Festival nghề truyền thống Huế
Không gian Màu xưa
16:03 | 30/04/2013

Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2013, cuộc triển lãm tranh sơn mài Màu xưa diễn ra tại Văn phòng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế thực sự đã trở thành một không gian thu hút công chúng yêu mến nghệ thuật. Đây là một không gian đậm màu sắc hoài cổ. Khi bước vào không gian này người ta nhận thấy những nét trầm tích của Huế xưa, một Huế dịu dàng, nữ tính với những vỉa tầng văn hóa sâu đậm.

Không gian Màu xưa
Tác phẩm Cá của Đặng Mậu Triết

Tác phẩm Biểu tượng chân lý của Võ Quang Hoành vẫn dựa trên lối nhìn truyền thống khi tìm tới biểu tượng của sen. Một vẽ đẹp tinh khiết, trong lành đưa lại cảm giác an nhiên, tự tại. Tất nhiên, trong hầu hết tác phẩm của Võ Quang Hoành, người ta thường nhìn thấy phảng phất đâu đó những nỗi buồn thầm kín, những gam màu không gợi cảm giác tươi vui mà chưa ẩn những nỗi buồn khó gọi tên. Tìm đến sen, người họa sĩ  đi tìm lại những nét đẹp cổ xưa, những đét đẹp khó tìm thấy giữa muôn màu cuộc sống đương đại.

Tác phẩm Biểu tượng chân lý của Võ Quang Hoành

Không gian Màu xưa không chỉ dừng lại với sự hoài cổ mà nó còn đi tới những cách tân của nghệ thuật hiện đại pha lẫn với những đường nét thâm trần, mê hoặc bởi chiều kích sâu dày của thời gian và không gian xứ Huế. Khó có thể nhận ra được những tầng ý nghĩa nào ẩn chứa sau tác phẩm Nụ hôn của họa sỹ Đặng Mậu Tựu. Bởi ở đây, không gian, cách sắp đặt họa tiết, hình họa không còn đứng lại với nghệ thuật mô phỏng mà dường như người sáng tạo muốn tìm đến những ý niệm sâu kín hơn. Nhìn chung trong các tác phẩm của Đặng Mậu Tựu, cũng không ngoại lệ với những gì thuộc về nghệ thuật khi tranh ông luôn chứa ẩn những cái đẹp khó nắm bắt, khó gọi tên chúng một cách tường minh. Mà ở đấy tất cả tùy thuộc vào cảm nghiệm, lý giải của người xem.

Tác phẩm Nụ hôn của Đặng Mậu Tựu

Cảm thức văn hóa Phật giáo cũng là một trong những nguồn cội của nghệ thuật Huế. Nơi đây dường như văn hóa Phật giáo đã ăn vào máu thịt của người sáng tạo.  Cũng bởi vì thế đến Huế người ta luôn cảm nhận được một đời sống bình an, nhẹ nhàng, siêu thoát, khác biệt với sự ồn ào, phồn hoa của những thành phố lớn khác trên cả nước. Tác phẩm “Vạn” của Trần Văn Lộc đã lấy văn hóa Phật giáo làm căn nguyên của sáng tạo. Đứng trước tác phẩm này một lần nữa chúng ta nhận thấy đâu là tầng sâu Phật giáo trong nghệ thuật của Huế.

Tác phẩm Vạn của Trần Văn Lộc

Tìm về với những nét đẹp xưa, chúng ta không thể không tìm đến với biểu tượng Mẹ. Một biểu tượng thiêng liêng, nơi đi ra của những mơ mộng nghệ thuật. Trong Mẹ của Phạm Trinh, chúng ta lại được gợi về những giá trị mẫu tử thiêng liêng, bất biến. Mẹ là nơi tạo sinh ra cuộc sống. Mẹ mang thứ bản nguyên âm tính là nơi để cuộc sống được lưu giữ, sinh tồn...

Tác phẩm Mẹ của Phạm Trinh

Không gian Màu xưa thực sự là một cuộc triển lãm đầy ý nghĩa trong dịp Festival lần này, đây là nơi lưu giữ những gam màu cho Huế.

MP

 

Các bài mới
Các bài đã đăng