Khảo cổ
Sông Hương - một tiềm năng về khảo cổ học dưới nước
16:10 | 31/10/2008
NGUYỄN TUẤN LÂMSông Hương - một bộ phận cấu thành của văn hoá Huế đã và đang chứng kiến những bước thăng trầm của Cố đô Huế xưa cũng như đời sống hàng ngày của xứ Huế hiện nay. Dòng sông thơ mộng, ngọt ngào này chắc chắn đang nắm giữ nhiều bí ẩn của vùng đất lịch sử này mà nếu khai thác những bí ẩn đó có thể là những bổ sung quan trọng cho kho tàng lịch sử, văn hoá Huế.
Sông Hương - một tiềm năng về khảo cổ học dưới nước

Từ thời tiền - sơ sử khi các bộ lạc sống trong khu vực miền núi tràn xuống chiếm lĩnh các vùng đồng bằng ven các dòng sông để tiện cho việc phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp thì ở đó tất nhiên hình thành các nền văn minh, văn hoá lớn. trên thế giới đã có nhiều nền văn minh như vậy như văn minh sông Nin ở Ai Cập, Lưỡng Hà, văn minh sông Hằng ở Ấn Độ, văn minh sông Hoàng Hà ở Trung Quốc. Ở miền Bắc Việt Nam chúng ta có văn hoá Đông Sơn phân bố chủ yếu dọc theo các khu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Ở miền Trung có văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở lưu vực các con sông lớn trong đó có sông Hương và điều đó cũng có lý khi sông Hương chảy qua địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế. Những phát hiện về khảo cổ học gần đây đã minh chứng cho điều đó (di chỉ Cồn Ràng, Cồn Dài đã được khai quật và cho thấy Huế là một trong những trung tâm lớn của văn hoá Sa Huỳnh). Cho đến nay nhiều di vật khảo cổ học thuộc văn hoá Sa Huỳnh được vớt lên từ dòng sông Hương. Không chỉ như vậy trong thời kỳ lịch sử nhất là thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và vương triều Nguyễn sau này, sông Hương là huyết mạch giao thông đường thuỷ của Huế, trên dòng sông đó nhiều hoạt động về kinh tế, văn hoá đã diễn ra, do vậy lòng sông còn lưu giữ nhiều vết tích của các hoạt động đó.

Như vậy, kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể trong dòng sông Hương là rất to lớn và quý giá, nhưng vấn đề ở đây là làm sao để khai thác được kho tàng đó.
Theo ghi nhận chủ quan của chúng tôi, muốn khai thác các giá trị văn hoá trong dòng sông Hương nhất thiết chỉ bằng con đường khảo cổ học dưới nước. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta đã áp dụng một chuyên ngành mới của khảo cổ học đó là khảo cổ học dưới nước để khai thác thành công các di sản văn hoá trong lòng đại dương: năm 1991 chúng ta đã khai quật tàu cổ Hòn Cau tại Vũng Tàu - Côn Đảo; năm 1993 khai quật tàu cổ Bình Thuận; năm 1997 - 2000 khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm ngoài khơi vùng biển Quảng Nam. Sự thành công của các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đó đã giúp ta hiểu rõ hơn con đường gốm sứ trên biển và phát hiện thêm nhiều giá trị mới của gốm sứ Việt thế kỷ 16 - 17.

Để hiểu rõ hơn về khảo cổ học dưới nước, chúng tôi xin đề cập qua những nét chủ yếu của bộ môn này. Khảo cổ học dưới nước là một bộ môn của ngành khảo cổ học nhằm tìm hiểu, khai thác và nghiên cứu các di sản văn hoá nhân loại trong lòng các dòng sông, hồ, đại dương. Cái khác nhau cơ bản giữa khảo cổ học trên cạn (mainland archaeology) và khảo cổ học dưới nước (under-water archaeology) là môi trường làm việc: môi trường trên đất liền và môi trường dưới nước. Từ cái khác nhau cơ bản đó đã quy định hay đòi hỏi mỗi loại hình khảo cổ học có một phương tiện, dụng cụ làm việc và phương pháp nghiên cứu riêng. Khảo cổ học dưới nước trước hết đòi hỏi những người làm khảo cổ học phải nắm vững và có kỹ năng bơi, lặn, phải có sức khoẻ, phương tiện làm việc là tàu thuyền chuyên dụng, dụng cụ lặn…

Do phải làm việc trong môi trường dưới nước nên mức độ khó khăn của khai quật khảo cổ học dưới nước cao hơn nhiều so với khảo cổ học trên cạn. Mức độ khó khăn tuỳ thuộc vào độ sâu của nước. Theo lý thuyết cứ xuống sâu 1m nước thì áp suất tăng thêm 0,5 kg trên 1cm2 da con người, nhưng xuống độ sâu trên 10m thì cứ xuống sâu thêm 1 mét thì áp suất sẽ tăng lên 2kg/1cm2 da và phổi của con người sẽ co lại khoảng 1/4. Mức độ khó khăn đó còn tuỳ thuộc vào tốc độ chảy của dòng nước, độ dày của bùn ở đáy, vì nếu tốc độ của nước quá lớn sẽ khó khăn cho việc lặn và làm việc, còn nếu bùn quá nhiều sẽ gây đục nước che mất tầm quan sát…
Do những khó khăn trên nên kinh phí của một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước thường lớn hơn gấp 5 đến 10 lần so với tổ chức một cuộc khai quật trên cạn, vì kinh phí hoạt động lớn như vậy nên việc điều tra, định vị vị trí khai quật là rất quan trọng và là việc phải làm đầu tiên của một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước.

Quay trở lại với sông Hương, những tiềm năng mà nó chứa đựng là vô giá. Những hiện vật tiền - sơ sử, của văn hoá Sa Huỳnh mà hằng ngày người dân vẫn khai thác được đem bán lẻ tẻ trên trên dọc phố Trần Hưng Đạo hay tại các quầy hàng lưu niệm dọc theo phố Lê Lợi cho thấy điều đó. Trong lịch sử, sông Hương chắc chắn sẽ là huyết mạch giao thông đường thuỷ quan trọng nên có nhiều tàu thuyền qua lại và chắc chắn trong số tàu thuyền đó sẽ vì những lý do khác nhau như giông bão, chiến tranh mà bị chìm xuống dòng sông mang theo những hàng hoá mà nó chuyên chở… Hàng trăm, hàng ngàn những hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử đang bị vùi lấp đâu đó dưới lớp bùn trong lòng sông Hương, đang chờ chúng ta khám phá đưa lên khỏi mặt nước, bổ sung cho kho tàng văn hoá Huế.

Khả năng cho công tác khai quật khảo cổ học tại dòng sông Hương là có thể, bởi vì độ sâu không quá lớn: từ 5 - 10m, nước chảy hiền hoà, và quan trọng nhất là vị trí ngay trong lòng thành phố nên chúng ta không phải đi xa, không phải bố trí nhiều phương tiện tàu thuyền như khai quật ngoài khơi xa. Do vậy kinh phí sẽ không quá lớn, song cái khó ở đây là phù sa và bùn dưới đáy sông quá lớn, vừa khó điều tra, xác định vị trí, vừa khó làm việc vì bùn sẽ che hết tầm nhìn. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được chính xác nơi có các di vật khảo cổ, khoanh vùng bảo vệ và trước mắt phải có biện pháp hạn chế mức độ khai thác bừa bãi của người dân và những người săn tìm đồ cổ đang ngày đêm lấy đi những di sản văn hoá quý báu của dòng sông.

Hiện nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang có chủ trương đưa sông Hương trở thành một bộ phận không thể tách rời với quần thể di tích Cố đô Huế - là di sản văn hoá thế giới. Việc làm rõ giá trị văn hoá, lịch sử của những di sản dưới lòng sông sẽ làm phong phú, đa dạng hơn những tiêu chí của dòng sông Hương huyền thoại và chắc chắn sẽ bổ sung rất nhiều tư liệu quý giá cho lịch sử và văn hoá của vùng đất thần Kinh.
                           N.T.L

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng