Những vấn đề di sản
Di tích cảnh quan Huế - một số vấn đề về công tác bảo tồn
15:03 | 15/01/2010

HUỲNH ĐÌNH KẾT

Di tích cảnh quan Huế là một bộ phận cấu thành diện mạo văn hoá Huế. Ngày nay, di tích cảnh quan được quan niệm là loại hình văn hoá vật thể (Tangible culture) trong hàm nghĩa phân biệt với văn hoá phi vật thể (Intangible culture). Dẫu sao cũng chỉ tương đối.

Di tích cảnh quan Huế - một số vấn đề về công tác bảo tồn
(Ảnh: Internet)

Đại bộ phận di tích Huế là các công trình kiến trúc, trong đó bao gồm quần thể di tích cố đô triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, và phức hệ đình, chùa, miếu vũ, phủ đệ, nhà vườn… được phân bố dày đặc và tập trung ở địa bàn thành phố Huế. Trong một công trình nghiên cứu khoa học mới đây đã ghi nhận 51 đình làng, 3 hội quán, 56 từ miếu, 56 chùa, 12 giáo đường, 32 lăng mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, 42 phủ đệ, 13 nhà vườn (vườn cảnh) 19 di tích lịch sử cách mạng và 6 di chỉ khảo cổ học. Cùng với quần thể kiến trúc hết sức phong phú đa dạng về loại hình và số lượng nói trên là các cảnh quan thiên nhiên (sông núi, gò đồi) xen kẽ, hài hòa… làm nên một tổng thể di tích cảnh quan không dễ gì có được ở những địa bàn khác.

Về mặt giá trị, lâu nay đã có nhiều ý kiến đề cập, đánh giá. Ngoài điểm nổi bật được nhiều người đồng tình là di tích Huế phản ánh đời sống kiến trúc dân gian và cung đình ở các thế kỷ 17, 18, 19 và 20; trong đó phong cách kiến trúc triều Nguyễn là tiêu biểu với những chất liệu đặc trưng và quy trình thiết kế trang trí mỹ thuật riêng… còn có một mặt giá trị phái sinh gắn bó hữu cơ với di tích kiến trúc Huế ở chỗ chính phức hệ loại hình kiến trúc này là nơi tồn tại, chuyển giao đời sống tâm linh của các thế hệ cư dân; đó là tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, tục thờ thần, tín ngưỡng tôn giáo… Chỉ riêng lĩnh vực văn hoá ẩm thực mà thôi cũng đủ nói lên điều đó, bởi vì giá như quần thể di tích Huế biến mất hoặc người xưa không xây dựng nó thì các loại hình sinh hoạt như lễ hội, tập tục sẽ không có điều kiện tồn tại; chúng ta sẽ không có món ăn chay nấu theo kiểu Huế, không có được hơn 1.200 món ăn mang dấu ấn vùng Huế trong tổng số 3.000 món ăn của cả nước đã được khảo sát mới đây, và cũng không thể có một tập sách thơ, vần vè “Thực phổ bách thiên” đề cập 100 món ăn Huế vừa làm chức năng bảo tồn vừa làm nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật của thế hệ trước đối với thế hệ sau.

Như vậy, di tích cảnh quan Huế không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần, đây là hai mặt của vấn đề giá trị văn hoá cần được nhận thức đầy đủ, điều mà lâu nay thường có xu hướng tách bạch rạch ròi đã dẫn đến thái độ ứng xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Do đó, bảo tồn di tích cảnh quan Huế chính là đồng thời bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể, bảo tồn một chỉnh thể văn hoá, ở đây là văn hoá Huế, điều này rất biện chứng hợp logic bởi vì vật chất quyết định ý thức, và một khi tinh thần đã được xác lập với tư cách là giá trị văn hoá được tạo nên từ di tích cảnh quan sẽ trở thành động lực phát triển. Mặt khác làm tốt công tác bảo tồn chính là điều kiện tiên quyết cho việc phát huy giá trị văn hoá vậy.

Làm thế nào để làm tốt việc bảo tồn di tích cảnh quan Huế?

Trước hết, cần xem xét cái mối quan hệ chi phối di tích cảnh quan, đó là:

- Về số lượng: có lẽ ngoài thủ đô Hà Nội ra, Huế là địa bàn có rất nhiều đơn vị di tích; do đó việc xác lập mối quan hệ giữa di tích với đất đai, giữa di tích với sở hữu chủ, giữa di tích với môi trường, với luật pháp, với quá trình phát triển đô thị… diễn ra đan chéo, nhiều tầng nấc với nhau.

- Về nội dung: Do được phủ lên mình nhiều thời kỳ, thời đoạn và những dấu ấn lịch sử khác nhau nên trong mỗi một di tích xuất hiện sự đối lập giữa giá trị văn hoá vật thể với giá trị văn hoá phi vật thể, giữa cổ truyền và đương truyền, ví như cụm đài chiến sĩ trận vong (Monument aux Mort) đã được xây dựng từ năm 1920 để ghi tên những người lính Pháp (trong đó có người Việt Nam đăng lính Pháp) tử trận trong thế chiến thứ nhất ở châu Âu (1914-1918). Ở góc độ vật thể đây là một công trình do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ đồ án, là một tiểu kiến trúc có giá trị thẩm mỹ, song nó lại được sử dụng vào mục đích phi văn hoá đối với dân tộc ta. Đối với vấn đề này đòi hỏi những người đương đại phải có thái độ ứng xử phù hợp, và chúng ta đã ứng xử đúng để ngày nay công trình ấy vẫn hiện diện như là một tiểu cảnh của dòng sông Hương thơ mộng.

Dưới đây là một số ý kiến chủ quan của chúng tôi về một vấn đề lớn đang thực sự chi phối đời sống của đông đảo cư dân có quan hệ gần xa với Huế.

Một là: Vấn đề sở hữu chủ của di tích; đây là lợi ích của chủ nhân gắn liền mật thiết và hữu cơ đối với di tích, do vậy mỗi một di tích phải được xác định người chủ của nó cùng với quyền lợi và trách nhiệm mà họ có quyền hưởng thụ trên di tích và có bổn phận thi hành đối với di tích.

Một quần thể di tích bao gồm công trình kiến trúc (NHÀ) và đất di tích mà công trình tọa lạc (ĐẤT), vậy chủ sở hữu của di tích phải được xác lập quyền sở hữu nhà và đất trong hành lang pháp lý hiện hành. Song do lịch sử di tích có nguồn gốc khác nhau nên đây là lĩnh vực mang nhiều vấn đề cần phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Hiện nay có loại di tích thuộc quyền sở hữu của nhà nước, có loại thuộc cộng đồng làng xã họ tộc, thuộc tôn giáo hoặc thuộc cá nhân; trong đó di tích của họ tộc (phòng, hệ, chi, phái) do cá nhân được ủy nhiệm bảo quản thường xuất hiện những tranh chấp nội bộ rất khó giải quyết.

Hai là: Bảo tồn là giữ nguyên trạng hiện có, mọi chương trình sửa chữa trùng tu đều phải đảm bảo quy trình khoa học và quy phạm pháp luật trong bối cảnh đang chịu sức ép gia tăng dân số, sức ép của tốc độ xây dựng trong quá trình đô thị hóa. Mặt khác, di tích Huế đã ra đời vào thời Nguyễn, cao điểm xây dựng ở những năm giữa thế kỷ 19; đến nay đã đồng loạt hết tuổi thọ, đang có nhu cầu trùng tu sửa chữa lớn, do đó tình trạng “lực bất tòng tâm” là một thực tế.

Ba là: Hệ thống pháp luật đã được ban hành về nhà và đất hiện hành nhằm vào đối tượng điều chỉnh chung của xã hội, chưa có điều kiện xác lập những qui phạm pháp luật áp dụng riêng đối với di tích cảnh quan.

Vì vậy, bảo tồn di tích cảnh quan Huế cần tập trung một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là: Thông qua kết quả tổng kiểm kê vừa được tiến hành xong, cùng với các bước triển khai về công tác địa chính và nhà đất hiện nay, cần đặc biệt xem xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể từng trường hợp để xác định chủ sở hữu của di tích.

Hai là: Khẩn trương lập hồ sơ khoa học ban đầu của từng di tích nhằm xác lập các quy phạm pháp luật, đưa vào hệ thống bảo vệ, trước mắt là cấp giấy chứng nhận di tích (theo các mức độ: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở).

Ba là: Phải xây dựng một cơ chế bảo vệ di tích, trước hết là nguồn kinh phí, nhà nước không thể bao cấp toàn bộ, song cũng không thể để cho tình hình tự phát mạnh ai người ấy được mà phải được hướng dẫn huy động phù hợp với phong tục tập quán cổ truyền. Về việc tiến hành các chương trình trùng tu sửa chữa di tích cũng cần phải được khuyến cáo, hướng dẫn tùy theo mức độ mà tuân thủ các quy trình kỹ thuật cổ truyền, đây chính là điều cốt lõi góp phần bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể. Bảo tồn những cấu kiện vật chất trong kiến trúc di tích đòi hỏi phải được tiến hành theo quy trình khoa học chuyên ngành, tôn trọng kinh nghiệm và thao tác dân gian đảm bảo chất liệu cổ truyền; song điều cực kỳ quan trọng là bảo tồn các sinh hoạt thuộc đời sống tinh thần, thuộc quan hệ ứng xử… gắn bó mật thiết với di tích, ấy là những giá trị văn hoá phái sinh, cái thần ở bên trong di tích, toát ra từ di tích qua quá trình giao lưu giữa con người với di tích.

Bốn là: Cần có chế độ riêng đối với di tích đã được xếp loại như vấn đề thuế nhà và thuế đất mà di tích phải thực hiện. Vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển giao quyền sở hữu trên di tích cũng cần phải được hướng dẫn riêng, đảm bảo lợi ích hài hòa của chủ nhân di tích và cộng đồng xã hội.

Năm là: Xây dựng dư luận xã hội theo hướng bảo tồn di tích cảnh quan Huế là đảm bảo lợi ích văn hoá của cộng đồng, việc khai thác lợi ích kinh tế phải nhất thiết dừng lại ở ngưỡng cho phép; không được khai thác với bất cứ giá nào. Vấn đề đặt ra là phải có một hành trang pháp lý và một quy trình khoa học được nghiên cứu nghiêm túc, đồng thời phải được thi hành đầy đủ trong quá trình khai thác giá trị kinh tế từ di tích.

Tóm lại, di tích cảnh quan Huế là niềm tự hào của người Huế, là giá trị văn hoá của toàn xã hội, do đó tất cả mọi người đều có quyền hưởng thụ, và vì vậy mà tất cả mọi đều có trách nhiệm bảo tồn. Phải khẩn trương chuyển đổi cách sống BẰNG di tích sang cách sống VỚI di tích đã từng được các lớp người đi trước vun bồi xây dựng. Những thế kỷ trước đây, trong hoàn cảnh một nền kinh tế nông nghiệp chưa phát triển, chính cha ông chúng ta đã giúp công, góp của, góp sức, góp cả tâm tư tình cảm và trí tuệ để làm nên quần thể di tích cảnh quan Huế, hà cớ gì ngày nay chúng ta lại không làm tốt công tác bảo tồn để phát huy giá trị ấy trong cuộc sống đương đại. Đây cũng là vấn đề cấp bách trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vậy.


Huế, lập thu Mậu Dần, 1998
H.Đ.K
(119/01-99)


 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng