Những vấn đề di sản
Bài Chòi - Từ trò chơi dân gian truyền thống đến di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
09:56 | 26/01/2018

TRẦN VĂN DŨNG

Vào ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài Chòi - Từ trò chơi dân gian truyền thống đến di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thừa Thiên Huế là 1 trong 9 tỉnh, thành tham gia lập hồ sơ di sản Bài Chòi trình UNESCO. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào, còn là trách nhiệm lớn đặt ra làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi một cách bền vững trong đời sống đương đại.

Bài Chòi - Trò chơi dân gian truyền thống

Bài Chòi là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân nông thôn vùng Huế tham gia hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui vào mỗi khi dịp lễ, tết hoặc có lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Từ xưa, người Huế chủ yếu chơi Bài Tới nhưng “để trò chơi từ bộ Bài Tới vượt ra khỏi phạm vi gia đình đến với cộng đồng, được nhiều người tham gia, phát triển thành sinh hoạt dân gian trong làng xã, bài Tới đã chuyển thành Bài Chòi và Bài Thai1. Bài Chòi dân gian là một thú chơi tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, không nặng về ăn thua giữa các người chơi nên dễ thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa cư dân làng xã xứ Huế. Chơi Bài Chòi dân gian đã trở thành một tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì trình diễn thi ca bình dân. Người ta đến với Bài Chòi trong dịp năm mới không phải vì mục đích ăn thua, đỏ đen mà bởi tính chất giao lưu giải trí, muốn hòa mình vào không khí hoạt động vui vẻ của lễ hội. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài Chòi dân gian, từ các cụ già đến lớp thanh niên cùng những em nhỏ trong làng hoặc du khách thập phương.

Bài Chòi dân gian xứ Huế dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là Bài Tới. “Bộ bài Tới ở Thừa Thiên Huế là căn cứ để làm các bộ thẻ tre Bài Chòi ở các tỉnh Trung Bộ. Trong quá trình sử dụng các con bài Tới các nghệ nhân ở mỗi vùng đã biến đổi một phần tên gọi và hình họa của nó cho phù hợp với tâm lý văn hóa, nghệ thuật của địa phương mình2. Bộ Bài Tới có ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp bài yêu. Pho văn gồm các con bài: gối trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp bài yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Các con bài được in trên giấy bản dài 12cm, rộng 3cm, rồi phết lên giấy cứng một mặt nhuộm xanh vàng hoặc đỏ. Mặt còn lại vẽ nhiều hình tượng khác nhau kiểu siêu thực, bằng mực đen làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Trước đây, mỗi con bài Tới được in trên mộc bản gỗ theo lối thủ công rất công phu. Giấy dùng để in tranh là loại giấy dó mà người dân ở làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang dùng để in tranh thờ cúng vào các dịp lễ Tết. Hiện nay, nghệ nhân Ngô Thị Bê (có tên gọi khác là Ngô Thị Tuyết) ở làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà vẫn còn nắm giữ kỹ thuật in Bài Tới bằng mộc bản gỗ, sử dụng giấy dó, tuy nhiên để tiện lợi và đỡ tốn kém, bà đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp, kỹ thuật in lụa để sản xuất Bài Tới bán cho các tiểu thương ở chợ Đông Ba.

Vào mỗi dịp Tết đến hoặc các kỳ lễ hội, khoảng sân rộng trước sân đình, sân chùa, sân chợ có khoảng không gian rộng, bằng phẳng, người tổ chức hội Bài Chòi dựng lên 11 cái chòi được làm từ tranh và tre. Trên mỗi chòi đều có các dụng cụ bổ trợ như thanh la, mõ, trống... Chòi này cách chòi kia khoảng 2 - 5m; chiều cao từ mặt đất lên sàn 1,2m và từ sàn ngồi lên mái lợp 1,3m. Diện tích mỗi chòi gần 2m2, gồm có 10 chòi được đặt ở song song hai bên và một chòi trung tâm. Người chơi Bài Chòi được bố trí ngồi trong các chòi đã được dựng sẵn từ trước, người chơi có thể mời gọi người thân hoặc bạn ngồi chung chòi của mình để cổ vũ động viên. Một người trong ban tổ chức đảm nhận vai người hô với chức năng quản trò, được gọi là “hiệu”. Tùy theo tuổi tác và giới tính mà người ta gọi là “anh hiệu”, “chú hiệu” hay “cô hiệu”. Người này phải rành các điệu hò vè và nhất là thuộc rất nhiều thơ, ca dao, biết pha trò đồng thời cũng ứng đối phải nhanh nhẹn mới điều khiển hội Bài Chòi. Khi tiếng trống chầu một hồi ba tiếng vang lên thì cuộc chơi bắt đầu. Các con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra khoảng 3cm như hình nang quạt để dán lá bài lấy trong bộ Bài Tới. Đầu dưới là chân thẻ nhỏ, chuốt tròn như một chiếc đũa đường kính 1cm. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được. Mỗi người chơi (chòi con) được phát 5 quân bài, riêng chòi trung tâm được phát 6 quân bài (trong đó có một thẻ dùng cho anh hiệu đi chợ - mở đầu cuộc chơi). Nét độc đáo của Bài Chòi dân gian chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại hoặc do anh hiệu tự phóng tác, sáng tác thêm cho đa dạng, bớt nhàm chán. Ví dụ như có người đi quân bài “gà” thì người ta sẽ hò: Hô... hô... hô... ơ... Nửa đêm về sáng o o, đầu năm mang để bàn thờ cúng xin. Là con ơ... gà (tam sách). Cứ thế mà tiếp tục: Thuyền ta thì đậu bến ta, Can chi nhổ nhọc chèo qua bến người (nọc đượng - nhất sách) hoặc Đêm nằm gối gấm không êm, Gối lụa không mềm bằng gối tay anh (chín gối - nhất văn)3. Những câu hò vè mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... từ đó, giúp cho chúng ta hiểu được tính cách của người dân xứ Huế mang vẻ đẹp giản dị, ngay thẳng và nhân ái. Tiếp tục hội chơi Bài Chòi, người nào có quân bài trùng với quân bài vừa đi chợ lập tức hô đáp lại và rút kèm một con bài khác đưa cho anh chạy cờ. Cứ như thế cho đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo bên cạnh chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!” để thông báo quân bài mà anh hiệu vừa hò trùng với quân bài cuối cùng trên tay mình, nghĩa là đã có người thắng cuộc thì ván bài kết thúc. Anh hiệu vội vã mang đến cho chòi của người vừa tới 1 lá cờ đuôi nheo, giắt lên mái chòi, để cho nó bay phần phật trong làn gió xuân ấm áp, rồi bắt đầu ván khác. Người ta chỉ chơi 10 ván là xong 1 hội. Phần tiền của ván thứ 11 là phần thưởng cho ban tổ chức. Kết thúc 1 hội, người ta mang các lá cờ ngân đến bán lại cho chòi trung ương để lấy tiền. Ðược 1 cờ coi như hòa vốn, 2-3 cờ trở lên coi như vận đỏ đầu năm đã đến gõ cửa4.

Hội Bài Chòi là thú chơi tao nhã nhưng cũng cầu kỳ, tốn nhiều công sức. Vì vậy để đơn giản và tiện lợi cho người chơi, người dân ở một số nơi đã phá lệ cất chòi tạo ra sự biến thể của nghệ thuật Bài Chòi dân gian là Bài Thai, Bài Ghế, Bài Nọc, Bài Đôi, Bài Phu,... hiện rất phổ biến trong các hội xuân ở Huế và vùng phụ cận. Tất cả các loại hình biến thể trên đều lấy bộ Bài Tới để chơi. Anh hiệu sáng tác ra những câu hò có nội dung gợi nghĩ đến những lá bài trong bộ Bài Tới mang những hình vẽ dân gian đặc sắc. Hò Bài Chòi góp phần tăng thêm sự hào hứng cho cuộc chơi, giúp người chơi vừa được thưởng thức điệu hò, vừa rèn sắc trí tuệ, trở thành một trò chơi văn chương tao nhã. Hò Bài Chòi là một loại hình văn nghệ không chuyên nên không có ông bầu hay đạo diễn mà diễn viên là những nông phu, nông phụ, trai gái trong làng tự nguyện làm thành viên. Đó là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò, câu hát, có tài ứng đối khá nhuyễn mà trong mỗi làng, mỗi làng xã chỉ có chừng năm, bảy người. Khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong xóm, trong làng hoặc những du khách tham quan về dự hội. Tổ chức chơi Bài Chòi vừa có tính chất sôi nổi, hào hứng của làn điệu hò mái nhì, mái đẩy vừa khoan thai, trầm lắng như tâm hồn người xứ Huế. Thông qua nội dung của những câu hò, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài Chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Bài Chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư. Bài Chòi mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của những cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ. Nghệ thuật Bài Chòi Huế có nét khác biệt so với các tỉnh Nam Trung Bộ là tính chất hội hè dân gian. Bởi lẽ, nghệ thuật Bài Chòi ở đây vẫn đậm chất dân gian của một hình thức thuần túy trò chơi giải trí cộng đồng vào dịp lễ tết, nó chưa được sân khấu hóa chuyên nghiệp, chưa có các câu lạc bộ hoạt động chuyên nghiệp mà thể hiện qua việc đưa nhiều làn điệu, tích truyện dài vào trong trò chơi cũng như sự xuất hiện vai trò anh hiệu là diễn viên chuyên nghiệp, hay sự xuất hiện các gánh Bài Chòi Ở Huế thể hiện Bài Chòi độc diễn, tuồng Bài Chòi như: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tính cộng đồng trong nghệ thuật Bài Chòi thể hiện ở cách chơi, người chơi, không gian chơi, thời gian chơi có quan hệ gắn bó giữa người chơi và anh hiệu, người chơi và ban tổ chức, là sự tham gia của đông đảo quần chúng, của mọi tầng lớp nhân dân vào trò chơi một cách trực tiếp, chứ không chỉ có thưởng thức hay tán thưởng. Điểm đặc sắc của trò chơi Bài Chòi là sự kết hợp giữa hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, là nơi trổ tài, biểu diễn, là nơi gặp gỡ của cộng đồng và trở thành sợi dây vô hình gắn kết tính cộng đồng, mang nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt. Trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật Bài Chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.

Bài Chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa thực hiện lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Bài Chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản nghệ thuật Bài Chòi. Sau đó, các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật Bài Chòi đã phối hợp với Viện Âm nhạc tiến hành thực hiện việc kiểm kê để đánh giá hiện trạng di sản để đề xuất kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài Chòi dân gian gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản, ngày 7/12/2017, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể vì Nghệ thuật Bài Chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Việc Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Hiện nay, di sản Bài Chòi ở Huế vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát triển, trao truyền cho các thế hệ sau. Do vậy cần tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh. Kết hợp việc tổ chức lễ hội truyền thống tại các di tích với hội Bài Chòi và các hoạt động vui chơi giải trí khác để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt cần phục dựng những giá trị chân xác của Bài Chòi đưa vào trình diễn trong các kỳ Festival Huế nhằm giới thiệu, quảng bá về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đồng thời khuyến khích cộng đồng địa điểm tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật Bài Chòi truyền thống.

Bài Chòi là hoạt động văn hóa trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cần được đặt trong một kế hoạch bảo tồn mang tính khoa học nhằm đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

T.V.D  
(TCSH347/01-2018)

---------------------
1. Huỳnh Đình Kết (2015), “Diễn xướng dân gian hò Bài Thai ở Phú Xuân - Huế”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Nghệ thuật Bài Chòi dân gian Việt Nam, Nxb. Lao Động, tr. 57.
2. Đặng Hoành Loan (2015), “Bài chòi Trung Bộ Việt Nam từ ngóc nhìn của người nghiên cứu điền  dã”, Thông báo khoa học Nghiên cứu Âm nhạc, Số 44, tr. 29.
3. Lê Văn Chưởng (2010), Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Trẻ, Tp Hồ Chí Minh,  tr.133.
4. Trần Đức Anh Sơn (2011), Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Nxb. Văn hóa Thông tin,  Hà Nội.
 




 

Các bài mới
Các bài đã đăng