Những vấn đề di sản
Tư liệu quý về Trường Quốc Học Huế
15:12 | 07/05/2021

LÊ VĂN THUYÊN  

Trường Quốc Học Huế (QH Huế) là một trong những trường trung học ra đời sớm nhất ở Việt Nam, chỉ sau Collège Chasseloup-Laubat thành lập năm 1877 (nay là trường trung học Lê Quý Đôn, TP HCM) và Collège de My Tho thành lập năm 1879 (nay là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho).

Tư liệu quý về Trường Quốc Học Huế
Cổng trường Quốc Học Huế thập niên 1920 - Ảnh: kienthuc.net.vn

Trường QH Huế được thành lập năm 1896 theo Chỉ dụ của vua Thành Thái ban hành ngày 23 tháng 10 năm Thành Thái thứ 8 (17/9/1896) và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau ký ngày 18/11/1896.

Nghiên cứu sử liệu về trường QH Huế, thầy Phan Khắc Tuân, vị hiệu trưởng cuối cùng của trường trước năm 1975, trong bài viết ngắn “Ngày thành lập trường Quốc Học Huế” (bản vi tính, chưa công bố, thầy Phan Khắc Tuân tặng tôi năm 2012), cho biết: Trong Đặc san Ái hữu Quốc Học, 1971, tác giả Vu Hương (là bút danh của cụ Ưng Thuyên, thân phụ cố họa sĩ Bửu Chỉ) đã viết: “…tôi tìm được ba văn kiện về trường Quốc Học trong Bulletin Administratif de l’ Annam (Trung kỳ công báo) do Tòa Khâm sứ ở Huế xuất bản năm 1896, quyển sau cùng. Đó là: 1 Nghị định của Toàn quyền Đông Dương thành lập trường Quốc Học. 1 Nghị định của Khâm sứ Trung kỳ và 1 Đạo dụ của vua Thành Thái ấn định những thể thức và chi tiết về việc thi hành nghị định căn bản trên đây (…) ngày 23/12/1969, tôi có đến Tòa Đại biểu ở Huế để tìm lại quyển này với mục đích xuất trình những điều khoản chính yếu của ba văn kiện về trường Quốc Học, nhưng tôi đã thất vọng: quyển ấy đã biến mất, có lẽ ngay sau khi tôi thôi phục vụ tại Tòa Đại biểu!”. Còn Quốc sử quán triều Nguyễn, trong cuốn Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ xuất bản tháng 10/2011), trong quyển 8 (tr. 264 - 267) ghi chép các sự việc trong năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8, có chép việc “đặt trường Quốc Học chữ Tây” như sau: “Tháng 12. Bắt đầu đặt trường Quốc Học chữ Tây. Trước là Khâm sứ Brière bàn về các khoản sinh viên Quốc tử giám nên học thêm chữ Tây, phép thi nên thêm phần thi chữ Tây cùng quy thức học tập ở Ty Hành Nhân nên đổi định thế nào. Bèn đặt hội đồng cùng bàn, kế nghị định ban dụ thi hành. Lời dụ nói “Học không có thầy nhất định, cốt phải học rộng. Việc dạy ắt phải lập cho sự học được rộng. Đại khái ngoài cái học sáu kinh còn có Lục thư, việc giao thông giữa các nước trọng chuyện từ lệnh, duy việc học có rộng thì sau có thể theo phương mà dùng cho phù hợp, việc dạy có chuyên thì sau có thể tinh nghiệp mà thành người tài năng, đó đều là việc cần thiết hiện nay không thể coi thường. Nước ta từ Quốc tử giám ở kinh sư tới các tỉnh phủ huyện không đâu không học Nho học, đã tinh tường lại đầy đủ, nhưng về cái học Thái Tây vẫn còn nhiều khuyết điểm. Mới đây Cơ mật viện tâu với Tổng thống Đông Dương Toàn quyền đại thần nước Đại Pháp phù Nam vương Rousseau tới kinh và Trú kinh Khâm sứ đại thần Hộ Nam công Brière họp bàn đặt trường học chữ Tây, chiểu nguyên các khoản mà các viên hội đồng Phó Công sứ nguyên sung quản lý tòa sứ Bác Xích, Phó Công sứ sung Hội biện Lại chính Bùi Như làm Chưởng hội, Thương biện Cạnh Tê, Thượng thư bộ Hộ Trương Như Cương, Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Vĩ, Thương biện Ngô Đình Khả bàn định chắc đã ổn thỏa phù hợp. Nay chuẩn đặt trường ấy, gọi là trường Quốc Học để dạy tiếng và chữ Đại Pháp, tham khảo dạy thêm chữ Hán (…). Tờ Dụ này chuẩn sao ra cho quý Toàn quyền đại thần tuân duyệt… Đến lúc ấy Toàn quyền đại thần đưa công văn qua bàn định các khoản (Khoản 1: Thiết lập trường học ở kinh, gọi là trường Quốc Học, chuyên dạy chữ Hán và tiếng Đại Pháp, cũng không nên bỏ hết chữ Hán… Khoản 15: Nghị định này do Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện chiểu lời nghị thi hành). Bèn lấy Thái thường tự khanh Ngô Đình Khả làm Chưởng giáo, định rõ từ trung tuần tháng giêng năm sau khai trường”. (Nguồn: Thầy Phan Khắc Tuân, bài đã dẫn).
 

Ảnh 1
Ảnh 2
Ảnh 3
Ảnh 4


Năm 1971, nhóm thực hiện Đặc san Ái hữu Quốc Học đã cho in toàn văn hai bản dịch Việt ngữ Chỉ dụ ngày 23/10/1896 của vua Thành Thái và Nghị định ngày 18/11/1896 của Toàn quyền Đông Dương (tr. 5 - 10). Theo thầy Phan Khắc Tuân, “Trước năm 1975, hai bản dịch này được khắc trên hai bảng gỗ khổ lớn sơn son thếp vàng treo trong phòng khánh tiết của trường Quốc Học (…). Hai bản dịch quốc ngữ không ghi tên người dịch và cũng không cho biết bản dịch Dụ của vua Thành Thái dịch từ bản gốc chữ Hán hay từ bản tiếng Pháp (…). Tôi may mắn liên lạc được với anh Cao Huy Thuần ở Paris, anh Cao Huy Thuần lại nhờ được một người bạn ở Aix-en-Provence tìm kiếm chỉ tìm được hai văn kiện, rồi sao chụp ngày 02/12/2011: 1/ Dụ của vua Thành Thái (Ordonnance Royal) ngày 23/10/1896 (ảnh 1). 2/ Nghị định của Toàn quyền Đông Dương (Arrêté du Gouverneur Général de l’ Indochine ký ngày 18/11/1896”, (ảnh 2). (PKT, bđd(1).

Những tư liệu nói trên về lịch sử trường Quốc Học thuộc loại quý hiếm. Ngay từ khi ra đời, Quốc Học là tên chính thức được ghi trong các văn kiện thành lập trường (Tên đầy đủ là Quốc gia Học đường). Cho đến nay chưa thấy công bố ở đâu Chỉ dụ ngày 23/10/1896 của vua Thành Thái bằng chữ Hán. Riêng hai bảng gỗ khắc hai bản dịch Chỉ dụ của vua Thành Thái và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương hiện nay không còn được treo trong trường QH Huế nữa. Các hiện vật quý hiếm đó có lẽ đã bị loại ra khỏi Trường Quốc Học từ sau ngày thống nhất đất nước. Đó là hai bảng gỗ lớn có kích cỡ giống nhau (1m60 x 0m77), sơn son thếp vàng, khắc bản dịch Việt ngữ hai văn kiện quan trọng nói trên với nét chữ rất đẹp (ảnh 3 & 4). Gần đây, tôi tình cờ phát hiện hai hiện vật độc đáo ấy được lưu giữ tại tư gia một người sưu tầm cổ vật ở Huế. Hình như nhà sưu tầm cổ vật ấy không có ý định bán hai bảng gỗ đó ra khỏi Huế! Dù sao, tôi cũng thầm cảm phục lương tâm văn hóa của anh ấy đối với di sản văn hóa Huế.

Không rõ Ban giám hiệu trường Quốc Học Huế hiện nay (và cả những người cấp trên của họ), khi biết hai cổ vật vô giá đó hiện vẫn còn được lưu giữ ở Huế, họ có muốn “chuộc” nó về lại cho trường Quốc Học không, như “Châu về Hợp Phố”?

L.V.T
(Cựu học sinh Quốc Học Huế)  
(SHSDB40/03-2021)

-------------------------------
(1) Không hiểu vì sao trong bản sao chụp Nghị định số 1639 của Toàn quyền Đông Dương không dùng chữ Arrêté Gouverneur Général mà dùng chữ Cabinet Gouverneur Général? (nv).




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng