Những vấn đề di sản
Phát huy giá trị văn hóa dân gian góp phần phát triển văn hóa Huế
09:26 | 02/03/2023

HOÀNG LONG

Song hành với văn hóa cung đình, mạch nguồn văn hóa dân gian đã hình thành và gắn bó lâu đời với người dân xứ Huế. Giá trị văn hóa dân gian đã phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng và được sáng tạo, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Phát huy giá trị văn hóa dân gian góp phần phát triển văn hóa Huế
Hoa giấy Thanh Tiên về chợ tết. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Vì vậy, việc phát huy các giá trị văn hóa dân gian không chỉ làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tăng tình đoàn kết cộng đồng, phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa, mà còn góp phần phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

1. Văn hóa dân gian xứ Huế: Nhận diện giá trị bản sắc

Bài Chòi là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân nông thôn vùng Huế tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Bài Chòi dân gian xứ Huế dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là bài Tới. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã khẳng định: “Bộ bài Tới ở Thừa Thiên Huế là căn cứ để làm các bộ thẻ tre Bài Chòi ở các tỉnh Trung Bộ. Trong quá trình sử dụng các con bài Tới, các nghệ nhân ở mỗi vùng đã biến đổi một phần tên gọi và hình họa của nó cho phù hợp với tâm lý văn hóa, nghệ thuật của địa phương mình”1. Cách thức và không gian trình diễn Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang tính truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng vào mỗi dịp lễ, tết hoặc có lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Chơi Bài Chòi dân gian đã trở thành một phong tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì trình diễn thi ca bình dân. Người ta đến với hội Bài Chòi không phải vì mục đích ăn thua, đỏ đen mà bởi tính chất giao lưu giải trí, muốn hòa mình vào không khí hoạt động vui vẻ của lễ hội. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài Chòi, từ các cụ già đến lớp thanh thiếu niên cùng những em nhỏ trong làng hoặc du khách thập phương. Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đã được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thừa Thiên Huế là 1 trong 9 tỉnh, thành phố2 tham gia lập hồ sơ di sản Bài Chòi trình UNESCO ghi danh.

Nghệ thuật Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành Ca Huế vào khoảng thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn phát triển dưới thời chúa Nguyễn. Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghệ thuật Ca Huế vào khoảng thế kỷ XIX, nhiều phủ đệ, dinh thự ở Kinh đô Huế thường có một đội nhạc để phục vụ riêng cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) đã cho chúng ta biết Ca Huế ra đời dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và mối quan hệ giữa các bài bản Ca Huế với âm nhạc cung đình. Ca Huế đã phát triển, lan tỏa ra ngoài dân gian, nó đã tiếp nhận thêm một số điệu hò, lý có cùng chung một môi trường địa văn hóa để trở thành một sắc thái độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhạc điệu của Ca Huế là nguồn cảm hứng cho nhạc dân gian Bình Trị Thiên và các thanh âm của Ca Huế phát sinh từ tiếng nói, ngữ điệu của người dân xứ Huế. Ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình - dân gian, dòng âm nhạc dân gian chính là cơ sở để hình thành và phát triển, là cái nôi nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc bác học, cung đình Huế. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, có lúc Ca Huế tưởng chừng như không thể tồn tại, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí tam, tỳ, nhị, nguyệt đã đi vào lòng người mộ điệu Ca Huế từ xưa đến nay. Năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ẩm thực Huế là món ăn, thức uống của cư dân bản địa, cư dân Champa xưa kết hợp với món ăn, thức uống của người Việt; đồng thời là món ăn, thức uống dân gian cả nước hòa quyện với món ăn, thức uống cung đình. Vì vậy, văn hóa Ẩm thực Huế có một cội nguồn triết lý, đặc trưng riêng. Món ăn, thức uống Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của một số nhà nghiên cứu, trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món ăn thì Huế chiếm đến hơn 1.300 món ăn, chia làm ba thể loại chính: cung đình, dân gian và chay. Ẩm thực Huế được đánh giá là ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã, vượt qua khỏi nhu cầu vật chất tầm thường và tiến đến một loại hình nghệ thuật cao mang một đặc trưng phong cách riêng. Trong cách thưởng thức món ăn, thức uống, người Huế không chỉ đơn giản thưởng thức bằng miệng mà còn ăn uống bằng mắt, ngửi bằng mũi, nghe bằng tai... nói chung là thưởng thức bằng tất cả tấm lòng. Nói đến phong vị Ẩm thực Huế cũng là một thước đo chiều sâu của con người Huế, văn hóa Huế là vì vậy. Ẩm thực Huế không ngừng tiếp thu, phát triển, sáng tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đến ngày nay trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Huế vẫn còn có nhiều nghệ nhân nắm vững các bí quyết, kỹ năng thực hành, chế biến các món ăn, thức uống độc đáo. Hiện nay, Tỉnh đang triển khai Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng Huế trở thành một Kinh đô ẩm thực, quảng bá hình ảnh của Ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế của ngành du lịch địa phương, đồng thời khẳng định vị thế và sự đa dạng của văn hóa Ẩm thực Việt Nam nói chung và văn hóa Ẩm thực Huế nói riêng với bạn bè quốc tế.

Ngoài tính triết lý và nghệ thuật, Áo dài Huế còn thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Huế. Ngược dòng lịch sử vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát chủ trương cải cách trang phục ở Đàng Trong để tạo diện mạo mới, và đây được cho là thời điểm Áo dài được định chế và phổ biến rộng rãi để trở thành trang phục chính thức của cả nam và nữ giới. Đến triều Nguyễn, các vua Gia Long, vua Minh Mạng đều thấy được tầm quan trọng và có chủ trương của việc thống nhất trang phục trong cả nước, trong đó Áo dài được xem xét là trang phục thống nhất. Từ năm 1827 - 1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt tiến hành việc thống nhất trang phục trong cả nước, lấy áo dài ngũ thân ở Đàng Trong làm chuẩn. Từ đó, bộ trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh ở kinh thành Phú Xuân đã từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, từ chiếc nôi ở kinh thành Phú Xuân - Huế, Áo dài đã trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Tỉnh đang xây dựng và thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” nhằm tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản Áo dài Huế đối với đời sống cộng đồng xã hội đương đại. Từ đó, tham mưu các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả di sản áo dài truyền thống Huế gắn với các hoạt động quảng bá di sản, phát triển du lịch văn hóa.

Nghề thủ công truyền thống là nơi lưu giữ vốn di sản văn hóa được truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sản phẩm nghề thủ công còn hàm chứa những giá trị tinh hoa và bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi cộng đồng, tộc người. Ở Huế, do nhu cầu của công việc kiến thiết xây dựng các công trình kiến trúc, phục vụ đời sống sinh hoạt của vương triều Nguyễn, nên ở đây đã sớm hình thành các tượng cục và phường hội của các nghề và làng nghề truyền thống riêng biệt. Có thể kể đến các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh dân gian làng Sình (Lại Ân)... Những làng nghề này hiện vẫn đang hoạt động và phát triển, đáp ứng cho công tác trùng tu di tích, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và các sinh hoạt tiêu dùng của người dân. Huế còn là nơi hội tụ và lan tỏa ra cả nước những người thợ lành nghề và đông đảo đội ngũ nghệ nhân lão luyện đã tạo nên những tác phẩm thủ công truyền thống có giá trị mỹ thuật cao. Điển hình là các sản phẩm của làng nghề đúc đồng như Cửu Vị Thần Công, Cửu Đỉnh, Sưu tập Vạc đồng và Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Bởi vì, các lễ hội truyền thống mang tính giáo dục và đề cao việc lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong dòng chảy lịch sử. Đó là đạo hiếu, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, các phong tục, tập quán sinh hoạt của ông cha và xem đây là những thước đo mang tính chuẩn mực. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hành lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có điều kiện được bảo vệ và phát huy giá trị. Điển hình các lễ hội tiêu biểu như Hội vật làng Sình, Hội vật làng Thủ Lễ, lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Đua ghe, lễ hội Đu tiên,… được tổ chức hàng năm, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, huy động sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa cộng đồng dân cư, hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.

2. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian xứ Huế

Di sản văn hóa dân gian xứ Huế góp phần quan trọng tạo dựng bản sắc văn hóa Huế. Qua những di sản đó, thế hệ hôm nay và mai sau có thêm những hiểu biết và sự trân trọng lối sống văn hóa tốt đẹp của ông cha. Trong thời gian qua, các di sản văn hóa dân gian đã được nhận diện giá trị, bảo vệ và phát huy có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đồng thời xây dựng và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của văn hóa dân gian xứ Huế ra thế giới thông qua các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế. Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa dân gian đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng những lợi ích thiết thực và bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã và đang làm chuyển đổi cơ cấu lao động, ngành nghề, dân cư, dẫn đến những xáo trộn về mặt xã hội, đồng thời tác động mạnh đến lối sống, cách nghĩ của người dân, đến văn hóa dân gian truyền thống, làm thay đổi không gian của di sản và làm biến đổi nhiều di sản văn hóa dân gian. Trước thực trạng này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian góp phần phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa để Luật này đi vào đời sống của nhân dân, làm người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Thứ hai, tiến hành triển khai có hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm số hóa di sản văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nhận diện đầy đủ không chỉ về khối lượng, loại hình các di sản mà còn xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản trong đời sống xã hội hiện nay.

Thứ ba, trong xu thế hội nhập và phát triển, việc tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng để duy trì, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân gian có vị trí, vai trò cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi di sản tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian một cách bền vững. Do đó chỉ có sự đồng thuận của cộng đồng xã hội mới có thể giúp chúng ta có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản và tìm ra được biện pháp bảo vệ hợp lý để di sản luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng đương đại. Vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào của mỗi người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian xứ Huế.

Thứ tư, tiến hành rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú) và ban hành các chính sách đãi ngộ đối với những người có tài năng xuất sắc, có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian. Tiếp tục duy trì và phát triển các biện pháp và hình thức kết hợp trong việc truyền dạy di sản văn hóa dân gian. Bên cạnh việc duy trì các hình thức trao truyền trực tiếp trong gia đình, dòng họ, cộng đồng theo lối truyền ngón, truyền nghề, cần khuyến khích các hình thức tổ chức truyền dạy thông qua các hoạt động trình diễn, giới thiệu về di sản văn hóa dân gian tại các điểm sinh hoạt công cộng, thiết chế văn hóa cơ sở như: Bảo tàng, di tích, nhà văn hóa, nhà trưng bày, trung tâm xúc tiến du lịch. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa di sản văn hóa dân gian vào giảng dạy, giới thiệu trong các trường học.

Thứ năm, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian xứ Huế. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, song song với quá trình đào tạo các cán bộ chuyên môn. Cần có kế hoạch tổ chức tập huấn về chuyên môn và thái độ ứng xử đối với di sản, với khách tham quan cho cán bộ và nhân dân các địa phương có di sản, các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại các di sản để thực sự tạo ra những hoạt động du lịch mang tính bền vững. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân gian. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian gắn với phát triển du lịch.

Có thể nói, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian xứ Huế là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của cộng đồng xã hội. Với những nỗ lực cao nhất và tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt trong bối cảnh toàn Tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, khẳng định vai trò, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.

H.L
(TCSH408/02-2023)

---------------------------
1 Đặng Hoành Loan (2015), “Bài chòi Trung Bộ Việt Nam từ góc nhìn của người nghiên cứu điền dã”, Thông báo khoa học Nghiên cứu Âm nhạc, số 44, Hà Nội, tr. 29.
2 Gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng