Festival Huế 2000
Festival Huế 2000 mở ra thời kỳ mới giao lưu về văn hóa
08:47 | 08/04/2010
NGỌC NHÃFestival Huế 2.000 chính là khúc dạo đầu, mở ra thời kỳ mang bước ngoặt thời đại ấy. Dưới cái nhìn khách quan của một khách du lịch mến Huế, hiểu Huế... vẫn có thể nhìn thấy khá rõ nét những lợi thế của Huế với sự kiện văn hóa lớn vừa qua.
Festival Huế 2000 mở ra thời kỳ mới giao lưu về văn hóa
Chỉ diễn ra trong vòng mười hai ngày đêm (8 đến 19/ 4) nhưng những bước vận động của Festival Huế 2.000 không đơn giản chút nào. Sẽ vô cùng thiếu sót khi chỉ với con số ngày vừa nói để, minh họa sự thành công trong cả một quá trình chuẩn bị. Vượt qua trận đại Hồng thủy, còn đó những tang thương và mất mát... Vượt qua những tiền đề kinh tế đang ưu tư và trăn trở. Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, chuyển biến khôn lường. Vượt qua những cơ sở hạ tầng còn dang dở và thiếu thốn, chưa kịp thời chỉnh trang đúng mức... Vượt qua tâm lý còn “ thế thủ”, chưa đồng bộ với những bước đi bất ngờ, đột biến... với sự “ kinh qua” chưa từng có bao giờ. Đi đến được với những gì diễn ra trong Lễ Hội vừa rồi, đã là sự thành công đáng nói nhất.

(Đua thuyền - Ảnh: Văn Thanh)


Vạn sự “ khởi đầu nan” luôn là những gì mà xứ Huế đã phải cưu mang trong vận hội của chính mình. Điều quan trọng không phải ở một vài thời gian và tiết mục tạm gián đoạn vì thời tiết nắng mưa? Sự quyết định nằm ở “ thời vận” thực sự dành cho Huế về đại thể của ngày mai, trước mặt. Để tạo tiền đề, thì Festival Huế 2.000 quả đã thành công hơn dự tưởng. Lần đầu tiên một Lễ hội quy mô quốc tế ở Huế được phổ cập trên mạng truyền thông thế giới, cấp thời và trân trọng. Với sự giúp đỡ và giao lưu văn hóa đem đến từ bên kia đại lục của những người bạn Pháp thì, kết quả ấy càng điểm xuyết thêm niềm vinh quang cho xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung trên giá trị bang giao quốc tế hóa. Tất cả những điều ấy, bỏ qua các tiểu tiết bên lề, cho phép khẳng định về một “ thời vận” tốt lành hơn đã và đang bắt đầu “ mở ra” cho xứ Huế của chúng ta.

(Một số hình ảnh về Festival Huế 2000)

Hai bộ phận chính. Đại nội và vòng đai bên ngoài nó. Một kết cấu kỳ tuyệt. Tuy hai, nhưng là một. Trên phương diện phong thủy, cảnh quan... thì toàn thể Kinh thành Huế với dòng chảy Hương Giang, bức bình phong Núi Ngự kia là không thể tách rời. Hai loại “ sân khấu” đặc thù đều được yếu tố tự nhiên và thiên nhiên ưu đãi “ hết mình”. Phần IN và phần OFF, sân khấu cho quảng đại quần chúng dân gian, sân khấu dành riêng và hạn chế khách xem vào cửa. Vòng Hoàng Thành bao quanh khu vực Đại Nội cùng với những cảnh quan và cơ sở kiến trúc mang trong lòng nó giúp cho khâu tổ chức bớt hẳn đi gánh nặng phải ưu tư nếu giả dụ phải tìm ra một bối cảnh khác, thay thế cho khu vực “ vốn có” này?

Khách đến Huế và tham dự Lễ hội chỉ căn cứ vào số vé bán ra cũng đã gấp hai lần. Không dưới 4 vạn người! Đó mới là thành quả sơ khai, lúc Huế đang trong hoàn cảnh còn lắm nỗi “ ngổn ngang” chưa kịp được thể tất như ý muốn lý tưởng. Khách trong nước và ngoài nước, khách quốc tế... Tất cả đều chia sẻ cùng Huế những ưu ái và trân trọng. Chúng ta đọc, nghe thấy và chứng kiến nhiều phát biểu, bày tỏ làm cảm động lòng người. Người ta đã nói đến Huế với ý niệm cụ thể về quá trình “ gieo hạt” và bây giờ là một mùa đang được “ gặt hái”...

Sự giao lưu văn hóa ba miền đất nước trên sân khấu Lễ Hội được khắc họa qua ấn tượng góp phần của các chương trình Quan Họ Bắc Ninh, Vũ khúc Việt Nam, Múa Rối nước, Nhạc Phong Lan... Bên cạnh những nội dung mang đậm tính dân gian như Đua thuyền trên sông Hương, Thả và Biểu diễn Diều Huế, còn là các tiết mục phản ánh văn hóa bác học chốn Cung Đình như Nhã Nhạc, Âm sắc Cung Đình Huế. Đặc biệt chương trình Thời trang Ao dài Minh Hạnh như một nét mới mẻ nhất, cuốn hút thể hiện không khí hiện đại, tân thời theo dòng chảy của tương lai. Trong hai phần. Lễ và Hội, thì có lẽ sự hài hòa giữa hai thành tố ấy được mỹ mãn trong chương trình Lễ Hội Điện Hòn Chén. Đầy đủ cả những sinh hoạt: Rướt Lễ. Múa Lễ, Hát Lễ, dòng người chảy về trẫy hội giữa một phong cảnh vừa thâm nghiêm vừa hết sức thơ mộng với sơn thanh, thủy tú quanh mình.

Giao lưu về văn hóa Pháp, tuy còn mới mẻ và khó nắm bắt nhưng đây là cơ hội để “ quen dần” không những văn hóa Pháp mà có thể còn những khối hình văn hóa nước khác, sau này... Những chương trình về phía nước bạn như Triton của đoàn DCA, Vì người mà tôi làm vậy (Guy Alloicherie CNAC) hoặc Giai điệu thời gian Régine Chopinot, hoặc chương trình Dạ nhạc tiệc do Philippe dàn dựng... Các nghệ sỹ Pháp đã lao động cật lực và sôi nổi trình diễn trên sân khấu với tất cả tâm hồn, đã đem lại không ít sự hào hứng ở các sân khấu ngoài trời. Tất cả chừng ấy nhưng nổi lên một điều quý giá. Ngay tại lòng Cố đô, chúng ta đã được tiếp cận văn hóa nước ngoài. Không phải “ đi một ngày đàng” để có thể học được “ sàng khôn”.

Để đạt được thành quả cho Festival Huế 2.000, ngoài đóng góp công sức nhiều bộ phận, từ trung ương đến địa phương, trong nước... Điều đáng kể là thiện chí và công sức của những người bạn Pháp, nhân dân Pháp nói chung. Họ đã đến làm việc, bàn thảo, nghiên cứu, dự trù chương trình và thiết kế, góp phần không nhỏ vào tổ chức và tiến hành... Hân hạnh cho chúng ta, những người Huế, người Việt Nam nói chung. Là cơ hội để thắt chặt tình hữu nghị trên quan hệ bang giao về văn hóa, về tinh hoa của hai đất nước vốn xa cách nhau một bề dày đại lục...

Festival Huế 2.000 đã khép lại, nhưng còn đó... bắt đầu những dự trù cho các Festival khác, có thể sẽ tiếp nối diễn ra trên đất Cố đô. Giá trị của cuộc diễn tập ban đầu chắc chắn sẽ giúp Huế rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, thiết thực hơn sau này. Tương lai Huế đang mở ra vào thế kỷ 21. Tất cả chúng ta đều lạc quan và tràn trề hy vọng với một danh xưng vô cùng mới mẻ vừa được chào đời và bước đầu khẳng định: Huế, thành phố FESTIVAL.

Thành nội Huế 4/ 2000
N.N
(135/05-00)




Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Các bài đã đăng