Những vấn đề di sản
Đánh thức di sản mộc bản Phật giáo Huế
10:22 | 22/09/2015

Mộc bản là một trong những di sản quý giá của nền văn hóa dân tộc. Năm 2009, UNESCO đã công nhận mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới (số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Đánh thức di sản mộc bản Phật giáo Huế
Ván khắc trang bìa Lăng Nghiêm kinh tập chú, Khải Định thứ 7 (1922), tàng bản chùa Diệu Đế, hiện lưu tại chùa Từ Đàm - Ảnh tư liệu Liễu Quán

Năm 2012, UNESCO ghi danh mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương…

Với di sản mộc bản Phật giáo Huế, vừa qua Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan văn hóa trên địa bàn thành phố Huế đã tiến hành khảo sát, thống kê và công bố những thông tin bước đầu khiến nhiều giới nghiên cứu quan tâm. Bởi ít ai nghĩ rằng, Phật giáo Huế hiện còn lưu giữ được số lượng mộc bản nhiều như thế, với chủng loại phong phú, tích hợp đa niên đại khắc bản, qua đó có thể giúp chúng ta hình dung rõ nét đời sống văn hóa, tôn giáo, tư tưởng của xứ Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX.

Mộc bản Phật giáo Huế, một di sản quý

Với 2.933 ván khắc kinh Phật các loại, hiện được lưu giữ tại 13 địa điểm gồm: chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, chùa Thiên Mụ, chùa Bảo Lâm, chùa Quốc Ân, chùa Tường Quang, chùa Hải Đức, chùa Giác Lâm, chùa Tường Vân, chùa Tra Am, Bảo tàng Tổng Hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và từ đường Đào Lý Phương Viên của gia đình họ Đặng (120 Mai Thúc Loan - Huế). Trong đó chùa Từ Đàm hiện là nơi có số lượng lưu trữ lớn nhất: 1.319 mặt khắc.

Tính đến thời điểm hiện tại, ván khắc có niên đại sớm nhất tại Đàng Trong được tìm thấy là kinh Kim Cang, khắc bản Chính Hòa thứ 19 (Mậu Dần -1698), tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Ván khắc này chỉ còn lại một ván duy nhất, với hai mặt khắc: một mặt khắc 4 trang cuối của cuốn kinh kèm theo những thông tin về niên đại khắc bản; mặt còn lại khắc tranh đồ họa pháp hội giảng kinh Kim Cang do Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán vẽ.

Bản khắc muộn nhất là bộ kinh Duy Ma Cật do vị trú trì chùa Tường Quang (149 Chi Lăng) pháp danh Hồng Khế, tự Chơn Như khắc vào năm 1980 và hoàn thành năm 1982. Ngoài ra, những mặt khắc còn lại được trải rộng từ thời các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại.

Qua khảo sát về nội dung cũng như mỹ thuật, số lượng mộc bản được tìm thấy dù chưa đầy đủ không chỉ là một bảo vật vô giá với Phật giáo Huế, mà còn là nguồn tư liệu cho các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, hội họa, ngôn ngữ, sự truyền thừa của các tông phái như Thiền phái Phật giáo Liễu Quán, thân thế và sự nghiệp của nhiều vị cao tăng, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng,… Đồng thời, nó còn giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá để nghiên cứu quá trình phát triển của hệ thống văn tự chữ Hán dưới thời các chúa Nguyễn cũng như triều đình phong kiến nhà Nguyễn cho đến cuối thế kỷ XX.

Với nội dung phong phú bao gồm kinh, luật, luận, khoa nghi, trước tác, phái điệp quy y thọ ký, đồ họa cổ và một số bản khắc liên quan đến Mật tông. Trong đó, ván khắc thuộc Kinh tạng chiếm số lượng lớn nhất, với 30 bộ kinh/sám như: Lương Hoàng Sám, kinh Kim Cang, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, Thiền Môn Nhật Tụng, kinh Tam Bảo, kinh Di Đà…

Về Luật tạng có bốn bộ ván khắc gồm Tứ phần luật - Phạm võng kinh [71 mặt khắc, Minh Mạng thứ 8, tàng bản chùa Thiền Lâm]; Hoằng Giới Đại học chi thư [65 mặt khắc, Thành Thái thứ 7, tàng bản chùa Viên Thông]; bộ Luật giải [173 mặt khắc, Thành Thái thứ 14, tàng bản chùa Bảo Lâm]; và bộ Luật tiểu [62 mặt khắc, Bảo Đại thứ 2, tàng bản chùa Phước Huệ]. Về Luận tạng bao gồm các bộ như Đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm kinh tập chú, Kim Cang kinh chú giải, Trì Danh Diệu Hạnh Luận - phụ Sơn Cư Bách Vịnh...

Ngoài ra, nội dung mộc bản còn có các khoa nghi như: Niệm Phật vãng sanh nghi, Chánh khắc Trung khoa Du-già tập yếu, Thí thực khoa nghi... Đặc biệt, trong đợt khảo sát này còn tìm thấy đầy đủ ván khắc phái điệp quy y - thế độ thuộc bốn dòng truyền thừa hiện hành tại Huế, như dòng Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Quốc Ân, Lâm Tế Thập Tháp và Lâm Tế Chúc Thánh...

Bên cạnh những ván khắc kinh bằng chữ thì mộc bản còn có giá trị mỹ thuật cao qua các bức tranh đồ họa Phật giáo. Ở đó thể hiện sự hiện hữu của dòng nghệ thuật cung đình, quy định những điển chế của của nhà nước phong kiến, vượt lên những ước lệ mang tính dân gian trong cách thể hiện. Trong đó, có thể loại sử dụng trong nghi lễ như tranh Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư, Bồ-tát Địa Tạng, Sư Tử tòa… Tranh minh họa trong kinh sách như hình tướng chư Phật, chư Bồ-tát, tranh Hộ Pháp; tranh mang tính chiêm bái, giải thích và hướng dẫn trong các bản niệm Phật công cứ.

Đặc biệt có những bức tranh do chính các thiền sư là tác giả như Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán minh họa trong kinh Kim Cang, tranh minh họa kinh Lăng Nghiêm tập chú của Thiền sư Viên Thành…

mocban 3.JPG
Ván khắc được lưu trữ tại chùa Từ Đàm - Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Với chất liệu chủ yếu từ các loại gỗ thị, đây là loại gỗ rất phù hợp với việc chạm khắc, như mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong, vênh, khó nứt vỡ và khi in chữ không bị nhòe. Văn bản được khắc bằng chữ Hán âm bản, khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất là tượng ngài Địa Tạng Bồ-tát chiều dài 1,20m x 0,60m hiện đang được lưu giữ tại chùa Linh Mụ.

Quan sát kỹ thuật cho thấy, có ván được khắc cả hai mặt nhưng cũng có ván chỉ khắc một mặt, dùng để in hai trang sách. Biên lan có khung viền 4 lề trang sách với một đường chỉ to đi cùng một đường chỉ nhỏ. Bản tâm thường khắc dòng chữ cho biết tên sách, cùng với số thứ tự của trang.

Ván đầu tiên thường khắc tiêu đề kinh, tiếp đến là lời tựa nói rõ lý do khắc bản rồi đến nội dung kinh; ván khắc cuối cùng thường chứa những thông tin về niên đại khắc bản, danh tính các nghệ nhân khắc chữ hoặc phương danh thí chủ hiến cúng tịnh tài trợ khắc.

Di sản quý cần được bảo tồn và phát huy

Mặc dù quý giá như vậy, nhưng suốt nhiều năm qua, do được cất giữ rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau nên việc bảo quản mộc bản chưa có sự đồng bộ và tỉ mẫn cần thiết trong công tác bảo tồn với khí hậu hết sức khắc nghiệt của miền Trung. Nói cách khác, số lượng mộc bản hiện được các chùa, cơ sở tư gia cất giữ như một bảo vật của tiền nhân truyền lại mà chưa thực sự có ý thức về việc bảo tồn một cách khoa học.

Qua thời gian và với sự khắc nghiệt của thời tiết như đã nói, cộng với sự chưa ý thức cũng như được hướng dẫn về công tác bảo tồn, nên một số bản mộc thư đã bị mục sứt, hoặc bị nhiễm nấm mốc.

mocban 2.JPG
Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng T.Ư
phát biểu tại tọa đàm về mộc bản Phật giáo Huế hôm 13-9-2015 - Ảnh: Q.Đ

Trong buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 13-9-2015 tại Trung tâm VHPG Liễu Quán (Huế), HT.Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư kiêm Trưởng ban Văn hóa Phật giáo Huế, Trưởng ban Điều hành Trung tâm cùng với các nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan chức năng liên quan tại cố đô đã ngồi lại thảo luận đưa ra những đề án về việc bảo tồn và phát huy giá trị của kho tàng mộc bản Phật giáo tại tỉnh nhà.

Nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra, trong đó việc cấp thiết cần phải làm là phải có chiến lược lâu dài, cần có sự quan tâm của Giáo hội, các ban ngành, các tổ chức, cá nhân để cùng nhau xây dựng bảo tàng lưu trữ khoa học. Bên cạnh đó phải tìm cách đưa những giá trị văn hóa đến với cộng đồng để tất cả cùng chung tay trong việc bảo vệ giá trị di sản của các bậc tiền nhân để lại qua các nghiên cứu, triển lãm, thuyết trình… không chỉ ở Huế mà ở các nơi khác, bởi đó không chỉ là di sản riêng của Phật giáo mà của cả dân tộc.

Theo Quảng Điền - GNO
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng