Những vấn đề di sản
Những đồ nghệ thuật giả
09:04 | 10/11/2009
NGUYỄN HÀO HẢITrong lịch sử, việc làm những đồ nghệ thuật giả chỉ bắt đầu xuất hiện ở những xã hội có đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần khá phát triển.

Mốc đáng chú ý sự phát triển công việc làm đồ nghệ thuật giả là vào thời kỳ Phục hưng, khi những nghệ sĩ tìm thấy tấm gương lý tưởng nghệ thuật của mình ở những nền văn minh cổ và điểm ngời sáng nhất là nền văn hóa La Mã và Hy Lạp. Những nhà quý tộc, tư sản, những người giàu có yêu nghệ thuật, cũng bị dẫn dắt theo xu hướng ấy - tức thì hiếu thích nghệ thuật cổ bắt đầu phát triển. Vào thời kỳ này người ta thấy những tác phẩm điêu khắc cổ của La Mã, Hy Lạp trong những cửa hiệu bán đồ nghệ thuật ở các nước châu Âu, có cả những đồ giả. Một số người yêu thích nghệ thuật, mặc dù biết vậy, nhưng không có được bản chính cũng bằng lòng với một bản sao. Chính vì thế, Ghiberti đã nổi tiếng trong việc làm những huy chương giả. Có lẽ Michel-Ange đã bắt đầu con đường công danh của mình bằng việc sao một hệ thống động vật cổ La Mã. Và việc ông tạc bức tượng thần Cupidon đang ngủ, rồi được đem đi chôn bí mật, và lại được tổ chức một cuộc đào bới khá hồi hộp, long trọng, cuối cùng đã bán với giá 200 đồng Ducats vàng Venise cho Đức giáo hoàng Giorgio đã trở thành một vụ làm đồ giả nghệ thuật nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật.

Đến thế kỷ XVII, ngoài những đồ mỹ nghệ, tượng cổ các loại được làm giả, người ta đã thấy xuất hiện những tác phẩm hội họa giả. Công việc làm đồ nghệ thuật giả, đặc biệt là tranh giả khá trôi chảy và thuận lợi, vì sự buôn bán những đồ nghệ  thuật chủ yếu là do những nghệ sĩ quản lý. Thí dụ như Pietro Vecchia ở Venise chuyên về những tranh của Giorzione và Titien. Còn Sébastien Bourdon lại chuyên trách những tranh của Poussin ở Roma v.v... Những ông chủ này thường kiêm nhiệm nhiều công việc là nhà buôn, nhà phục chế và có khi cả là giám định viên nghệ thuật nữa. Thời kỳ này tranh của Raphael được làm nhiều nhất. Và Terenzio đa Urbino là người nổi tiếng nhất làm những tranh giả của Raphael.

Thế kỷ XVIII, ngành khai quật tìm kiếm những di tích nghệ thuật cổ đã có thêm nhiều kinh nghiệm, và được phát triển đáng kể. Sự kiện khám phá ra thành cổ Pompei, Herculanum đã làm cho nhiều người lóa mắt. Do tình trạng "Mật ít ruồi nhiều", "Cầu lớn hơn cung", nên nghề làm giả những đồ nghệ thuật có cơ hội phát triển thêm một bước nhằm đáp ứng những nguyện vọng, những sự say mê của những ai có thị hiếu này.

Nhưng chỉ đến thế kỷ thứ XIX và nhất là thế kỷ XX công việc làm những đồ nghệ thuật giả mới chính thức  trở thành một nghề thực sự của một số người. Đủ các loại đồ nghệ thuật làm giả: Những đồ vật thời tiền sử, những đồ bằng ngà thời Trung cổ, những tượng nhỏ Tanagra, tranh của các họa sĩ nguyên thủy Ý, Đức, đồ đạc, tranh tượng thời kỳ Phục hưng, và những thế kỷ tiếp sau đó, và cuối cùng cả những tác phẩm nghệ thuật đương thời có giá trị. Việc làm các đồ giả nghệ thuật ở một số người đã đạt tới trình độ cao về kỹ năng, tay nghề và đã tận dụng những kỹ thuật hiện đại để làm ra những cái cổ, cũ trong quá khứ. Việc đạt được nghệ thuật tinh vi, điêu luyện trong việc làm các đồ nghệ thuật giả đôi khi cũng đã làm cho ngay cả những chuyên gia, những giám định viên nghệ thuật cao cường, cũng như những người sành sỏi chơi nghệ thuật bị mắc lừa. Có thể kể vài ví dụ: Quách quan tài xứ Etrurie (Ý) do Viện Bảo tàng Anh mua năm 1873 mãi đến năm 1936 mới phát hiện được là đồ giả và phải loại bỏ. Tranh "Đức mẹ khiêm nhường" thuộc Bảo tàng Anh mua năm 1873 mãi đến năm 1936 mới phát hiện được là đồ giả và phải loại bỏ. Tranh "Đức mẹ khiêm nhường" thuộc Bảo tàng quốc gia Washington tưởng rằng của Masaccio, sau mới phát hiện ra đó là tác phẩm phục chế của ba anh em người Áo. Vương miện ba vòng độc đáo bằng vàng của Saitapharne, vua của dân tộc Scythes (Nga), trong một thời gian dài đã là niềm tự hào của Viện bảo tàng Louvre mua từ 1896, mãi sau này mới phát hiện đó là đồ giả do một người ở Crimel dựa vào một quyển sách về những đồ nghệ thuật cổ Nga phục chế ra. Gần đây nhất, bức tranh "Lễ truyền tin" của Dieric Bouts do viện bảo tàng Getty mua năm 1985 với một giá tiền khá cao cũng có khả năng là một đồ giả thực sự, người ta chỉ còn hy vọng vào sự khẳng định mong manh của những giám định viên ở bảo tàng Californie cho rằng: có thể là tranh thật nhưng bị phục chế qua nhiều và rất tùy tiện.

Trong những vụ làm tranh giả, có lẽ vụ Van Meegren là một trong những vụ nổi tiếng nhất và gây ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Van Meegren là một anh chàng họa sĩ trẻ không tên tuổi người Hà Lan. Trong thời Đức chiếm đóng, người ta đã phát hiện anh đã bán những bức tranh quí của họa sĩ Hà Lan bậc thầy Vermeer cho một viên nguyên soái Đức quốc xã và một vài sĩ quan Đức khác.Sau khi Berlin sụp đổ, ngày 25-5-1945 anh đã bị nhà tù Amsterđam vì tội đã đem bán những bảo vật văn hóa của Tổ quốc cho kẻ thù. Khi được hỏi cung, anh đã cực lực phản bác lời buộc tội đó, và còn cho rằng chính anh mới là người có tinh thần quốc gia, tinh thần yêu nước hơn nhiều công dân khác với lý do: Những tranh anh bán toàn là tranh giả. Anh đã đánh lừa được bọn phát xít. Những nhà chức trách cho anh là kẻ bịa đặt, vì những giám định viên nghệ thuật đã khẳng định những bức tranh anh bán đi hoàn toàn là những tranh đích thực của Vermeer. Người ta không còn chịu nổi sự khoác lác của anh, và những giám định viên nghệ thuật cảm thấy như bị xúc phạm, khi anh nói mạnh rằng: không chỉ những tranh đó là tranh giả, mà còn do tự tay anh làm ra chúng. Anh đề nghị cho được chứng minh, và cuối cùng lời đề nghị của anh đã được chấp nhận. Van Meegren đã vẽ lại bức "Chúa Giêxu giữa những nhà giảng đạo lý" dưới sự giám sát của cảnh sát, cai ngục và những chuyên gia, giám định viên nghệ thuật. Và tất cả mọi người đều sửng sốt trước tài nghệ của anh ta: đúng là một tác phẩm nổi tiếng của Vermeer đang hiện nguyên hình!

Khi được hỏi, tại sao anh lại làm như vậy, anh ta giải thích rằng để trả thù việc câu lạc bộ nghệ thuật thành phố La Haye nơi anh sinh sống và sáng tác đã không thừa nhận tài năng hội họa của anh. Van Meegren bị kết án một năm tù, nhưng vì liên quan đến nhiều việc phức tạp, vụ án đã kéo dài suốt 10 năm, và anh ta đã chết trong một cơn đau tim và rối loại tinh thần nặng.

Ở Việt Nam, việc làm giả những đồ nghệ thuật có lẽ chỉ thực sự bắt đầu được chú ý đến từ khoảng trên dưới một chục năm trở lại đây, khi việc giao lưu với nước ngoài trên nhiều lĩnh vực được dần dần mở rộng.

Người ta mới chỉ thấy một số đồ chạm khắc, đồ đúc bằng các chất liệu đá, gỗ, đồng và một số hợp kim khác, và đôi khi thấy cả đồ gốm làm giả. Thí dụ: về chất liệu đá: các loại tượng cổ nhỏ Cămpuchia, các nghiên mực, những con rồng, ấn, con dấu v.v... Về chất liệu đồng: Tiền cổ, các tượng với những đề tài cổ, các loại lư, đỉnh v.v...

Chất liệu gỗ: những đồ dùng chạm, khắc gia cố,đặc biệt tượng Bouddha các loại, làm theo nghệ thuật sơn son, thiếp vàng xưa (đồ Bois doré). Chất liệu gốm: một vài đồ gốm thời Lý Trần (chân đèn, bát...), Trình độ làm giả cũng đã khá tinh vi, có thể đánh lừa được một số những người châu Âu ít có kinh nghiệm và ít am hiểu về nghệ thuật Á-Đông, và đôi khi cả một vài ông chủ các Galerie, những nhà sưu tầm châu Á kiến thức còn chưa được sâu sắc trong lĩnh vực những đồ nghệ thuật cổ, gần đây cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện những tranh giả của các họa sĩ bậc thầy đương thời nhất là các họa sĩ đã quá cố.

Có thể chia các loại đồ giả nghệ thuật làm ba loại:

1)- Loại các tác phẩm phỏng theo (loại này ý thức làm giả, bắt chước, với dụng ý về nghệ thuật hơn là dụng ý về kinh tế).

2- Loại giả một nửa: Những đồ nghệ thuật thật sự, nhưng do những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau bị mất mát, bị hỏng những bộ phận, những phần đáng kể, được phục chế lại, làm thêm lại: các tượng bị mất tay, chân, gãy đầu, mất một nửa thân... các đồ nghệ thuật bị khuyết, bị tật nặng... hoặc những tác phẩm của những bậc thầy làm dở dang, những người về sau làm tiếp để hoàn thành, tất cả những đồ như vậy được người ta làm lại và đem bán đi như là những đồ nghệ thuật đích thực hoàn hảo 100%. Ở mạn Hòa Bình, Sơn Tây, một dạo dân chúng đào bới được rất nhiều đồ gốm thời Lý, Trần... trong đó có nhiều đồ quí đẹp, nhưng do bị chôn vùi trong lòng đất lâu, men bị thối, hỏng. Có người đã tạo ra được loại men (về hình thức) khá giống men Lý, Trần và lấy những cốt còn lành lặn với những đường nét hoa văn chìm đẹp của những đồ này, tráng loại men mới đó vào để làm giả những đồ quí xưa vẫn còn chu viên lành lặn - những loại đồ này cũng được coi như loại giả một nửa.

3- Loại hoàn toàn làm giả: Dựa trên những bản chính, bản gốc để làm ra một bản mới, thay thế, làm giả mạo những bản kia. Có hai cách phát hiện ra những đồ nghệ thuật giả.

Cách thứ nhất nhờ vào kinh nghiệm, những con mắt tinh đời của những chuyên gia nghệ thuật, những giám định viên nghệ thuật những người chơi nghệ thuật sành sỏi lâu năm. Trong phần nhiều trường hợp chỉ cách này là đủ.

Cách thứ hai xử lý bằng kỹ thuật. Từ nhiều năm gần đây người ta đã tận dụng những thành quả, những phát minh của khoa học kỹ thuật hiện đại cho công việc phát hiện những đồ nghệ thuật giả. Thí dụ: trên cơ sở khoa thiết tự (graphologie) người ta đã sử dụng những tia cực tím, tia hồng ngoại, quang tuyến X chiếu qua chữ ký, trong phòng thí nghiệm, căn cứ qua những ánh sáng được phát lộ ra khi chiếu qua chữ ký, có thể biết được chữ ký nào là giả, chữ ký nào là thật, vì chữ ký ít nhiều đều biểu hiện tâm lý, thể chất, tính cách... ở những đường nét những cách thức tiến hành riêng, mà người ta làm giả không bắt chước được. Hoặc có thể căn cứ vào tuổi của màu sắc. Màu xanh lam chàm được phát minh muộn hơn các màu khác, khoảng năm 1630; hay căn cứ vào sự thay đổi hoa học trong thuốc trắng chì dưới tác động của thời gian, cũng tương tự căn cứ vào những chất bẩn trộn vào các sắc tố v.v... người ta có thể xác định được tuổi của một bức tranh cũ.

Trong khi những bức tranh giả mạo có thể phát hiện được một cách không khó khăn lắm, thì những đồ vật, những tác phẩm điêu khắc bằng đá, gỗ và các loại kim loại khác, không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là những loại đá hoa không có tuổi, và những hợp kim dễ tái tạo lại. Sự lùi bước trước chân lý của nghệ thuật đôi khi không phụ thuộc vào đồ vật, tác phẩm mà chính vào con người. Vì những lý do kinh tế, ngay cả những chuyên gia, những giám định viên lão luyện, những nhà sành chơi nghệ thuật cũng có thể tự nguyện gắn cho mình những đôi mắt mù lòa.

N.H.H
(128/10-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng