Festival Huế 2000
Thành phố của "nghệ thuật sống"
09:32 | 09/04/2010
HỒ ĐĂNG THANH NGỌCĐêm trước ngày khai mạc Festival Huế 2000, tôi cùng một số bạn bè từ khắp nơi trong nước ngồi với nhau trong một quán bia nằm bên sông Hương.
Thành phố của
Đúng là bạn bè lâu ngày gặp nhau như hội, chuyện nổ như bắp rang. Bàn tán thì nhiều lắm song đại thể chưa anh nào hiểu được Festival Huế 2000 diễn ra như thế nào, hình thù nó ra làm sao... Tuy nhiên, phải công nhận đây là cơ hội tuyệt vời để bạn bè gặp nhau. Trong bàn bia hôm ấy, có nhiều anh đến Huế vì công việc tòa soạn giao, song cũng có nhiều anh đánh hơi thấy Huế đang là đất hẹn lý tưởng của vô khối bạn bè nên tranh thủ đến cho thỏa những tháng ngày đã lâu không gặp. Ngồi cạnh tôi hôm ấy là một anh bạn trẻ lần đầu đến Huế. Sông Hương buổi hoàng hôn đã thật sự làm mê hoặc con người đa cảm này, cứ phơn phớt tím bao trùm lên mặt sông phẳng lặng. - "Như một mặt hồ dài" - anh bạn trầm trồ. Nhận xét ấy làm tôi nhớ có lần ngồi với ba chị em ca sỹ Tam ca Áo trắng trong Vườn Thiên Đàng, cô em út cứ ngạc nhiên: - "Đây là cái hồ gì mà dài ghê vậy anh?". Em ngày xưa cũng nói với tôi rằng, sông Hương sẽ là một mặt gương lưu ảnh để mỗi khi em soi mặt mình, sẽ nhìn thấy người em thương... Chu Thần.

Tôi dám chắc Cao Bá Quát, tác giả câu thơ "Sông Hương như kiếm dựng trời xanh", sẽ thấy rất thú vị khi nghe có người ví "thanh kiếm" của ông như một mặt gương tròn. Ngày đó tôi nói với em rằng, chỉ có lăng tẩm, đền đài...mới lưu ảnh nổi cùng sông Hương, phận người hữu hạn làm sao lưu ảnh nỗi. Em cười, nói rằng phần đời hữu hạn song tình yêu thì không cùng. Rồi sẽ có ngày sông Hương sẽ khác đi, không chỉ giữ trong mình thành quách Cố đô xưa, mà tất cả sẽ sống dậy, cho thành phố này không còn trầm mặc. Sẽ có ngày sự trầm mặc cũng sống dậy.

Những ngày Festival Huế 2000 sôi động đã làm tôi tin những gì em nói là đúng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, Huế là nơi duy nhất còn giữ lại dấu ấn một kinh đô cổ xưa với hệ thống di sản văn hóa vật chất và phi vật chất đồ sộ có một không hai. Song đầu tiên phải nhắc đến cái thi vị trường cửu mà Thiên Nhiên đã ban phát ân huệ cho đô thị Huế. Các yếu tố: sông - núi - cây và người đã đem lại cho thiên nhiên Huế có một niềm tâm cảm sâu thẳm khôn cùng. Trên nền tảng thiên nhiên này, những công trình đại kiến trúc đã quần tụ, phô diễn qua hệ thống lăng tẩm, chùa chiền... Lăng của vua chúa nhà Nguyễn, với những kiến trúc hùng vĩ và thơ mộng, luôn giao hòa cùng sự tĩnh mịch, trầm mặc của núi đồi, làm nên vẻ đẹp cực kỳ thăng hoa của Huế. Vẻ đẹp ấy mang một triết lý của phong thái quá đỗi nhẹ nhàng khi đối diện với lẽ sinh tử của cuộc đời. Nhiều triết lý khác đã gắn kết với nhiều kiến trúc khác ở quần thể di tích Huế. Qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển bên dòng sông Hương thơ mộng, người dân Huế đã tạo dựng cho mình một kho tàng đặc sắc riêng về văn hóa phi vật thể, từ cách ăn, cách mặc, cách chơi đến lời ca, tiếng hát... Tất cả được diễn tả bằng giọng Huế và tính cách Huế, mang một sắc thái không nơi nào có được của nền văn hóa phi vật thể của Huế.

Và phần lớn kho tàng di sản văn hóa nhân loại này (chưa phải là tất cả) đã được đồng loạt đánh thức trong những ngày diễn ra Festival Huế 2000 vừa qua. 41.000 du khách đến Huế trong vòng 12 ngày là một điều Huế chưa bao giờ có. Những giá trị văn hóa Huế thêm lần nữa, đã thật sự quyến rũ hàng bao trái tim du khách. Bên cạnh những giá trị di sản đã trở thành hằng số, giờ đây, nhiều giá trị mới của Huế cũng được khám phá qua Festival Huế 2000.

Ngày 17. 4, ngày thứ mười của Festival, tôi có dịp nói chuyện với ông Jeal Blaise - ủy viên chỉ đạo nghệ thuật Festival Huế 2000. Thú thật là tôi khá bất ngờ khi được biết chủ đề của Festival Huế 2000 là “Nghệ thuật sống”. Chủ đề này đã không được Ban tổ chức quảng bá rầm rộ như đáng ra nó phải được. Jeal Blaise nói rằng, chính nếp sống bình dị của người dân Huế đã làm ông nảy sinh ý tưởng này. Nghệ thuật sống, là một ý tưởng hay và nó chưa được thực hiện ở bất cứ một Festival nào trên thế giới. - “Tôi nghĩ nó rất phù hợp với Huế và Huế nên giữ cho mình chủ đề này khi tổ chức mọi Festival” - Jeal Blaise nói. Theo ông, kho tàng văn hóa phi vật thể của Huế với những đặc trưng tuyệt vời, riêng có văn hóa ẩm thực Huế, tính cách Huế, âm nhạc Huế, hệ ngũ sắc Huế, lễ hội dân gian Huế... sẽ tạo nên một Nghệ thuật sống Huế rất sinh động. Khi nói với tôi về vấn đề này, ánh mắt của Jeal Baise linh hoạt hẳn lên. Ông nói rất lâu, rất sôi nổi với ý muốn diễn tả tường tận cho người đối diện về ý tưởng tuyệt vời này. Ông cũng nói rằng, theo ông, những gì đã diễn ra trong Festival vừa qua, đã đạt bảy mươi phần trăm ý đồ thể hiện chủ đề của Ban tổ chức. Tôi cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn và ông bắt tay tạm biệt, rằng hẹn gặp lại lần Festival sau. Tôi nghĩ là ông sẽ nâng con số bảy mươi phần trăm lên cao hơn nữa khi chứng kiến không khí của đêm bế mạc có cái tên rất riêng của Huế: Đêm hội hoa đăng.

Em đã thực sự chóang ngợp khi chứng kiến cảnh người Huế đổ ra đường trong đêm khai mạc. Đêm hội Cố đô. Đúng là từ ngày giải phóng 26.3.1975 đến nay, chưa bao giờ người dân Huế đổ ra đường đông đến thế. Trong lịch sử xây dựng và phát triển, người Huế có nhiều lần xuống đường để đòi độc lập, tự do và cơm áo. Đó là cuộc khởi nghĩa Chày Vòi. Cuộc nổi loạn vang dội nhất trong lịch sử triều Nguyễn mà sự thất bại cũng bởi do người cầm đầu, anh học trò Đoàn Trưng, quá nhân hậu và lãng mạn. Đó là cuộc biểu tình chống Huế của nông dân 6 huyện Thừa Thiên và học sinh Huế trước Tòa Khâm sứ Pháp ngày 11.4.1908, ghi lại dấu ấn có sự tham gia của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung. Đó là những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhà thơ Thanh Tịnh kể lại trong “Từ kinh đô đến cố đô” rằng: “Trên đường đi, làng này gặp làng khác, đoàn người liên tiếp nối kéo dài, kéo dài mãi... Trên dòng sông Hương thì dày đặc thuyền đò, trang trí cờ hoa rực rỡ...” Đó là tối 7.5.1963, phong trào đồng bào Huế liên kết xuống đường công khai chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm được bắt đầu, kéo theo phong trào sinh viên- học sinh đô thị Huế với “Những đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” kéo dài suốt những năm sau. Đó là ngày 26.3.1975, nhân dân thành phố lại đổ ra đường mừng chiến thắng. Gắn liền với những cuộc xuống đường đó, là nỗi khao khát khôn cùng của người dân Huế về độc lập, tự do và no ấm.

Hai mươi lăm năm kể từ ngày Huế giải phóng đã đi qua. Cùng với công cuộc phát triển đất nước, người dân Huế đang hy vọng cho mình một thành phố Huế giàu đẹp. Và họ đã mang niềm khao khát lớn ấy xuống đường cùng Festival Huế 2000. Hàng vạn người đã đổ ra đường trong đêm 8.4 làm cho Huế sôi động chưa từng có. Người Huế vào Đại nội, ra công viên, vào hội chợ, thậm chí kéo nhau đi trên các tuyến đường xem một đêm Huế tưng bừng âm thanh, ngập tràn ánh sáng. Trong những ngày Festival, mỗi người dân Huế đã thật sự là chủ nhân. Họ ăn mặc đẹp hơn, nói năng lịch sự hơn... Tôi nghĩ rằng, người Huế trong nghệ thuật sống của mình, đã biết chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để xây dựng Huế. Đầu tiên là chúa Nguyễn tận dụng cơ hội trốn vào Nam xây dựng cơ đồ, theo lời dặn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiếp đó là việc tận dụng núi Ngự Bình làm bình phong cho kinh đô. Sau này là chớp thời cơ hạ uy tín chính quyền Diệm năm 1963, chớp thời cơ giải phóng Huế 1975.

Và bây giờ là thời cơ để trở thành thành phố Festival. Một trong những mục tiêu mà Lễ hội Festival hướng đến là thử nghiệm bước đầu việc xây dựng Cố đô Huế trở thành thành phố của lễ hội văn hóa, từ đó làm đòn bẫy cho việc phát triển kinh tế bằng du lịch- dịch vụ. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người dân Huế đều khao khát có thời cơ như thế này, và họ đã tỏ ra mình là người biết tận dụng thời cơ khi đã góp phần lớn làm cho Festival đi đến thành công.

Nguyên Tổng giám đốc UNESCO- theo ông A.M.MIBOW rất có lý khi từ năm 1981, đã nói rằng: Huế là một trung tâm văn hóa vô cùng sôi động”. Điều đó đã được chứng thực trong lễ hội này. Hòa nhập trong suối người trôi liên miên, bất tận, em nói rằng em đã nhìn thấy cái đẹp của một Huế trầm lắng, giờ lại tin rằng Huế còn đẹp hơn khi nó mang một không khi sôi động. Tôi nói với em rằng thành phố đã chờ giây phút này lâu lắm rồi, có điều là liệu có duy trì được những dịp như thế này không?

Trong câu chuyện của chúng tôi về những thành phố Festival trên thế giới, nước Pháp được nhắc đến nhiều nhất. Theo như tôi được nghe kể, ở Pháp có năm loại hình Festival được tổ chức: âm nhạc, kịch nghệ, vũ, folkore và xiếc. Mỗi thành phố Festival được biết đến bởi loại hình nghệ thuật mà Festival mang tên thành phố đó cống hiến. Ví dụ nếu mê kịch xin mời đến dự Festival ở thành phố Avignon. Hàng ngày, thành phố có đến cả mấy chục vở diễn, giỏi lắm chỉ xem được hai vở là gần nửa đêm. Ây vậy mà nó cũng bắt buộc du khách bận rộn trong những cân nhắc, tranh thủ giữa vở này, vở kia ở phần in hay sân khấu off. Một nhà báo cho biết: “Trong mỗi con người du khách đến với Avignon đều có hai con người: một con người xác phàm đầy những thôi thúc hưởng thụ giác quan (ẩm thực, ngoạn cảnh, yêu đương...) và một con người trí tuệ với những tò mò hưởng thụ kịch nghệ.” Như vậy, cái mà Avignon rao bán là Festival kịch nghệ.

Vậy có thể định nghĩa Festival Huế 2000 là gì? Đó là Nghệ thuật sống. Thực tế mười hai ngày ở Festival Huế đã đem đến cho du khách khá nhiều điều mới lạ, không chỉ là một cố đô với đền đài, lăng tẩm. (Mà ngày cả chính lăng tẩm vua chúa ở Huế cũng đã là một nét nghệ thuật sống: thái độ bình thản trước lẻ sinh tử ở đời). Đầu tiên là sự khám phá về một vẻ đẹp mới của Huế.

Festival Huế 2000 cũng giúp cho Huế thêm một lần được du khách khám phá “Thành phố xanh”, Đó là một tour du lịch sinh thái độc đáo mà du khách có thể đi bộ qua các vườn rau xanh, qua những ngõ phố bình dân để khám phá một Huế dung dị đời thường. Thậm chí khám phá Huế qua “Khách sạn containor”, “khách sạn đò trên sông Hương”... Cuối cùng, Huế đích thực là một Thành phố lễ hội. Hội chợ khai mạc sớm, tiếp đó là Đêm hội Cố đô, Lễ hội Diều Huế, Lễ hội Điện Hòn Chén, lễ hội đua thuyền trên sông Hương và cuối cùng để lại dấu ấn tốt đẹp nhất là đêm chia tay, giã bạn với Lễ hội Hoa đăng...

Khi hàng ngàn hoa đăng được thả bập bềnh trên dòng Hương Giang, làm cả khúc sông dài tràn ngập ánh nến lung linh, huyền ảo; hàng vạn người dân Huế và du khách bỗng nhận ra một điều rằng, mười hai ngày đêm Festival Huế 2000 đã kết thúc. Đêm Huế bỗng mở lòng ra rộng sâu hơn. Không còn sự vồn vã của ngày đầu gặp nhau, bây giờ là lúc lắng đọng cho những giây phút còn lại sau cùng để ngày mai người đi kẻ ở.

Bỗng nhớ da diết câu quan họ Bắc Ninh ở sân Nội Phủ dưới bóng cây nhãn xanh như dưới bóng đa làng: “Người ôi người ở đừng về!” Em nói rằng ngày mai em sẽ bay chuyến bay sáng. Không phải là sự ra đi vội vã mà là em không muốn nhìn thấy một Huế trở lại bình lặng sau những ngày sôi động, không muốn thấy cả tôi đi đứng trong nỗi niềm trống vắng. Em cười, bảo với tôi câu nói cửa miệng của người Huế trong những ngày Festival khi xuất hiện vở kịch của đạo diễn Guy Alloucherie: “Vì người mà tôi làm vậy!”. Tôi im lặng, không muốn nhắc lại những kỷ niệm còn quá mới: Một ngày đưa em đi khám phá “thành phố xanh”, qua những vườn rau mà tôi nói rằng, chỉ cần mua một trăm đồng hành ngò, có thể đủ cho em ăn mười tô cơm hến. Một tối ngồi bên nhau nghe quan họ, xem Triton với những nghệ sỹ diễn hết mình suốt một tiếng đồng hồ, xem “lâm mẫu xuất lân nhi” mà em cứ thắc mắc hoài không biết lân con ở đâu ra? Rồi một sáng lên Điện Hòn Chén, em xóc thẻ cầu một điều bí mật. Và cả một tối ngồi bên nhâu trong công viên Quốc Học cùng với giới trẻ Huế...

Em nhìn tôi, nói rằng con trai Huế quá hiền và quá lãng mạn, không biết liệu có đủ bản lĩnh để giữ người yêu mình không? Tôi nói rằng, tôi là vậy, mãi mãi là vậy. Có lẽ những người con trai khác cũng giống như tôi, như thành phố vốn kiện lời này.

Huế đã hẹn với du khách trong những lần hội nhộ trong Festival sau. Thành phố đã gìn giữ những di sản cho những hẹ hò của các thế hệ. Giữ gìn ngay cả những ngọn nến trong ánh hoa đăng đang trôi dưới sông kia. Mỗi người có thể thầm gửi trong nó những mong ước trong đời, để muôn ngàn mong cầu tốt đẹp sẽ xuôi sông hội về biển khơi mênh mông ngoài kia.

Tạm biệt Festival Huế 2000! Em nói là em sẽ quay trở lại. Trong em, Festival Huế không chỉ có mười hai ngày vừa đã đi qua

Huế 4.2000
H.Đ.T.N

(135/05-00)




Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Các bài đã đăng