ thuật dân gian Jedliniok đến từ Ba Lan được thành lập từ năm 1795. Tên của Đoàn được lấy từ tên của một điệu múa Lower Silesian của vùng Jedlina Zdrój. Đoàn ca múa nhạc dân gian “Zvontsy” - Nga tham gia các vũ khúc thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc và đạt mục đích đưa các làn điệu truyền thống đến gần hơn với công chúng. Tiếp đến là những điệu múa cổ của Đoàn múa cổ điển Odissi có nguồn gốc từ những điệu múa nghi lễ thường được biểu diễn tại các ngôi đền cổ xưa của Ấn Độ. Đoàn nghệ thuật truyền thống Okinawa đến từ cực Nam Nhật Bản gửi đến những điệu múa cổ truyền cung đình kết hợp sức mạnh của thế võ Karate và vũ điệu Eisa, một điệu múa vui tươi nhịp nhàng hòa trong câu hát và tiếng trống rộn rã.

Festival Huế 2012 hội tụ khá nhiều điệu múa dân gian quốc tế.

Đến với Festival Huế lần này, trên cơ sở nền nhạc sôi động của vùng Trung đông, Ấn Độ và nhạc trống của Việt Nam, vũ đoàn Cleopatra mang đến những tiết mục bellydance mang nhiều phong cách khác nhau như: phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ La tinh… trong các hoạt động đường phố.

Nghệ thuật múa Panama mang phong cách vừa khoáng đạt vừa tinh tế gắn liền với lối sống tổng hòa của truyền thống từ nhiều nơi trên thế giới: Tây Ban Nha, châu Phi, thổ dân Da đỏ và Hoa Kỳ. Văn hóa dân gian Panama đặc trưng với hình thức ca hát, được phụ họa bằng tiếng vỗ tay, accordion và trống, trong khi các cặp vũ công say sưa khiêu vũ. Belly dance (múa bụng) là bộ môn nghệ thuật đặc trưng của vùng Trung Đông được các nước khắp nơi trên thế giới đón nhận và tiếp biến. Với chủ đề “Cuba xưa và nay”, Đoàn nghệ thuật Raices Profundas đem đến một cái nhìn toàn cảnh về âm nhạc và các điệu nhảy truyền thống của Cuba ngày nay.

Vũ đoàn Liceo đã “kể” với đông đảo khán giả câu chuyện về đất nước Philippines xinh đẹp qua những vũ khúc sinh động tái hiện đời sống sinh hoạt, tinh thần của người dân nước mình. Đoàn nghệ thuật truyền thống Kalasin (Thái Lan) với các tiết mục chủ đạo của Kalasin là múa truyền thống: múa Sukothai, múa Phu Thai, múa dừa Grapo, vũ kịch Khon trong sử thi Ramakien. Đoàn nghệ thuật truyền thống Khmer (Campuchia) đã mang đến những tiết mục múa đặc sắc: Robaim Phok Phall (Vũ điệu ngày mùa) là điệu múa truyền thống qua những điệu bộ và động tác, điệu múa mô tả quang cảnh tươi vui của người nông dân đi chọn đồng gieo hái và vụ mùa bội thu.

Trung tâm nghệ thuật múa Quốc gia Gugak Namwon - Hàn Quốc mang đến những tiết mục đặc sắc, công chúng có dịp đắm chìm trong sự quyến rũ của nghệ thuật múa Hàn Quốc. Khán giả đã có thể đến gần hơn hình ảnh của các cô gái Hàn trẻ trung xinh đẹp qua tiết mục Buchaechum, trang phục bắt mắt, các chiếc quạt màu sắc, nghệ sĩ Hàn đã rất uyển chuyển và duyên dáng trên sân khấu...

Tiếp tục thành công tại các kỳ trước, đoàn nghệ thuật Okinawa sẽ mang đến cho khán giả tại Festival 2012 những điệu múa truyền thống của người Okinawa từ thời đại Vương quốc Ryukyuan được kế thừa cho đến ngày nay. Yutsudaki (Tứ trúc) là một trong những điệu múa cung đình cổ điển dành cho vũ nữ có từ thời đại Vương quốc Ryukyuan. Các vũ công đầu đội mũ hoa hanagasa - biểu tượng của Okinawa, trong trang phục đầy màu sắc Bingata, tay cầm phách trúc gõ theo tiếng nhạc nhịp nhàng.

MÚA CUNG ĐÌNH

Từ Festival Huế 2000, những vũ khúc cung đình Huế là di sản nghệ thuật độc đáo của Việt Nam còn được lưu giữ có hệ thống tại Cố đô Huế, đã được trình diễn trước công chúng.
 

Múa cung đình Huế “Lục cúng hoa đăng”


Ấn tượng nhất của múa cung đình là ở Festival Huế 2006, với chương trình giao lưu nhã nhạc Việt-Nhật-Hàn. Lần đầu tiên tại Huế, ba nền nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã cùng hội tụ để trình diễn cho công chúng xem. Nhã nhạc cung đình Việt Nam trong đêm giao lưu đem đến cho khán giả và đồng nghiệp những tiết mục quen thuộc do Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế trình diễn với năm tiết mục đặc sắc: song tấu kèn trống Đại nhạc với các khúc “Mã Vũ”, “Du Xuân” và “Tẩu mã”; Tiểu nhạc trình tấu các khúc “Ngũ đối thượng”, “Long ngâm” và “Tiểu khúc”; múa “Lân mẫu xuất lân nhi”; múa “Vũ Phiến” và múa “Lục Cúng hoa đăng”.

Tiếp đó, Đoàn Nhã nhạc Ryukyu của thành phố Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản đã đem đến buổi giao lưu một chương trình Nghệ thuật nhạc Cung đình truyền thống Nhật Bản đặc sắc. Tiết mục thứ nhất có tên gọi “Ofu Omono” là nhạc cổ cung đình của vùng Okinawa được sáng tác vào thế kỷ mười bảy và thường được trình tấu trong những lễ nghi lớn của cung đình. Phần trình diễn là múa “Kagiyadefu” trong “Ofu Omono”, một điệu múa nghi lễ tiêu biểu để mang lại sự vui vẻ cho nhà vua. Tiếp đó là múa nữ “Kasekake”, mô tả lại cảnh cô gái đang ngồi trước khung cửi để dệt bộ trang phục đẹp nhất cho người mình yêu. Điệu múa Niseodori “Zei” là điệu múa thể hiện uy thế mạnh mẽ để tăng khí trên chiến trường. Điệu múa Uchikumiodori “Shundo” là tiết mục múa cung đình cuối cùng. Đây là điệu múa gây cười của một cô gái đẹp và một cô gái xấu. Cô gái xấu đã đeo mặt nạ. Khán phòng đã sôi động hẳn lên trước “Nuchibana” là điệu múa mô tả cảnh các thiếu nữ trẻ lên núi chơi, hái hoa kết thành vòng đeo cổ để làm cho các chàng trai trẻ ngạc nhiên…

Điều thú vị là tất cả các điệu múa của Đoàn Nhã nhạc Ryukyu đều được múa theo “Địa ca”, gồm các bài hát có đệm đàn ba dây, sáo Fue, sáo Sakuhachi và trống. Những nhịp điệu và vũ điệu lúc trầm tĩnh, lúc tươi vui song đa phần nhẹ nhàng đã tạo nên một phong cách hết sức đặc biệt của Nhã nhạc Nhật Bản.

Trình diễn Nhã nhạc Hàn Quốc là Đoàn nghệ thuật Shilla được thành lập vào năm 1981 nhằm làm sống lại truyền thống một ngàn năm của Gyeonyu ở thiên niên kỷ mới, nhằm nối kết truyền thống xưa và nay của Hàn Quốc cũng như tạo chiếc cầu nối giữa truyền thống và văn hóa phương Đông và phương Tây. Đến với giao lưu Nhã nhạc lần này, Đoàn trình diễn năm tiết mục. Đoàn nghệ thuật Shilla đem đến những điệu múa sôi động, tưng bừng và đẹp lộng lẫy từ vóc dáng diễn viên đến trang phục và vũ điệu. “Taepyungmu” là điệu múa truyền thống nhẹ nhàng và uyển chuyển được trình diễn bởi các cô gái. Điệu múa xuất phát từ ước muốn hòa bình, thịnh vượng và mùa màng bội thu. Sau tiết mục độc tấu “DeaGeum” sâu lắng, sân khấu lại rộn ràng bởi màn múa hết sức đặc sắc có tên gọi “Seonyeo Chum”. Đây là điệu múa thần tiên được sáng tạo từ truyền thống Shilla, mô tả sự thích thú của các tiên nữ xuống trần gian vui đùa. Rồi sân khấu lại trữ tình bởi màn múa “Kim-Yoo-sin và Sheon-gwan-nyeo” mô tả mối tình rất đẹp của hai nhân vật nổi tiếng này trên xứ xở Kim chi. Cuối cùng, chương trình khép lại bởi một màn múa ấn tượng khác có tên “Buchac Chum” với những chiếc quạt đẹp lộng lẫy…

MÚA ĐƯƠNG ĐẠI

Từ Festival Huế 2000, công chúng Huế bắt đầu tiếp nhận trào lưu múa đương đại rất nhiều mới mẻ trên thế giới. Mở đầu là vở “Giai điệu thời gian” của biên đạo múa Ballet Régine Chopinot. Nhận thức về thời gian, lúc bấy giờ là thời điểm thế kỷ XX kết thúc để nhường lối cho thiên niên kỷ thứ ba, và đó là nguồn cảm hứng cho bà sáng tác “giai điệu thời gian” với ba thành tố cơ bản: nhạc của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, tác phẩm điêu khắc của Andy Goldsworthy và quan niệm về nghệ thuật múa của riêng bà. Để cấu thành nhịp điệu và các bước chuyển mạch, Régine Chopinot đã tận dụng nhiều loại hình: đi, chạy, nhảy, ngã, xuất thần và cả sự bất động.
 

“Giai điệu thời gian” của biên đạo múa Ballet Régine Chopinot


Tại Festival Huế 2002, R. Chopinot trở lại Festival Huế với vở vũ kịch “‘Ánh mắt”, nhưng không phải là một tác phẩm hoàn thiện, mà là những lớp kịch đang trong giai đoạn ráp nối trên sàn tập. Ðiều đó, hóa ra lại trở nên thú vị, khi khán giả Việt Nam được tận mắt chứng kiến sự lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc và nhọc nhằn của các nghệ sĩ, cũng như tiếp cận một cách gần hơn thứ ngôn ngữ sân khấu đương đại vẫn còn hết sức lạ lẫm.

Sân khấu của R. Chopinot và các nghệ sĩ múa của bà là bãi cỏ trước sân Thái Miếu. Không gian sân khấu được giới hạn bằng những đường vải bố lót trên thảm cỏ. Ánh sáng là một chùm đèn ngọn trắng được kết nối ngổn ngang. Khán giả được dẫn dắt bắt đầu từ sự ngạc nhiên trước một sân khấu không có sân khấu; tiếp đó là sự ngạc nhiên khi đạo cụ chỉ là những chiếc bàn với đủ kiểu được mượn đâu đó. Ngạc nhiên hơn nữa khi trước mắt là một buổi tập chứ không phải là một vở diễn đã được chuẩn bị xong. Tuy thế, điều quan trọng là công chúng đã trở nên thích thú với nghệ thuật đó của Chopinot. Trong vở vũ kịch “Ánh mắt”, mười diễn viên trong trang phục màu trắng lần lượt đưa những chiếc bàn từ góc vườn ra sắp thành hàng dài giữa sân. “Hãy làm công việc đó một cách có hồn. Hãy múa với những chiếc bàn và đừng quên để ánh mắt của bạn quan hệ với không gian chung quanh, cũng như với bạn diễn của mình”. R. Chopinot chỉ đạo các diễn viên qua chiếc micro như một lời thoại. Và những con người trên sân khấu bắt đầu múa với chiếc bàn, múa với nhau, hoặc bất động một mình. Trong khi đó, trên khán đài ở góc vườn, nhạc sĩ Ravi Prassad tạo nhạc nền bằng âm thanh phát ra từ cổ họng, cùng với những thứ nhạc cụ của riêng ông. Cứ thế, những hình thể trên sân khấu chìm đắm dần vào một thế giới say đắm, quyện chặt lấy nhau... Cho đến khi tiếng vỗ tay của R. Chopinot vang lên.

Festival Huế 2004, Giáp Thân là vở múa đầu tiên được viết và mang tính cố định do Régine Chopinot sáng tác cho các diễn viên gồm ba bộ tam: hai nhóm nam và một nhóm nữ. Giáp thân là một vở múa được viết với bố cục chặt chẽ đem đến cho ta một không gian khoáng đạt được sinh ra từ những khái niệm ràng buộc về mặt không gian, vật lý và nhịp điệu.

Festival Huế 2006 chứng kiến sự kỳ diệu sâu thẳm của múa đương đại của nghệ sĩ gốc Việt, Ea Sola với Ký ức - Hạn hán và Cơn mưa (Vol. 2). Khi bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc và múa, nhà biên đạo Ea Sola đã chất vấn lịch sử; Ea Sola tập hợp những người phụ nữ nông dân lớn tuổi mà hồi trẻ từng múa điệu múa truyền thống làng quê và biến họ trở thành diễn viên của vở Hạn hán và Cơn mưa (Vol.1), được lưu diễn vòng quanh thế giới (1995 - 1996 và 2006), nay những người nông dân ấy đã trở lại với múa, một điệu múa giữa truyền thống và đương đại - về ký ức chiến tranh của họ. Năm 2005, Ea Sola sáng tác vở Ký ức - Hạn hán và Cơn mưa Vol.2, và lần nữa trở lại đề tài ký ức chiến tranh, để chất vấn giới trẻ trước những cuộc chiến mà họ thấy trên thế giới: đâu là trách nhiệm, sự khát khao trong việc không bạo lực, cũng như nhận thức của họ về công lao to lớn của những bậc cha mẹ để dành lại hòa bình?

Festival Huế 2006 cũng chứng kiến Nghệ thuật Vidéo và Múa của Thomas Duchatelet, với sự góp mặt của nữ nghệ sĩ múa và tạo hình Fréderique Plancque, các diễn viên múa của CDT vùng Nord Pas de Calais (Pháp), họ khuấy động sự bình yên của các khu vườn bằng hình ảnh trộn lẫn giữa nghệ thuật nhìn ngắm và nghệ thuật biên đạo múa, được xây dựng theo tính hai chiều của những sự kiện thường kỳ và bất động đầy tính nghệ thuật.

Chương trình của đoàn Matilda Leyser có vở diễn Lifeline (Dòng đời) độc đáo. Lifeline là một vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật múa và kỷ xảo xiếc trên dây đầy ngoạn mục. Với một không gian tĩnh lặng, duy nhất chỉ có một diễn viên, nữ nghệ sĩ múa tài hoa Matilda Leyser nhập thân vào vai diễn về thân phận của kiếp người sinh lão bệnh tử trên thế gian: Từ trong bào thai của mẹ đến với cuộc đời, mơ mộng cười vui khi tuổi mới lớn, rồi đau khổ dằn vặt, yêu thương hạnh phúc, trao gởi lại cho đời những đứa con rứt ruột của mình để cuối đời mỏi mòn, lụm khụm bước vào cõi hư vô.

Đoàn nghệ thuật múa cổ điển Divestiment - Nga rất đa dạng, gồm những hoạt cảnh, biến tấu từ ba lê, những điệu múa được sáng tác, dàn dựng từ những bậc thầy của trường múa Khabarovskm nổi tiếng là các vở múa ba lê Shelkultrik trên nền nhạc của Traicovski, Tripolino trên nền nhạc của Khatraturian.

Festival Huế 2008 ghi nhận sự xuất hiện của múa đương đại Việt Nam. “Vừng ơi!” là một vở múa đương đại do Trung tâm Văn hóa Pháp và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phối hợp sản xuất. Sự độc đáo là tận dụng những cánh cửa để chuyển tiếp giữa không gian này với một không gian khác. Chỉ cần một cánh cửa ta cũng tự xây dựng cho mình một thế giới riêng. Những cánh cửa luôn ở đó và chờ đợi được mở ra...

Đoàn nghệ thuật Fernando Hurtado, Tây Ban Nha mang đến loại hình nghệ thuật đương đại “Quisiera borrarte de un suspiro” - còn được xem là sự tranh luận giữa các trường phái nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật đương đại này đã sử dụng 2 phương pháp: - Sử dụng các hình thức mới và trong một số trường hợp, sử dụng các màu sắc mới nhưng luôn gạt thực tế sang một bên; - Nội dung mới chính là đối tượng quan trọng tối thượng.

Kịch bản thể hiện sự mong muốn lồng nhiều cảm xúc vào nhau và múa có thể diễn tả nội tâm, nỗi sợ hãi, những ám ảnh cũng như khát vọng của từng cá nhân, biến tất cả thành một sự hỗn hợp của cảm xúc.

Vũ đoàn ISIS - một trong những người đặt nền móng cho Bellydance tại Việt Nam, đã giới thiệu các phong cách khác nhau của Bellydance thông qua các tiết mục biểu diễn như phong cách Ai Cập, phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, phong cách Tribal (dân tộc), phong cách Flamenco…”.

Múa đương đại phát triển từ múa dân gian, truyền thống: Trường múa balê của vùng Viễn đông Nga (Khabarovsk) giới thiệu một trong những khoa sáng tạo thú vị của trường - khoa Múa hiện đại và Jazz.

UJVF - Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp - với vở múa “Bên nớ bên ni” đã mang đến cho công chúng một câu chuyện lạ, khi kết hợp giữa hip hop và múa sạp để kể về quá trình học hỏi, thích nghi và hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại của những thanh niên gốc Việt. Dù diễn viên không chuyên, nhưng “Bên nớ bên ni” vẫn được khán giả chào đón nhiệt liệt bởi sự dung dị, gần gũi và khát vọng hòa hợp, tìm về cội nguồn không chỉ ở lối kể chuyện, mà còn là sự chủ động giao lưu với khán giả khi cuối mỗi đêm diễn, khán giả được mời lên sân khấu cùng diễn viên múa sạp trên nền nhạc rap!

Festival Huế 2010 in dấu ấn của vở múa đương đại “Vô định” - Đoàn múa đương đại Tom Dale, Vương quốc Anh. Hành trình “Vô định” là chuyến du hành đầy ám ảnh với 5 nghệ sĩ múa tài danh trên nền nhạc trầm của nghệ sĩ nổi loạn Shackleton và nghệ sĩ trống Sion. “Vô định”, niềm cảm hứng từ tác phẩm của nhà thơ Rick Holland là điểm khởi đầu của sự khám phá và trải nghiệm con người.

Nhịp lãng du của cuộc sống là trạng thái không ngưng nghỉ, tìm tới những điều chưa biết, nối khoảnh khắc với khoảnh khắc, cho sự tồn tại, cho niềm hứng khởi, cho ý nghĩa sự sống, và sự xao lãng,… vô thức hay có ý thức. Tom Dale có phong cách biên đạo rất riêng, pha trộn những động tác hình thể bản năng, thô ráp với những động tác tinh tế, chuẩn xác đã tạo nên những tác phẩm sôi động, đầy ngẫu hứng.

“Nơi Đến” là đoàn múa đương đại đầu tiên tại Việt Nam cùng với sự tham gia của 10 diễn viên múa câm điếc, đem đến tác phẩm múa ấn tượng mang tên “Ký ức thở dài”, với câu chuyện được bắt đầu bằng những ký ức bị lãng quên. “Nơi đến” sử dụng những chất liệu chuyển động nhạy cảm tự nhiên của cơ thể. Nhịp của cơ thể tạo nên một đường thẳng của cảm giác từ tâm hồn tới tâm hồn - tạo nên những điệu múa đầy sức hút và cảm xúc, mang đến sự khám phá kỳ diệu về khả năng của con người.

Câu chuyện được bắt đầu bằng những ký ức bị lãng quên. Anh ta đứng đó, nhìn vào quá khứ của mình và tập làm quen với nó. Nó - Ký ức không còn thuộc về anh ta và anh ta cảm thấy xa lạ. Anh hiểu rằng Nó - Ký ức đang sống độc lập, nó không cần có anh ta để tồn tại. Anh ta đang cần nó để biết mình đang tồn tại. Nó. Không mang hình hài mà anh ta có thể chạm tới và anh quyết định đi vào trong nó. Trong Nó, không gian - thời gian đang giãn nở như hơi thở của anh ta. Và ở đó anh ta gặp hình hài của mình một cách ngẫu nhiên. Họ gặp nhau bởi họ không cùng tốc độ chuyển động...

CÁC ĐOÀN NGHỆ THUẬT TỔNG HỢP

Qua các kỳ Festival Huế, các đoàn nghệ thuật tổng hợp cũng đã xuất hiện ngày mỗi nhiều, có thể nhắc đến Đoàn nghệ thuật Hoa Sen Quảng Tây, Trung Quốc trình diễn những kỹ xảo tuyệt đỉnh của nghệ thuật Kinh kịch Tứ Xuyên; Raduga là nhóm múa thuộc trung tâm nghệ thuật thanh thiếu nhi thành phố Khabarovsk. Nhóm múa giới thiệu những điệu múa ba lê cổ điển, những điệu nhảy dân gian, hiện đại xen lẫn với những tiết mục múa nhào lộn hấp dẫn, mới lạ, đẹp mắt.

Festival Huế 2012, sân khấu Đông Thái Hòa như nghẹt thở bởi lượng khán giả quá tải. Trên sân khấu, những cánh sen của nghệ thuật miền Nam đang phô sắc. Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen đã mang đến Festival Huế 2012 một tinh thần mới, một hương vị mới, một sắc thái hoàn toàn mới trong các tiết mục biểu diễn của mình.

Nhà hát ca múa nhạc Quân đội đã mang đến cho khán giả Huế một không khí thật khó quên với chương trình nghệ thuật ca múa nhạc nhẹ nhàng nhưng đậm đà bản sắc dân gian dân tộc.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn - Thanh Hóa trở lại Festival Huế với “Giai điệu Quê hương” bao gồm những bài ca mang âm hưởng của miền quê Xứ Thanh: âm vang của điệu hò Sông Mã, câu hát: ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng cùng với những vũ điệu hòa trong tiếng dô khoan, trong những nhịp trò Xuân Phả được cách điệu qua khúc biến tấu Du hội Lam Kinh.

FESTIVAL MÚA QUỐC TẾ TẠI FESTIVAL HUẾ 2014

Đây được xem như là sự hội ngộ lớn của vũ điệu trên thế giới. Liên hoan Múa với tầm cỡ quốc tế được Việt Nam đứng ra đăng cai và tổ chức. Tổng cộng đã có 16 đoàn nghệ thuật trong nước và 8 đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự với 47 tác phẩm dự thi. Trong Liên hoan Múa quốc tế này, khán giả cũng ấn tượng bởi phần trình diễn của 8 đoàn nghệ thuật đến từ Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Hunggary, Lào, Indonesia, Campuchia, Philippines. Các tác phẩm đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, sinh động và mang đậm vẻ đẹp truyền thống, tạo nên nhiều cảm xúc tới khán giả.

Qua dịp này, các đoàn nghệ thuật trong nước cũng học hỏi được rất nhiều từ các đoàn nghệ thuật quốc tế, cho thấy rằng: Múa Việt Nam không thua kém quá nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, múa đương đại với việc triển khai các ý tưởng mạnh mẽ chưa được chú trọng so với sự phát triển vũ khúc trên có sở làn điệu dân gian…

Festival Huế với sự hội ngộ của nhiều chương trình múa đã trở nên là tập đại thành của các làn điệu xưa nay trên toàn thế giới. Huế vì thế được xem như là trung tâm trình diễn nghệ thuật múa của thế kỷ 21.

H.Đ  
(SHSDB20/04-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng