Những vấn đề di sản
Tranh kính dân gian Huế: nhận diện giá trị và hướng bảo vệ
14:52 | 10/05/2024


NGUYỄN HỮU PHÚC

Tranh kính dân gian Huế: nhận diện giá trị và hướng bảo vệ
Tổng hợp một số hình ảnh tranh kính dân gian - Nguồn ảnh từ báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Vnexpress.

1. Dẫn nhập

Tranh kính (kiếng) Huế vốn xuất phát từ chốn cung đình rồi sau đó lan tỏa ra dân gian. Khác với những dòng tranh khác, tranh kính được vẽ theo lối “phản họa”, đây là lối vẽ âm bản ở mặt sau để khi nhìn mặt trước của tranh thành dương bản. Lối vẽ này đã khiến cho tác phẩm tranh kính trở thành bức bích họa đặc biệt, có giá trị cả về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật và cả về mặt lịch sử, văn hóa1. Tranh kính ở Huế bao gồm cả hai loại là tranh kính cung đình và tranh kính dân gian, tuy nét vẽ, chủ đề, nguồn gốc khác nhau, nhưng hai dòng tranh này đều có kỹ thuật, cách vẽ, các bước tô màu giống nhau và đặc biệt đều mang trong mình các yếu tố riêng của nền nghệ thuật Cố đô Huế.

Qua khảo cứu các nguồn tài liệu viết về chủ đề tranh kính ở Huế, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều công trình đề cập đến dòng tranh kính cung đình Huế, trong khi dòng tranh kính dân gian hầu như chưa được nghiên cứu kỹ, nếu có chỉ là một vài dòng trong những tập sách nghiên cứu Tranh kính dân gian Việt Nam, Tranh dân gian Huế của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa. Nhận thấy, dòng tranh kính dân gian Huế có nhiều giá trị nghệ thuật lẫn giá trị tâm linh và đang dần mai một vì thợ vẽ nay không còn nữa. Do đó, bài viết này sẽ tập trung vào hai nội dung: thứ nhất, trình bày khái lược về dòng tranh kính dân gian ở Huế; thứ hai, đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dòng tranh này.

2. Vài nét về tranh kính dân gian Huế

Dòng tranh kính dân gian này có lẽ xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Ngoài ra, tranh kính được dùng để trang trí nhà cửa, đình chùa, đôi khi còn được dùng để làm quà biếu chúc tụng, mừng nhà mới, cưới hỏi. Tranh kính dân gian trước đây được sản xuất nhiều tại Gia Hội, Địa Linh, Bao Vinh. Các bức tranh được làm tại Huế trong thời kì này có tranh kính, tranh kính cẩn xà cừ.

Về quy trình, theo Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, tranh kính được vẽ theo các bước sau:

Bước 1: Tạo mẫu tranh - bản nét (công đoạn này là quan trọng nhất, tạo nên hồn cho bức tranh).

Bước 2: Can nét (đặt bản mẫu dưới mặt kính và can lại) hoặc tự vẽ nét trên mặt kính.

Bước 3: Tô màu/cản màu, đối với tranh sơn thủy thì cách tô theo thứ tự tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Nếu trong quá trình tô mà bị hỏng, thì sẽ dùng giấy mềm lau đi và phải tô màu lại. Nếu sơn đã khô thì dùng dao lam, nhẹ nhàng cậy chỗ màu bị hỏng.

Bước 4: Nếu tranh có dán xà cừ thì sẽ quét một lớp keo công nghiệp trong suốt xuống mặt kính, rồi đặt xà cừ xuống kính. Một số nơi còn rắc nhũ bạc sau khi dán xà cừ. Đối với những tranh có dán vỏ trai ốc thì sẽ có công đoạn này.

Bước 5: Quét lớp keo trong và gắn vỏ xà cừ.

Bước 6: Phơi tranh (tranh được sản xuất đại trà nên cần có giá phơi)2.

Về kỹ thuật, tranh kính là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng hay còn gọi là tranh vẽ ngược, vẽ âm bản và nhìn ngắm dương bản. Vì vẽ âm bản, do đó, nghệ nhân thường phải có sức tưởng tượng để tính toán được hiệu quả của nét vẽ đen và màu tô. Công đoạn này, đòi hỏi người vẽ phải có đôi tay khéo léo để nét bút được sắc sảo. Sau khi đi đường viền đen xong, người thợ tô nhũ kim và sơn màu vào bức hình. Tiếp đến, người thợ sẽ đem màu phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn xà cừ, giấy dán trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng họ phủ thêm một lớp sơn để bảo vệ, dán một lớp giấy ở phía sau rồi mới đặt vào khung gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm. Theo đánh giá của PGS. TS Phan Thanh Bình: “Kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi họa sĩ, nghệ nhân phải hết sức tài hoa, khéo léo và có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú mới có thể thực hiện được. Do kỹ thuật phức tạp, sự tư duy về mặt hình tượng là rất riêng. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải) đòi hỏi sự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu và đặc trưng phản ánh. Vì thế mà trong từng đường nét cũng phải tính toán là nét trên hay nét dưới, độ đậm như thế nào, từng mảng màu chồng, phối hợp như thế nào để tạo ra hiệu quả của cách nhìn. Bố cục, không gian, tả về chiều sâu cũng phải như vậy. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo và cực kỳ tinh tế của tranh gương và đó cũng chính là những đặc trưng mà không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được3.

Về nguyên liệu màu vẽ: khởi thủy, là dùng bột điệp, là chất liệu dân gian phổ biến ở Huế thời bấy giờ để làm trắng cho tranh; keo có thể dùng một loại nhựa cây hoặc Agiao4. Kỹ thuật trước đây phần lớn là vẽ có cản màu, nay thì chỉ tô kín các chi tiết, nhân vật, cảnh vật. Về sau, người thợ vẽ bằng sơn Bạch Tuyết, vì có đủ màu không cần pha màu, độ bám bề mặt trên kính cao và để được lâu. Màu sắc được sử dụng trong tranh kính dân gian Huế hết sức đa dạng và phong phú, có nhiều màu như lòng tôm, hoa hiên, xanh lá cây, đỏ điều, trắng, vàng chanh, vàng đất, xanh da trời, xanh nước biển,… Gần đây thị hiếu của người dân thích có nhũ vàng, nhũ bạc nên khi vẽ nét đen tranh xong thì người nghệ nhân sẽ tô một lớp keo trong rồi rắc màu nhũ lên tranh, để khô sau đó tô các màu khác5. Do đó, tranh kính dân gian Huế có màu sắc tươi sáng, hài hòa và khi người nhìn ngắm tranh sẽ thấy được nội dung bức tranh đang vẽ đến nhân vật nào.

Tranh Cô Ba Ngoại Cảnh


Về chủ đề: Dòng tranh kính dân gian ở vùng Huế bao gồm tranh dùng để trang trí, chúc tụng và dùng để thờ cúng.

Tranh kính trang trí: Với mục đích dùng để trang trí tạo điểm nhấn trong không gian nhà ở, người Huế thường trưng những bức tranh hoặc bộ tranh vẽ Bát Tiên, Tố nữ, Tứ bình, Tứ thời, Nhị Thập Tứ Hiếu, Phúc Lộc Thọ. Với những bức Tùng lộc, Long ngư hý thủy thường để chúc tụng, cầu mong sự may mắn, tài lộc, trường thọ, bình an.

Tranh thờ bao gồm tranh đề tài Phật giáo, Đạo giáo, tranh thờ thần bản mệnh, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ vong linh, thờ cô hồn và trừ tà.

Đề tài Phật giáo: Vẽ hình đức Phật Thích Ca và Quan Âm Bồ Tát.

Đề tài Đạo giáo: Vẽ hình Lão Tử, Thái Thượng Lão Quân.

Tranh thờ thần bản mệnh: Bao gồm thần độ mạng nam giới và thần độ mạng nữ giới.

Tranh thờ độ mạng nam giới: Bao gồm Tiên Sư, Tử Vi, Quan Thánh đế quân, Quan Bình Thái tử, Cậu Tài - Cậu Quý… nhưng phổ biến nhất là Tiên Sư. Nội dung tranh vẽ về ba vị nam thần là Tiên Sư Đức Ông (một vị thần râu bạc, tay không cầm gì hoặc cầm chén trà), Thổ Công (đứng bên phải Tiên Sư, tay cầm quạt) và Thổ Địa (đứng bên trái Tiên Sư, tay cầm cờ lệnh in chữ Thổ 土). Đối với Quan Thánh đế quân được vẽ dưới hai dạng, một là Quan Công cùng Quan Bình và Châu Thương, hai là Ngũ Công Vương Phật hay còn gọi Chư vị Năm Ông (Quan Công, Quan Bình, Châu Thương, Trương Tiên và Vương Thiên Quân)

Tranh thờ thần độ mạng nữ giới: Loại tranh thờ phổ biến là tranh Tây Cung Vương Mẫu. Đối với người dân Huế, Tây Cung Vương Mẫu Bổn Mạng Chúa Tiên hay Đoài Cung Thánh Mẫu là vị nữ thần bảo hộ cho nữ giới. Từ khi còn là con gái trưởng thành cho đến người phụ nữ 60 tuổi, trước khi ra lão đều phải thờ Bà để cầu mong sự che chở, bảo trợ và hộ mệnh cho mình. Nơi thờ là Trang bà, đặt ở vị trí cao của gian tả trong nhà, trông về hướng Tây. Nếu phát nguyện thờ, phải căn cứ theo tuổi của mình để chọn ảnh thờ cho thích hợp. Tùy theo 12 con giáp mà thờ tượng (tranh vẽ) kiểu gì, số cô chầu hầu tương ứng6. Cũng vì đặc điểm này, mà nội dung tranh thờ Bà cũng được vẽ dưới nhiều hình dạng khác nhau như cưỡi voi, cưỡi rồng, cưỡi phượng, cưỡi cá chép, ngồi ngai, ngự hoa sen.

Đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu: Huế là một trong những địa phương ở miền Trung có mật độ điện thờ Mẫu lớn nhất, có những ngôi đền cổ trên 100 năm, điển hình là Huệ Nam Điện. Nhằm đáp ứng nhu cầu của những Thánh môn đệ tử phụng thờ Thánh Mẫu và Chư vị, nhiều bức tranh vẽ các vị Thánh Mẫu và thần linh của tín ngưỡng này ra đời, như Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu, Thủy Cung Thánh Mẫu, Lục Vị Tôn Ông, Ngũ Vị Thánh Bà, Thập Nhị Thánh Cậu, Thập Nhị Thánh Cô, Ông Chiêm Thành, Cậu Khuôn Viên,…

Đề tài cô hồn: Để tưởng niệm và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, người Huế thường xây dựng am miếu để thờ các âm linh cô hồn, những người chết không có nơi nương tựa, chết do chiến tranh, tai nạn,… Để tăng tính trang nghiêm và trang trọng, người Huế vẽ thờ bằng những bức tranh kính có vẽ phong cảnh thiên nhiên có chim và hoa lá.

Đề tài trừ tà: Để bảo vệ ngôi nhà tránh sự xâm nhập của các thế lực xấu có thể gây hại trong mỗi gia đình, người Huế thường treo một tấm bát quái trước cửa nhà. Đáp ứng nhu cầu này, các nghệ nhân sẽ vẽ hình bát quái trên các tấm kính, ngoài có gắn khung bằng gỗ sơn đỏ hoặc bằng chất liệu nhựa.

Đặc điểm nổi bật của tranh kính dân gian Huế là có sự tích hợp những nội dung mới để phù hợp với sắc thái riêng biệt, độc đáo của cư dân Huế. Khác với những dòng tranh dân gian ở những khu vực khác, tranh kính ở Huế có kỹ thuật vẽ tranh phóng khoáng, không bó buộc, chẳng quy phạm như vốn thường thấy ở các dòng tranh khác. Mỗi một bức tranh là một sự sáng tạo về bố cục, màu sắc, không tạo sự nhàm chán7. Riêng đối với tranh vẽ các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ đều gắn liền với yếu tố thiên nhiên, có cây cỏ, sông núi. Dù vẽ các vị thần các cõi như Thượng Thiên, Quan Đệ Tam Giám Sát Thượng Thiên trong hình vẽ vị nam thần mặc áo rồng đỏ, đi hia, thắt dây thần thông màu đỏ nhưng phông nền không phải là không gian của một cung điện như tranh Tiên Sư, Thánh Mẫu Thiên YA Na mà được vẽ đứng ở cạnh một mô đất, có cây cỏ hoa lá. Một điểm khác biệt của tranh kính dân gian Huế so với các dòng tranh kính ở những địa phương khác là tuy vẽ những vị thần linh bên ngoài, nhưng qua những nét vẽ của người nghệ nhân đã mang đậm phong cách Việt. Điều này thể hiện khá rõ nét qua tranh Ngũ Công Vương Phật từ khuôn mặt cho đến trang phục đều mang dấu ấn Việt không còn là Trung Hoa như tranh ở Nam Bộ hay vẽ.

Tranh Ông Chín Thượng Ngàn


3. Giá trị của tranh kính dân gian Huế

Tuy là dòng tranh được lưu truyền trong dân gian, nhưng dòng tranh kính này mang trong mình nhiều giá trị:

Giá trị tâm linh: Không chỉ kết nối con người hiện tại với quá khứ, yếu tố tâm linh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt nói chung và ở Huế nói riêng. Trong tâm thức của nhân dân, các đấng tối cao, các vị thần linh trong các tôn giáo, tín ngưỡng là những người có nhiều quyền năng, phép màu để “mang lại nhiều điều tốt đẹp, hạnh phúc, an lành cho tín đồ và con dân; đồng thời cũng trừ khử, xua đuổi những đối tượng gây ra những bi kịch, những đau khổ cho con người8. Đó cũng chính là phương thức để con người đi đến con đường hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Đồng thời, việc nương tựa vào thế giới tâm linh còn được xem là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, góp phần cân bằng đời sống tâm linh, đồng thời góp phần không nhỏ trong nguyên tắc ứng xử, phát huy các giá trị đạo đức phù hợp với xã hội mới. Như vậy, tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ là bệ đỡ tinh thần cho con người Việt Nam suốt bao thế kỷ mà còn là nơi giải đáp những ước muốn hiện sinh, cho cuộc sống lam lũ được thăng hoa. Nhằm thể hiện đức tin của mình, từ thành phố cho đến nông thôn, từ đồng bằng cho đến vùng biển, đâu đâu, người dân Huế đều thiết lập các ban thờ để thờ cúng các đấng tối cao, các vị thần thánh để cầu mong sự bảo trợ, che chở, độ trì. Để cụ thể hóa các hình tượng của các đấng tối cao, các vị thần thánh, các nghệ nhân sẽ vẽ hình ảnh các vị này trên các tấm kính để phục vụ cho việc thờ cúng của người dân. Những bức ảnh Bà Tây Cung Vương Mẫu, Tiên Sư, Thánh Mẫu, các Cậu, các Cô là chiếm số lượng nhiều hơn cả trong tổng số các mẫu tranh đã được làm ra.

Giá trị văn hóa: Tranh kính dân gian Huế là sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị và mang đậm bản sắc văn hóa Huế vô cùng rõ nét. Với những đường nét mềm mại, phóng khoáng, không có sự quy chuẩn, người nghệ nhân tạo ra những bức họa vô cùng sống động qua những nét vẽ tinh xảo và sáng tạo. Thông qua tranh kính, chúng ta thấy được nét đặc trưng văn hóa tâm linh của người Huế, nếp sống, trang phục truyền thống của vùng đất Cố đô.

Giá trị nghệ thuật: Tranh kính là tranh có kỹ thuật vẽ phức tạp, tư duy về mặt hình tượng và đặc biệt là phải tưởng tượng phía bên kia (mặt sau), do đó, đòi hỏi sự kết hợp giữa tư duy và kỹ thuật là rất cao. Từ chất liệu và lối vẽ đặc sắc, cùng nội dung tinh tế, tranh kính dân gian Huế đã khẳng định được những giá trị to lớn về mặt thẩmmỹ và nghệ thuật. Mỗi tranh lại toát lên một vẻ đẹp riêng ẩn giấu trong đó9.

Giá trị lịch sử: Trên phương diện thưởng ngoạn và phục vụ nhu cầu tâm linh, những bức bích họa trên kính có thể đơn thuần nói lên cảnh đẹp của thiên nhiên, phong cảnh non nước hữu tình của xứ Huế, tài hoa của người nghệ nhân vẽ hoặc khảm tranh, sự chi li tỉ mỉ trong những mảng màu khác nhau. Nhưng với nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, ở mỗi tác phẩm tranh kính lại mang trong mình những cứ liệu lịch sử quan trọng. Đặc biệt, ở các tác phẩm bích họa về những vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ vốn là những vị anh hùng dân tộc có nhiều công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nên được xem là phương thức để giáo dục lòng yêu nước.

4. Tranh kính dân gian Huế - hướng bảo vệ và phát huy giá trị

Tranh kính dân gian Huế đến nay vẫn còn tồn tại và hiện diện trong mỗi gia đình, đời sống tâm linh của người Huế. Mặc dù, mang trong mình bản sắc độc đáo, riêng biệt, chứa đựng nhiều giá trị về thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa và phủ khắp hầu hết vùng đất Cố đô nhưng dòng tranh này đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí là thất truyền vì không có người nối nghề, tiếp tục vẽ tranh. Theo sự khảo sát của chúng tôi, trước năm 2021 có ba nghệ nhân ở Huế vẽ tranh kính là hai chị em bà Nguyễn Thị Đồng, Nguyễn Thị Tâm ở Gia Hội và chị Trần Thị Minh Phụng ở Bao Vinh, nhưng đến thời điểm hiện tại, họ đều đã bỏ nghề vì lý do bị bệnh và chuyển hướng kinh doanh nên dòng tranh này không có người thợ vẽ. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị đối với tranh kính dân gian ở vùng Huế.

Thứ nhất, thuyết phục các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ và kêu gọi cộng đồng tham gia vào việc khôi phục nghề làm tranh kính dân gian ở Huế.

Việc kêu gọi các nghệ nhân mở các lớp dạy nghề, các lớp đào tạo về kỹ thuật vẽ tranh, phối và tô màu là việc làm vô cùng cần thiết trong vấn đề khôi phục và phát triển nghề làm tranh kính. Tuy nhiên, với quan niệm “không truyền nghề cho người ngoài” là một trong những rào cản lớn để các nghệ nhân mở lớp truyền lại nghề làm tranh kính cho những người muốn theo nghề. Do đó, chính quyền các cấp nên có các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ và thuyết phục các nghệ nhân truyền lại nghề cho cộng đồng.

Trong trường hợp các nghệ nhân ở Huế không tham gia vào việc truyền lại nghề, các ban ngành quản lý văn hóa cần mời các nghệ nhân từ những địa phương đang phát triển nghề làm tranh kính như Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng về dạy nghề cho thế hệ trẻ ở Huế. Tuy nhiên, để việc truyền nghề do chính những nghệ nhân không phải là người Huế thì cần phải giúp họ nghiên cứu, tiếp cận các mẫu tranh của Huế để việc khôi phục tranh không bị “lẫn lộn” sang dòng tranh ở các địa phương khác.

Mặc khác, do kỹ thuật theo lối phản diện đòi hỏi tay nghề cao và nghệ nhân phải có sự tài hoa khéo léo cho nên nghề này khó truyền dạy cho thế hệ sau. Vì vậy, muốn theo học nghề làm tranh kính nhất thiết phải là người có năng khiếu hội họa hoặc là những người có đam mê nghệ thuật và yêu thích văn hóa Huế.

Thứ hai, đa dạng mẫu mã, sản phẩm tranh kính dân gian Huế

Hiện tại, sản phẩm tranh kính dân gian Huế chủ yếu phục vụ nhu cầu tâm linh, thờ cúng chứ hoàn toàn chưa chú ý đến các nhu cầu khác như trang trí, quà tặng. Mặc dù, nhu cầu đáp ứng tâm linh được người Huế chọn lựa, nhưng đối với những người không mặn mà với việc thờ cúng thì họ sẽ không mua các sản phẩm tranh kính đang bán ngoài thị trường. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, trang trí, làm quà tặng đang trở thành xu hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc đa dạng hóa các mẫu mã các sản phẩm của tranh kính không chỉ đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân mà còn góp phần tăng nguồn thu nhập đối với những người làm ra tranh kính.

Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được giá trị của tranh kính và vai trò của việc kế thừa, phát triển nghề làm tranh kính dân gian Huế

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được giá trị của tranh kính và vai trò của việc kế thừa, phát triển nghề làm tranh kính là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng người dân Huế trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dòng tranh kính nổi tiếng của địa phương mình. Đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, khi các em không còn sự yêu thích, đam mê với các nghề thủ công truyền thống thì việc tuyên truyền cho các em hiểu được ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của hoạt động truyền nghề. Điều này không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các giá trị văn hóa Huế mà còn tạo công việc, thu nhập, phát triển kinh tế cho cộng đồng nhân dân.

Thứ tư, xây dựng thương hiệu tranh kính trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện nay, các địa điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế đều có bán các mặt hàng lưu niệm, trong đó có cả những sản phẩm gắn liền với yếu tố tâm linh. Do đó, đối với những địa điểm du lịch tâm linh và di tích thì có thể trưng bày thêm các sản phẩm tranh kính, thay vì để khung theo kiểu để thờ cúng thì thay bằng khung treo tường.

Thứ năm, xây dựng không gian trưng bày tranh kính trong các bảo tàng và thường xuyên tổ chức nhiều buổi triển lãm, tọa đàm về tranh kính dân gian Huế

Việt Nam là nước có nền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, với nền khí hậu như vậy đã ảnh hưởng đến sự bảo tồn cho các tác phẩm tranh kính. Do đó, cần mời các chuyên gia giới thiệu cách thức bảo quản tranh kính tại các gia đình. Để công chúng có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu các bức tranh kính xưa và nay thì cần thiết phải xây dựng không gian trưng bày tranh kính trong Bảo tàng văn hóa Huế. Hoặc tổ chức các buổi trưng bày, triển lãm tranh kính trong các dịp Festival nghề truyền thống Huế và tổ chức nhiều buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị tranh kính dân gian Huế.

Thứ sáu, thành lập Câu lạc bộ tranh kính Huế

Hiện nay, có nhiều Câu lạc bộ ở nhiều lĩnh vực, bộ môn nghệ thuật trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập để tạo sân chơi, giao lưu, trao đổi giữa những thành viên có cùng sở thích. Thiết nghĩ, ở Huế cũng cần phải thành lập một Câu lạc bộ tranh kính Huế để tập hợp những con người có đam mê về việc sưu tầm tranh kính để họ có cơ hội được giao lưu, học hỏi, góp phần rất lớn vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị của dòng tranh kính ở Huế.

5. Kết luận

Dẫu đã trải qua những thăng trầm dòng chảy lịch sử, của văn hóa Việt Nam, nhưng đến nay các tác phẩm tranh kính dân gian xứ Huế vẫn đang tồn tại cùng thời gian và vẫn gắng giữ lại trong mình màu sắc, giá trị riêng biệt của loại hình tranh gương độc đáo này. Ở loại hình nghệ thuật tranh kính dân gian Huế, không những là giá trị thẩm mỹ, giá trị tâm linh, giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, mà nó còn mang giá trị tinh thần của người dân Huế, phản ánh tư duy, trình độ nghệ thuật của các thế hệ đi trước.

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề làm tranh kính và dòng tranh độc đáo ở Huế là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, với sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành và chính bản thân con người Huế sẽ góp phần rất quan trọng vào việc khôi phục lại diện mạo của dòng tranh kính dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô.

N.H.P
(TCSH422/04-2024)

-----------------------
1 Nguyễn Thị Bích Liễu (2019), “Tranh gương cung đình Huế trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt”, Tạp chí Khoa học Viện Đại học Mở Hà Nội, số 57, tr. 35.
2 Nguyễn Thị Thu Hòa (2023), Tranh kính dân gian Việt Nam, Nxb. Thế giới, tr. 56.
3 Nguyễn Thị Bích Liễu (2019), “Tranh gương cung đình Huế trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt”, Sđd, tr. 35.
4 Agiao là chất keo được làm từ da con lừa.
5 Nguyễn Thị Thu Hòa (2021), Tranh dân gian Huế, Nxb. Thế giới, tr. 184.
6 Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 85-86.
7 Nguyễn Thị Thu Hòa (2023), Tranh kính dân gian Việt Nam, Nxb. Thế giới, tr. 98.
8 Vũ Hồng Vận (2020), Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 21.
9 Nguyễn Thị Bích Liễu (2019), “Tranh gương cung đình Huế trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt”, Sđd, tr. 35.

 

 

Các bài đã đăng