Khảo cổ
Dấu tích kiến trúc tâm linh cạnh Nhà Quốc hội: 'Hiện tượng đặc biệt' trong lịch sử Châu Á!
15:53 | 30/10/2014

Xuất lộ tại khu vực sát Nhà Quốc hội vừa hoàn thành, trục kiến trúc tâm linh của vương triều Lý được Viện khảo cổ học VN đánh giá là "hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Đông Á và Đông Nam Á, thể hiện tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc rất cao của Đại Việt".

Dấu tích kiến trúc tâm linh cạnh Nhà Quốc hội: 'Hiện tượng đặc biệt' trong lịch sử Châu Á!
Phần chi tiết trung tâm của kiến trúc tâm linh được tìm thấy

Dù được phát hiện từ đầu năm 2014 nhưng phải tới thời điểm này, dư luận mới dành sự quan tâm cao độ tới cụm kiến trúc "chưa bao giờ thấy" này, khi vấn đề bảo tồn bắt đầu được đặt ra.

Chưa từng có trong thư tịch cổ

Di tích trên được phát hiện vào tháng 2 vừa qua, khi Viện khảo cổ tiến hành khai quật tại khu vực dự kiến xây đường hầm và bãi xe ngầm của Nhà quốc hội. Trước kiến trúc quá đặc biệt này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp tham quan di tích vào ngày 18/2. Đồng thời, một cuộc tọa đàm quốc tế cũng được Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức tại thực địa vào tháng 7 vừa qua.

Nằm ở độ sâu từ 2,2 – 4,2 mét dưới khu vực Vườn Hồng (cạnh nhà Quốc hội), di tích trên gồm một móng trung tâm và 2 cấu trúc phụ nằm đối xứng, tất cả có tổng diện tích gần 400 m2. Cấu trúc trung tâm có 4 lớp, chính giữa là một khối đá lớn được khoét lõm hình tròn, xung quanh là 4 xà gỗ hình vuông, phía ngoài tiếp tục là các cọc gỗ cắm hình vuông và dấu vết các cột lớn tạo thành 2 hình tròn đồng tâm. Cụm di tích này đã được xác định có niên đại trong thời điểm từ 1010 – 1048 và liên quan tới những nghi lễ tâm linh đặc biệt của vương triều Lý.

Nếu tính cả vòng ngoài, cụm di tích này ước tính có quy mô lên tới 6800 m2. Các liên tưởng ban đầu cho thấy những cấu trúc móng tìm thấy có thể được sử dụng để đỡ các cấu trúc móng có thể chuyển động bên trên. Bởi vậy, trong cuộc hội thảo vào tháng 7, một số ý kiến đặt giả thiết rằng đây là kiến trúc của một tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (pháp khí hình tháp của Phật giáo với 9 tầng hoa sen, hình lục lăng hoặc bát giác). Thậm chí, cũng có ý kiến cho rằng đây là sân chính để thực hiện lễ hội đèn Quảng Chiếu đặc biệt của vương triều này.

Tuy nhiên, đặt trong sự tham chiếu với các sử liệu cổ và dấu tích của các đàn Nam Giao,  Xã Tắc hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định: di tích xuất lộ này được khai thác vào mục đích tế lễ Trời, Đất của các hoàng đế đầu thời Lý và có vai trò tối quan trọng trong tổng thể quy hoạch kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành. Đặc biệt, kiến trúc này chưa bao giờ được tìm thấy trong kiến trúc các kinh đô cổ của cả nước, cũng như khu vực, cũng như chưa bao giờ được ghi lại trong các thư tịch cổ.

Một đàn tế Trời hiếm có?

Trong quá trình khảo sát, một số chuyên gia Nhật Bản đặt ra giải thiết: kiến trúc này có thể gần gũi về công năng với một số kiến trúc cổ tại kinh đô thời Đường, Tống (Trung Quốc) hoặc tại Hán Thành (Hàn Quốc). Vắn tắt, đó có thể là tòa "Thiên Đường", nơi Hoàng đế đích thân làm chủ tế trong các lễ tế Trời để cầu quốc thái dân an. Hoặc, cũng có thể đây là dấu vết của tòa Minh Đường, nơi Hoàng đế tới để "nhận lệnh" của Trời và từ đó ban hành các chính sách quốc gia.

Đặc biệt, theo các sử liệu cũ, đàn Xã Tắc được đời vua thứ hai của triều Lý xây dựng năm 1048, còn đàn Nam Giao được đời vua thứ 6 của triều Lý xây dựng ước chừng vào năm 1152. Do vậy, GS Nguyễn Quang Ngọc (Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử VN) đưa ra một kiến giải thú vị: Căn cứ vào phỏng đoán về niên đại, di tích vừa phát hiện có thể chính là "tiền thân" của các đàn tế này và được sử dụng trong giai đoạn đầu của vương triều Lý.

"Việc lập đàn tế Trời là điều tối quan trọng với bất kỳ vương triều nào. Vì vậy, rất có thể đàn tế này được Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay khi dời đô về Thăng Long" – GS Ngọc nói - "Trong những vương triều tiếp sau, khi đàn Xã Tắc hình thành, đàn tế này không còn được sử dụng nữa nhưng vẫn là một kiến trúc đặc biệt có ý nghĩa nên không bị dỡ bỏ".

Dù chưa xác định được tên gọi cụ thể, kết luận của Viện khảo cổ học VN vẫn cho rằng di tích này là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử Đông Á và Đông Nam Á, đồng thời thể hiện tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc rất cao của nước Việt xưa. Bởi, theo lịch sử phương Đông cổ đại, các Thiên triều Trung Hoa với tư tưởng Đại Hán đã cho rằng chỉ họ mới được phép "nhận mệnh trời" và không cho các nước nhỏ xung quanh thực hiện điều tương tự. Từ đó, Nhật Bản từng có lúc xây loại kiến trúc như Minh Đường, Thiên Đường rồi bỏ, còn Triều Tiên từng xây vào thế kỉ 15 nhưng cũng bị nhà Minh đòi bỏ và phải đến thế kỉ 18, 19 mới được tổ chức tế Trời.

Hiện tại, di tích đặc biệt này đã được tư liệu hóa và lấp cát tạm thời để bảo tồn. Theo kiến nghị của các chuyên gia, di tích này cần được Chính Phủ xem xét phương án nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng vùng diện tích lõi đã xuất lộ (25 x 15, 5 m) trong thời gian tới. Đặc biệt, xét trong tương quan với Nhà Quốc hội bên cạnh, di tích này chỉ "lấn" vào khoảng 5 % hầm để xe và một phần của lối vào hầm nên việc điều chỉnh là khả thi.

Nguồn: Hoàng Nguyên - TT&VH

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng