Festival nghề truyền thống Huế
Người của làng nghề
14:41 | 26/04/2013

NGUYỄN LÊ THU HIỀN

Nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời. Truyền thống đó gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống, với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nét riêng và độc đáo tới mức tên của sản phẩm luôn kèm theo tên làng làm ra nó.

Người của làng nghề

Với những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng thì tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh, kinh tế du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các chuyên gia, tiềm năng du lịch làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng hiện nay rất lớn. Làng nghề được phân ra nhiều loại: làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề mới du nhập, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, trong đó làng nghề truyền thống phục vụ du lịch được hiểu là làng nghề có một không gian lãnh thổ nông thôn mang đậm nét văn hóa, lịch sử, có các nghệ nhân tiêu biểu thực hiện tổ chức sản xuất một hoặc một số sản phẩm thủ công truyền thống, đồng thời các làng nghề này còn cung cấp các dịch vụ phục vụ và thu hút khách du lịch. Như vậy, việc phát triển các làng nghề truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế có lợi thế về du lịch thành các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch sẽ thực sự hấp dẫn với du khách, góp phần phát triển ngành du lịch xứng tầm với tiềm năng của tỉnh, đồng thời vừa giữ gìn, phát triển được truyền thống văn hóa của dân tộc để có thể “hòa nhập quốc tế nhưng không hòa tan”, vừa góp phần tích cực tạo động lực thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho dân cư và đổi mới bộ mặt nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH - HĐH. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch nói riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế đang ngày có xu hướng giảm dần cả về số lượng lẫn chất lượng.

Qua kết quả điều tra khảo sát thực tế tại các địa phương để thu thập số lượng các làng nghề cũng như đặc điểm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thì hiện nay có tất cả 88 làng nghề (gồm 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập), trong đó có 25 làng nghề truyền thống phục vụ du lịch (LNTT PVDL), chiếm 28,4%, cụ thể: có 2505 cơ sở sản xuất hoạt động tại 25 LNTT PVDL khác nhau với 4920 người lao động tham gia lao động thường xuyên và 2760 người lao động tham gia theo mùa vụ (chiếm tỷ trọng 56% so với lao động hoạt động thường xuyên), phân bố chủ yếu ở 3 huyện Quảng Điền, Hương Thủy và Phú Vang với các tỷ trọng tương ứng là 32,3%, 22,5% và 28,2%.

Xét về cơ cấu lao động theo giới tính, tổng số lao động tham gia tại các cơ sở sản xuất ở LNTT PVDL trên địa bàn tỉnh là 4920 người thì trong đó lao động nữ giới là 4030 người, chiếm 81,9% và lao động nam giới là 890 người, chiếm 18,1%. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm của từng sản phẩm, số lượng LNTT PVDL, từng yêu cầu cụ thể của quá trình sản xuất mà sự phân bổ lao động nữ và lao động nam có sự khác nhau.

Xét về trình độ văn hóa và đào tạo của lực lượng lao động ở các LNTT PVDL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thì nhìn chung lực lượng lao động ở các LNTT PVDL có trình độ thấp, cụ thể số lao động ở trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học chỉ có 7 người, tốt nghiệp phổ thông trung học 443 người, tốt nghiệp phổ thông cơ sở là 1862 người và chưa tốt nghiệp phổ thông cơ sở, tốt nghiệp tiểu học, chưa đi học là 2608 người.

Xét về trình độ tay nghề thì số lượng nghệ nhân, thợ bậc cao và bàn tay vàng chiếm tỷ lệ quá thấp khoảng 1,32% (67 người), 6,28% là thợ đang học việc gồm khoảng 309 người, còn lại là 92,4% thợ có tay nghề gồm khoảng 4544 người lao động. Lao động có tay nghề tham gia hoạt động sản xuất ở các cơ sở sản xuất phân bố tương đối đồng đều, chiếm tỷ lệ lớn (92,4%), đây là nguồn lực khá dồi dào để phát triển công tác đào tạo nghề tại chỗ và phát triển các LNTT PVDL trong tương lai. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân và bàn tay vàng chiếm tỷ lệ quá thấp đồng thời lại có độ tuổi lớn (trên 65 tuổi), chỉ có 1 người, bàn tay vàng là không có, thợ bậc cao chỉ có 66 người (chiếm 1,3%), điển hình là làng gốm Phước Tích, làng tranh giấy Sình... Như vậy, cơ cấu lao động theo trình độ tay nghề là một cơ cấu không cân đối, chủ yếu là đội ngũ thợ có tay nghề, còn nghệ nhân, thợ bậc cao và bàn tay vàng hầu như không có. Đây là vấn đề khó khăn trong việc duy trì, củng cố và phát triển các LNTT PVDL, bảo tồn nguyên gốc giá trị văn hóa truyền thống trong xu thế kinh tế thị trường. Do đó, trong giai đoạn này cần phải có các giải pháp có tính khả thi nhằm đào tạo nghề cho nguồn lao động của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm hai nhóm giải pháp lớn như:

Nhóm các giải pháp trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động cho làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ chỗ nhận thức rằng, đầu tư phát triển kỹ năng nghề, tăng cường kiến thức và đào tạo nghề là các vấn đề quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của các LNTT PVDL ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời chất lượng nguồn nhân lực quyết định hiệu quả kinh tế, là động cơ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, góp phần tạo ra cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận việc làm bền vững và có năng suất... nên cần phải có các giải pháp mang tính khả thi, đóng vai trò là giải pháp trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động cho làng nghề truyền thống phục vụ du lịch cụ thể như sau:

Thứ nhất, gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp - giải pháp mang tính đột phá - bởi hiện nay sự gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập và cần tiếp tục được đẩy mạnh với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo “đầu ra” của đối tượng được đào tạo nghề.

Thứ hai, phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có năng lực, tăng cường năng lực dạy nghề, nâng cao nhận thức về công tác phát triển dạy nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn nói chung và ở các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch nói riêng.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội tham gia học nghề và có cơ hội được học nghề để nâng cao trình độ tay nghề, từ đó họ mới có thể sống được dựa vào thu nhập từ làng nghề và công việc của họ. Việc này cũng góp phần giảm đáng kể chi phí đào tạo của cả cá nhân và xã hội.

Thứ tư, phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ để giảm đáng kể chi phí đào tạo của cả cá nhân và xã hội đồng thời người học biết được nhu cầu việc làm ở địa phương; biết được chính sách và nhiệm vụ của người đi học; biết được khi học xong thì cơ hội việc làm ở địa phương mình như thế nào.

Thứ năm, phải quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng hiện đại, hợp lý vì từ sự phân tích thực trạng nguồn lao động ở các LNTT PVDL nói trên thì thấy rằng cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động, thậm chí có chương trình, giáo trình dạy nghề đã lạc hậu. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị. Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ, hoặc có thì diện tích ít, thiếu xưởng thực tập thực hành...

Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng thực hành và tăng cường phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề, đa dạng hóa hình thức đào tạo và thực hiện xã hội hóa dạy nghề; xây dựng hệ thống dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp, linh hoạt, có đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo.

Thứ bảy, tiêu chuẩn hóa và định kỳ xét tổ chức công nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý như nghệ nhân cấp tỉnh, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân...; cũng như có khen thưởng thích đáng cho những người thợ giỏi và phong tặng thợ bàn tay vàng, thợ cả và một số danh hiệu khác; đặc biệt là cần tổ chức tuyên dương định kỳ cho những doanh nhân, chủ cơ sở trong làng nghề có tài làm ra những sản phẩm chất lượng cao, những người có phát minh sáng chế, cải tiến máy móc thiết bị sản xuất phục vụ cho sự phát triển của làng nghề.

Thứ tám, tăng cường khả năng hợp tác dạy nghề trong nước và trong khu vực các nước ASEAN, đặc biệt chú trọng hợp tác với những địa phương có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nghề cho các làng nghề nói chung và cho làng nghề truyền thống phục vụ du lịch nói riêng như Hà Nội, Hội An và ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia,...

Thứ chín, phải huy động nguồn lực đầu tư cho dạy nghề từ các doanh nghiệp, từ nguồn ngân sách của địa phương...

Nhóm giải pháp tạo tiền đề, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động cho làng nghề truyền thống phục vụ du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ nhất, huy động vốn cho đầu tư khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, giải pháp về thị trường và mở rộng thị trường. Để phát triển thị trường cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo giao hàng đúng số lượng và thời gian để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Phát triển các mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất trong làng nghề với các doanh nghiệp thương mại lớn ở các tỉnh và thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng như khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước liên doanh với các cơ sở trong các làng nghề thực hiện các dự án sản xuất hàng gia công xuất khẩu hoặc làm trung gian bao tiêu sản phẩm của làng nghề truyền thống trên tinh thần liên kết, hợp tác lâu dài đôi bên cùng có lợi.

Thứ ba, phải gắn khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch với các hình thức du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các chương trình khôi phục sản phẩm truyền thống và nâng cao giá trị truyền thống.

Thứ năm, tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương khác và nước ngoài.

Thứ sáu, các giải pháp về cơ chế, chính sách của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của nhà nước nói chung.

Như vậy, để góp phần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn lao động của các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì hệ thống các giải pháp nêu trên phải được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả.

N.L.T.H
(SDB8/3-13)


Tài liệu tham khảo:

1. Bộ công nghiệp (2005), Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến 2020, Hà Nội.
2. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020.
3. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế (2007), Đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2007-2015”,
4. Huỳnh Đình Kết (2005), Tổng quan nghề thủ công truyền thống Huế, giá trị, thực trạng, giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Di sản ngành nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh thành phố Festival”, Huế.
5. Mai Thế Hởn, Hoàng Ngọc Hòa, Vũ Văn Phúc (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Vũ Thế Hiệp (2008), “Tiềm năng phát triển làng nghề du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế, (4), tr.120-123.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng