Khảo cổ
Độc đáo bảo vật chùa Thanh Mai
08:49 | 21/03/2017

Chùa Thanh Mai nằm ở xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh (Hải Dương) là một trong những trung tâm Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần, nơi gắn với tên tuổi Đệ nhị tổ Pháp Loa. Chùa Thanh Mai còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý giá, trong đó có tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” được tạo khắc từ thời nhà Trần, thế kỷ 14. Mới đây, tấm bia đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Độc đáo bảo vật chùa Thanh Mai
Nhà bia nơi có tấm bia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Chùa Thanh Mai nằm lưng chừng núi, bao bọc xung quanh bởi rừng phong và nhiều loại cây cổ thụ khác, với những gốc cây to sừng sững, khiến cảnh sắc của ngôi chùa càng thêm trầm mặc, uy linh.

Thầy Thích Chí Trung, trụ trì chùa Thanh Mai cho chúng tôi biết, ngôi cổ tự này được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV (khoảng năm 1329) trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Ngôi chùa trở thành một trong 3 chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là một trung tâm phật giáo của Việt Nam thời nhà Trần. Nơi Đệ nhị tổ Pháp Loa tu hành và biên soạn kinh sách về đạo Phật lúc sinh thời.

Gần 700 năm trôi qua, thời gian, chiến tranh đã khiến ngôi cổ tự xuống cấp toàn bộ các hạng mục từ chùa, tháp, bia đổ nát, hoang phế trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1980, chùa mới được tu sửa. Đến năm 1992, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Hiện chùa Thanh Mai còn lưu giữ được nhiều di sản hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh như: Viên Thông Bảo Tháp được xây dựng năm 1334, tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hòa 23 (1702), tháp Linh Quang được xây dựng năm Chính Hòa 24 (1703), cùng 7 tấm bia thời Trần, Lê. Trong đó quý nhất, giá trị nhất là tấm “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”.

Tấm bia này được tạo tác, khắc chữ từ thời Trần, ghi lại cuộc đời sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, các tấm bia còn lại ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo chùa.

Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối được đặt trên lưng rùa đá. Trải qua thời gian, mặt bia đã bị bào mòn, nhiều chữ đã mờ, xong vẫn đọc được, nhìn kỹ, còn thấy rõ những hoa văn điêu khắc nổi.

Bia có trán dẹt, mỏng, có kích thước 131 x 82 x 14 cm, trang trí hình rồng có mào. Ngoài ra, còn có các hoa văn thắt túi, hoa dây, sóng nước hình núi đặc trưng của lối trang trí, kiến trúc thời Trần. 

Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho. Văn bia do Trung Minh biên tập, dựa theo cuộc đời của Pháp Loa và được Tam tổ Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362).

Ngoài nội dung về thân thế, sự nghiệp của Đệ nhị Pháp Loa, nội dung trên tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của 3 vị tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn đương thời. Căn cứ vào những thông tin khắc trên tấm bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi, chúng ta biết rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa. 

Cuộc đời Pháp Loa không dài, nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ngài đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa, tháp tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm.

Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển Thiền Phái Trúc Lâm lên đỉnh cao. 

Sư thầy Thích Chí Trung cho biết: Tấm bia này đặc biệt, vì có giá trị tư liệu về văn hóa lịch sử về một thời đại trong lịch sử dân tộc, về xã hội thời nhà Trần. Tấm bia còn có giá trị lưu giữ văn tự thời nhà Trần.

Hiện nay, văn tự được viết từ thời nhà Trần trên hiện vật bằng đá còn lại không nhiều. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 8 tấm bia thôi. Vì sự đặc biệt như vậy mà “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” đợt 5 – vào cuối năm 2016.

Nguồn: Việt Cường - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng