Festival Huế 2006
Huế, Festival và tôi
11:05 | 08/12/2008
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ ta, mỗi thành phố thường được giao cho một nhiệm vụ, hoặc mặc nhiên được xã hội thừa nhận, thí dụ Hà Nội là Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn bậc nhất của cả nước; Đà Nẵng là thành phố động lực của miền Trung; Huế là một thành phố Festival. Ai giao cho Huế chức năng làm Festival? Tôi không nghe ai giao cả, nhưng hình như chức năng này cũng phù hợp với tính phong lưu của người Huế, vả lại tuồng như Huế cũng đang trong thời kỳ thử việc, và tôi muốn bày tỏ vài ý nghĩ trong viễn tượng đó.

Ít ra tôi cũng chờ đợi sự kiện Festival Huế như trông ngóng một tin vui đang đến gần, nhờ đó, thành phố này còn sống được những ngày vui vẻ, nhân dịp trong cuộc giao lưu với người tứ xứ và đỡ đi cái số phận heo hút của một mảnh đất vùng sâu vùng xa không đáng có đối với số phận của nó. Sợ e có ngày rồi cũng như trong ngôi làng Macônđô của Mác-Két ở đó mỗi người lại mọc thêm một cái đuôi heo ở đằng sau vì cứ mãi đứng ngoài dòng chảy của cuộc vận động nhân loại.

Thứ nữa, Huế là nơi thành phố có nhiều cảnh đẹp mà lắm khi tôi vẫn ước mong cho đồng bào của tôi ở khắp nơi được chung hưởng với tôi về một di sản phong phú đến như vậy. Thực vậy, được ngắm nhìn vẻ đẹp danh thắng của Tổ quốc cũng là một hạnh phúc đấy chứ. Đã có lần tôi nói đùa với một anh bạn người Pháp của tôi: “Mày hãy đến thăm quê tao. Quê hương tao là một thành phố đẹp nhất thế giới”. Huế đẹp và thơ, dĩ nhiên rồi, chuyện ấy mọi người nói đã lâu, đâu phải mình tôi tự nhiên bốc phét về quê hương của mình. Quả vậy, nhiều khi tôi tự hào về dòng sông Hương, “một thứ quốc gia chi bảo” trải lòng ra giữa một thành phố được người đời quen gọi là cố đô. Phải nói rằng từ ngày Huế được thành lập, sông Hương đã trôi qua giữa lòng một xứ sở. Và sao chất nước vẫn trong xanh như ngọc; nghe nói các vua Nguyễn vẫn thường uống nước lấy từ cái vực trước điện Hòn Chén.

Cả đồi Vọng Cảnh cũng là một kiểu danh lam được trời sinh ra để khách du làm một điểm nhìn đứng ngắm toàn cảnh sông Hương. Gọi là đồi Vọng Cảnh, ấy là Tây gọi, còn sử sách chính thống nhà Nguyễn thì gọi nó là núi. Người ta đã đào được ở gần đồi một di chỉ khảo cổ học có tấm bia đá tên là Lý Khiêm Sơn; còn một ngọn đồi ở gần đấy tên là Đạo Khiêm Sơn. Nghĩa là đồi Vọng Cảnh và nhiều núi bao quanh đều thuộc về sơn hệ của lăng Tự Đức. Chúng là “di tích văn hóa” đấy, phải bảo tồn theo luật di sản, đâu phải lúc nào nghĩ đến chuyện “làm kinh tế” thì cứ vác mai vác cuốc đi “động thổ” đến nỗi có người độc miệng đã phê bình rằng “Huế chỉ biết nuôi tôm và xây khách sạn”.

Cần nói ngay rằng người ta cũng cần thông hiểu ít nhiều về lịch sử xứ Huế để công nhận rằng một nét tạo hình như thế ở Huế là đẹp; trái lại, nếu không có kiểu kiến thức đó làm nền thì cái đẹp không thể ngân vang một chút gì trong tâm hồn. Cái ta gọi là “một chút gì” đó chính là bản sắc văn hóa của Huế, là những thứ mà “con mắt thịt” không thể nhìn thấy được, chỉ có “con mắt xanh” với Huế nhìn vào thì loại đối tượng đó mới hiện ra. Những thành phố có thể nhìn được bằng “mắt xanh” chính là những thành phố tuồng như có một linh hồn riêng; và vì thế giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có lần nói rằng phải cần đến năm mươi năm người ta xây dựng một trung tâm kinh tế; nhưng phải cần đến năm trăm năm để hình thành một trung tâm văn hóa.

Đến đây, người ta thấy vấn đề quy hoạch thành phố được đặt ra một cách cần thiết. Do bởi thành phố Huế có quá nhiều những di tích lịch sử văn hóa cần phải bảo tồn, thì người ta phải làm quy hoạch chi tiết sẵn, để biết xem di tích nào đáng phải giữ, di tích nào có thể xóa đi để té đất làm việc khác. Đây là công việc tối cần thiết để các nhà làm kinh tế mà không sợ chạm vào mảnh đất cấm của các di tích. Di tích thì phải giữ lại, nhưng kinh tế thì vẫn phải làm, nói đúng ra, phải làm một cách gấp rút. Việc này hình như các vua Nguyễn khỏi bận tâm đến, vì nhà vua có đủ quyền để điều động những tỉnh khác nhằm giải quyết mọi yêu cầu sinh hoạt của kinh đô Huế:
Hết gạo thì có Đồng Nai
Hết củi thì có Tân Sài chở vô

Vì có một quan niệm đặc biệt kinh đô như vậy, bây giờ mới sinh ra một cố đô Huế la liệt những di tích và trống rỗng về kinh tế. Ta phải hết sức thông cảm với các nhà quản lí về việc vi phạm di tích; thực tình thì các vị cũng bức xúc lắm về việc phải lo ăn cho thành phố. Một đặc điểm của Huế là làm việc mấy cũng không đủ ăn. Có hai quan điểm về vấn đề quy hoạch: một đằng là cần đến đâu thì xóa sổ quy hoạch đến đó; và đằng khác là giữ nguyên như cũ để bảo tồn Huế, giữ nguyên vẹn đừng động vào, “bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tiêu”. Mỗi quan niệm đều có những mặt cực đoan nhất định của nó. Các nhà bảo vệ văn hóa vừa phải giữ lại những di tích không thể thiếu được của Huế; vừa phải chỉ cho thấy đâu là nơi mà những nhà làm kinh tế có thể đặt chân đặt tay.

Bao giờ cũng thế, du lịch nghĩa là tài trợ để dân làm du lịch, đúng như kinh nghiệm của ngày hội du lịch đầu tiên của Sapa. Và không hề làm thay cho chủ thể là chính nhân dân địa phương. Đây là cả một quá trình luyện tập, Nhà nước chỉ tạo điều kiện và giải quyết hộ những việc dân không thể làm được. Đến thăm một thành phố du lịch, du khách sẽ tiếp xúc với những con người, và sẽ cảm thấy thật là khác biết bao so với những nơi khác. Chuẩn bị cho Festival, tôi nghĩ người Huế nên trang bị sẵn cho mình ít, nhiều hành trang tâm lý sau đây để đối diện với du khách.
- Sẵn sàng hướng dẫn đến nơi đến chốn những chỗ mà du khách muốn đến. Trước hết là những đoàn sinh viên hướng dẫn viên du lịch đã trải qua một lớp tập huấn ngắn ngày về du lịch và phục vụ du khách trong và ngoài nước bằng một thái độ niềm nở, tự nguyện, chẳng nề khó nhọc.
- Toàn dân biểu hiện một thái độ nhiệt tình, giúp đỡ du khách một cách vô điều kiện, thí dụ: bấm máy chụp ảnh. Tôi nhớ một lần đi chơi ở nước Đức, lang thang trên một cánh đồng lúa mì với một người bạn. Tôi đã tính thầm trong bụng, nếu một người muốn chụp ảnh kỉ niệm thì người kia bấm máy. Nào ngờ chúng tôi đều muốn có một tấm ảnh chụp chung dưới giàn những bông hoa hồng dại trên tường một lâu đài cổ.

Tôi rất băn khoăn không biết làm thế nào, bỗng gặp một người đàn bà đạp xe từ trong làng ra đi. Người đàn bà đạp xe qua mặt tôi, liền quay lại nhìn, rồi xuống xe, nói một tràng tiếng Đức, ý chừng hỏi chúng phải hai người muốn chụp ảnh chung không. Vừa nói bà vừa dựng xe dưới một gốc cây và xăm xăm đi đến chỗ tôi, cầm lấy máy ảnh. Chụp xong bà mỉm cười vui vẻ vẫy tay nhanh và đi về phía dựng xe đạp. Một lần khác ở nước Pháp tôi băng qua làng Torbizon để đến rừng Fontainebleau . Làng Torbizon là một ngôi làng cổ ở ngoại ô Paris , nơi đã ra đời trường phái hội họa Tân Ấn Tượng của thế kỷ 20. Nguyên hồi ấy các họa sĩ Pháp đều vẽ trong một căn phòng sáng sủa, để ánh sáng không dao động. Những họa sĩ nổi tiếng ở Paris, vào những ngày đẹp trời thường tụ họp ở làng Torbizon, từ đó kéo nhau đi dạo vào rừng Fontainebleau để vẽ ngoài trời vì thế ánh sáng trong tranh phái Tân Ấn Tượng như trong tranh Van Gogh luôn luôn bị phân chiết ra thành những chấm li ti. Ngày nay trong làng còn giữ những địa chỉ văn hóa về họ: trước cổng những ngôi nhà cổ thường có gắn những tấm biển đồng đề:
Nơi đây đã trú ngụ họa sĩ X
(Từ 19... đến 19....)

Trên con đường đất chạy qua làng, có biết bao ngôi nhà có gắn tấm biển đồng ấy, tiết lộ những chi tiết và ta không thể tìm thấy ở đâu về lai lịch của các họa sĩ ấy. Có lẽ đấy cũng là một kinh nghiệm quý báu để làm du lịch. Thời tiền chiến, các văn nghệ sĩ nổi danh đã quy tụ ở Huế quá nhiều, và ngày nay du khách có thể hy vọng tìm thấy một tấm biển đồng ghi rõ:
Nơi đây đã từng trú ngụ thi sĩ
Huy Cận
(Từ năm 19... đến năm 19...
trong thời gian học ở Quốc Học)

Tôi xin quay lại với câu chuyện chụp ảnh. Mải chụp ảnh kỷ niệm ở làng Torbizon, tôi chợt nhận ra chỉ còn một tấm phim dành cho Fontainebleau (quanh chỗ ấy không tìm ra hiệu bán phim ảnh nào cả). May gặp một cụ già đi trờ tới. Dáng chừng là người làng đi dạo. Tôi năn nỉ nhờ cụ bấm máy ở dưới chân một tấm biển ghi tên đường Fontainebleu, yêu cầu cụ cẩn thận cho vì máy ảnh tôi chỉ còn một tấm phim. Cụ già cười vui vẻ dẫn tôi đi theo sau. Đến trước một ngã tư đường có hai tấm biển vuông góc đề chữ Fontainebleau và Torbizon; cụ bảo tôi đứng chụp ảnh dưới cột biển chữ đường ấy, bảo rằng đứng đó lợi hơn vì tôi có thể đi hai ngả.
Về hai người đi đường tình cờ tôi đã gặp ở Đức và ở Pháp tôi kết luận rằng họ đều rất thiện nghệ trong vai trò của một công dân một thành phố làm du lịch.

Chụp ảnh chỉ là một thí dụ, du khách còn cần được giúp đỡ nhiều thứ khác nữa. Về giá cả chẳng hạn. Nhất thiết không được vì thấy người ta ở từ xa đến mà tự ý “hét giá” lên cao. Giá cả chỉ nên vừa phải, phải dễ chịu để người đi còn ý muốn quay lại. Mỗi mặt hàng chỉ nên có một giá, đối với khách hàng tại chỗ cũng như với khách lễ hội từ xa đến. Tất cả tuyệt đối không nên phân biệt hai giá, lấy cớ rằng một giá dành cho khách hàng tại chỗ, còn người du lịch thì bán “giá khác”. Tuyệt đối không được bán cho du khách Festival (kể cả du khách Việt ) một “giá khác” so với giá bình thường để tránh người du khách khỏi bị mặc cảm kỳ thị khiến họ bực mình. Việc này trước đây, đã xảy ra nhiều lần, và khách họ phàn nàn đi Festival Huế chỉ tổ mang lấy chuyện bực mình. Giá cả vừa phải bao giờ cũng là một sức thu hút đối với du khách để người ta quay trở lại thành phố hoặc tuyên truyền để bạn bè tìm đến.
Bức tường giá cả mà du khách gặp đầu tiên khi đến Huế chính là đạo quân đông đảo đứng dàn chào ở sân ga, phi trường với chính sách “hét giá” tận “trên trời rửa đọi”, ai nghe cũng thất kinh. Các bạn ấy đừng quên mình là đại sứ văn hóa của Festival. Nên tạo ra một kiểu trang trí xe xích lô thật đẹp mắt phải lịch sự chuyên dùng để chở du khách Festival và giá cả đặt dưới sự kiểm soát của ban tổ chức Festival thông qua những sinh viên hướng dẫn du lịch.

Tiếp tục về vấn đề giá cả, sẽ là chợ Đông Ba các shop ở phố, xe taxi, cửa hiệu bán đồ lưu niệm, cùng các cửa hàng bán lẻ các thức khác. Tôi nghĩ rằng ban tổ chức Festival cần có một bộ phận để thường xuyên theo dõi, kiểm soát và nghiêm khắc về giá cả trong dịp Festival; vì du khách thường xuyên phải tiếp xúc với giá cả và xem giá cả giống như một thành phần của “văn hóa Festival”. Những tệ nạn như nói thách, ép giá, giành mối v.v... đều phải loại trừ trong thời gian Festival.
Về nội dung Festival, thì ban tổ chức đã có nhiều kinh nghiệm qua nhiều lần tổ chức chỉ xin đề xuất một số nhận xét của tôi về tâm lí của du khách nước ngoài.

a. Du khách thích cùng tham gia những trò chơi với cộng đồng quần chúng địa phương. Cần đề phòng tâm lí nhàm chán đối với những cuộc trình diễn văn nghệ không có gì độc đáo; hoặc nói rằng người ta thích tham dự lễ hội, thích tham quan các di tích, thắng cảnh, thích đi thăm thú ở các nơi như Lăng Cô, Thuận An, Bạch Mã, các lăng tẩm... hơn là ngồi yên bó chân bó tay một chỗ để xem biểu diễn văn nghệ, một trò chơi ít có tính chan hòa như là điều mong muốn của các du khách.
b. Du khách thích tham dự các cuộc thi trong những trò chơi. Thật ra thì trò chơi nào cũng bao hàm tâm lí dự thi. Các giải thưởng của các cuộc thi nhiều khi rất lớn (thí dụ ở các game trên vô tuyến truyền hình), hoặc rất nhỏ, thậm chí cực nhỏ (thí dụ ở các hội làng, giải thưởng chỉ bao gồm một chai rượu, một dĩa cau trầu). Tổ chức giải thưởng các trò chơi trong Festival không lớn đến nỗi động đến vấn đề kinh phí, hoặc không nhỏ quá giống như ở các cuộc thi vật võ, nấu cơm, đánh đu tiên, đánh cờ người theo truyền thống; giải thưởng dù lớn hay nhỏ nhưng người tham dự cũng tràn trề phấn khởi về tâm lí “Miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp”, và với du khách nước ngoài thì đó là tâm lí chan hòa với mọi người.

c. Du khách thích hưởng thụ các món đặc sản. Tất nhiên phải yêu cầu các công ty du lịch biết lùng cho ra những món đặc sản quý hiếm, thí dụ như món: dấm nuốc. “Ngự thiện” không phải dành riêng để chỉ món ăn của vua mà chỉ một chế độ ăn uống của vua với tất cả cách chế biến tinh vi, cầu kỳ dành cho vua. Rõ ràng là người Huế có thể thực hiện một thực đơn “ngự thiện” dành để đãi du khách.
d. Du khách thích tham gia trò chơi lễ hội. Các lễ hội đều mang sẵn một niềm vui chung thu hút mọi người trong quy mô một Festival. Báo xuân của Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế đã có nhắc đến một số lễ hội dành cho Festival mà tôi cho là rất quý, không nên để mai một trong đời sống dân tộc, ở đây xin nhắc lại:
- Lễ hội Nam Giao: Cũng xin đề nghị ngành bưu chính viễn thông xuất bản bộ tem về lễ hội Việt , trong đó có lễ hội Nam Giao. Nếu được, cũng đề nghị kỳ Festival nào cũng có lễ hội này.
- Lễ hội Tiến sĩ vinh quy: Thiết nghĩ, đây là một lễ hội khuyến học của Nhà nước phong kiến tạo ra và lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ. Tất cả chỉ nhằm tôn vinh việc học; Festival Huế tái sinh lễ hội này cũng là một cách giáo dục cho con em đời sau, lễ hội này cũng như lễ hội Nam Giao cần lặp lại trong một dịp Festival khác của Huế để biểu lộ đến muôn sau, Huế vẫn là một thành phố chăm nghiệp sách đèn, tôn sư trọng đạo, thành phố không bao giờ chịu đánh mất linh hồn. Nên chăng hãy dành cho các sinh viên và học sinh cấp ba có thành tích học tập vinh dự làm những ông nghè vinh quy vào hàng năm có đám rước này diễu hành qua thành phố.
- Lễ hội trình diễn hoa hậu thành phố Huế: nên tổ chức bình bầu hoa hậu đợt I (vòng loại) trong giới nữ sinh ở các trường Trung học và Đại học để lấy người vào chung kết. Đêm chung kết nên tổ chức ngay giữa lòng Festival, để ngày hôm sau bắt đầu tiết mục diễu hành qua thành phố.

Hồi trước 75, trường trung học Đồng Khánh toàn nữ sinh có thông lệ bầu chọn hoa khôi; người được bầu là hoa khôi Đồng Khánh sẽ được mặc nhiên công nhận là hoa hậu Huế và được đón rước qua thành phố. Ngày nay vẫn có những người phụ nữ nguyên là hoa hậu, hằng ngày vẫn phải lao động nhọc nhằn kiếm sống, vẫn luôn tưởng nhớ có lần mình đã là hoa hậu Thành phố Huế. Hoa hậu sẽ được cỡi voi, những người đẹp được bầu chọn từ các trường cùng với những mỹ nhân trong cuộc thi thời trang thì đi riêng trên những chiếc xích lô họp thành một đám rước gọi là “đám rước mỹ nhân của Festival”.

e. Du khách thích lạ, có cái gì lạ tai, lạ mắt, lạ miệng... đều thuộc về bản chất của tâm lí du lịch, khách du là những người đang tìm cách lợi dụng thì giờ nhàn rỗi để phá vỡ nhịp sống đơn điệu hàng ngày của họ. Không phải họ đi tìm những cái cao sang, nhưng tìm cái lạ đối với nhịp sống đều đặn đó.
Những nhà tổ chức Festival, trước hết, nên tránh cảm giác nhàm chán với cái mà họ đã nghe, đã thấy khắp mọi nơi, cố tránh đều mà nhiều công ty du lịch đã phải kêu lên khi cố gắng sắp xếp một lịch sinh hoạt cho du khách: “cơm tối - rối nước”. Nhà rường là một đặc sản của kiến trúc dân gian lâu đời của Huế, gắn liền với vườn Huế là một thực tế sinh thái bao hàm một mô hình văn hóa. Nhiều sở hữu chủ ở vùng Kim Long đã đầu tư vốn liếng để cải tạo ngôi nhà rường của mình thành một thứ khách sạn tĩnh mịch nằm giữa vườn cây xanh biếc. Cần cổ vũ cho hình thái kinh doanh du lịch này như một nét độc đáo của văn hóa Huế. Tuy nhiên, các chủ nhân không nên đòi thu hồi vốn chỉ trong một kỳ Festival, khiến du khách nản lòng về giá cả của loại hình khách sạn nhà rường này.

Chùa
cũng là một loại hình thắng cảnh ở Huế; nhưng “tua” đi lễ chùa vẫn còn đọng mãi trong kí ức thời hoa niên của chúng ta. Trên sổ tay du lịch của mỗi người đều có ghi lại nhiều bài thơ, bài hát viết về chùa. Ở Huế vốn có nhiều ngôi chùa danh tiếng tiêu biểu cho những loại hình kiến trúc khác nhau: ví dụ chùa Bảo Quốc, chùa Từ Hiếu, chùa Linh Mụ, chùa Diệu Đức, chùa Huyền Không... Nên dành ra một phần thời gian đưa du khách đi viếng các ngôi chùa để thấm đẫm “chất thiền” của văn hóa Huế và đi chùa luôn luôn kết thúc với một chế độ ăn đặc sản của chùa Huế: đó là ăn chay, rồi trở về đi thuyền trên sông Hương. Những địa chỉ văn hóa khác không thể thiếu khi đi chơi Huế là những ngôi nhà thờ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, là khu nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, là trường Quốc Học, ngôi trường kỳ lạ đã rèn đúc nên không biết bao nhiêu nhân tài của một thời đại.

Cần lưu ý du khách về tên tuổi những nghệ sĩ như Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Trịnh Công Sơn mà chỉ cần một trong ba tên tuổi ấy cũng đủ cho một thành phố nghĩ đến chuyện làm du lịch. Và những con đường sẽ hiện ra, những lễ hội của Festival không thể vắng mặt những mỹ danh sau đây đã ghi những dấu son trong lịch sử thành phố Nguyễn Hoàng, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am, Tố Hữu, Đoàn thanh niên tiền tuyến, Đoàn Huyên (người dẫn đầu thanh niên tiền tuyến của Huế đã bị địch bắn chết ở cầu Bình Triệu), Phong trào nổi dậy năm 1963, Phong trào sinh viên học sinh đô thị, Ngô Kha, Trần Quang Long, Lê Miên Trường, L. Cadière...

Trên đây chỉ là một số ý kiến phác thảo quanh những cái đã làm lâu nay, chỉ mong ấn tượng về Festival 2006 sẽ làm nổi bật trong tâm trí mỗi người những nét son không phai mờ: Huế là nơi tôi đã rong chơi và còn muốn trở lại.
  Huế, tháng 4 năm 2006
        H.P.N.T

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài đã đăng